Trần Đình Trọng và áp lực vượt qua "bóng ma" chấn thương

GG |

Với trung vệ Trần Đình Trọng, áp lực cạnh tranh suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam với các đồng nghiệp khác không phải là rào cản lớn nhất. Vào lúc này, trước hết anh cần vượt qua nỗi ám ảnh về chấn thương kéo dài suốt 2 năm qua, để lấy lại hình ảnh của một trong những hậu vệ xuất sắc nhất Việt Nam.

2 năm đầy thử thách

Kể từ khi HLV Park Hang-seo đến Việt Nam làm việc, Trần Đình Trọng đã vụt sáng trở thành một trong những hậu vệ tốt nhất của U23 cũng như ĐTQG.

Anh luôn là sự lựa chọn hàng đầu ở trung tâm hàng phòng ngự, dù những vị trí bên cạnh có thể thay đổi từ Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng đến Thành Chung, Tấn Sinh... Không có thể hình quá cao to, nhưng Đình Trọng luôn nhanh hơn đối phương "một cái đầu".

Tấn Sinh, đồng đội của Đình Trọng tại U23 Việt Nam từng nói về đàn anh một cách ngưỡng mộ: "Anh Trọng rất khác biệt, anh ấy luôn biết đối thủ sẽ di chuyển thế nào. Chơi cạnh anh Trọng rất yên tâm".

Khi sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, Đình Trọng lại bất ngờ gặp phải những chấn thương liên miên. Trong 2 năm qua, Đình Trọng là một trong những cầu thủ được... phẫu thuật nhiều nhất.

Trần Đình Trọng và áp lực vượt qua bóng ma chấn thương - Ảnh 1.

Đình Trọng vật lộn trên chặng đường tìm lại chính mình (Ảnh: Hiếu Lương)

Đầu tiên là ca mổ chữa mẻ xương bàn chân cuối năm 2018 khiến Đình Trọng lỡ Asian Cup 2019, giải đấu lớn nhất của ĐT Việt Nam từ khi HLV Park Hang-seo nắm quyền chỉ đạo. Cơn ác mộng thực sự đến vào tháng 6/2019, khi Hà Nội FC làm khách trên sân của HAGL. Sau một pha tranh chấp đơn giản, Đình Trọng bất ngờ gục xuống, ôm chặt lấy đầu gối. Anh được chẩn đoán bị đứt dây chằng, tiếp tục phải sang Hàn Quốc phẫu thuật.

Chấn thương chưa lành hẳn, Đình Trọng vẫn ra sân thi đấu tại VCK U23 châu Á 2020. Dẫu biết khát khao thi đấu là rất lớn nhưng sự vội vàng đó nhanh chóng khiến trung vệ này hối hận. U23 Việt Nam về nước sớm, còn cá nhân Đình Trọng hầu như chỉ xuất hiện trên khán đài sân Hàng Đẫy ở mùa giải 2020.

"Sau nhiều lần gặp phải chấn thương không đáng có, quay trở lại sớm để rồi tái phát, tôi đã rút ra nhiều bài học", Đình Trọng chia sẻ trong một bài phỏng vấn sau thời gian dài tập phục hồi tại PVF. Đầu tháng 8/2020, cầu thủ này "bí mật" lên bàn mổ giải quyết vấn đề sụn gối.

NHM có lẽ sẽ chẳng biết đến sự việc này nếu bức ảnh của Đình Trọng trong bệnh viện được một bác sĩ vô tình tiết lộ. Kể từ đó đến nay, chưa bao giờ các fan được thấy chàng trai "sơ vin" này có được phong độ cao nhất.

Vượt qua ám ảnh bởi hai từ "chấn thương"

Trước một buổi tập của ĐTQG gần đây, khi nhắc về chấn thương, chẳng đợi người hỏi nói hết câu, Đình Trọng đã đáp lời: "Tôi đã hoàn toàn bình phục chấn thương từ rất lâu rồi, mong mọi người chú ý hơn về chuyên môn của tôi trên sân cỏ để tôi nhanh chóng lấy lại phong độ".

Đây giống như một lời tuyên bố của chàng tuyển thủ này về tình trạng sức khỏe của mình. Anh đã dành rất nhiều thời gian để chữa trị và tập phục hồi. Với những nỗ lực đó, Đình Trọng mong muốn mọi người cùng anh hướng đến tương lai, với đầy thử thách khó khăn.

Trần Đình Trọng và áp lực vượt qua bóng ma chấn thương - Ảnh 2.

Giờ đây, Đình Trọng không còn là số 1. Ở ĐTQG, bộ ba Duy Mạnh, Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải mới là ưu tiên của HLV Park Hang-seo. Tại CLB Hà Nội, Thành Chung cùng với Duy Mạnh cũng cho thấy sự ổn định cao ở chặng đường đã qua của V.League.

Để lấy lại vị thế vốn có, Đình Trọng trước hết cần vượt qua chính mình, thậm chí phải hay hơn phiên bản 2018 bởi các đồng đội của anh cũng đã tiến bộ hơn nhiều.

Vòng loại thứ 3 World Cup sẽ là một bài test cực đại với Đình Trọng. Một màn trình diễn tốt trước đối thủ đẳng cấp châu lục sẽ giúp cầu thủ mang áo số 21 lấy lại sự tự tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại