Phóng viên Indonesia: Công Phượng là bài học cho cái bẫy khó cưỡng của "hương vị châu Âu"

Linh Đan |

"Trong bóng đá, chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi “hương vị châu Âu”. Chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy nó thật tuyệt vời rồi…"

THỰC TRẠNG CHUA CHÁT CỦA NGƯỜI INDONESIA

Thời gian gần đây, Công Phượng thực sự gây được sự chú ý lớn từ truyền thông khu vực bởi những màn trình diễn ấn tượng trong màu áo CLB TP.HCM.

Trong khi truyền thông châu Á không tiếc lời khen ngợi thì với người hâm mộ trong nước, việc Công Phượng đang cho thấy sự "hồi sinh" khi được trở về thi đấu cho một CLB Việt Nam sau quãng thời gian dài không được thi đấu ở châu Âu là tín hiệu vô cùng đáng mừng.

Phóng viên Indonesia: Công Phượng là bài học cho cái bẫy khó cưỡng của hương vị châu Âu - Ảnh 1.

Trên thực tế, ở khu vực Đông Nam Á vào thời điểm này, ngoài Thái Lan có những cầu thủ thành công tại Nhật Bản, câu chuyện về việc nên hay không cho cầu thủ xuất ngoại vẫn là chủ đề gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều.

Giống như Việt Nam, Indonesia đã và đang có những cầu thủ được đưa sang châu Âu với kỳ vọng lớn. Vào lúc này có thể đến những trường hợp của Egy Maulana (Lechia Gdansk, Ba Lan), Jack Brown (Lincoln City, Anh) hay Witan Sulaeman (FK Radnik Surdulica, Serbia). Và một sự thật phũ phàng cũng diễn ra với nền bóng đá Indonesia khi những tài năng của họ đang phải chật vật để tìm được chỗ đứng ở CLB của mình.

Cách đây ít ngày, tờ Indosport đã có bài viết với tiêu đề "Không cần thiết phải đến châu Âu, Indonesia có thể học hỏi Thái Lan về việc xuất khẩu cầu thủ". Tại đây, những câu chuyện giữa thành công của Chanathip, Theerathon tại Nhật Bản và thất bại của Egy, Witan ở châu Âu đã được đưa ra so sánh để đặt câu hỏi về việc cầu thủ Đông Nam Á nên hay không nên tới châu Âu với vào thời điểm hiện tại.

Phóng viên Indonesia: Công Phượng là bài học cho cái bẫy khó cưỡng của hương vị châu Âu - Ảnh 2.

Egy Maulana, người có biệt danh "Messi Indonesia" đã tới châu Âu 3 năm nhưng mới chỉ có 3 lần ra sân cho đội một Lechia Gdansk.

CÔNG PHƯỢNG VÀ "ẢO VỌNG" TRỜI ÂU CỦA BÓNG ĐÁ ĐÔNG NAM Á

Để tìm hiểu rõ hơn về sự kỳ vọng cũng như nỗi thất vọng đối với những cầu thủ sang châu Âu của Indonesia, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Michael Siahaan của hãng Antara (Thông tấn xã Indonesia).

"Cầu thủ Đông Nam Á sang châu Âu, đó có vẻ luôn là những câu chuyện phức tạp mà mỗi khi nhắc đến chúng ta lại thấy một cảm giác tự ti nổi lên, vì không mấy ai thành công về chuyên môn cả", phóng viên Michael Siahaan mở đầu cuộc trò chuyện.

"Trong bóng đá, chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi "hương vị châu Âu". Chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy nó thật tuyệt vời rồi. Nhưng tất cả quên đi một thực tế rằng mọi cầu thủ giỏi đều phải phải có sự hội tụ của tiềm năng cá nhân, sự đào tạo tốt ở tuyến trẻ, một giải vô địch quốc gia tốt và tính chuyên nghiệp của chính bản thân cầu thủ đó nữa. Bởi thế vấn đề không phải ở chuyện đi châu Âu hay không.

Tất nhiên, phải nói rằng châu Âu là nơi giúp tạo nên những sự nghiệp vĩ đại, là môi trường tốt nhất để hướng tới trong việc phát triển của đời cầu thủ. Nhưng không phải cứ đưa được nhiều cầu thủ sang châu Âu thì sẽ giúp cải thiện chất lượng một ĐTQG hay nâng tầm một nền bóng đá, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á".

Phóng viên Indonesia: Công Phượng là bài học cho cái bẫy khó cưỡng của hương vị châu Âu - Ảnh 3.

ĐT Indonesia từ lâu đã đánh mất vị thế một đội bóng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Ở cấp độ U23, những nhân tố như Egy (số 10) dù chơi bóng ở châu Âu cũng không giúp đội nhà vượt qua được vòng loại U23 châu Á hay giành HCV SEA Games.

Trên thực tế, màn trình diễn của Công Phượng tại AFC Cup vừa qua cũng nhận được sự chú ý của phóng viên Michael Siaahan. Theo góc nhìn của mình, phóng viên này cho rằng việc Công Phượng tỏa sáng đơn giản bởi sự khác biệt trong vai trò của anh khi ở Việt Nam và khi sang châu Âu.

"Tôi được biết Công Phượng có thời gian khoác áo một CLB của Bỉ trước khi trở lại Việt Nam. Những trận đấu vừa qua, cậu ấy liên tiếp lập công, rất khác so với những ngày ở châu Âu.

Theo tôi thấy đó là bởi khi chơi cho một CLB trong nước, Công Phượng trở thành trung tâm của cũng những cuộc tấn công, được đồng đội hỗ trợ hết mình, đặt cậu ấy vào điều kiện tốt nhất để ghi bàn. Điều đó không xảy ra ở châu Âu, nơi các cầu thủ Đông Nam Á chủ yếu chỉ ngồi dự bị".

Phóng viên Indonesia: Công Phượng là bài học cho cái bẫy khó cưỡng của hương vị châu Âu - Ảnh 4.

Và từ trường hợp của Công Phượng, phóng viên Michael Siaahan liên hệ tới hoàn cảnh của bóng đá Indonesia, nơi họ có không ít cầu thủ sang châu Âu trong những năm qua nhưng kết quả thu về chẳng là bao.

"Đôi khi chúng ta bị "đánh lừa" bởi sự quyến rũ của châu Âu. Nó khiến chúng ta quên mất mình là ai và nỗ lực để mang lại điều gì cho nền bóng đá của mình.

Nếu chúng ta muốn được như Đức, như châu Âu thì phải làm, phải đầu tư với mức không kém gì họ về đào tạo trẻ, về sân bãi và vô vàn lĩnh vực liên quan, chứ đâu thể cứ đưa cầu thủ sang đó và nghĩ rằng sẽ ổn.

Nhấn mạnh là tôi không phải một người anti-Europe đâu nhé. Quan điểm của tôi là liệu việc có nhiều cầu thủ ở châu Âu có thực sự giúp tạo nên một ĐTQG mạnh hay không, với trình độ bóng đá của các nước Đông Nam Á chỉ loanh quanh ở phía dưới top 100 bảng xếp hạng FIFA?

Indonesia có nhiều cầu thủ ở châu Âu, cả bây giờ và trước đây nữa, nhưng không ai có thể giúp đội tuyển có được danh hiệu nào cả. Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn phải mòn mỏi chờ đợi một chức vô địch AFF Cup, chờ HCV SEA Games suốt từ năm 1991. Vậy đó!", phóng viên của hãng Antara kết lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại