UAE của Van Marwijk tung chiêu xấu "khó đỡ", thầy Park liệu có hóa giải nổi không?

Đặng Xá |

HLV Park Hang-seo đã đương đầu với hầu hết các loại đấu pháp tại châu Á, nhưng UAE có thể sẽ đem tới một dạng đấu pháp dị biệt và phản cảm.

1. Trong vòng 2 năm qua, các cấp đội tuyển Việt Nam do HLV Park Hang-seo dẫn dắt đã đương đầu và vượt qua gần như đủ mọi dạng đối thủ trong khu vực châu Á. Từ lối đá tạt cánh đánh đầu thuần chất Anh của U23 Australia, phong cách chơi bóng kiểu tiqui-taca của U23 Qatar, lối chơi giàu kỷ luật chiến thuật và tận dụng sự vượt trội về thể chất của Olympic Hàn Quốc, phong cách ngẫu hứng tự phát của các đối thủ Tây Á hay trường phái Joga Bonito phiên bản châu Á của Nhật Bản.

Nhưng tựu trung, tuyệt đại đa số các đội được xếp cửa trên so với thầy trò Park Hang-seo đều chọn lối đá cửa trên, tức kiểm soát nhiều bóng và chủ động tổ chức tấn công. Điều đó đồng nghĩa tạo điều kiện cho HLV Park Hang-seo áp dụng lối đá phòng ngự phản công sở trường. Đặc điểm trong lối đá của đội bóng áo đỏ là khả năng pressing phá lối chơi và những đợt lên bóng nhanh, tốc độ chuyển trạng thái và những pha phối hợp nhanh theo chiều dọc sân.

Chung kết World Cup 2010: Tây Ban Nha 1-0 Hà Lan

Sở dĩ phải phân tích như vậy để tách biệt với cách phòng ngự đổ bê-tông, điều thường thấy ở các đội bóng của Jose Mourinho hay Diego Simeone. Tại sân chơi World Cup, đội tuyển Hà Lan cũng từng trình diễn lối đá thực dụng tương tự và vào đến chung kết năm 2010. Tuy nhiên, năm đó Hà Lan lại gây ra sự phản cảm bởi áp dụng lối đá phòng ngự tới mức cực đoan, gây phản cảm cho người xem.

Linh hồn của Á quân thế giới 2010 ấy không phải là Wesley Sneijer, không phải là Robin van Persie, càng không phải là Arjen Robben. Linh hồn của đội bóng ấy là cặp tiền vệ trung tâm chém đinh chặt sắt Nigel de Jong và Mark van Bommel. Hẳn nhiều người chưa thể quên pha quét trụ mà Van Bommel nhằm vào Andres Iniesta trong khi cú kungfu của De Jong vào ngực Alonso thì đã đi vào kinh điển.

2. Dẫn dắt đội tuyển Hà Lan trở thành đội Á quân World Cup phản cảm nhất thế giới là Bert van Marwijk, HLV UAE hiện tại. Trở lại với trận chung kết World Cup 2010 tại Soccer City (Johannesburg, Nam Phi), Cơn lốc màu da cam vào sân với tâm thế cửa dưới, đương đầu với một Tây Ban Nha đang thống trị thế giới bằng tiki-taka, cho nên việc chọn lối chơi phòng ngự phản công là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, cái cách Hà Lan phòng ngự lại khiến người xem bực bội. Đó là một lối đá tiểu xảo, thô bạo, phản ánh qua cặp Van Bommel và De Jong. Các cầu thủ áo cam không ngần ngại phạm lỗi để truy cản và thậm chí triệt hạ đối phương.

Thậm chí, Hà Lan còn thiếu fair-play tới nỗi mỗi khi bắt buộc trả bóng lại đá bóng về sát hai biên thay vì trả cho thủ môn đối phương. Bởi vậy, cú kungfu của De Jong không chỉ thể hiện một tình huống chơi xấu mà là biểu tượng cho một đội bóng xấu chơi.

Cú kungfu của Nigel De Jong vào ngực Xabi Alonso

Một lý do khác để Van Marwijk lựa chọn lối đá phản cảm như vậy là nếu chơi bóng sòng phẳng, không tiểu xảo, Hà Lan chắc chắn sẽ vỡ vụn trước Tây Ban Nha. Điều đó rất dễ nhận ra bởi Tây Ban Nha là đội bóng hùng mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó và Hà Lan lại sở hữu hàng phòng ngự chẳng lấy gì làm vững chãi. Heitinga hay Mathijsen đều không phải là những trung vệ hàng đầu. Và cuối cùng, lối chơi xấu ấy đã phải trả giá bởi đòn trừng phạt của Iniesta.

Gần 10 năm sau trận chung kết World Cup, Van Marwijk lại bước vào một trận đấu sống còn khác. Đó là chuyến hành quân đến Mỹ Đình. Như báo giới UAE đã đưa tin những ngày qua, chuyến làm khách trước Việt Nam sẽ quyết định cơ hội của đội bóng Tây Á lẫn tương lai của HLV Van Marwijk. Đơn giản trên bảng xếp hạng sau 3 lượt trận, UAE mới có 6 điểm và xếp sau cả Thái Lan lẫn Việt Nam với 1 điểm ít hơn.

3. Từ chung kết World Cup đến Mỹ Đình, tình thế của van Marwijk có nhiều điểm tương đồng ngoài chuyện vận mệnh. Đầu tiên, trong tay van Marwijk là một UAE đi xuống. Điều đó được thể hiện qua sự chật vật ở hai trận gặp Thái Lan (thua) và Malaysia (thắng sát nút). Tiếp đến, UAE không phải là đội bóng có hàng thủ chắc chắn, thậm chí lối chơi vẫn phảng phất nét tự phát của các cầu thủ Tây Á nên nhiều khi không giữ được cự ly.

UAE của Van Marwijk tung chiêu xấu khó đỡ, thầy Park liệu có hóa giải nổi không? - Ảnh 4.

Thứ ba, quan trọng nhất, tương tự Tây Ban Nha với tiki-taka, đội tuyển Việt Nam cũng sở hữu mảng miếng chiến thuật mà hầu hết các đội bóng tại châu Á chưa phá được. Đó là cách bố trí đội hình 3 trung vệ của Park Hang-seo. Mỗi đội hình đều có ưu và nhược điểm riêng, nhưng sơ đồ 3 trung vệ lại là xu thế của bóng đá đương đại, khi tuyến phòng ngự có thêm người để bịt kín các khoảng không gian.

Không những thế, thể chất và đặc tính của cầu thủ Việt Nam lại rất phù hợp với cách bố trí đội hình này. Bởi vậy, thành công vang dội của bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua mang dấu ấn đậm nét của đấu pháp chiến thuật. Và cũng vì vậy, van Marwijk đã tuyên bố sẽ chơi phòng ngự tại Mỹ Đình. Phòng ngự ở đây, hoàn toàn có thể là đá bẩn như đội tuyển Hà Lan gần 10 năm trước.

Trở lại với câu chuyện đề cập đầu bài viết, thầy trò Park Hang-seo đã đương đầu mọi dạng đối thủ và đấu pháp chiến thuật tại châu Á. Duy chỉ có trường hợp dị biệt là một đội bóng vượt trội về thể chất và kỹ năng nhưng lại chọn lối chơi phòng ngự phản công thì chưa hề. Van Marwijk và UAE sẽ mang bài toán ấy đến Mỹ Đình. Nếu giải được, đội tuyển Việt Nam vươn tới đẳng cấp mới, như Tây Ban Nha đã bước lên bục đăng quang World Cup.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại