Bóng đá Việt Nam phải song hành mục tiêu World Cup và Olympic

HOÀNG Vũ thực hiện |

Với những gì các đội tuyển U19, U23 Việt Nam đã đạt được thời gian qua, liệu đã đến lúc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tính đến mục tiêu có mặt ở Olympic?

U23 Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á có mặt ở trận tứ kết của vòng chung kết U23 châu Á năm 2022. - Ảnh: VFF

U23 Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á có mặt ở trận tứ kết của vòng chung kết U23 châu Á năm 2022. - Ảnh: VFF

Đây là câu chuyện mà quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trao đổi với Tuổi Trẻ:

* Đội tuyển quốc gia đã có mục tiêu World Cup, VFF có tính đến mục tiêu có mặt ở Olympic với các đội tuyển trẻ hay không, thưa ông?

- Thực ra không phải đến khi đội tuyển quốc gia đặt ra mục tiêu World Cup chúng ta mới tính đến mục tiêu có mặt tại Olympic với các đội tuyển trẻ. Theo quan điểm của tôi, đây không phải là hai mục tiêu riêng biệt mà là hai mục tiêu nằm trên cùng một lộ trình, có mối quan hệ mang tính hệ thống rất chặt chẽ.

Vì vậy VFF luôn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển trẻ để tham dự các giải đấu quốc tế. Trong những năm qua, các đội tuyển U19, U23 đều liên tục giành quyền thi đấu tại VCK châu Á, từ đó đã tạo ra những sự thay đổi tích cực về chất lượng cho đội tuyển quốc gia.

Cụ thể, tại FIFA U20 World Cup 2017, việc được thi đấu với các đối thủ đẳng cấp thế giới đã giúp những Quang Hải, Văn Hậu, Hồ Tấn Tài, Đình Trọng, Hoàng Đức, Tiến Linh... trưởng thành rất nhanh, trở thành trụ cột và giúp đội tuyển quốc gia lần đầu tiên lọt vào tới vòng loại cuối cùng của World Cup 2022.

Còn tại VCK U23 châu Á, việc đoạt danh hiệu á quân đã đem đến nguồn sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam qua việc đạt được những thành công liên tiếp sau đó.

* Bóng đá trẻ Việt Nam cần phải có những bước đi như thế nào để tạo chân đế hiện thực hóa giấc mơ Olympic?

- Năm 2020, VFF đã thử nghiệm tổ chức thêm 2 giải đấu dành cho bóng đá trẻ là Cúp quốc gia U15 và U17. Năm 2021, VFF tiếp tục tổ chức thêm giải U9, nâng tổng số giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia lên 22 giải và qua đó từng bước hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá trẻ các lứa tuổi.

Từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển của bóng đá đỉnh cao trong nước và cho các đội tuyển quốc gia hướng tới những mục tiêu lớn như Olympic, World Cup.

Bóng đá Việt Nam phải song hành mục tiêu World Cup và Olympic - Ảnh 1.

Làm việc với bà Laura - tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Pháp - để triển khai kế hoạch đưa các đội tuyển trẻ sang Pháp tham dự các giải đấu quốc tế trong tương lai - Ảnh: Q.T.

Bóng đá trẻ là chân đế của đội tuyển quốc gia. Đó là lý do VFF đặt quyết tâm hoàn thiện hệ thống thi đấu dành cho bóng đá trẻ Việt Nam, bắt đầu từ U9 đến U21.

Ông TRẦN QUỐC TUẤN

* Ông đánh giá thế nào về cơ sở vật chất của các trung tâm đào tạo trẻ độc lập hoặc ở các CLB?

- Đang có những tín hiệu tích cực bởi ngoài các trung tâm đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế và đã khẳng định được thương hiệu như HAGL, PVF, Viettel, thời gian qua đã có thêm các trung tâm đào tạo, học viện bóng đá hoạt động một cách chuyên nghiệp như Học viện Juventus Việt Nam, Học viện bóng đá Nutifood, Học viện bóng đá Phù Đổng...

Một số CLB chuyên nghiệp cũng đang đầu tư mạnh cơ sở vật chất dành cho bóng đá trẻ như SLNA, Topenland Bình Định, Becamex Bình Dương... Theo tôi được biết, Next Media đã có kế hoạch liên kết với CLB Borussia Dortmund (Đức) để mở học viện bóng đá tại Việt Nam.

Tuy vậy cơ sở vật chất dành cho bóng đá trẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là những vướng mắc về nguồn kinh phí cũng như cơ chế chính sách về quỹ đất dành cho hoạt động bóng đá. Với những hiệu ứng tích cực mà bóng đá mang lại, hy vọng trong tương lai gần Nhà nước và các doanh nghiệp tham gia hoạt động bóng đá sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất trong đào tạo cầu thủ trẻ.

* HLV Park Hang Seo từng nói việc đào tạo các cầu thủ trẻ phải được bắt đầu một cách bài bản ở độ tuổi nhi đồng. Bóng đá Việt Nam hiện tại có đủ sức làm việc này để chuẩn bị cho những lứa cầu thủ hướng đến mục tiêu Olympic?

- Đúng vậy, các cầu thủ trẻ cần phải được tuyển chọn và đào tạo một cách bài bản ngay ở độ tuổi nhi đồng, đồng thời phải được thường xuyên tham gia thi đấu để tích lũy kinh nghiệm. Đó cũng chính là lý do VFF đặt quyết tâm hoàn thiện hệ thống thi đấu dành cho bóng đá trẻ, bắt đầu từ U9 cho đến U21.

Bên cạnh đó đưa bóng đá vào trường học dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa sẽ được VFF nghiên cứu phối hợp với Bộ GD-ĐT đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Ngoài ra VFF sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của FIFA và AFC tăng cường các chương trình mục tiêu cho công tác đào tạo HLV, trọng tài và bóng đá trẻ.

Mặt khác cần khuyến khích các tổ chức kinh tế, tư nhân tham gia đào tạo và cung cấp cầu thủ cho các CLB giống như mô hình của Trung tâm bóng đá trẻ PVF hay Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Học viện bóng đá Juventus Việt Nam, Học viện bóng đá Nutifood...

* Ngoài nội lực, những "ngoại viện" như chuyến tập huấn của tuyển U17 ở Đức, hay cái bắt tay với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản sẽ mang lại điều gì cho bóng đá trẻ Việt Nam? Nguồn cầu thủ trẻ Việt kiều thế nào?

- Quan hệ hợp tác với các nước có nền bóng đá phát triển tiếp tục sẽ là giải pháp hiệu quả đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Chẳng hạn, thông qua chương trình hợp tác giữa VFF và Nhật Bản, VFF và Hàn Quốc, từ năm 2017 đến nay các đội tuyển trẻ U16, U19 nam, nữ Việt Nam thường xuyên có các chuyến tập huấn chất lượng tại hai quốc gia này.

Hiện VFF cũng đang tiếp tục mở rộng mối quan hệ với các quốc gia Tây Á, là những nền bóng đá mạnh của châu Á, trong đó có Saudi Arabia, UAE... với những chương trình hợp tác cụ thể dành cho phát triển bóng đá.

Đối với nguồn cầu thủ Việt kiều, VFF luôn tạo điều kiện nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho đội tuyển. Điều quan trọng là bản thân họ phải thể hiện khát khao cống hiến và phải đáp ứng được các yêu cầu về chuyên môn của HLV trưởng, cũng như các yêu cầu về mặt pháp lý và tư cách thi đấu cho đội tuyển quốc gia theo quy định của FIFA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại