Từ vụ VFF nhận án phạt 12.500USD: Nói không với pháo sáng!

ĐĂNG HUỲNH |

VFF vừa lại phải nhận án phạt 12.500USD từ AFC vì cổ động viên CĐV đốt pháo sáng trong trận bán kết ASIAD 18 giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Các CĐV, đừng để tình yêu bóng đá của mình phải trả giá đắt.

VFF phải “trả giá” vì CĐV gây rối

Trong trận đấu giữa U.23 Việt Nam và U.23 Hàn Quốc ở bán kết môn bóng đá nam ASIAD 18, rất đông CĐV Việt Nam đến SVĐ Pakansari (Indoensia) để tiếp sức cho thầy trò HLV Park Hang-seo. 

Tuy nhiên, do đội nhà để thua Hàn Quốc nên một số CĐV quá khích đã đốt pháo sáng trên khán đài. Hành động này đã khiến VFF phải nhận án phạt từ AFC với số tiền là 12.500USD (gần 300 triệu đồng). 

AFC cũng đưa ra cảnh báo nếu CĐV Việt Nam tiếp tục đốt pháo sáng trong các trận đấu quốc tế của các ĐTQG Việt Nam, bóng đá Việt Nam sẽ phải đối diện với hình thức kỷ luật nặng hơn như đá sân trung lập thi đấu hoặc đóng cửa sân thi đấu.

Trước đó, VFF cũng phải nộp phạt 15.000USD, khi một số CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên khán đài SVĐ Olympic Quốc gia (Campuchia) trong trận đấu ở vòng loại Asian Cup 2019. Và sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2016 trên sân Mỹ Đình, VFF cũng nhận án phạt lên đến gần 1 tỉ đồng. 

Trận đấu đó, ĐT Việt Nam hoà Indonesia 2-2 và bị loại với tổng tỉ số 2-3. Do quá thất vọng nên nhiều CĐV đã đốt pháo sáng và ném chai nước xuống sân, một số kẻ quá khích đã ném đá vỡ cửa kính xe bus chở ĐT Indonesia sau trận đấu.

CĐV phải tự nâng cao ý thức

Bài học đến từ các đội bóng Đông Nam Á từng bị phạt nặng vì sự cố khán giả vẫn còn đó. Trận đấu giữa Malaysia và Saudi Arabia ở vòng loại World Cup 2018 hồi tháng 9.2015 đã bị hủy bỏ vì sự quá khích của một số CĐV Malaysia. Phút 88 khi tỉ số đang là 2-1 nghiêng về Saudi Arabia, các CĐV đội nhà đã làm loạn, đốt pháo sáng ném xuống sân.

Sự việc này đã khiến FIFA mở cuộc điều tra và xét đến tính nghiêm trọng của vụ việc, Ủy ban kỷ luật của FIFA đã xử Malaysia thua 0-3. Bên cạnh đó, họ phải thi đấu trận tiếp theo trên sân nhà gặp UAE tại vòng loại World Cup 2018 trên sân không có khán giả, còn LĐBĐ Malaysia bị phạt 180.000 ringgit (hơn 900 triệu đồng Việt Nam).

Năm 2014, LĐBĐ Myanmar từng bị AFC đã phạt 24.000 USD vì để xảy ra hành vi quá khích của CĐV ở trận tứ kết giải U19 Châu Á giữa U.19 Myanmar với U.19 UAE. Trước đó, năm 2011 FIFA đã ban hành án phạt 20.500 Euro, cấm Myanmar đá VL World Cup 2018 vì để CĐV gây bạo loạn trận gặp Oman tại VL World Cup 2014.

Thực tế, VFF đã nhiều lần khẳng định sẽ chỉ đạo sát sao BTC các trận đấu tại sân nhà để kiên quyết không để hiện tượng bán hàng để nguyên chai nước, kiểm soát hạn chế tối đa mang pháo vào sân. 

Bên cạnh đó cũng tích cực tuyên truyền để CĐV có ý thức, thái độ chuyên nghiệp hơn, góp phần vào sự phát triển của BĐVN, bởi những án phạt không chỉ thiệt hại lớn về tài chính mà khiến uy tín, hình ảnh của cả một nền bóng đá.

Chuyện CĐV gây rối, đốt pháo sáng là một vấn nạn ở V.League. Từ mùa giải 2018, Ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp đề xuất cả việc phạt chính CLB có CĐV đốt pháo sáng chứ không chỉ phạt riêng BTC sân. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp này chưa mang lại hiệu quả và thói quen xấu này có thể sẽ ảnh hưởng đến các ĐTQG.

Sau khi nhận án phạt gần 300 triệu từ quả pháo sáng ở ASIAD 18, VFF đã khuyến cáo và một lần nữa gửi đi thông điệp với các CĐV “nói không với pháo sáng”. Bởi sắp tới ĐT Việt Nam sẽ tham dự giải đấu quan trọng nhất trong năm là AFF Cup 2018. Nếu tình trạng CĐV gây rối bằng pháo sang tiếp tục xảy ra, không chỉ VFF phải trả giá mà chính các CĐV chịu thiệt thòi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại