Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến?

Minh Chính |

Công nghệ ở thế kỷ 21 phát triển như vũ bão. Những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng trước tiên trong lĩnh vực quân sự, với các vũ khí thông minh. Trong bối cảnh ấy, võ thuật có còn chỗ đứng?

Võ thuật trong thời đại ngày nay

Ngày 22/6/2017, một lính bắn tỉa của lực lượng đặc nhiệm Canada đã sử dụng khẩu súng trường bắn tỉa McMillan TAC-50 để hạ mục tiêu là một lính khủng bố của lực lượng IS ở khoảng cách xa tới 3.540m.

Trước khi kỷ lục mới này được xác lập, các lực lượng đặc biệt của quân đội nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức và ngay cả Việt Nam đều có những đội bắn tỉa - mà tùy theo vũ khí được trang bị, có thể hạ mục tiêu từ khoảng cách 1.000m đến trên 2.500m.

Điều đó có nghĩa là ở thời hiện đại, người ta có thể hạ đối thủ từ xa, rất lâu trước khi đối thủ kịp nhận ra mình ở trong vùng nguy hiểm, hay nói cách khác, việc tiếp cận gần đối thủ trong các cuộc chiến tranh ngày nay không còn dễ dàng như trước.

Ấy là nói về lĩnh vực quân sự, còn trong cuộc sống hàng ngày, đây đó vẫn có thể nhìn thấy các xung đột và những trận chiến đường phố giữa các cá nhân hoặc nhóm người nhưng cách nhìn nhận và hành xử đã khác xưa.

Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến? - Ảnh 1.

Ở nhiều diễn đàn, nhóm hẹp chuyên bàn về võ thuật, người ta khuyên nhau tránh xa những trận chiến ngoài đường và nếu như không thể tránh khỏi cuộc xung đột thì việc đối đáp hòa nhã nhằm giảm cơn nóng giận của đối phương luôn là phương án được những người học võ lựa chọn trước tiên. Các trận đấu võ của những cá nhân theo kiểu "long hổ tranh hùng" hay Lục Vân Tiên ra tay trấn áp đám người bất lương giờ đây hầu như chỉ còn được thấy trên phim ảnh.

Mặc dù không có thống kê cụ thể nhưng nhìn vào những thông tin trên truyền thông, mạng xã hội và các diễn đàn liên quan đến võ thuật, chẳng khó để thấy số người theo học các môn võ hiện nay ở Việt Nam khá đông đảo.

Dù vậy điều không thể phủ nhận là sức ảnh hưởng của võ thuật theo kiểu truyền thống trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam đã giảm đi nhiều so với hàng chục, hàng trăm năm trước, phần vì bối cảnh xã hội ngày nay làm thay đổi văn hóa ứng xử, phần vì các điều luật cùng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn đã hạn chế hành vi tự phát khi giải quyết các xung đột trong cuộc sống.

Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến? - Ảnh 2.

Trong nỗ lực ngăn cản sự thoái trào có thể dẫn đến tuyệt chủng các môn võ thuật, người ta tìm cách chuyển võ thuật truyền thống sang lĩnh vực thể thao để vừa mang tính giải trí, vừa có thể duy trì được hình ảnh của các môn võ.

Vô số giải đấu võ thuật ra đời với các võ sĩ thoạt tiên chỉ mang găng thi đấu rồi dần dà số trang bị bảo hộ cứ tăng dần lên do việc thi đấu vẫn mang tính biểu diễn là chính.

Thế nhưng khán giả thì ngày càng hiểu biết và khó tính hơn, đặc biệt là những người hâm mộ võ thuật chẳng mấy chốc nhận ra rằng các giải đấu ấy không thể hiện thứ võ thuật mà họ mong muốn được xem, bởi thi đấu mà mang găng đội mũ mặc giáp đeo bảo hộ chân tay thì võ sĩ phải đánh vào... đâu bây giờ, chưa kể còn hàng loạt vị trí bị cấm tấn công.

Rốt cuộc là dù thi đấu võ thuật để phục vụ giải trí thì các giải đấu thu hút người xem nhất hiện nay đều cố gắng mô phỏng những tình huống, đòn thế gần với võ thuật truyền thống nhất.

Võ sỹ MMA đánh chết nhà vô địch cử tạ

Những võ sĩ MMA (viết tắt của cụm từ Mixed Martial Arts - võ thuật tổng hợp) thi đấu tại giải UFC (viết tắt của cụm từ Ultimate Fighting Championship - giải vô địch đối kháng hàng đầu) hiện nay phần lớn có thể sử dụng thành thạo vài môn võ như karatedo, taekwondo, judo, jujitsu, sambo, boxing, muaythai... Các trận đấu ở những giải đấu như UFC có tính đối kháng rất cao, võ sĩ hầu như không mang đồ bảo hộ và do đó gần giống nhất với võ thuật thực chiến, hay còn gọi là võ thuật truyền thống.

Vẫn còn chỗ cho dòng võ thực chiến

Những võ sĩ MMA giỏi, trên thực tế cũng không dám vỗ ngực xưng bá nếu rơi vào một trận chiến bên ngoài các giải đấu, thường được gọi là trận chiến đường phố. Các trận chiến đường phố - nếu xét về độ khốc liệt và nguy hiểm, cao hơn rất nhiều so với những giải đấu khét tiếng như UFC, Kickboxing K1, bởi nơi đây không có luật thi đấu, không có dây ring võ đài hay lồng giác đấu và dĩ nhiên chẳng hề có trọng tài.

Đó cũng là bối cảnh của nhiều năm về trước, khi võ thuật truyền thống còn sức ảnh hưởng lớn, phát huy được những tinh hoa trong vô số cuộc chiến tranh lẫn những cuộc chiến "không quy ước" trong đời sống xã hội.

Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến? - Ảnh 4.

Võ thực chiến có những nét đẹp rất riêng.

Nhiều môn võ và các hệ phái được thành lập với hiệu quả chiến đấu cao mà giới chuyên môn thường định nghĩa bằng cụm từ "tính thực chiến". Mặc dù ở thời hiện đại, một số môn võ đã chuyển toàn bộ hoặc một phần sang xu hướng thể thao, không ít môn phái, hệ phái cũng theo đó tàn lụi hoặc giảm hiệu quả chiến đấu thì vẫn còn một số môn võ và môn phái kiên định theo đường lối chú trọng tính thực chiến để giữ gìn những tinh hoa võ học như thuở ban đầu lúc nó được sinh ra.

Bối cảnh chung về võ thuật ở Việt Nam không phải là ngoại lệ. Bên cạnh nhiều môn phái theo xu hướng chung đã chuyển dần nội dung tập luyện sang loại hình võ thể thao, cũng có những môn phái giữ được hiệu quả thực chiến dù ở các mức độ khác nhau, có thể kể ra vài cái tên như Thái Lý Phật, Nhất Nam, Long Hổ Hội...

Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến? - Ảnh 5.

Đòn chỏ lật như thế này sẽ không được thấy ở các trận đấu “quy ước”.

Trong số này, Long Hổ Hội mà đại diện tiêu biểu hiện nay là võ phái Long Phi Thanh mang những đặc điểm rất rõ của một môn phái đi theo đường lối duy trì các yếu tố đặc sắc từng có ở môn võ khởi nguồn từ hàng trăm năm trước. Dựa trên nền tảng của môn Thiếu Lâm Nững Xị, một nhánh võ của người Triều Châu thuộc Thiếu Lâm Bắc Phái, các môn đồ Long Hổ Hội từng làm mưa làm gió trên các võ đài đấu võ tự do tại Sài Gòn trước năm 1975 với kiểu đấu đài khá giống kiểu đấu của những võ sĩ MMA hiện nay.

Sau năm 1975, võ sư chưởng môn Phạm Văn Thanh của võ phái Long Phi Thanh tiếp quản chân truyền từ cố võ sư Long Hổ Hội (tức Lâm Hữu Hội) đã tiếp tục sự nghiệp đào tạo ra các võ sinh Thiếu Lâm Nững Xị nhưng ông không đào tạo các võ sĩ đánh đài nữa.

Ngoài lý do các đòn đánh của dòng võ thực chiến này mang tính sát thương quá lớn, việc đấu đài đi kèm các quy định cấm một số đòn, theo võ sư Phạm Văn Thanh, đã làm khuyết đi những đòn đặc trưng trong hệ thống đòn thế từng làm nên tên tuổi của Thiếu Lâm Nững Xị như đòn rờ-ve, đòn chỏ lật, chỏ cắm...

Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến? - Ảnh 6.

Đòn rờ-ve trước, bị cấm dùng trên võ đài nhưng rất hiệu quả trong thực chiến.

Chấp nhận không tham gia các giải đấu đồng nghĩa với mất đi cơ hội dương danh tên tuổi, bù lại các môn sinh võ phái Long Phi Thanh được rèn luyện hệ thống hoàn chỉnh về quyền thuật, binh khí "như nguyên bản" và chỉ có thế thì những tuyệt chiêu như "không đỡ không lui", "đánh trong lúc bị đánh, ra tay sau mà đòn đến trước" cùng các combo đòn hiểm hóc mới phát huy tối đa tác dụng.

Ngoài việc dạy cho các võ sinh của môn phái, võ sư Phạm Văn Thanh còn giúp huấn luyện thực chiến cho một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, lực lượng kiểm lâm và được đánh giá cao về hiệu quả chiến đấu trong các trường hợp thực tiễn cụ thể.

Phải chăng võ cổ truyền chẳng còn chỗ đứng trên trường thực chiến? - Ảnh 7.

Lời kết: Chuyển võ thuật đi theo xu hướng biểu diễn và tổ chức các giải đấu cũng là một biện pháp nhằm kéo dài sức sống cho lĩnh vực đặc thù này, song để võ thuật không dần mai một thì cách làm đúng đắn nhất vẫn là truyền bá cho các thế hệ võ sinh những tinh túy của môn võ ấy như khi nó ra đời và được kiểm nghiệm hiệu quả trong nhiều năm con người chiến đấu để sinh tồn với thiên nhiên và đứng được bên cạnh nhau sống một cuộc sống hòa bình.

Những người học võ thực chiến có thể suốt cuộc đời sẽ chẳng phải dùng đến võ thuật để chứng minh hiệu quả, đơn giản là vì nó đã được chứng minh rồi, nhưng sẽ lại truyền cho thế hệ kế tiếp nguyên vẹn những gì mà họ học được từ thế hệ đi trước. Võ thuật, xét cho đến cùng, là một phần của văn hóa trong đời sống con người chứ chẳng đơn giản là chuyện so găng nói chuyện được thua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại