Theo một báo cáo phân tích thị trường của Tập đoàn SPG Media, ngành công nghiệp bao bì toàn cầu trị giá 424 tỷ USD trong đó châu Âu chiếm 127 tỷ USD, Châu Á là 114 tỷ USD, Bắc Mỹ 118 tỷ USD, Châu Mỹ La Tinh 30 tỷ USD, và các nước khác chiếm 30 tỷ USD.
Về tỷ lệ phần trăm, châu Âu chiếm 30%, Bắc Mỹ là 28%, châu Mỹ La tinh chiếm 7%, châu Á chiếm 27% và 8% là của các khu vực khác. Nguyên liệu được sử dụng trong ngành công nghiệp bao bì toàn cầu thì giấy chiếm nhiều nhất là 36%, kim loại là 17%, nhựa 34%, thủy tinh 10% và các loại khác chiếm 3%.
Tuy nhiên, có nghịch lý mà gần như 7 tỷ người trên trái đất đều ít nhận ra: tác dụng của bao bì sau khi sử dụng.
Kín, tiện lợi, nhẹ, dễ mang theo, và không sợ bị rạn nứt – là tất cả những ưu điểm mà các bao bì đóng gói đem đến cho khách hàng, giúp ngăn ngừa tình trạng rò rỉ trong quá trình vận chuyển sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng.Chúng xứng đáng được coi như vàng với phần lớn các ngành công nghiệp đang thịnh hành khắp thế giới.
Tuy nhiên, sau khi sản phẩm được sử dụng, từ một thứ quý giá, bao bì trở thành rác và gây hại tới môi trường sống, đe dọa các loài sinh vật hay thậm chí là phủ kín các đại dương rộng lớn.
Nhân loại đang chìm trong biển rác là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, phần lớn người Việt Nam vẫn không biết rằng chúng ta đang góp phần tích cực khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Trong khi đó, tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải rắn đô thị thải ra tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng từ 11,6 triệu tấn năm 2016 lên 15,9 triệu tấn năm 2030. Đây là mức tăng đứng thứ 4 toàn châu Á về tốc độ tăng lượng rác thải rắn. Đứng vị trí cao trong danh sách "không ai muốn" về rác thải đặt ra một thực trạng nguy hiểm tại Việt Nam.
Đầu năm 2018, Coca-Cola, một trong 9 doanh nghiệp đầu tiên dựng xây lên PRO Vietnam, đã đặt mục tiêu thu gom và tái chế mọi chai hoặc lon sản phẩm mà công ty này bán ra trên toàn cầu vào năm 2030. Với một kế hoạch toàn diện mang tên "Thế giới không rác thải", Coca-Cola và mạng lưới đối tác đóng chai của mình trên phạm vi toàn cầu đều phải nghiêm túc trong hành động để hiện thực hóa mục tiêu.
Trong bối cảnh Trái đất đứng trước nguy cơ biến thành "trái nhựa" với các đại dương toàn rác và những khu rừng trơ trụi, Coca-Cola tập trung hiện thực hóa mục tiêu thông qua tái tạo toàn bộ vòng đời bao bì sản phẩm - từ cách thiết kế và chế tạo cho đến các giải pháp tái chế và tái sử dụng chai/lon.
Tái chế 100% bao bì sản phẩm, giảm thiểu lượng nhựa trong các chai là nhiệm vụ tưởng như bất khả thi. Tuy nhiên, theo CNN, Coca-Cola khẳng định mình là công ty đầu tiên trong danh sách Fortune 500 trả lại cho tự nhiên và cộng đồng khoảng 115% lượng nước đã dùng để sản xuất các loại đồ uống vào năm 2016. Đây là bước chạy đà và tạo niềm tin cho việc hiện thực hóa những điều không tưởng, nhất là khi mục tiêu này được Coca-Cola hoàn thành sớm hơn thời hạn tới 5 năm.
Tại Việt Nam, Coca-Cola cũng theo đuổi mục tiêu nước sạch với cam kết trả một lít nước lại cho cộng đồng với mỗi lít nước đã sử dụng. Nước thải của Coca-Cola ở nhà máy tại Đà Nẵng, Việt Nam sạch tới mức cá có thể sống khỏe mạnh trong hồ chứa nước thải.
Những con cá bơi lội là minh chứng cho độ sạch trong nước thải của Coca-Cola. Hơn 24 năm đầu tư ở Việt Nam, Coca-Cola thuộc Top 10 doanh nghiệp bền vững lĩnh vực sản xuất, theo bảng xếp hạng Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2017. Doanh nghiệp này đạt kết quả cao trên các tiêu chí đánh giá của bộ chỉ số CSI (Corporate Sustainability Index) về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, đúng một thập kỷ trước, Coca-Cola đã trình làng PlantBottle, một loại bao bì có thể tái chế hoàn toàn và được làm từ chất liệu có đến 30% nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên, 85% chai, lon và nắp sản phẩm của Coca-Cola được làm từ thủy tinh, nhựa PET hoặc nhôm nên bài toán nan giải nhất vẫn là tái chế nhóm vật liệu này.
Nói về lời giải cho câu hỏi hóc búa, James Quincey, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Coca-Cola, nhận định: "Chúng tôi tin rằng mỗi bao bì - bất kể có nguồn gốc từ đâu - đều có giá trị và vòng đời vượt xa khả năng sử dụng ban đầu. Hãy tái chế những gì có thể. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ để mọi người trên khắp hành tinh hiểu được mình có thể đóng góp thế nào cho hành trình này".
Song song với việc sử dụng vật liệu tái chế, Coca-Cola sẽ tăng lượng nhựa tái chế hoặc nhựa rPET trong sản xuất chai đựng nước ngọt lên tới 40% vào năm 2020. Chương trình Cuộc sống thứ 2 (2ndLives) mà Coca-Cola phát động tại Việt Nam từ năm 2014 cũng đã biến những chiếc chai nhựa đã được sử dụng thành những công cụ hữu ích cho cuộc sống.
Khoảng 40.000 món phụ kiện thay thế nắp chai đã được Coca-Cola phân phát ở Việt Nam nhằm biến chai nước bình thường trở thành những vật dụng gần gũi với đời sống người dân Việt Nam như bình xịt sơn, gọt bút chì, tạ tay trong dự án "Cuộc sống thứ hai cho chai nhựa".
Trước thực trạng đáng báo động, ngày 21/6/2019, một liên minh của 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì ở Việt Nam, gồm Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak, TH Group và Universal Robina Corporation, đã ký kết thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, được viết tắt là PRO Vietnam.
Bám chắc vào nguyên tắc 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – Tái chế), mục tiêu của PRO Vietnam là góp phần cho một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.
Nổi danh trong lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam, 9 doanh nghiệp này nhận thức rõ sự ảnh hưởng mà bao bì sảm phẩm của họ gây ra với môi trường và con người. Đó cũng chính là lý do khiến PRO Vietnam đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: "Vào năm 2030 tất cả bao bì do các thành viên đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế."
Để hiện thực hóa mục tiêu, PRO Vietnam hoạt động dựa trên bốn trụ cột chính. Thứ nhất, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác; Thứ hai, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có; Thứ ba, hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế và cuối cùng là hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh "Recycle - Tái chế của bộ nguyên tắc 3R thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện".
Ra đời từ sự đóng góp ý tưởng của các CEO hàng đầu trong vài tháng trước, PRO Vietnam tin rằng khi chung tay hành động hướng đến mục tiêu tái chế chung, kết quả đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều so với những hành động riêng rẽ. Đó là lý do họ luôn chào đón những doanh nghiệp khác tham gia để cùng hiện thực cam kết tái chế toàn bộ bao bì vào năm 2030.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, việc tái chế nhựa có thể mang đến những hiệu quả to lớn, không chỉ về môi trường mà còn cả về kinh tế.Tính đến năm 2018, 80% lượng phế liệu nhựa để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam đến từ nhập khẩu. Số lượng từ các nước G7 lên tới 254.000 tấn chiếm phần lớn lượng nhập khẩu này.
Trong khi đó, tính đến năm 2018, số liệu của Viện nghiên cứu Giấy và Bột giấy cho biết:Việt Nam đã nhập khẩu 57% tương đương với 2,1 triệu tấn giấy phế liệu làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế giấy. Trong bối cảnh nhiều nước châu Á, trong đó có cả Việt Nam bắt đầu áp dụng luật hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa và giấy (bao gồm cả bao bì), ngành công nghiệp với nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu không còn bền vững nữa.
Thực tế này dẫn đến nhu cầu về một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì để hoạt động sản xuất trong nước đứng vững trước sự biến động giá cả hoặc nguồn cung từ thế giới. Việc hiện thực hoá được điều này sẽ giúp giảm thiểu lượng bao bì thải ra môi trường và vấn nạn rác thải nhựa tại đại dương. Ngoài ra, sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu tái chế tốt hơn các nguyên liệu thô vì việc đó giúp giảm thiểu tiêu tốn năng lượng và lượng khí thải nhà kính.
Ngành bao bì tại Việt Nam ngày nay dựa hầu hết vào mô hình kinh tế tuyến tính, có nghĩa là sản xuất bao bì từ nguyên liệu thô, qua tiêu dùng và sau đó bao bì thải ra bãi rác tập trung và có thể bị thải ra môi trường. Quy trình xử lý và tái chế bao bì vẫn dựa hầu hết vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
PRO Vietnam hướng đến hiện thực hoá mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành bao bì vào năm 2030 bằng cách hợp tác với ngành công nghiệp tái chế chính thức. Liên minh này thực hiện thông qua việc tăng lượng thu gom, hỗ trợ những lực lượng thu gom tự phát cùng với việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi người tiêu dùng.
PRO Việt Nam sẽ hỗ trợ tái chế tại địa phương các sản phẩm bao bì sau tiêu dùng được sản xuất tại Việt Nam. Điều này bao gồm các ứng dụng tái chế tạo ra sản phẩm thứ cấp và đưa ra các điều kiện và kỹ thuật phù hợp với quy định, cũng như phát triển các ứng dụng dùng cho thực phẩm tại địa phương cho các sản phẩm sử dụng bao bì tái chế hướng tới tạo ra một vòng tái chế khép kín.