Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn

Phương Anh |

Những gì cô gái nhỏ nhắn ngày nào từng đạt được đã làm thay đổi vĩnh viễn toàn bộ thế giới của thể dục dụng cụ, gồm cả cách nhìn của hàng triệu người đối với môn thể thao này.

Khoảnh khắc lịch sử

Thế vận hội mùa Hè Montreal 1976. Chiều Chủ Nhật, 21/7 là một thời khắc đáng nhớ trong lịch sử phát triển môn thể dục dụng cụ. Tại Cung thi đấu Trung tâm, cô gái có vóc dáng bé nhỏ mang số áo 73 đang thực hiện bài thi của mình trên xà lệch.

Bằng những động tác uốn lưng khéo léo, cô bay trên các thanh xà tựa như một chú chim sẻ chuyền cành, uyển chuyển và tinh tế. Từ các khán đài, tiếng vỗ tay nổ tung khi cô lộn một vòng trên không trung rồi nhẹ nhàng đậu chân xuống thảm.

Sự hoàn hảo khó tin trong từng động tác của cô gây xúc động mạnh tới ban giám khảo. Lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Thế vận hội, ban giám khảo chấm điểm 10 tuyệt đối cho môn xà lệch, môn thi vốn được chấm điểm dựa trên cảm tính và vì thế không ai tưởng tượng nổi sẽ có điểm tuyệt đối ở môn này.

Những màn trình diễn đạt điểm 10 tuyệt đối của Nadia Comanesi tại Thế vận hội Montreal 1976

Bảng điểm điện tử hiện lên con số 1.00 chứ không phải 10.00, bởi người ta chỉ tính tới phương án điểm cao nhất là 9,99 nên đã không lắp thêm con số 0 cho đồng hồ.

Dĩ nhiên nhà cung cấp thiết bị cho Thế vận hội kế tiếp lại được dịp... bán máy mới do hệ thống đồng hồ điện tử như vậy đã tỏ ra lạc hậu.

Đó chỉ là sự kiện mở đầu cho ngày thi đấu tuyệt vời của Nadia Comanesi, cô gái 14 tuổi đến từ Rumania. Ở môn cầu thăng bằng sau đó, cô còn "làm hỏng" đồng hồ điện tử thêm một lần nữa bằng điểm 10 tuyệt đối của mình.

Màn trình diễn xuất sắc của Nadia Comaneci chẳng những kéo toàn bộ VĐV thể dục dụng cụ các quốc gia khác tới chiêm ngưỡng mà còn chính thức chấm dứt thời kỳ thống trị của Liên Xô (cũ) với môn thể thao này.

Đoàn TDDC Liên Xô tới Montreal 1976 cùng đầy đủ các gương mặt sáng giá nhất thế giới, như Olga Korbut, 2 HCV Thế vận hội Munich 1972, hay Ludmilla Tourischeva, HCV toàn năng Munich 1972.

Liên Xô là đoàn duy nhất ngồi tại đấu trường mà không xem Nadia Comaneci biểu diễn, thế nhưng khi Nadia kết thúc bài thi chung kết và tiếng vỗ tay vang lên như sấm thì Olga Korbut ôm mặt khóc nức nở.

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 2.

Ban Tổ chức Olynpic chưa hề nghĩ tới điểm 10 hoàn hảo cho bộ môn TDDC, nên bảng điện tử chỉ có thể hiện ra con số 1.00 cho bài thi của Nadia Comanesi.

Mười tám năm sau, tâm sự trên tờ Chicago Tribune, Olga Korbut nói rằng đôi lúc bà vẫn còn bị ám ảnh bởi sự kiện ấy : "Tôi biết Nadia sẽ cản đường tôi ngay từ khi nhìn thấy cô ấy thực hiện những động tác đầu tiên trên cầu thăng bằng ở vòng bắt buộc...

Nadia là người giỏi nhất trong số ít ỏi VĐV thể dục dụng cụ có được phẩm chất tuyệt vời đó". Phẩm chất mà Olga Korbut đề cập là khả năng giữ thăng bằng thường chỉ thấy ở loài chim tự do chao liệng giữa không gian rộng lớn.

Chỉ cần 2 tuần của năm 1976, Nadia Comaneci trở thành cái tên được cả thế giới biết đến. Các hãng thông tấn lớn như BBC, UPI, AP nhất loạt bầu Nadia là "Nữ VĐV của năm".

Tại quê hương, bà được Chính phủ Rumania trao tặng danh hiệu "Anh hùng lao động XHCN" và trở thành "Nadia của chúng ta".

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 3.

Hình ảnh của cô gái 14 tuổi người Romania tràn ngập trên các tạp chí hàng đầu thế giới.

Thế nhưng khái niệm về hạnh phúc được sinh ra từ sự tung hô dường như không đem lại ảnh hưởng tích cực đáng kể nào cho cô gái mới 14 tuổi. Đó là điều may mắn cho Nadia Comaneci khi bà chỉ biết chuyên tâm khổ luyện.

Sau thời điểm các HLV của Nadia là Bela và Marta Karolyi đào thoát trong chuyến cùng bà sang Mỹ thi đấu biểu diễn năm 1981, Nadia bị giám sát hết sức chặt chẽ bằng lệnh cấm rời khỏi đất nước trong bất kỳ lý do nào.

Chính nhờ vào niềm say mê TDDC mà Nadia Comaneci đã vượt qua mọi sóng gió của cuộc sống riêng tư bức bối với đủ lời đàm tiếu dị nghị để tiếp tục đứng vững và cống hiến tài năng.

Những dấu ấn lung linh

Điểm 10 tuyệt đối mà Nadia Comaneci có được tại Thế vận hội Montreal 1976 kỳ thực không phải là điểm 10 đầu tiên trong sự nghiệp của bà.

Tại American Cup tổ chức trước đó (tháng 3/1976), Nadia Comaneci đã giành điểm 10 nội dung nhảy ngựa cả ở vòng loại lẫn vòng chung kết để đoạt chức vô địch toàn năng.

Những điểm 10 khác mà bà giành được thuộc nội dung xà lệch và nhảy ngựa tại Chunichi Cup (Nhật Bản) cũng trong năm 1976. Chúng đều là những điểm 10 vô tiền khoáng hậu nếu tính cho tới nay.

Tuy nhiên Thế vận hội lại ở một đẳng cấp khác hẳn. Trước khi Nadia Comaneci tỏa sáng tại Montreal 1976, Liên Xô (cũ) là quốc gia sản sinh ra nhiều VĐV TDDC tài năng nhất thế giới, kế đến là Đông Đức.

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 4.

Khoảnh khắc bay trên không trung của Nadia Comanesi ở nội dung xà lệch.

Vào thời điểm 1976, TDDC chia làm hai trường phái khá rõ, một trường phái chú trọng việc phô diễn kỹ thuật với điển hình là Ludmila Tourischeva, trường phái kia khai thác những nét đẹp thể hình thông qua các động tác mang dáng dấp của vũ công ba lê mà gương mặt nổi tiếng nhất chính là Olga Korbut.

Việc Comaneci đánh bại cả Tourischeva lẫn Korbut tại Montreal 1976 dĩ nhiên làm mọi người bàng hoàng sửng sốt, thế nhưng điều khiến giới chuyên môn kinh ngạc ở chỗ Comaneci chính là sự kết hợp hoàn hảo của Tourischeva và Korbut.

Những bài biểu diễn của bà đạt tới độ khó tối đa, chẳng hạn như kỹ thuật Tkachev ( kỹ thuật đòi hỏi VĐV rời khỏi xà, xoay người trong không trung trước khi tiếp xúc trở lại với xà ở tư thế ngược) - vốn chỉ một vài VĐV có khả năng thực hiện vào thời đó - được Comaneci hoàn thành một cách dễ dàng.

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 5.

Con tem Romania phát hành để tôn vinh những đóng góp của Comaneci cho môn thể dục dụng cụ.

Khả năng vũ đạo mà bà sở hữu thuộc dạng "thiên bẩm" với những bước di chuyển mềm mại, tinh tế tới mức "Cả người cô ấy tựa một dòng suối chảy bất tận, đó là một bài thơ về sự chuyển động và đem đến cảm xúc sâu lắng cho mọi người xem" - như tờ Times đã mô tả trong chuyên đề về Thế vận hội 1976.

Thế giới sau Montreal 1976 "lên cơn sốt" Nadia Comaneci. Các cô gái trẻ ước ao trở thành ngôi sao TDDC như bà.

Năm 2009, trong cuộc vận động bỏ phiếu đăng cai tổ chức Olympic 2016 cho thành phố Chicago, phu nhân Tổng thống Mỹ - bà Michelle Obama đã tiết lộ rằng lúc ấy (tức năm 1976), bà cũng từng mê mẩn màn biểu diễn của Nadia Comaneci và muốn trở thành một VĐV TDDC.

Trong con mắt hàng triệu khán giả, thứ TDDC mà Nadia Comaneci trình diễn tại Montreal 1976 là một môn nghệ thuật chứ không đơn thuần là thi đấu thể thao.

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 6.

Những động tác làm xóa nhòa ranh giới của kỹ thuật và biểu diễn nghệ thuật của Nadia Comanesi trên cầu thăng bằng.

Sự thay đổi sâu sắc trong quan niệm về TDDC cũng diễn ra với giới chuyên môn khi Comaneci đã xóa nhòa ranh giới của kỹ thuật và biểu diễn nghệ thuật. Điều này thúc đẩy sự phát triển môn TDDC theo xu hướng ngày một hấp dẫn hơn, thu hút thêm nhiều nhân tài trên khắp thế giới.

Năm 1981, Nadia Comanesi giã từ thảm đấu ở tuổi 20 với hành trang 9 tấm huy chương Olympic, trong đó có 5 HCV. Những dấu ấn mà bà để lại trong sự nghiệp thi đấu ngắn ngủi của mình là vô cùng lớn, làm thay đổi một cách căn bản nhiều quan niệm về bộ môn TDDC.

Lẽ ra Comaneci đã có thể cống hiến nhiều hơn nữa ngay sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, thế nhưng các biến cố chính trị xảy ra ở Đông Âu từ nửa cuối thập kỷ 80 trước khi chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh đã khiến cuộc sống của bà trở nên khốn đốn.

Đó là thời kỳ ảm đạm nhất, kéo dài đến cuối năm 1989, như Comaneci viết trong cuốn tự truyện phát hành tại Canada về sau này.

Biến cố cuộc đời

Một ngày cuối tháng Chạp của mùa Đông rét buốt năm 1989, các cảnh sát tuần tra Hungary đã bắt giữ một nhóm người vừa vượt qua biên giới bằng đường bộ. Trong số các cảnh sát ấy, viên trung sỹ Laszlo Szekely không tin vào mắt mình khi chợt nhận thấy thần tượng thể thao Nadia Comaneci.

Thoạt tiên họ đề nghị Nadia ở lại Hungary nhưng rồi lại đổi ý để đoàn người tiếp tục vượt qua biên giới Hungary sang Áo. Đó là thời kỳ biến động xảy ra trên khắp các quốc gia Đông Âu dẫn tới sự sụp đổ dây chuyền của các chính phủ.

Biến động ấy chính là cơ hội để Nadia thoát khỏi cảnh sống chẳng khác gì giam lỏng trong suốt 8 năm. Tại Áo, nhóm người tiếp xúc với sứ quán Mỹ và vài ngày sau Nadia cùng cả nhóm được đưa tới New York.

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 7.

Nadia Comanesi vẫn tươi rói khi hồi tưởng về những ngày tháng cũ.

Một lần nữa nhờ những người bạn trong giới TDDC, Nadia Comaneci thoát khỏi sự khống chế của Constantine Panait, kẻ cầm đầu nhóm người chạy khỏi Rumania và đã lên kế hoạch lợi dụng danh tiếng của Nadia một khi đưa bà đào thoát thành công.

Nước Mỹ không phải là thiên đường cho tất cả. Nadia, khi ấy đã 27 tuổi, ở tình trạng thừa cân, tiều tụy và rỗng túi - toàn bộ tiền bạc của bà đã bị tay lưu manh Panait cuỗm sạch.

Comaneci là người duy nhất hai lần (vào năm 1984 và 2004) được Ủy ban Olympic Quốc tế trao tặng Huy chương Olympic, giải thưởng cao nhất của tổ chức này giành cho những người có cống hiến đặc biệt xuất sắc ở các sự kiện Olympic.

Bà cũng có tên trong Nhà lưu danh môn TDDC với tư cách là nữ VĐV TDDC nổi tiếng nhất mọi thời.

Một tháng sau khi tới Mỹ, Nadia lại ra đi, lần này chuyến đi của bà trực chỉ Canada, nơi cựu HLV bóng bầu dục người Rumania Alexandru Stefu mời bà tới tá túc.

Tại Canada, bà tìm thấy tình yêu của đời mình, Bart Conner, cũng là một cựu VĐV môn TDDC. Tình yêu giúp Comaneci hồi sinh. Ở độ tuổi đã gần 30, bà tập luyện trở lại và tham gia giảng dạy về các kỹ thuật của môn TDDC tại các trường thể dục ở Mỹ và Canada.

Với danh tiếng của mình, Comaneci mời các ngôi sao TDDC cùng giảng dạy để phổ biến môn thể thao này rộng rãi hơn nữa. Một trong những người được Comaneci mời biểu diễn thị phạm cho các sinh viên là... Olga Korbut, kình địch một thời của bà.

Korbut, nay cũng định cư tại Mỹ, đã rất ngạc nhiên trước lời mời ấy : "Cô ấy tới thăm tôi trong khi tôi không tin mình còn khả năng biểu diễn ở độ tuổi này (Korbut hơn Comaneci 6 tuổi).

Thật tuyệt khi biết ta vẫn còn có ích với thứ mà ta đã từng đam mê suốt một thời trẻ tuổi. Đó là điều mà tôi đánh giá cao Comaneci, hơn cả những pha biểu diễn xuất sắc của cô ấy trên thảm đấu".

Cho đến tận bây giờ, Nadia Comaneci vẫn miệt mài đi khắp thế giới, trong đó có cả quê hương Romania của bà, để quảng bá cho môn TDDC.

Điểm 10 tuyệt đối tại Olympic từng làm đệ nhất phu nhân Mỹ mê mẩn - Ảnh 9.

Nhà vô địch Olympic trong vòng vây các học trò nhỏ tuổi.

Dù không còn bay lượn giữa không trung của nhà thi đấu nữa, song không gian lúc này rộng lớn hơn, đủ để cánh chim đầy hoài bão Comaneci tiếp tục đem tới cho mọi người niềm hạnh phúc và ngưỡng mộ môn TDDC, thường được gọi là "môn thể thao của các thiên thần bé nhỏ".

Năm 2008, phát biểu trong cuộc gặp gỡ các sinh viên đại học Bucharest (Romania) trong vai trò ủy viên BCH Liên đoàn TDDC Quốc tế, Nadia Comaneci nói rằng bà không bao giờ trốn chạy trước bất cứ thách thức nào "đơn giản chỉ vì bà... sợ.

Để thoát khỏi nỗi sợ ấy, cách duy nhất mà bà đã làm là tiến về phía trước và đặt chúng dưới đôi chân mình". Bà đã làm như thế, từ khi 6 tuổi, với 16 giờ tập luyện mỗi ngày, đã lên tới đỉnh vinh quang và không gục ngã ngay cả khi rơi vào hoàn cảnh bi đát nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại