Người phụ nữ vĩ đại đứng sau huyền thoại bắn súng Trần Oanh

Phạm An |

Nếu không có một người vợ chịu thương chịu khó, thì có lẽ cựu xạ thủ Trần Oanh sẽ chẳng thể yên lòng để giành vinh quang về cho đất nước.

Bất kỳ ai tiếp xúc với bà Cao Thị Xang (SN 1927, quê thôn Ngọc Đường, xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), vợ cựu xạ thủ bắn súng ngắn lừng danh của Việt Nam thế kỷ XX - ông Trần Oanh cũng sẽ có chung một cảm giác bà là người thân thiện và chân tình.

Thấy khách đến chơi, bà đã ra đón từ đầu ngõ, rồi nắm chặt tay đầy tình cảm. 90 tuổi, bà lúc nhớ lúc quên, nhưng luôn niềm nở với người đối diện, gương mặt phúc hậu của bà thường nở nụ cười móm mém khi nhắc về chồng.

Thỉnh thoảng, trên đôi mắt tưởng chừng như khô cạn ấy lại ngân ngấn nước. Bà thương ông đến cuối đời vẫn chưa có một bữa ăn ngon.

Người phụ nữ vĩ đại đứng sau huyền thoại bắn súng Trần Oanh - Ảnh 1.

Bà Xang luôn nở nụ cười với người đối diện, bà ngượng ngùng khi được khen đẹp lão. Ảnh PA

Chăm tốt cho gia đình để ông Trần Oanh mang vinh quang về cho Tổ Quốc

Do hai gia đình thân thiết nên từ khi bà Xang được 8 tuổi, thì bố của bà đã hứa gả bà cho ông Trần Oanh. Lúc đó còn bé, bà bị bạn bè cùng trang lứa trêu ghẹo nên đã nói lại với mọi người là "Tao không lấy chồng mô".

Thế rồi câu nói đó như ứng vào bà, có chồng cuối năm 1947 thì đến năm 1948 ông Oanh tham gia bộ đội suốt 12 năm chưa về nhà một lần. Tính đến nay bà Xang làm vợ ông Oanh đã gần 70 năm, thế nhưng thời gian bên nhau của ông bà chỉ độ hơn 10 năm.

Vậy mà với bà Xang, điều đó nhẹ như mây: "Ông ấy xa tôi cũng vì thời cuộc, chứ ông ấy nào muốn. Ông Oanh đi là để bảo vệ đất nước, mang vinh quang về cho Tổ Quốc chứ không phải đi chơi. Tôi phải ở nhà trọn vẹn gia đình thì ông mới yên lòng mà hoàn thành nhiệm vụ."

Người phụ nữ vĩ đại đứng sau huyền thoại bắn súng Trần Oanh - Ảnh 2.

Bà Xang giữ rất kỹ bức ảnh chụp chung ông Trần Oanh. Ảnh PA

Chồng đi năm trước, năm sau bố chồng mất, chị chồng cũng có gia đình riêng, một tay bà Oanh nuôi mẹ và 2 người em chồng.

Mỗi ngày, gà chưa gáy bà đã ra đồng, đến tối mịt mới trở về nhà. Hết cấy mạ, gặt lúa, bà lại chăn trâu, nuôi gà, còn thời gian rảnh thì làm thuê, gánh nước không hề nghỉ tay.

Phụng dưỡng mẹ chồng, tròn đạo làm dâu suốt 12 năm liền ông mới trở về. Tưởng ông về ở luôn với bà, không ngờ ông Oanh về được vài ngày rồi lại đi. Bởi lẽ ông không những đi bảo vệ đất nước, mà còn phải mang vinh quang về cho Tổ Quốc. Bởi lẽ lúc đó ông đã là VĐV bắn súng ngắn của đội tuyển Việt Nam.

Bà Oanh nhớ lại: "Ông ấy đi rồi, tôi đi làm ngoài đồng một thân một mình, chồng đi bộ đội chả biết kêu ai. Thương ông vẫn thương, nhớ vẫn nhớ, nhưng chồng đi làm nhiệm vụ thì mình ở nhà phải chu toàn mọi thứ.

Cực thì cực nhưng tôi không trách ông ấy, cứu nước là trách nhiệm của chồng, tôi cứ làm tốt việc của mình ông mới yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.".

Không chỉ lo toan việc gia đình, bà Xang còn xin vào làm cho hội phụ nữ tính đến nay bà cũng đã được 66 năm tuổi Đảng. Việc nước, việc nhà bà luôn chu toàn để đợi ông về. Vì ông đi biền biệt nên phải mất 12 năm ông bà mới có người con đầu lòng.

Có con đối với bà cũng là chặng đường dài, 6 lần sinh nở chưa một lần chồng ở bên cạnh, bà chỉ biết nén đau, nén buồn để chờ ông về mà khoe con.

Người phụ nữ vĩ đại đứng sau huyền thoại bắn súng Trần Oanh - Ảnh 3.

Ngôi nhà chính tay ông Trần Oanh xây, sửa cho vợ con mình giờ chỉ còn trong những bức ảnh kỷ niệm. Ảnh PA.

Một thân vừa làm cha, vừa làm mẹ, nhìn quanh trong làng, nhà nào cũng có vợ có chồng cùng nhau làm việc, cùng nhau vui đùa, bà Xang không khỏi chạnh lòng: "Tôi thấy mình còn thua con trâu trên đồng.

Trâu nó cày cuốc còn có lúc được nghỉ ngơi, tôi mờ sáng đã ra đồng, về nhà thì cơm nước, dỗ con ngủ xong 12 giờ khuya còn tranh thủ ngồi thái rau, chặt sắn, khi nào hết sức mới lăn ra ngủ.".

Ấy thế mà bà không cho phép người con nào của bà bỏ học, mà bà còn chăm chút họ để học thật giỏi thì ông Oanh mới yên lòng. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại nỗi khốn khó là một lần bà Xang rơi nước mắt, nhưng khi hỏi bà, chịu lấy ông bà có nuối tiếc không, bà lắc đầu.

"Tuy ông ấy đi hoài, nhưng mỗi lần về thì luôn quan tâm vợ con, những ngày phép ngắn ngủi ông ấy tranh thủ sửa nhà, xách nước, trồng thêm luống rau, việc nào ông cũng làm.

Tôi có 6 đứa con, 5 đứa tên các nước là: Đức, Việt, Tiệp, Hoa và Ba mà ổng đi thi, đứa út thì lúc ổng về hưu nên lấy tên của xã là Yến. Ông đi tận 13 nước lận đấy, nhưng có 6 con nên còn chưa đặt đủ." Bà Xang cười.

Thương chồng vì đến khi ông mất vẫn chưa được ăn no

Điều bà tiếc nuối khi về với ông, có lẽ là bà chưa chăm sóc cho ông được nhiều. Mỗi năm, ông chỉ ở nhà có mươi ngày phép, nhưng trừ thời gian đi, về thì chẳng còn lại bao nhiêu.

Như năm 1962, ông đạt huy chương vàng ở Tiệp Khắc, phần thưởng của ông là 3 ngày phép. Ông Oanh liền mượn xe đạp của bạn, chạy một mạch từ Tây Sơn về Thanh Hóa thăm vợ con. Nghỉ được 3 ngày, nhưng mất 2 ngày đạp xe đi và về.

Người phụ nữ vĩ đại đứng sau huyền thoại bắn súng Trần Oanh - Ảnh 4.

Nhắc về ông Trần Oanh lúc ra đi, bà bật khóc vì cuối đời ông vẫn chưa có bữa ăn ngon. Ảnh PA.

Bà Xang thương chồng vì ông Oanh hiền lành, ít nói. Tuy ông không lãng mạn, không biết những câu ngọt ngào, thời gian ít ỏi ông về phép hai người cũng chẳng thủ thỉ được gì, nhưng ông luôn quan tâm đến gia đình. Tính ông hay làm, về là tranh thủ sửa lại mái nhà, buộc lại luống rau, làm đồ chơi cho con… rồi lại đi.

Trong đời bà Xang, chỉ một lần duy nhất được ông Oanh tặng quà, cũng là kỷ vật giữa ông và bà. Đó là một lần đi thi đấu, ông mua về tặng cho bà chiếc áo Ghi lê vì ông nghĩ nếu bà mặc vào sẽ rất đẹp.

Có lẽ năm 1972 khi ông Oanh về hưu thì bà Xang mới được bên chồng trọn vẹn nhất. Cũng thời gian này ông Oanh mới thấm thía sự đời, mấy đồng lương ít ỏi, cộng thêm vài cân gạo khi làm HLV không nuổi nổi gia đình.

Gần 60 tuổi, ông một mình đi đôi cà kheo đơn độc trên biển kiếm con tép, con nghêu cải thiện bữa ăn cho vợ con. Nhưng theo bà, ông Oanh chưa một lời than vãn, chỉ biết cố gắng để có cái ăn. Đến năm 1986 ông Oanh mất, lần này ông bỏ bà thật.

Bà Xang bật khóc: "Ông ấy tội lắm, nói là ông nổi tiếng nhưng có sướng gì đâu. Về nghỉ hưu thì lầm lũi đi với con moi (tép biển), tôi thì hết kiếm rau đến đi làm thuê, nhiều khi ông thấy bất lực vì để vợ cực khổ quay ra mắng tôi làm gì làm nhiều vậy, định làm tới sáng hay sao mà giờ này còn ngồi làm.

Lúc đó trong bụng tôi giận ông lắm, nhưng giờ nhớ lại thấy thương quá, ông ấy xót tôi nên mới nói như thế."

"Cái ngày ông ấy mất có kịp nói được gì đâu. Hôm đó nhờ nhà có giỗ nên ông có chén cháo trắng ăn, ăn xong chén cháo thì thiếp đi luôn. Đến chết mà ông ấy còn thiếu ăn như thế đấy.", bà lại khóc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại