Nếu chẳng thể đồng hành, xin đừng xé nát giấc mơ mang tên Văn Hậu!

Lam Chi |

Văn Hậu vẫn đang là cái tên khiến không ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam trăn trở. Hôm qua, HLV Chu Đình Nghiêm đã nói rằng điểm yếu lớn nhất của Văn Hậu là khả năng giao tiếp.

1. Lần gần nhất ra sân cùng đội trẻ Heerenveen, hậu vệ người Thái Bình được thi đấu cả trận và cùng các đồng đội làm nên chiến thắng 1-0 trước đối thủ đã từng "hủy diệt" họ đến 6-0 hồi tháng 11 năm ngoái. Đáng chú ý là ở trận đấu này, Văn Hậu được bố trí chơi trung vệ từ đầu trận, thay vì vị trí hậu vệ cánh trái quen thuộc của mình.

Cũng như chiếc thẻ vàng phải nhận ngay trong trận đầu tiên ra mắt Heerenveen chỉ sau có 3 phút ngắn ngủi vào sân, việc Văn Hậu "phải" chơi ở vị trí không phải là sở trường đem lại nhiều tranh cãi.

Người hâm mộ có góc nhìn bi quan sẽ đặt câu hỏi vì sao tuyển thủ Việt Nam này phải chơi ở vị trí này, phải chăng là do Lucas Woudenberg - cầu thủ từng "độc chiếm" cánh trái của Heerenveen hồi năm ngoái, giờ lại khiến Văn Hậu phải loay hoay tìm vị trí khác, dù là ở đội trẻ?

Nếu chẳng thể đồng hành, xin đừng xé nát giấc mơ mang tên Văn Hậu! - Ảnh 1.

Còn với những người nhìn sự việc theo góc nhìn tích cực, cũng như việc tuyển thủ Việt Nam phải nhận thẻ vàng ngày nào bởi cứu pha chuyền hỏng của đồng đội, đây là một dấu hiệu tích cực khi CLB Hà Lan muốn thử nghiệm ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam ở vị trí mà anh đã từng chơi khá tốt trong màu áo CLB Hà Nội, giúp anh hoàn thiện và đa năng hơn trong tương lai.

Song dù cho thế nào đi nữa, việc Văn Hậu chưa thể thêm lần ra sân trong màu áo đội 1 Heerenveen sau màn ra mắt ngắn ngủi cũng đem lại rất nhiều trăn trở cho người hâm mộ Việt Nam yêu mến anh. Liệu ngôi sao trẻ từng góp phần cực kỳ quan trọng vào chức vô địch SEA Games quý giá của bóng đá Việt Nam có đang "cố đấm ăn xôi", và liệu việc HLV Chu Đình Nghiêm khẳng định rằng CLB Hà Nội luôn dang rộng vòng tay đón Văn Hậu trở về là không thừa?

Để trả lời câu hỏi ấy, hãy nhìn vào "ông vua" của bóng đá Nhật Bản - Kazu Miura...

Nếu chẳng thể đồng hành, xin đừng xé nát giấc mơ mang tên Văn Hậu! - Ảnh 2.

2. "King Kazu" - cái tên mà thế giới bóng đá nhắc về ông, làm nên sự vĩ đại của mình từ sự dấn thân, vào thời điểm bóng đá đang còn cực kỳ nguyên sơ ở Nhật Bản. Mười lăm tuổi, ông bỏ nhà sang Brazil học bóng đá và thi đấu bóng đá. Một thân một mình nơi xứ người, ông làm đủ mọi nghề để kiếm sống, phải ở cùng với những đồng hương làm gái điếm và giang hồ nơi đất khách quê người.

Giữa thập niên 1990, khi đang sống đời sống vương giả ở Nhật Bản, Kazu không ngại sang Serie A, đá ở giải đấu khó khăn nhất thế giới vào thời điểm đó. Ông thất bại, trở về, rồi lại khăn gói sang Croatia đá cho Dinamo Zagreb. Ông mang cả thế giới trở lại Nhật Bản, rồi lại mang Nhật Bản ra đến thế giới.

Với người Nhật, hành trình vươn lên của Kazu chính là hành trình vươn lên của Nhật Bản, từ con số 0 và trở nên rực rỡ.

Bộ truyện tranh nổi tiếng nhất của Nhật Bản không phải là Doraemon, mà là Tsubasa, đã bán hơn 80 triệu bản, được không chỉ người Nhật, mà dân Đức, Tây Ban Nha và Italia đón nhật nhiệt liệt. Nhân vật chính của bộ truyện tranh ấy, đích thị lấy hình mẫu từ Kazu.

Nếu chẳng thể đồng hành, xin đừng xé nát giấc mơ mang tên Văn Hậu! - Ảnh 3.

Truyện mang nhiều tình tiết hư cấu, nhưng truyền cảm hứng khủng khiếp. Leo Messi, Andres Iniesta, Del Piero, Fernando Torres, Lucas Podolski... đều thừa nhận Tsubasa ảnh hưởng đến bản thân mình. Anh em nhà Torres thủa nhỏ rất nghèo, TV chả mấy khi bắt được tín hiệu, nên khi hình ảnh phim hoạt hình Tsubasa hiện lên, họ có cảm tưởng như vừa... trúng số.

Dù không phải một thân một mình nơi đất khách quê người, dù cho đích đến là châu Âu, chứ không phải Brazil như Kazu gần 40 năm về trước, nhưng những gì Văn Hậu đang dấn thân cùng giấc mơ của mình có rất nhiều nét tương đồng với "vị vua" của bóng đá Nhật Bản ngày nào. Nét tương đồng ấy là khát vọng cháy bỏng muốn chứng tỏ bản thân, để đạt được giấc mơ cao hơn là đem bóng đá Việt Nam ra thế giới, để rồi mang sự chuyên nghiệp của bóng đá thế giới trở về Việt Nam.

Khát vọng ấy được thể hiện rõ ràng bằng câu nói từng được Văn Hậu nhắc lại rất nhiều lần "Kẻ khốn cùng nhất trên thế giới này không phải là người không có một đồng xu dính túi, mà là kẻ không có nổi một ước mơ".

Giấc mơ được ra sân trong đội hình chính thức Heerenveen của Văn Hậu chưa trở thành hiện thực. Nhưng nghĩ mà xem, anh chỉ mới đến Hà Lan có 5 tháng, trong đó đã mất hẳn gần 1 tháng để góp công đem về chức vô địch SEA Games cho bóng đá Việt Nam.

Nghĩ mà xem, Heerenveen đang dành những điều tốt nhất cho ngôi sao trẻ Việt Nam với sự chuẩn bị cực kỳ kỹ càng, giúp Văn Hậu cải thiện rõ rệt về thể hình, sức mạnh và tốc độ - những điều được thể hiện cực kỳ rõ ràng ở SEA Games 30 vừa qua, cũng như về mặt tâm lý, khi trận đấu gần nhất cùng đội trẻ Heerenveen, anh chơi cực kỳ tự tin ở cả vị trí trung vệ lẫn hậu vệ cánh.

Bóng đá có thứ ngôn ngữ riêng của nó, HLV Chu Đình Nghiêm ạ, và có theo dõi sát những bước chân của Văn Hậu, ông mới cảm nhận được sự tiến bộ của người học trò cũ, cảm nhận được sự hòa nhập đáng ngạc nhiên của Văn Hậu ở môi trường mới tận trời Âu này.

Heerenveen đang giúp Văn Hậu hoàn thành giấc mơ của mình - giấc mơ từng được Kazu Miura hoàn thành vì sự lớn mạnh của bóng đá Nhật Bản. Sự chênh lệch khủng khiếp giữa bóng đá Việt Nam và châu Âu mới là thứ rào cản lớn nhất, mà chỉ có sự quyết tâm và thời gian mới san lấp nổi, chứ không phải khả năng giao tiếp trên sân đâu.

Hãy cho Văn Hậu và Heerenveen thời gian. Đừng chào đón cậu ấy trở về. Hãy chúc những điều tốt đẹp nhất đến với người đang dành cả tuổi thanh xuân để theo đuổi giấc mơ lớn lao nhất trong đời một cầu thủ, chỉ thế là đủ rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại