John Terry chỉ là kẻ tham lam vô độ?

Kim Thiền |

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở Stamford Bridge những ngày qua hẳn phải là John Terry. Và dường như mối tình đẹp như mơ giữa Chelsea và anh lại được viết tiếp thêm chương mới.

Cống hiến hay quyền lực?

Chủ Nhật, ngày 8/5 vừa qua, cổ động viên và đồng đội tại Real Madrid đã có màn chia tay đầy cảm động và ý nghĩa với Alvaro Arbeloa trong trận đấu cuối cùng trên sân nhà Bernabeu. 

Chiếc áo đấu khổng lồ mang tên anh được giăng trên khán đài, dưới sân, các tuyển thủ công kênh anh.

Ngay sau đó, thủ môn huyền thoại Iker Casillas đã đăng đàn hậm hực lên tiếng về việc mình phải âm thầm cúi đầu rời khỏi Bernabeu, trong khi cầu thủ "tép riu" như Alvaro Arbeloa lại được "trống dong cờ mở". Vậy đâu là sự khác biệt?

John Terry chỉ là kẻ tham lam vô độ? - Ảnh 1.

Alvaro Arbeloa xứng đáng được tôn vinh tại Bernabeu vì sự cống hiến của mình.

Về đẳng cấp, rõ ràng "Thánh Iker" hơn hẳn Arbeloa về mọi mặt. Về đóng góp cho Real Madrid, Arbeloa hoàn toàn lép vế trước tượng đài Iker Casillas. Nhưng để được tôn vinh, người Madrid có tiêu chí khác.

Với họ, Arbeloa xứng đáng được tôn vinh vì sự tận hiến, luôn hết lòng vì CLB, và quan trọng hơn, anh là người trực tiếp chống lại chính Iker Casillas - người đã từng có thời thâu tóm quyền lực của đội bóng trong bàn tay mình, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của tập thể.

Iker Casillas ra đi, chẳng phải vì anh tự nguyện ra đi khi biết mình không đủ sức để cống hiến thêm cho Real Madrid, mà là hậu quả của việc "rớt đài" sau nỗ lực bất chấp tất cả để giữ lại quyền lực của mình tại Bernabeu. Với Casillas, hai chữ "cống hiến" đã ngủ quên trong giấc mơ quyền lực.

Mourinho ngu dại đến 2 lần

Mourinho tài năng và cá tính, hiếu chiến và chẳng thèm nể nang ai bao giờ. Nhưng đấy chỉ là vẻ bề ngoài. 

Người ta bảo Mourinho thân thiết và luôn đứng về phía cầu thủ, luôn lắng nghe và thấu hiểu họ, nhưng sự thật là HLV người Bồ Đào Nha này đã 2 lần phải ngậm ngùi vì bị chính cầu thủ "đâm sau lưng".

Lần đầu tiên, người "bứng" Mourinho ra khỏi Bernabeu không ai khác, chính là Iker Casillas.

"Nếu có thể làm điều gì đó trong 3 năm cầm quân ở Real Madrid? Lẽ ra tôi phải mang Diego Lopez về ngay khi mới nhậm chức. 

Tôi từng rất muốn có anh ta, nhưng lại thiếu sự quyết liệt trên thị trường chuyển nhượng. Đó thực sự là nỗi xấu hổ với cá nhân tôi", Mourinho tâm sự ngày rời Bernabeu.

Diego Lopez là ai? Anh chính là người Mourinho trọng dụng, thay cho Iker Casillas trong suốt 3 tháng trời. Mourinho tuyên chiến với "Thánh Iker", và kết quả là nhà cầm quân này bị đá văng khỏi Real Madrid với bài học đầu tiên về cái gọi là "quyền lực đen trong phòng thay đồ".

John Terry chỉ là kẻ tham lam vô độ? - Ảnh 2.

"Chẳng ai tắm hai lần trên một dòng sông", ấy thế mà Mourinho lại tắm đấy.

Cuối năm 2012, người hâm mộ Chelsea gần như chắc chắc tưởng rằng mình sẽ "mất" John Terry, khi HLV Benitez đưa ra thông điệp rõ ràng rằng không thể tiếp tục trọng dụng kẻ cầm đầu "thế lực đen" từng "triệt hạ" cả Andre Villas-Boas lẫn Di Matteo.

Nhưng tiếc thay, người ra đi lại là ông thầy người Tây Ban Nha.

Terry vẫn còn đó. Kẻ cầm đầu nhóm "quyền lực đen" vẫn ngang nhiên tung tác. Đầu mùa giải qua, Mourinho lại một lần nữa lặp lại sai lầm của mình khi cất Terry trên ghế dự bị. 

Chelsea phải trả giá cho điều đó bằng một mùa giải tệ hại, và Mourinho cuối gói rời Stamford Bridge trong cay đắng.

Đau đớn hơn nữa khi biết rằng Mourinho chẳng phải "tắm" có 2 lần trên "dòng sông" ấy. Gần 10 năm trước, năm 2007, cũng chính Terry là người hất cẳng Mourinho ra khỏi Chelsea. Mourinho nghĩ Terry hết thời, nhưng ông đã lầm.

Kẻ xấu lại thắng?

Chắc hẳn có lẽ ít người biết rằng trước đây tầm nửa tháng, Chelsea đã lên kế hoạch "chu đáo" cho sự ra đi của John Terry.

Kế hoạch là CLB sẽ cho Terry "mượn" sân Stamford Bridge (miễn chi phí thuê sân, khán đài, phòng thay quần áo, bồn sục, thậm chí cả... lò nướng BBQ, tổng chi phí khoảng 20.000 bảng Anh), để cầu thủ này tổ chức trận đấu chia tay vào ngày thứ Hai, sau trận đấu cuối cùng của mùa giải.

Nói chung là Terry thích làm gì thì làm, thích gọi ai đến đá đấm, chia tay, tôn vinh, hay ăn chơi nhảy múa thì tùy, miễn là đừng bắt CLB đứng ra tổ chức trận đấu chia tay.

Cái cách mà Chelsea định làm với Terry có phần bất nhẫn, nhưng thực ra nó đã hơn hẳn cái cách mà Real Madrid chia tay một thần tượng như Iker Casillas, và nói một cách sòng phẳng, nó xứng đáng với những gì trung vệ này đóng góp, cũng như phá đi của CLB.

John Terry chỉ là kẻ tham lam vô độ? - Ảnh 3.

Phút chót, John Terry lại là người hùng của Stamford Bridge.

Và quan trọng nhất, là không có bất cứ bản hợp đồng nào chìa ra với Terry, mặc dù không ít lần cầu thủ này bóng gió về việc sẽ ở lại Stamford Bridge. Bài học 3 năm trước của Chelsea đã là quá đủ.

Thế nhưng, mấy ai học được chữ ngờ. Trận cuối cùng, dù Terry không được ra sân phút nào, nhưng tôn vinh của các cổ động viên trên khán đài, của các cầu thủ dưới sân bóng làm người ta thấy đâu đây hình bóng của Alvaro Arbeloa ở Bernabeu, thay vì Iker Casillas.

Dưới sức ép của cổ động viên, và của những ai nữa thì có giời mà biết được, có tin Chelsea chìa ra lời mời gia hạn hợp đồng, và John Terry ỏn ẻn tâm sự trong nước mắt "Tôi muốn ở lại".

John Terry ở lại, Conte là người đầu tiên lo toát mồ hôi hột, vì không thể vừa chiều lòng cầu thủ có tiếng nói nhất trong đội, vừa đạt thành tích bằng cách cứ cho trung vệ đã 35 tuổi này ra sân dài dài. Mà không thế, thì cứ nhìn vào gương 4 đời HLV trước của "The Blues" mà xem.

Việc John Terry đi hay ở vẫn chưa rõ ràng, bởi từ một lời mời, đến bản hợp đồng mới không hề đơn giản, nhưng từ hôm nay, ở Stamford Brigde hẳn có nhiều người mất ngủ vì lo lắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại