Giàu như bóng đá UAE: “Chúng tôi việc quái gì phải ra châu Âu”

Na Miên |

Không có cầu thủ nào của tuyển UAE thi đấu tại châu Âu như Việt Nam. Vậy phải chăng trình độ bóng đá của UAE chưa đủ đẳng cấp để đến vùng đất chất lượng nhất của bóng đá thế giới?

Vì châu Âu phải đến với họ

Trong suốt chiến dịch vòng loại World Cup 2022 cũng như 20 cầu thủ mà Bert van Marwijk mang tới Việt Nam nhằm chuẩn bị cho trận đấu rất quan trọng, không có bất cứ cầu thủ nào đang thi đấu ở châu Âu.

Vì họ làm gì có cầu thủ nào thi đấu ở lục địa già? Bói cả UAE thì có đâu vỏn vẹn 2 cầu thủ ra nước ngoài thi đấu là Abdrahman Mahamet của đội hạng nhì Al Kharitiyath tại Qatar và Sultan Dawood Al Shammari của đội hạng nhất Al Batin ở Saudi Arabia.

UAE tham dự World Cup lần đầu và cũng là duy nhất với lứa thế hệ tài năng vào năm 1990. Tuy vậy, phải tới năm 1996, các cầu thủ UAE mới không còn phải chiều đi đá bóng, sáng đi làm thêm nữa, họ trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ.

Giàu như bóng đá UAE: “Chúng tôi việc quái gì phải ra châu Âu” - Ảnh 1.

Tuy nhiên, trong con mắt của giới phân tích phương Tây, bóng đá ở Các tiểu Vương quốc giàu bậc nhất thế giới này vẫn giống mô hình cổ điển kiểu Soviet, khi mà các đội bóng được bao cấp hoàn toàn, mà đứng đầu mỗi đội bóng là các quan chức hay các ông hoàng.

Từ những năm 90, khi bóng đá châu Á còn đang khó khăn, mỗi trận thắng, các cầu thủ UAE có thể nhận "tiền tấn" hoặc những chiếc Mercedes. Các quan chức UAE không muốn cầu thủ nước ngoài tới giải đấu của họ. Ngược lại, cầu thủ UAE cũng không phải đi đâu, cứ giải quốc nội mà đá, cuộc sống của họ sẽ được đảm bảo ngay cả khi họ giải nghệ với những công việc phù hợp, lương cao.

Sau này thì UAE mở cửa cho cầu thủ nước ngoài nhưng cũng rất hạn chế, để đảm bảo phát triển tài năng quốc nội. Và một câu hỏi người ta thường đặt ra là, ai sẽ là cầu thủ đầu tiên của UAE xuất ngoại ra châu Âu?

Giàu như bóng đá UAE: “Chúng tôi việc quái gì phải ra châu Âu” - Ảnh 2.

Nhờ nguồn lực tài chính dồi dào, bóng đá UAE qua thời gian phát triển vượt bậc. Họ chưa phải là ông kẹ châu Á, nhưng cơ sở vật chất cho bóng đá nói riêng và thể thao nói chung thì đã vươn tầm số 1 thế giới.

Khoảng chục năm trở lại đây, các đội bóng Premier League cũng như các đội hàng đầu châu Âu khác như Real, Barca, Bayern… luôn chọn UAE là nơi tập luyện. Quốc gia này cũng là lựa chọn hàng đầu của những ngôi sao thể thao khác trong việc tập huấn như tay vợt Federer hay tay đấm Khabib Nurmagomedov,.

Thủ môn Adam Federici của Australia và CLB Stoke City cho biết: "Ngoài cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng, những cầu thủ châu Âu tới UAE tập huấn còn vì sức khỏe. Không khí trong lành và chúng tôi nhận được một chút vitamin D trong môi trường như vậy".

"Ai sẽ là cầu thủ UAE đầu tiên tới với các giải đấu hàng đầu châu Âu? Tôi không nghĩ vậy, chỉ có dòng chảy ngược lại mà thôi. Ở một môi trường bóng đá thế này, cầu thủ UAE không phải đi đâu".

Giàu như bóng đá UAE: “Chúng tôi việc quái gì phải ra châu Âu” - Ảnh 3.

Man United chọn UAE là nơi tập huấn.

Vì môi trường và cơ sở vật chất đẳng cấp khiến những đội bóng như Man United cũng phải mê như vậy, nên cũng thật dễ hiểu khi UAE chê điều kiện tập luyện ở Việt Nam, chọn Thái Lan làm nơi tập tạm và chỉ cần 1 ngày làm quen sân trước khi quyết đấu thầy trò Park Hang-seo.

Nhưng UAE cũng cần thay đổi

Nhưng cơ sở vật chất và khí hậu cũng chỉ là một phần của cuộc chơi. Phải chăng vì thế mà sau năm 1990, bóng đá UAE tuy quá thừa tiền bạc để nuôi cầu thủ của họ và nuôi cả những đội bóng lớn của châu Âu như Man City hay PSG nhưng tuyển quốc gia vẫn thiếu lực để trở lại World Cup?

Giàu như bóng đá UAE: “Chúng tôi việc quái gì phải ra châu Âu” - Ảnh 4.

Thất bại tại chiến dịch đến World Cup 2018 khiến Liên đoàn Bóng đá UAE rối bời với những tranh cãi "như mổ bò". Phe cải cách, đứng đầu là Chủ tịch Marwan Ahmad Bin Ghalita cho rằng, đã đến lúc cầu thủ UAE phải ra châu Âu thi đấu để nâng cao trình độ, đồng thời tiếp tục hạn chế cầu thủ nước ngoài.

Nhưng vì các cầu thủ UAE quá nhiều tiền, chế độ đãi ngộ lại cao, môi trường tập luyện thi đấu lại lý tưởng thì việc gì họ phải xa vợ con ra nước ngoài để có thể phải… dự bị? Các CLB cũng không muốn mất đi các tài năng trẻ của họ vào tay những đội bóng nước ngoài.

Chính phủ dường như đang ủng hộ Bin Ghalita. Họ đã có kế hoạch cắt hộ trợ tài chính "kiểu Soviet" cho các CLB địa phương, để các CLB này đối mặt sức ép tài chính mà buộc phải bán cầu thủ ra nước ngoài, nhằm tạo doanh thu.

Giàu như UAE kể cũng… khổ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại