Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 2): “Để tồn tại, tôi phải nói dối đã khoác áo PSV và đánh bại những người uống máu rắn”

THANH ĐÌNH - QUÝ SÁNG |

Ở kỳ trước chúng ta đã biết về sự khởi đầu của Danny van Bakel ở Việt Nam. Bây giờ là phần tiếp theo, khi hậu vệ người Hà Lan phải học cách thích ứng với một nền văn hóa xa lạ, dẫn đến những câu chuyện dở khóc dở cười.

Như đã nói, trước khi ký hợp đồng, những người ở Bình Dương nghĩ rằng Danny van Bakel là một cầu thủ lớn. Vì vậy, hậu vệ người Hà Lan, từng chơi nghiệp dư ở Bỉ, thậm chí kiếm được công việc trong một ngân hàng nhờ vào bản CV thiết kế cầu kỳ và sáng tạo, phải sống với điều đó.

"Nếu biết từng chơi cho Helmond Sport, Dijkse Boys và Lutlommel, có lẽ họ sẽ tống cổ tôi ngay lập tức", Van Bakel nói, "Vậy nên tôi nói dối, rằng đã khoác áo PSV khi còn trẻ. Điều này gây ấn tượng rất lớn và trong hầu hết các cuộc phỏng vấn tại Việt Nam, tôi phải trả lời các câu hỏi về PSV". Ngay bây giờ, nếu search các bài báo cũ liên quan, bạn có thể thấy dòng giới thiệu quen thuộc: "Van Bakel trưởng thành từ lò đào tạo của CLB PSV Eindhoven".

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 2): “Để tồn tại, tôi phải nói dối đã khoác áo PSV và đánh bại những người uống máu rắn” - Ảnh 1.

Đừng nói là Việt Nam, ngay cả những người Hà Lan cũng chẳng mấy ai biết đến mấy CLB mà Van Bakel khoác áo trước khi đến mảnh đất hình chữ S. Một lần, Van Bakel được mời đến sự kiện của Heineken tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ruud van Nistelrooy cũng ở đó, và anh phát run khi nhìn thấy thần tượng, người mà anh đã cổ vũ trên khán đài của PSV vào những năm 2000.

Van Bakel lập tức tiến đến, hỏi rằng anh có thể chụp hình cùng không. Van Nistelrooy quay lại đầy ngạc nhiên. "Ê, một người Hà Lan này", cựu tiền đạo của PSV và MU thốt lên, "Làm gì ở đây thế anh bạn?". "Tôi đá bóng", Van Bakel đáp, "Trước tôi đá cho Helmond Sport". Nói đến đây, anh thừa nhận rằng Van Nistelrooy không hề có ý niệm gì về cái tên đó.

Dù sao thì, khi nói dối giúp cuộc sống mới bắt đầu ở Việt Nam trở nên dễ chịu, thì nó cũng đáng. Còn quá nhiều khó khăn khác mà Van Bakel phải thích nghi, từ khí hậu khó chịu, những món ăn xa lạ đến các mối quan hệ đan xen trong đội bóng.

"Ở một trong những trận đầu tiên, tôi quát lên với anh chàng tiền vệ chơi phía trước. Thấy cậu ta chẳng quan tâm lắm, tôi đã hét to hơn. Cậu ta nổi cáu và ngạc nhiên thay, những người khác cũng bực tức với tôi. Té ra anh chàng nhỏ bé này là thủ lĩnh ở ĐTQG và tôi cần biểu thị sự tôn trọng nhiều hơn".

Hay hồi chuyển đến Thanh Hóa, trong một trận Van Bakel bỗng quên mất tên tiền vệ phòng ngự đội nhà, chỉ nhớ rằng cái tên đó liên quan đến tiếng chuông. Để gọi người đồng đội, khi ấy dâng lên quá cao, quay về hỗ trợ phòng ngự, Van Bakel hét loạn xà ngầu: "Tiếng chuông", rồi "Bim Bam", "Ting ting", "Tjing Tjing". Phải đến khi nhìn vào lưng áo, anh mới nhớ ra. À, là Đình Đồng (Trần Đình Đồng, nếu bỏ dấu, phát âm là Đing Đông).

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 2): “Để tồn tại, tôi phải nói dối đã khoác áo PSV và đánh bại những người uống máu rắn” - Ảnh 2.

Theo Van Bakel, cần phải hiểu Việt Nam trước khi thích đất nước này. Anh học được một số từ để giao tiếp với đồng đội, cải thiện mối quan hệ, dần ăn uống được nhiều hơn và chơi tốt hơn, dẫn đến những bài báo tích cực.

Anh không còn ngạc nhiên với cung cách điều trị chấn thương ở xứ sở này. Như có lần chấn thương gót chân, Van Bakel được đưa đến một ông lang. Chân anh được đắp lên một thứ gì đó sột sệt như cháo rồi quấn lại bằng vải, sau đó bị ép phải nuốt "hai quả bóng nhỏ màu đen" (tức viên hoàn). Thật bẩn thỉu và kỳ quái, nhưng chỉ hôm sau, cơn đau biến mất.

Và anh cũng không cảm thấy kỳ lạ khi chứng kiến hai chiếc xe máy lao vào nhau trên đường, một trong hai chở theo 2 con lợn bị mổ phanh, mõm quét xuống đất. Rồi cả cách thưởng thức ẩm thực theo phong cách chẳng giống ai của người Việt, khi "họ ăn mọi thứ, bao gồm tất cả những con gì bay, chạy, bò hay bơi", hoặc "một con chó quay vàng nằm trên phản" là hình ảnh rất phổ biến.

Tại Bình Dương người ta hay ăn rắn, được mua từ "những người đi xe máy chở chiếc thùng chứa đầy các con vật đáng sợ đó". Rồi theo Bakel, "gã bán sẽ đập chết, lấy máu và cắt chúng ra thành từng miếng".

"Các đồng đội của tôi ăn thịt và uống máu (chi tiết này sẽ đỡ man rợ hơn khi người Việt chúng ta gọi là ăn tiết, hoặc uống tiết pha với rượu) như một nghi thức giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn", cựu hậu vệ Bình Dương kể, "Chà, tôi không biết nó có tác dụng hay không, có lẽ là không, bởi đơn giản là tôi luôn đánh bại những người đã uống máu rắn trong các buổi tập".

Thời gian đầu, Bakel cũng phát điên với sự mê tín của người Việt. "Sau các trận đấu, chiến thuật là điều cuối cùng họ xét đến. Với họ, điều quan trọng hơn nhiều, chẳng hạn là thứ tự người bước lên xe bus. Một lần tình cờ tôi là người đầu tiên bước lên và đội chúng tôi giành chiến thắng. Vậy là những lần sau, tất cả đều đợi tôi bước lên trước rồi mới đi theo. Sẽ thật khủng khiếp nếu ai đó thay đổi trật tự ấy. May cho tôi là đội lại thua 0-2 ở trận kế, vì vậy tôi không bao giờ trở thành người đầu tiên lên xe bus nữa".

Bóng đá Việt qua mắt cầu thủ ngoại (kỳ 2): “Để tồn tại, tôi phải nói dối đã khoác áo PSV và đánh bại những người uống máu rắn” - Ảnh 3.

Trong những ngày đầu, sự cô đơn của Van Bakel giảm bớt nhờ sự xuất hiện của Balla. Đó là một chú khỉ anh mua trong lần đi ăn cùng đồng đội. Tại nhà hàng, người ta có rất nhiều cái lồng chứa đủ mọi con vật trên đời, bao gồm cả chó, rắn và khỉ, chờ mổ thịt. Anh đã chọn chú khỉ này làm thú cưng và nó rất biết cách khiến anh bận rộn, bằng việc chạy nhảy khắp nơi hoặc ném trứng vào các đồng đội. Sau này chuyển đến Đồng Nai, Van Bakel tặng lại nó cho một cầu thủ làm quà.

Dù sao thì khi ấy Bakel đã có Myno, cô DJ xinh đẹp anh tình cờ gặp ở quán café tại TP Hồ Chí Minh rồi lấy làm vợ. Đó là một mối tình ngọt ngào. Và sau này, mái ấm gia đình là chỗ dựa vững chắc để Van Bakel vượt qua những sóng gió, như cuộc chiến với HLV Lê Thụy Hải.

(Thông tin được tổng hợp từ các trang tiếng Hà Lan)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại