Sau lời thở than của thầy Park là thực tại "chân đế World Cup" đáng buồn của Việt Nam

Na Miên |

Chính Park Hang-seo khiến khát vọng World Cup của người Việt bùng cháy và cũng chỉ có Park Hang-seo mới đủ sức đưa người Việt về với thực tại, rằng chúng ta chưa đủ tầm World Cup…

Trong cuộc họp báo mới đây, HLV Park Hang-seo đã chỉ ra rằng một hiện thực rất hiển nhiên rằng, muốn đi World Cup trong tương lai, chúng ta phải trông đợi vào thế hệ cầu thủ trẻ các lứa U10, U12 hay U15.

Xem Việt Nam như quê hương thứ hai nên ngài Park cũng "cảm thấy đau lòng" khi chứng kiến không ít trung tâm đào tạo trẻ, nhất là những vùng xa xôi, cơ sở vật chất thiếu thốn, dinh dưỡng không đảm bảo.

Và Park Hang-seo cho rằng: "Họ đang tuổi lớn mà dinh dưỡng không đầy đủ thì chưa biết sẽ thế nào. Thế hệ ta là người lớn, ta không quan tâm mà mong họ tham dự Olympic hay World Cup là sai".

Sau lời thở than của thầy Park là thực tại chân đế World Cup đáng buồn của Việt Nam - Ảnh 1.

Giấc mơ World Cup của Việt Nam nằm trong tay các lứa cầu thủ trẻ.

Chân đế đào tạo trẻ cần những cậu bé từ 6 tuổi?

Lời HLV Park Hang-seo cũng chẳng phải phát hiện mới hay chân lý mang tính đột phá gì, mà nó là hiện thực hiển nhiên. Rất nhiều trung tâm đào tạo trẻ của Việt Nam kém chất lượng như HLV Park đã chỉ ra. Những trung tâm đào tạo mới, liên kết với các đội bóng nước ngoài cũng đã mọc lên nhưng hiệu quả thế nào thì cần thời gian trả lời.

HAGL là lò đào tạo nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Nhưng sau lứa Công Phượng thì cũng không đạt được thành công như mong đợi. Vậy nên, nếu gắn với giấc mơ World Cup thì đào tạo trẻ lại càng trở nên cấp thiết.

Có sự khác biệt lớn giữa đào tạo trẻ Việt Nam và các nền bóng đá lớn trên thế giới về cơ sở vật chất và chế độ dinh dưỡng. Nhưng ngay lứa tuổi lựa chọn để khởi đầu cho quá trình đào tạo cũng có sự khác nhau.

Sau lời thở than của thầy Park là thực tại chân đế World Cup đáng buồn của Việt Nam - Ảnh 2.

Sau lứa U19 của những Công Phượng, Xuân Trường, HAGL vẫn chưa có thêm lứa cầu thủ trẻ nào đáng kể.

Các nền bóng đá lớn trên thế giới bắt đầu tuyển chọn đào tạo trẻ từ lứa U6. Trong khi đó, Việt Nam bắt đầu với U10 hoặc 11 cho tới 20 tuổi, tức là muộn hơn so với thế giới 4 tuổi.

Theo nghiên cứu của giới khoa học thể thao, 6 là độ tuổi phù hợp để bắt đầu cho quá trình đào tạo trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Vậy nên chăng, VFF nên cùng các đội bóng cùng nhau thống nhất một quy trình tuyển chọn. Quy trình ấy có sự đồng nhất về lứa tuổi, mà cụ thể là U6.

Trong một thế giới phẳng thì giáo trình về đào tạo trẻ ở đâu cũng giống nhau và các nước có thể dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, chương trình đào tạo ở mỗi quốc gia đều có những nét riêng để phù hợp với tâm sinh lý và thể hình thể.

Nói về vấn đề này, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng: "Tôi hoàn toàn đồng ý với HLV Park Hang-seo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên bắt đầu quá trình đào tạo trẻ từ lứa 6 tuổi. Giai đoạn từ 6 đến 15 tuổi, nếu có thể thì VFF nên thuê chuyên gia giỏi để xây dựng giáo trình".

Sau lời thở than của thầy Park là thực tại chân đế World Cup đáng buồn của Việt Nam - Ảnh 3.

"Giáo trình ở đây, chỉ là giáo trình khung, nó mang tính chất hết sức cơ bản, tức là một cầu thủ trẻ tiến tới cầu thủ chuyên nghiệp anh ta phải qua giai đoạn đào tạo cũng như phải đạt được yếu tố nền tảng của giáo trình".

Và chân đế giải vô địch quốc gia

Sau công tác đào tạo trẻ dĩ nhiên phải là giải vô địch quốc gia. Một nền bóng đá có đội tuyển quốc gia đủ sức mạnh đến sân chơi World Cup phải là nền bóng đá có giải VĐQG mạnh.

Tại Việt Nam, với hệ thống giải VĐQG mà các chuyên gia vẫn gọi là "kim tự tháp ngược" (V.League có 14 đội bóng, V.League 2 có 12 đội), các vị trí tiền đạo và trung vệ do cầu thủ ngoại nắm giữ tới 80%. Vậy nên, HLV Park Hang-seo mới tỏ ra lo ngại đặt vấn đề: "Lấy đâu ra cơ hội ở hai vị trí đó cho cầu thủ Việt Nam?".

Sau lời thở than của thầy Park là thực tại chân đế World Cup đáng buồn của Việt Nam - Ảnh 4.

Nhưng đó cũng là vấn đề chung của nền bóng đá thế giới, nên lo lắng của Park Hang-seo không dễ gì giải quyết. Tuy nhiên, để giải vô địch quốc gia vững mạnh, nhằm có lợi nhất cho đội tuyển quốc gia, các nền bóng đá mạnh thường có tính đồng nhất về hệ thống thi đấu.

Ông Đoàn Minh Xương cho rằng: "Hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập, về số lượng và chất lượng các đội bóng cũng như mô hình của các CLB. Theo tôi VFF nên tổng kết lại, nhằm giúp các CLB ngày càng phát triển. Bởi hiện nay chúng ta có 14 đội chuyên nghiệp nhưng không có mấy đội bóng có "bầu sữa" mạnh mẽ về mặt tài chính, mà chỉ làm năm nào biết năm đó".

Bóng đá Việt Nam bao giờ tới được World Cup? Một người có tài như ông Park cũng phải cần có cơ sở thực tiễn mới có thể dự đoán được. Mà dựa trên hai cơ sở - hai chân đế quan trọng của nền bóng đá Việt Nam là đào tạo trẻ và giải VĐQG, thì ông Park cũng chịu, chưa thể định được ngày người Việt Nam có mặt tại sân chơi đỉnh cao của thế giới…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại