Nói với con trai: "Nhìn Công Vinh mà lớn con nhé"

Hà Quang Minh |

Không phải tôi bảo nó lấy Vinh ra làm gương. Bởi tấm gương của ai, người đó tự chọn, kể cả là mình làm cha, mình cũng không có quyền chọn thay, ép uổng...

1. Đêm thứ Hai, sau chương trình bình luận trên sóng K+, tôi nhận được tin nhắn của anh Văn Hùng, cựu đội trưởng Công An Hà Nội, từ thời trước 1975. Anh hỏi tôi, sau khi nghe tôi dự đoán trận lượt về Việt Nam – Indo trong chương trình bình luận ấy, rằng "Em đoán tỷ số trận lượt về không thật phải không em?".

Anh Văn Hùng, người mà lẽ ra, theo tuổi tác, tôi phải gọi bằng chú, luôn dành cho tôi một tình cảm trân quý. Mỗi chương trình tôi bình luận trong vai khách mời anh đều không bỏ sót. Tôi nói trúng, anh khen. Tôi nói chưa trúng, anh góp ý ngay.

Tôi bắc máy gọi lại anh liền, vì câu hỏi lý thú quá. Chẳng là tôi vốn ghét dự đoán, nhất là dự đoán tỷ số. Nhưng khổ, người dẫn chương trình bình luận bóng đá ở xứ Việt mình rất khoái cái món dự đoán đó. Bởi thế, hôm ấy, tôi có nói: "Tôi mong anh Hữu Thắng khắc phục sớm được các nhược điểm hàng thủ, để thắng Indo 2-0".

Tôi nói với anh Văn Hùng rằng: "Anh ạ. Vì là người Việt, mình phải tin vả mình muốn niềm tin ấy xảy ra, trở thành sự thật". Anh Hùng cười hiền, nhưng sảng khoái. Anh cũng đồng tình với tôi về những nhược điểm của ĐT và tôi biết, sâu thẳm, anh vẫn mong tuyển mình vào chung kết.

AFF Cup 2016: Việt Nam 2-2 Indonesia

Đêm diễn ra trận đấu, anh Hùng là người nhắn tin liên tục cho tôi, trao đổi với nhau từng diễn biến trận đấu.

Phải nói, chúng ta thua Indo nhiều lắm, mà nếu phân tích ra đơn thuần về chuyên môn, phải một bài báo mới đủ. Ta chỉ hơn họ đúng một thứ: tinh thần, thứ tinh thần mà tôi đọc ra là các cầu thủ không chỉ đá để lật ngược thế cờ, mà đá vì danh dự, không chấp nhận để đội bạn thắng ngay trên sân nhà mình.

Sau trận cầu, tôi đọc facebook Lương "dị". Em nói về tấm áo cuối cùng của ĐTQG mà em khoác lên người. Em bảo tôi: "Nghỉ thôi anh ạ. Mình còn ở mãi đấy, mình không khá hơn, ĐTQG không khá hơn, các em trẻ lại không có cơ hội được cọ sát nhiều hơn, trong khi các em ấy xứng đáng lắm, thậm chí hơn mình rất nhiều". Lương dị quyết định rất đúng đắn. Lương dừng ở đó là đẹp, là đủ.

2. Cũng sau trận đấu, Công Vinh nói lời giã từ bóng đá luôn. Có người ác miệng nói rằng: "Giờ chẳng CLB nào ở V League chịu nổi Vinh đâu". Tôi không hiểu người ta có quan điểm đó dựa trên cơ sở nào. Nhưng khi đọc những bình luận của độc giả dưới bài báo nói Công Vinh giải nghệ, tôi thấy buồn kinh khủng.

Đêm qua, ngồi cạnh tôi xem trận đấu là thằng con mới hơn 1 tuổi. Tôi không biết nó thích gì, nhưng hễ tôi xem bóng đá, nó lại ngồi bên cạnh chăm chú. Chắc nó thấy màu sắc chuyển động trên màn hình mà bị thu hút thôi, chứ nó biết gì? Nhưng tự dưng, tôi có cảm giác muốn nói với con mình, sau này, rằng "Con ạ, hãy nhìn Công Vinh mà lớn".

Không phải tôi bảo nó lấy Vinh ra làm gương. Bởi tấm gương của ai, người đó tự chọn, kể cả là mình làm cha, mình cũng không có quyền chọn thay, ép uổng. Tôi chỉ muốn nó nhìn vào Công Vinh, và kể cả là Hữu Thắng, để sau này cạch đến già, tránh bóng đá ra, đừng có dây vào cái thứ ấy.

Nói với con trai: Nhìn Công Vinh mà lớn con nhé - Ảnh 2.

Công Vinh luôn phải nhận những lời đàm tiếc, dù cố gắng đến đâu.

Trên facebook của một người bạn tôi, nhà văn Trương Quý, có một câu rất hay rằng: "Bóng đá (quốc gia) là thứ nhảm nhí, nhảm nhí vì nó bắt cóc tinh thần dân tộc chủ nghĩa vào trò chơi ủy nhiệm của hai tá cầu thủ đóng vai hộ, cũng nhảm nhí như ủy nhiệm vào một cô hai mươi tuổi đi thi sắc đẹp, đòi thể hiện tinh thần dân tộc bằng tiếng... Anh!".

Tôi biết, Quý cực đoan chút, vì Quý cũng không mê bóng đá. Nhưng Quý nói có cái đúng. Song, đằng sau đó, Quý cũng vẫn chưa hiểu thực sự cái điều rất đúng mà Quý nhận định là "trò chơi ủy nhiệm" kia còn ẩn chứa gì.

Đó chính là sự hằn học của những kẻ tự cho mình quyền "uỷ nhiệm" cho cái gọi là "hai tá cầu thủ đóng vai hộ" mà Quý nhắc tới. Dưới bài báo có tên "Công Vinh giải nghệ", những kẻ "ủy nhiệm" kia nói gì?

"Cảm ơn anh, sớm hơn nửa tháng thì có tốt hơn không?"; "Cảm ơn chú. Xem mấy trận gần đây chú với Trọng Hoàng, Văn Quyết, Đình Đồng là thảm họa. Việt Nam không mạnh tới mức trận nào cũng chấp 4 người."… Đó chỉ là hai trong số vô vàn những bình luận ác mồm mà họ hướng đến Công Vinh. Với họ, Công Vinh giờ là chỗ để trút. Với họ, Hữu Thắng giờ là chỗ để trút, với cái định kiến rất tầm phào về Sông Lam Nghệ An.

Phải thừa nhận, Vinh đá hai trận bán kết đều không hay, thậm chí là dở. Nhưng đời cầu thủ, ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, đá không có trận dở mới lạ. Và chỉ cần một trận anh dở thôi, thậm chí một tình huống anh dở thôi, người ta phủi sạch hết những gì anh từng làm được, phủi một cách dễ dàng.

Nói với con trai: Nhìn Công Vinh mà lớn con nhé - Ảnh 3.

Người ta dễ dàng chỉ trích Công Vinh chỉ bởi một sai lầm nhỏ nhất.

Tôi cũng nhớ, hồi 2008, khi Vinh ghi bàn quyết định để ĐTQG vượt qua Thái Lan ở chung kết AFF Cup, người ta cũng chẳng ngợi khen Vinh. Thậm chí, có cả trào lưu giễu nhại theo kiểu tạo ra cái câu thoại trên bức ảnh của Vinh là: "Ơ, tự nhiên đứa nào rót bóng vào lưng tao?".

Công Vinh, cả sự nghiệp, chưa từng thấy cậu ta làm gì xúc phạm khán giả cả. Vậy mà khán giả vẫn tự cho mình cái quyền ác với Vinh, ác theo đúng kiểu "bố đã ghét thì bố cứ chửi".

Và Vinh không phải là một nạn nhân cô đơn. Cầu thủ Việt Nam, lên khoác áo đội tuyển, kiểu gì cũng phải nhận những gạch đá ấy, nhất là khi thành tích của ĐTQG không tốt. Để biện minh cho gạch đá của mình, họ sẽ lập luận rằng: "Bọn ấy hư hỏng lắm. Bọn đấy ít học lắm".

Thế nên, tôi chỉ muốn nhắn con trai mình rằng: "Lớn lên làm gì thì làm, tránh xa bóng đá ra cho ba. Dây vào thứ đó, con có hay thì đời cũng lôi con ra chửi. Chúng nó chửi cả cha con luôn chứ tha gì. Nên con thương ba, cho ba sống yên, tránh xa cái thứ trò chơi ủy nhiệm ấy ra con ạ".

Hôm qua, vợ tôi cứ ước ao trận đấu kéo dài đến luân lưu, và Quế Ngọc Hải thành người hùng trước cầu môn. Ôi cái ước ao hão huyền nghe đã thấy phi lý. Nhưng vợ tôi có lý khi cô ấy nói: "Thấy tội thằng Hải quá. Bị chửi suốt ngày. Giờ cho nó gỡ gạc lại chút chứ".

Tôi cũng ứa nước mắt khi thấy Hải ôm Hữu Thắng rưng rưng nước mắt khi Vũ Minh Tuấn ghi bàn. Nước mắt của họ là thật lòng, vì họ biết họ đang đá bên cạnh nhau, với những ẩn ức của cái nghiệp quần đùi áo số. Nước mắt ấy, ai nhớ? Nhất là khi chúng ta gõ phím ngồi rủa xả chỉ vì kết qủa của trò chơi ủy nhiệm chẳng đúng với nguyện vọng của mình.

Nói với con trai: Nhìn Công Vinh mà lớn con nhé - Ảnh 4.

Vũ Minh Tuấn xúc động sau khi ghi bàn.

Tôi chỉ thích những bình luận hơi thẳng thừng, hơi cùn, nhưng thực lòng, khi đáp trả những chỉ trích cầu thủ rằng: "Các ông giỏi thì vào đấy mà đá".

Vâng, giỏi thì vào đấy mà đá. Nhưng cũng khuyên chân thành các bạn rằng, hãy như tôi, nhắn với con trai mình: "Tránh xa cái trò bóng bánh ấy ra con nhé…"


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại