Tiền vệ Nguyễn Quang Hải đoạt Quả bóng vàng Việt Nam 2018 khi cùng Hà Nội FC vô địch V-League 2018. ẢNH: HOÀNG HÙNG
Giải thưởng QBV Việt Nam ra đời vào năm 1995, thời điểm hạng đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam còn mang tên gọi Giải bóng đá Các đội mạnh Toàn quốc (1990-1996). Sau đó, đổi tên thành Giải hạng Nhất quốc gia (1997-2000) trước khi có bộ nhận diện V-League như hiện nay.
Khung thời gian Giải vô địch quốc gia còn "bao cấp", lịch sử Giải thưởng QBV Việt Nam ghi danh Lê Huỳnh Đức là cầu thủ đầu tiên đoạt danh hiệu cá nhân cao quý của bóng đá Việt Nam vào năm 1995. Khi ấy, ông cùng Công an TPHCM đăng quang sân chơi quốc nội và thi đấu tỏa sáng để đưa Việt Nam đoạt huy chương bạc SEA Games. Ba năm sau, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn trở thành người tiếp theo đoạt QBV Việt Nam với chức vô địch quốc gia cùng Thể Công (cuối năm có á quân Tiger Cup).
Trò chuyện với HLV thủ môn Võ Văn Hạnh - chủ nhân QBV Việt Nam 2001, người đi vào lịch sử là thủ môn đầu tiên đoạt QBV Việt Nam, ông nhớ lại: "Tôi không nghĩ mình được QBV Việt Nam 2001 đâu! Bởi thi đấu ở vị trí thủ môn ít được để ý so với tiền đạo có thống kê bàn thắng rõ ràng hay tiền vệ có thể tính được số đường chuyền. Năm 2001, bóng đá Việt Nam thi đấu không thành công ở quốc tế. Vì thế, giới bầu chọn nhìn vào các giải bóng đá trong nước để chấm điểm. Khi đó, tôi cùng SLNA vô địch V-League nên may mắn nhận được QBV Việt Nam".
Chức vô địch V-League càng có giá hơn khi trong 7 "mùa vàng" gần nhất, có đến 5 cầu thủ Nguyễn Anh Đức (Bình Dương, 2015), Phạm Thành Lương (Hà Nội FC, 2016), Đinh Thanh Trung (Quảng Nam, 2017), Nguyễn Quang Hải (Hà Nội FC, 2018) và Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội FC, 2019) được tôn vinh ở bục cao nhất trong đêm gala trao thưởng.
Thủ môn Võ Văn Hạnh (giữa) đoạt Quả bóng vàng Việt Nam 2001 sau khi cùng SLNA vô địch V-League. Bên phải là Lưu Ngọc Mai (Quả bóng đồng) - nữ cầu thủ đầu tiên nằm trong tốp 3 của giải thưởng. Bên trái là Quả bóng bạc Đỗ Khải (Hải Quan) ẢNH: HOÀNG HÙNG
Lật dở lại năm ngoái, V-League bị hủy vì dịch Covid-19. Đương kim QBV Việt Nam Nguyễn Hoàng Đức lên ngôi nhờ phong độ rực sáng trong màu áo đội tuyển quốc gia. Nếu V-League 2021 không "đứt gãnh", tiền vệ sinh năm 1998 vẫn có khả năng bảo vệ danh hiệu quốc nội. Bởi Viettel FC của Đức, khi đó đang cạnh tranh quyết liệt với đội đầu bảng HAGL.
Không đảm bảo cho chiến thắng, nhưng chức vô địch V-League sẽ giúp ứng viên chạy đua QBV Việt Nam nhận về thang điểm chấm rất cao từ hội đồng bầu chọn. Danh hiệu quốc nội là thước đo chuẩn mực để giới chuyên môn cân nhắc trước khi đặt bút điền tên cầu thủ mà theo họ xuất sắc nhất trong một năm.
V-League 2022 đang bước vào giai đoạn nước rút, với cuộc đua tranh đến ngôi vô địch vô cùng hấp dẫn. Hà Nội FC vẫn dẫn đầu đoàn đua, nhưng khoảng cách với nhóm bám đuổi có thể bị bắt kịp bằng một chiến thắng. Việc có đến 4-5 đội cùng cạnh tranh đến ngôi vương sẽ tăng giá trị cho mùa giải 2022. Điều này kéo theo chất lượng chuyên môn ở cuộc cạnh tranh cho danh hiệu QBV Việt Nam năm nay chắc chắn hấp dẫn hơn.
Nhưng cũng đừng quên sau V-League vẫn còn AFF Cup 2022...