Sau trận đại thắng, bóng đá Việt Nam còn cả một quãng đường dài để bắt kịp Thái Lan

Đặng Xá - Ảnh: Đông Anh |

U23 Việt Nam đánh bại U23 Thái, ngoài giá trị của một tấm vé, chiến thắng này còn xua tan mọi chỉ trích, tái khẳng định năng lực của các chàng trai áo đỏ lẫn HLV Park Hang-seo.

1. Bên cạnh đó, chiến thắng này còn mang ý nghĩa lịch sử lớn lao bởi chưa bao giờ Việt Nam đánh bại Thái Lan với tỷ số đậm đà như vậy ở mọi cấp độ đội tuyển. Vì vậy, chiến thắng này đánh dấu một bước ngoặt mà như thầy Park đã phát biểu sau trận đấu: "Từ nay Việt Nam không còn sợ Thái Lan".

Hãy hiểu đúng ngữ nghĩa của câu nói này thay vì vĩ cuồng thái quá. Việt Nam không sợ Thái Lan, tức chúng ta đang có một thế hệ cầu thủ tài năng, một nhà cầm quân tài ba để đủ tự tin hiên ngang đối đầu người Thái. Tuy nhiên, đó chỉ là những cuộc giao đấu chớp nhoáng, những màn so tài ngắn hạn.

Ở cuộc đua đường trường, chúng ta vẫn cần tôn trọng và học hỏi rất nhiều từ người Thái, nhất là cách quốc gia này làm bóng đá. 20 năm trước, khái niệm lên chuyên xuất hiện và V.League như là đấu trường số một Đông Nam Á, điểm đến mơ ước của những ngôi sao bởi tiền bạc ê hề được tung ra bởi những ông bầu.

Sau trận đại thắng, bóng đá Việt Nam còn cả một quãng đường dài để bắt kịp Thái Lan - Ảnh 1.

Tuy nhiên, chỉ số ít ông bầu thật tâm đầu tư, đa phần đến và đi chớp nhoáng vì "cả thèm chóng chán" hoặc đạt được mục đích riêng nào đó. Vì vậy, nền bóng đá xứ sở hình chữ S một thời chới với lao đao và nhận ra cái sự chuyên nghiệp nửa vời. Một thập kỷ sau, người Thái quyết định đi theo mô hình của Premier League.

Vào năm 2009, giải đấu bóng đá cao nhất của xứ sở chùa Vàng được đổi tên thành Thai Premier League (TPL). Đó không chỉ là sự rập khuôn sáo rỗng theo tên tuổi giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh mà là chiến lược phát triển hết sức bài bản. Cụ thể, Ban tổ chức TPL đã chi tiền mua bản quyền format quản lý và tổ chức của Premier League.

Trong khi đó, các CLB được khuyến khích phát triển theo mô hình của các đội bóng lớn tại Anh, chẳng hạn SCG Muangthong United phỏng theo Manchester United còn Buriram United phỏng theo Chelsea, tất nhiên không phải bằng cách vung tiền mua sao như Becamex Bình Dương để rồi được ví là Chelsea Việt Nam những năm 2000.

Sau trận đại thắng, bóng đá Việt Nam còn cả một quãng đường dài để bắt kịp Thái Lan - Ảnh 2.

Ngoài ra, các CLB cũng đầu tư phát cơ sở vật chất, chú trọng chất lượng mặt cỏ cho đến việc xây dựng SVĐ theo mô hình tổ hợp thể thao và giải trí, ngoài sân cỏ là nhà hàng, cửa hiệu bán đồ thể thao của chính đội bóng… Điều đáng nói hơn nữa, người Thái học hỏi chứ không hề sao chép y hệt. Thế nên Thai Premier League vẫn có bản sắc của người Thái, của châu Á với lối đá chú trọng kỹ thuật và ban bật quãng ngắn.

2. Đến nay đã tròn 10 năm từ khi người Thái "lên chuyên" và Thai Premier League đã vươn tầm châu lục. So về tính cạnh tranh, độ hấp dẫn, sức hút đầu tư, lượng khán giả đến sân, TPL được đánh giá chỉ kém K-League và J-League, tức đứng thứ ba tại châu Á. Nếu cần những dẫn chứng cụ thể hơn, hãy tham khảo một vào con số dưới đây.

Sau trận đại thắng, bóng đá Việt Nam còn cả một quãng đường dài để bắt kịp Thái Lan - Ảnh 3.

Trên bảng xếp hạng các giải VĐQG của LĐBĐ châu Á (AFC), bảng xếp hạng chỉ tính thành tích các CLB tại các giải châu lục, TPL đứng thứ 8, V.League đứng thứ 22. Nếu định giá cầu thủ, tổng giá trị cầu thủ của TPL là gần 65 triệu USD, còn của V.League là gần 5 triệu USD.

Dẫn chứng rõ ràng hơn, liệu CLB Việt Nam nào đủ sức bỏ ra 3 tỷ đồng giải phóng hợp đồng kèm mức lương 10.000 USD/tháng chỉ cho một thủ môn như Muangthong United đã thực hiện với Đặng Văn Lâm?

Thế nên, cần thừa nhận giữa V.League và TPL có sự chênh lệch không hề nhỏ. Và cần lưu ý, giải VĐQG là cái gốc và ĐTQG là cái ngọn. Cái gốc có bền vững thì cái ngọn mới vươn cao vươn xa. Dĩ nhiên, thành công trong bóng đá không chỉ phụ thuộc vào giải VĐQG mà còn nhiều yếu tố khác như phẩm chất con người, bóng đá học đường, bóng đá trẻ và một thứ khá trừu tượng là đam mê.

Sau trận đại thắng, bóng đá Việt Nam còn cả một quãng đường dài để bắt kịp Thái Lan - Ảnh 4.

Muangthong United sẵn sàng chi "tiền tấn" để có được sự phục vụ của thủ thành Đặng Văn Lâm.

Về khái niệm trừu tượng vừa nêu, tuy có vẻ mông lung nhưng rất quan trọng. Từ Croatia, Uruguay cho đến Brazil, bóng đá được người dân xem như một tôn giáo và là lối thoát khỏi sự đói nghèo, thậm chí trước đây bóng đá là vùng bình yên giúp những đứa trẻ thoát ra khỏi ác mộng chiến tranh.

Thế nên, hoặc dân số không đông, hoặc cơ sở vật chất thiếu thốn, các quốc gia này vẫn thành công về bóng đá, từ việc sản sinh ra các tài năng cho đến việc đạt thành tích cao tại các kỳ World Cup. Brazil từng 5 lần vô địch, Uruguay 2 lần còn Croatia tuy mới thành lập hơn 20 năm đã 2 lần vào tới bán kết, 1 lần giành ngôi á quân.

Và về khái niệm đam mê này, có thể tự tin mà khẳng định người Việt hơn người Thái. Vấn đề còn lại thuộc về các nhà quản lý bóng đá, làm sao tổ chức được một giải VĐQG thật chuyên nghiệp, thật hấp dẫn và gặt hái thành công. Lúc đó chắc chắn trái ngọt sẽ tiếp tục đến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại