Anh H (anh xin phép được giấu tên) hẹn gặp chúng tôi trong một nhà hàng sang trọng ngay cạnh nhà thờ Đức Bà. Ngồi nghe câu chuyện anh kể bằng cả tuổi trẻ và sự đam mê, nó sang và hấp dẫn hơn bất kỳ không gian, món ăn hay thực khách trai xinh gái đẹp nào bước vào nhà hàng hôm ấy.
Anh sinh năm 1983, có thể gọi là thế hệ 8X đời đầu, gắn liền thời hưng thịnh của cộng đồng GSM Việt Nam. Sự nghiệp làm lập trình viên (dev) của anh bắt nguồn từ khá sớm, thời còn mẫu Motorola TacX. "Tôi rất là vui, tự hào về thời cơ của mình có. Thế hệ 8X cũng là lứa bắt đầu tiếp cận điện thoại gần như là đầu tiên! Tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên viết phần mềm mở mạng cho máy Samsung xách tay từ nước ngoài về (phần mềm unlock máy). Nói thẳng ra là nghịch do thích chứ không phải muốn phá cho nó hư. Chính nhờ điều đó nên mới nên duyên được với Samsung. Sau này biết được là bất hợp pháp nên "mắt nhắm mắt mở" tôi không làm nữa (cười)", anh chia sẻ.
Chặng đường đam mê công nghệ của anh có hình bóng những cái tên cạo gội trong làng công nghệ, bán lẻ hiện nay. Anh hào hứng kể: "Anh Quân, anh Tài Thế Giới Di Động, anh Hồng Quang, anh Tân Á Long, anh Hải cũng chung một một band tụi tôi lúc trước. Dù cho có khoảng cách thế hệ nhưng những lúc ngồi ăn uống ở khúc Phượng Vĩ - Nguyễn Tri Phương (điểm hay tụ tập của mọi người), tôi là người trẻ nhất nhưng mấy anh em chơi rất là vui, không tính toán gì hết".
Hồi đó anh thích IT nên nghịch, tự học là chính. Mọi thứ với anh trở nên bài bản hơn sau chuyến du học ở RMIT Úc với tấm bằng master. Sau này đi làm, anh từng gắn bó với Samsung vài năm trong vai trò làm về UX, code một phần nhỏ trong firmware và dịch thuật tiếng Việt. Hiện anh cùng gia đình đang định cư tại Úc, quản lý một công ty xứ sở tại đồng thời mở một công ty tại Việt Nam làm về lĩnh vực smarthome.
email anh H. gửi cho hacker GeoHot - người đầu tiên hack thành công iPhone vào năm 2008
"Thời iPhone 2G, nó chưa có App Store nên chưa ai biết gì. Ngay cả cái tin nhắn nó còn làm không xong nữa, không có MMS nên tụi tôi vừa mở dùng rất là bực. Nhưng thích cái nó là điện thoại đầu tiên có màn hình cảm ứng điện dung, dùng rất khác. Cảm giác đầu tiên mình chạm vào nó như có ma thuật. Thời của tụi tôi, những máy Pocket PC, O2 cầm cây bút chọt chọt mệt lắm luôn. Dùng cảm ứng iPhone thích lắm, dùng bàn phím cảm giác mình bấm gì nó ra đó, rất là nhạy. Nói chung rất là thích, tôi sẵn sàng bay từ Úc sang Dubai để lấy con iPhone thôi. Thay vì chờ ship mất cả tuần, tôi bay qua mất có hai ngày à, tranh thủ cuối tuần là đi liền", anh cho biết.
"Tôi nghịch thử nhưng SIM tại Úc không xài được do máy của AT&T nên rất là bực. Sau đó tôi mới nghiên cứu sao cho nó dùng được này nọ. Nói thẳng ra tụi code cho Apple lúc đó tụi tôi hay gọi đùa là dạng "học tiểu học" (cười). Tụi tôi chỉ cần dịch ngược ra thôi là xong, kiểu như "Có khóa mạng hay không" chỉ cần ghi có hoặc không thôi nên việc sửa rất là dễ. Lúc đó Samsung code, mã hóa "hầm bà lằng", rất là phức tạp. Mở khóa iPhone lúc đó rất dễ, chưa đến 10 phút là tìm ra rồi.
Hồi đó không như bây giờ, ít máy, ít người tìm hiểu, ít nghiên cứu. Trong khi lúc đó tụi tôi còn sinh viên, ai cũng rảnh quá không biết làm gì, suốt ngày nghịch. Tụi tôi coi như nghiên cứu chơi thôi"
"Bốn, năm ngày liền tôi với thằng GeoHot không ai ngủ. Thời đó chưa có Facetime gì đâu, chỉ dùng Skype mở webcam chat liên tục để làm. Lúc đó tụi tôi làm chơi, không tung ra gì hết. Mãi tới bản 1.1.1 làm được, khoe với mọi người nên dần dần mới lộ ra hết.
Lúc unlock iPhone 1.1.2 tụi bên Trung Quốc đề nghị tụi tôi con số 2 triệu đô, dạng làm độc quyền cho tụi nó. Lúc đó chỉ có hai người, trong đó có tôi tại tôi biết tiếng Trung biết được cái deal này thôi… Con số trong mơ cũng không với tới! Tôi bàn với GeoHot, nó nói không: "Đây là công sức của tao với mày, tao không muốn bán linh hồn chỉ vì tiền". Nên thay vì bán 2 triệu đô, tụi tôi tung ra miễn phí cho mọi người. Trước khi tung ra, tôi đồng ý cho bạn tôi làm một số deal lẻ để nó có tiền đổi cái xe.
Riêng tôi ở Việt Nam độc quyền làm việc này nên khắp nơi từ Dubai, Trung Quốc gửi về Việt Nam unlock rồi gửi trả lại. Tụi tôi rất là công bằng, tuy là mình không bán nhưng đó cũng là công sức của mình thì mình cũng phải hưởng trước. Lúc đó làm vui, trẻ nên làm để thử thách vậy thôi, tôi không để ý nhiều tới vấn đề tiền bạc", anh kể mà tôi cảm nhận được niềm vui và sự tự hào của anh khi nhắc đến thời tuổi trẻ oanh liệt.
"Một cái máy iPhone đời đầu què quặt về ngoại hình đã được tôi unlock và gửi về Việt Nam cho ba tôi xài. Sau đó mấy ông làm điện thoại ở trong nước mới biết. Về sau họ nhập máy về bán mới bảo tôi làm unlock được thì giúp giùm mấy ổng đi. Lúc đó làm rất, rất nhiều tiền. Thời kỳ đầu unlock iPhone với giá 1,2 triệu/máy. Những khi giao nhận máy, đứng ngoài đường nhận một lúc 7, 8 cái mà iPhone lúc đó giá rất mắc, mười mấy triệu một cái, phải tương đương bốn, năm chục triệu bây giờ. Một ngày làm tối đa công suất được 70 - 80 máy".
Anh hăm hở kể thêm về kỷ niệm làm unlock rất "sang" của mình: "Số lượng máy quá nhiều tôi phải mua mấy cái két sắt chỉ để chứa nó thôi. Các máy hãng khác tôi không nhận nữa. Những cái máy nhận sửa trước đó như Samsung, Nokia ngâm lâu quá, khách tới chửi là tôi mua máy mới đưa lại luôn".
"Thời kỳ đầu unlock iPhone tại Việt Nam, trong Sài Gòn có tôi, ngoài Hà Nội có Tuấn Anh tại mình tôi không ăn hết thị trường được".
“Hồi đó không như bây giờ, ít máy, ít người tìm hiểu, ít nghiên cứu. Trong khi lúc đó tụi tôi còn sinh viên, ai cũng rảnh quá không biết làm gì, suốt ngày nghịch"
"Cá nhân tôi thì iOS lúc nào cũng ổn định hơn do nó là sản phẩm được test kỹ càng rồi mới đưa ra. Về độ hoàn thiện iOS hơn rất xa. Tuy nhiên vài năm gần đây càng ngày càng lỗi nhiều, đa phần là lỗi vặt.
Theo chia sẻ của Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple: "Apple bây giờ không còn là Apple lúc trước!". Apple bây giờ đang chống đỡ thay vì dẫn đầu, dạng "trên đe dưới búa" bởi vì họ biết mình phải thay đổi. Họ không có cái gì mới trong khi các hãng khác quá nhanh. Như máy này (iPhone 11 Pro Max của tôi) camera phải "chôm lại" đi theo đại trà. Nó mất đi những cái nét riêng mà các dev rất thích. Ví dụ như bất cứ chuyện gì Apple đều nghĩ tới người dùng cuối, mỗi khi mình cần nó đều có sẵn, không cần phải thêm cái gì hết. Apple rất chỉn chu từ bàn phím, ngôn ngữ, emoji... đều dẫn đầu hết nhưng tới bây giờ lại trở thành người chống đỡ.
Trước iPhone X, Apple có thử nghiệm mẫu iPhone cảm ứng vân tay đằng sau. Sau khi test xong thì họ lại bỏ vì nó không thích giống tất cả mọi người. Dù Apple biết vân tay sẽ tiện hơn là nhận diện gương mặt (Face ID). Mặt khi lái xe hay nữ đeo khẩu trang không cách nào dùng được. Mùa đông bên Mỹ đại đa số người phải đeo mặt nạ cũng chẳng dùng được. Nhưng ý đồ của Apple đơn giản là không muốn giống người khác. Apple hiểu sức ảnh hưởng của họ rất là lớn nên không cần giống ai hết vẫn sẽ bán được. Cái hay nhất của Apple hồi trước là sáng tạo và marketing giỏi. Steve Jobs nói về kỹ thuật thì ổng không biết gì hết nhưng marketing thì phải gọi là siêu phàm".
"Con điện thoại Android đầu tiên tôi dùng nghiêm túc là Galaxy Nexus, tại vì nó của Samsung. Trước đó con Android đầu tiên của T-Mobile, HTC Dream còn cục lăn lăn (trackpoint), xài rất là chán. Android lúc đó ra rất là gấp rút, viết trên nền Java nên tụi tôi dễ dàng dịch ngược được. Tụi tôi mới bảo "garbage" (rác rưởi) nên không đụng đến luôn. Google làm ra mục đích cạnh tranh với Apple. Chưa hoàn chỉnh nhưng Google vẫn tung ra. Năm đó thị trường ở Mỹ Apple ôm hết, trong khi Symbian ngắt nghẻo nên Google nắm thời cơ mới tung ra sớm.
Lúc đó Android đúng là một đống hổ lốn chán lắm nên tôi bỏ mãi đến khi có Galaxy Nexus. Bên Samsung tôi tiếp cận được nhiều thông tin tôi mới thấy nó đang sửa dần, giao diện cũng khác nhìn đẹp hơn. Tới Android 6 & 7 tôi lại bỏ tại vì nó chỉ thay mỗi cái giao diện, còn lại không thay đổi bất kì cái gì hết.
Với tôi Android trước đây dạng Google đưa ra sản phẩm rồi mọi người test cho nó. Khác với Apple hoàn thiện sản phẩm rồi mới đưa cho người dùng trong khi cái này nó đưa cho người dùng test, tất cả đều rất vội vã, tới Android 9 tôi vẫn nhận được điều như vậy".
"Ngược lại với Android, thời đó Apple sửa đổi để tiến liên tục. Tụi tôi thích làm jailbreak tại vì ghét", câu nói của anh khiến chúng tôi phì cười vì cái lý do đáng yêu như vậy.
"Rõ ràng iOS có sẵn những hàm API trong framework như CallBar của một lập trình viên khai thác được cho phép khi chơi game, nó hiện cuộc gọi tới ngay trên cạnh trên màn hình thôi nhưng Apple không chịu làm. Tôi có quen người làm trong Apple luôn, nó nói thẳng bản thân nó làm rất là ghét nhưng chỉ làm công ăn lương nên kêu sao làm vậy, nó không có quyền quyết định. Tới iOS 11, 12 bây giờ Apple cũng không bao giờ cho phép điều đó, thực sự tôi không hiểu được"
"Trước giờ tôi luôn luôn dùng hai máy. Đại đa số máy phụ tôi chỉ bỏ SIM vào rồi dùng ở nhà luôn chứ ít khi đụng đến. Rảnh thì cắm cáp vào nghiên cứu xem nó có gì mới hay không. Hồi trước máy phụ là Android chơi rất là vui, có nhiều hàm API mới từ thời Android 8 lên 9. Google bắt đầu ép các hãng sản xuất phải theo ý nó rồi. Anh cảm nhận sắp tới Android sẽ có những thay đổi rất là lớn chứ không phải là dạng sản phẩm thổ tả, dùng người dùng để test như trước nữa.
Giữa một bên không có gì thay đổi có nghĩa là đang đi xuống dù tôi rất thích Apple, giữa một cái đang đi lên nên là người làm công nghệ tôi lập tức chuyển đổi để bắt kịp trend. Bây giờ nếu tôi không theo kịp Android, hai năm nữa ra phiên bản 12 là tôi đứt gánh luôn. Chưa rõ Apple năm sau sẽ như thế nào chứ hiện tại Android ở team chiếm ưu thế, đang dần dần đi đi đúng hướng".
"Ngày trước còn chê thằng này update rồi, thằng kia chưa update nhưng Google giờ build sẵn FrameWork để tập trung về server của nó để kiểm soát. Nó sẽ đẩy update phần lõi hệ thống cùng một lúc, chỉ không đụng tới phần giao diện các máy. Các phiên bản Android bây giờ phải được Google thông qua để đảm bảo những phần cơ bản nhất của Android. Tôi chưa rõ Google chuyển sang kiểm soát như vậy liệu có sẽ tạo thành một iOS khác hay không? Rồi iOS bây giờ sẽ ra sao? Như trong Binary chỉ có 0 và 1, hệ điều hành điện thoại cũng chỉ có Android và iOS thôi".
Nhiều người không chấp nhận thay đổi, một là fan cứng, hai là không thích sự thay đổi. Cộng với việc dùng Android nhiều khi khá lag, không ổn định bằng, app cũng không được trau chuốt như bên iOS. Nhiều người họ dùng thử không chấp nhận được cái này. Riêng với tôi vượt qua điều đó, càng dùng càng thấy nó hay, phù hợp với tôi nhiều hơn.
"Tôi quá chán Apple rồi. Không chỉ mình tôi mà còn đại đa số thành viên trong dev team của tôi luôn. Không thể chịu nổi nữa, từ iPhone 8 đã có nhiều người bỏ, tới iPhone X thì quay lại để trải nghiệm Face ID. Tới bây giờ nó vẫn là hệ thống nhận diện gương mặt tiên tiến nhất. Thật ra nó copy từ Kinect của Xbox, tôi không biết giữa tụi nó có chuyển nhượng gì hay không.
Tới Xs không thể nào chịu nổi. Năm nào Samsung ra sản phẩm mới tôi cũng đều mua cho người nhà. Em gái tôi dùng từ iPhone 4 đến iPhone 6, mua 6s lại nói không bởi hai máy giống y chang nhau. Hồi đó nó còn con nít thôi đó. Samsung đột ngột ra mắt S8 quá đẹp, nó cầm quá thích nên tôi mua cho nó luôn. Từ đó nó không bao giờ đổi lại iPhone".
Bạn tôi rất thân dùng iPhone 5, sau đó đổi qua dùng Sony Xperia Mini, sau đó là LG. Tới bây giờ cũng tuyên bố câu đó: "Không bao giờ đổi lại iPhone!". Những cái nó muốn dùng nhưng iPhone không có, ví dụ như nó muốn chặn cuộc gọi khi spam nhiều quá nhưng iPhone không có. Trên Android thì bảo cài thêm app thì nói app nhiều quá không biết chọn, đây cũng là một cái dở của Google. Dùng iPhone cảm giác như nhốt vô một cái chung cư vậy, rõ ràng là nó tiện nhưng nó không đúng nhu cầu.
Có một người dev là fan cứng của Apple, khi chat trong nhóm nó dùng những từ ngữ rất nặng nề nhưng nhận định của nó có cơ sở, là đúng. Kiểu như: "Mày là công ty dẫn đầu cuối cùng mày chỉ chú trọng đến doanh thu, mày chỉ muốn giữ vững vị trí đứng đầu mà không dám thay đổi nữa. Tại sao tao phải theo mày?".
"Tôi dùng Note, có những thứ tôi nghĩ không cần đến nhưng khi tôi muốn nó có sẵn. Anh muốn làm gì tôi làm, nó không quản lý tôi. Ngay cả khi tôi muốn root, hay dùng cùng lúc hai tài khoản WhatsApp, hai tài khoản Viber, hai Facebook luôn, cái gì cũng được.
Công việc của tôi hiện tại, khi nhân viên gửi file thiết kế đến, tôi phải xem và duyệt liền. Nếu tôi không đồng ý cái nào, tôi đánh dấu rồi gửi lại. Những giấy tờ công ty bên Úc của tôi khi cần ký, tôi cũng phải làm liền.
Hồi trước dùng iPhone làm mấy việc đó tôi phải về nhà. Ở Úc tôi đi ô tô thì đem iPad được nhưng Việt Nam thì tôi không thể. Thế nên với iPhone, tôi về nhà in ra, ký tên rồi gửi lại cho họ. Nếu tôi ký lên màn hình iPhone, chữ ký không đúng nên họ không chấp nhận. Nói thật tôi nhìn cũng không ra chữ ký của mình luôn (cười). Phải trên iPad có cây viết (Apple Pencil) thì ký mới đúng. Trong khi đó với Galaxy Note, họ gửi file PDF, tôi rút cây viết ra ký xong gửi lại luôn. Đỡ tốn rất nhiều thời gian!", anh lặp lại câu cuối đến ba lần liên tiếp.
Giờ tôi muốn ghi âm cuộc gọi, đố tụi em tìm thấy trên iPhone. Nếu muốn phải jailbreak rồi mới cài được. Như Android trượt xuống muốn kết nối, tắt wifi bấm cái là được, Apple cũng phải build theo tạo ra Control Center. Android vuốt từ trên xuống thì tao vuốt lên, không muốn bắt chước mày. Tao bắt chước thì tao cũng phải làm khác. Những người quá cuồng thì sẽ nói Apple đi sau nhưng hoàn thiện. Anh thì không thấy điều đó. Ví dụ như trên Android bấm giữ biểu tượng Bluetooth là em sẽ thấy bao nhiêu thiết bị để kết nối. Trên iOS em chỉ có thể tắt hoặc mở thôi…."
"Người ta dùng quen người ta không muốn đổi. Riêng tôi thì quá bức xúc, mạnh dạn thay đổi rồi giờ kêu tôi đổi lại máy iOS làm máy chính thì chịu. Để năm sau coi sao chứ năm nay iPhone để gắn SIM phụ là chủ yếu, tìm hiểu tiếp xem có gì vui nữa không. Android giờ có eMassage dùng Macbook ở nhà là server có thể nhắn tin, gọi điện iMessage được rồi.
Bù lại nó cũng còn nhiều cái chưa được như tôi dùng Macbook, Android chưa hỗ trợ tốt. Trở lại vấn đề nãy tôi có nói, Huawei có sẵn chương trình quản lý file hỗ trợ chia sẻ FTP luôn. Lúc nào tôi muốn copy từ điện thoại vào Macbook cũng rất nhanh gọn. Samsung không có sẵn, muốn thì phải cài thêm nhưng lại quá nhiều không biết chọn cái nào, thêm quảng cáo nhiều nữa. Cái rất dở của Google!"
Tôi có nói chuyện với đám dev: "Tao mới đổi qua Note10 từ ngày nó mới ra. Dùng rất là ổn luôn. Tao không hiểu tại sao không đổi qua sớm hơn."
Nhiều người trả lời: "Tao nói mày trước đó rồi, tao đổi qua cả năm rồi tại mày không nghe tao, bla bla bla…."
"Tại tao bận quá nên cũng lười thay đổi", tôi đáp lại.
Ngoài con Note10+ 5G, tôi còn có cái máy Galaxy Note10 màu hồng ở nhà. Tôi rất thích nó bởi đúng kích thước vàng, có cái pin hơi kém. Cấu hình, camera thì tôi không quan tâm bởi cũng vậy à. Còn cái này (iPhone) tôi cảm thấy không chịu nổi nữa đúng kiểu "iPhone không tôn trọng người dùng", quá xấu!
Khi cầm iPhone mới, tôi thấy cái bự đẹp hơn cái nhỏ do cụm camera kích thước bằng nhau. Cái kia (iPhone 11 Pro) máy nhỏ hơn nên rất mất cân đối. Tôi thì thích máy nhỏ hơn máy bự nên nghĩ trong đầu: "Trời, mình đang xài iPhone Xs, năm sau mình mua cái cục thổ tả này hả?" Con em tôi lại ví von là trà sữa trân châu đường đen.
Tôi có chơi tennis, vẫn hay nói với bạn bè: "Tao có thể đánh dở nhưng đồ của tao phải đẹp. Hôm đó áo tao càng đẹp tao đánh càng dở cũng không quan tâm". Điện thoại cũng vậy, tôi có thể cầm cái máy một số chức năng tôi cần nó không có vẫn chấp nhận được, kiểu vừa là thói quen vừa thỏa hiệp. Nhưng tôi không chấp nhận một cầm cục thổ tả nên tôi quyết định đổi qua Galaxy Note. Dần dần có những nhu cầu tôi cảm thấy không phù hợp trên iPhone nữa như ký văn bản, sửa file design ngay trên đó tôi không thể làm được.
Cảm giác của tôi là iPhone hầu như nó không thay đổi gì suốt hai, ba năm trời. Độ hoàn thiện giữa Samsung và Apple là một chín một mười. Thiết kế micro trên Note10 là đường rãnh rất là nhỏ trong khi ở iPhone lại rất là to. Cảm giác thiết kế iPhone đi sau hai, ba năm.
“Điện thoại cũng vậy, tôi có thể cầm cái máy một số chức năng tôi cần nó không có vẫn chấp nhận được, kiểu vừa là thói quen vừa thỏa hiệp. Nhưng tôi không chấp nhận một cầm cục thổ tả nên tôi quyết định đổi qua Galaxy Note”
Từ khi chuyển qua Galaxy Note10, tiện hơn nhiều. Đúng như những cái Apple không có, tôi muốn nó có thì tôi lại tìm thấy bên Note10, tìm không thấy thì tôi cài thêm app. Tôi cần note nhanh, vừa rút bút ra là có thể ghi được rồi. Ví dụ tôi thường hay để ý phần thiết kế, không chỉ điện thoại mà cả nội thất nữa, ngay khi thấy cái gì lạ lạ, đẹp đẹp tôi hay ghi lại nhanh kiểu "Runam nhà thờ đức bà đèn rất đẹp".
Một phần tôi đổi qua Android cũng do iPhone quá chậm về công nghệ. Con Galaxy Note10+ có bản 5G và ở Úc, tôi đã được trải nghiệm công nghệ 5G rồi.
"Samsung tôi thích một điểm: dũng cảm loại bớt nút. Chỉ một bên có nút thôi, còn cạnh phải trống trơn. Với iPhone thì còn đầy nút.
Nút nguồn trên Note10 chuyển sang cạnh trái lúc đầu dùng thấy hơi ngược, nhưng tôi dùng lâu lại quen. Cái gì cũng có lý do hết. Đại đa số người dùng dùng viết tay phải, thao tác điện thoại tay trái. Nếu nút nguồn bên cạnh phải rất là khó bấm, trong khi như hiện tại thì tiện hơn nhiều. Chính những chi tiết nhỏ nhỏ này cho thấy Samsung biết nó đang yếu cái gì để dần dần thay đổi. Ngày càng tôi đánh giá cao Samsung là vậy.
Tụi em có biết dạng kính mờ trên iPhone mới cũng phần cũng vì Samsung làm Note10 kính bóng, cố ý đi ngược lại. Kiểu như mình chơi game giết boss. Đến khi boss chỉ còn 10% sẽ dùng tuyệt chiêu vùng lên rất dữ dằn. Do đó team tôi cũng cảm thấy sợ Apple từ thời điểm này nó đi xuống bởi cảm giác nó đang chống trả chứ không phải sáng tạo. Như từ thời iPhone 6 phải làm màn hình bự hơn để đua với Samsung.
Một thời tôi rất chán Samsung. Tới Galaxy S8 là sự thay đổi rất lớn, S9 lại chán vì không khác nhiều. Note8 lên Note9 cũng không khác gì hết. Nhưng với năm nay tôi thấy đúng là dũng cảm thay đổi. Mọi năm đầu năm là Galaxy S, cuối năm là Galaxy Note thường không khác nhiều. Năm nay giữa S và Note khoảng cách rất là xa. Thiết kế cũng thông minh khi ai không thích camera ngang thì chọn camera dọc.
Samsung cần hơn nữa là cần đua về thiết kế, sáng tạo. Cứ như vậy sau một thời gian nữa họ sẽ là người chiến thắng.
“Thật thì trước Note10, tôi đã chuyển hẳn sang Android với chiếc OPPO Reno 10x 5G. Dù giao diện tôi không nuốt nổi nhưng tôi vẫn để ý tới chức năng nhiều hơn. Có thể lúc đầu thấy nó đẹp tôi mua nhưng sau này khi dùng hằng ngày tôi thấy chức năng nó ổn nữa thì mới quyết định dùng nhiều. Reno thiết kế không mới tuy màn hình ẩn luôn camera trước nhưng bù lại nó không quá thực tế. So với nhu cầu của mình, tôi vẫn đánh giá Samsung cao hơn rất nhiều.
Android là nơi mọi nhà sản xuất tự do đưa cá tính của mình vào. Tuy vậy nói về giao diện, tôi đánh giá OPPO quá xấu, Xiaomi quá tệ, Vivo tôi chưa thử, Huawei tôi thử rồi cũng không thích. Samsung vẫn là người dẫn đầu. Dùng để ý những chi tiết nhỏ tôi thấy rất là ổn. Đúng như code name của nó là Da Vinci có nghĩa là đối xứng. Nhìn bên hông sẽ thấy thiết kế của nó cong trên cong dưới, loa cũng đối xứng, rất là hay”.
“Note10 tôi thấy rất là hài lòng, là sản phẩm tôi hài lòng nhất của Samsung. Dần dần nó biết đặt tâm tư người dùng vào sản phẩm”
Nokia, Apple có thể chết nhưng Samsung không bao giờ chết. Giữa một thiên tài sinh ra là giỏi với một người lúc nào cũng chăm chăm biết mình sai là sửa, dũng cảm học theo hay thậm chí là ăn cắp. Có dũng cảm như vậy về lâu dài mới là người thắng chứ không phải là thiên tài nghĩ mình giỏi rồi ngủ quên mà Nokia là ví dụ.
iPhone càng xài càng không thấy gì hết. Đại đa số người dùng chỉ nghe, gọi, nhắn tin. Ngoài ra cầm iPhone dễ cua gái hơn. Những cô gái thông minh, đi làm có thể xài iPhone, có thể xài Samsung. Nhưng cô gái đẹp không làm gì hết thì 100% dùng iPhone. Cầm nó có tiếng hơn.
Cộng với việc iPhone bán được do máy để trong kho nhưng cứ báo hết, bán ra nhỏ giọt. Cung không đủ cầu sẽ có giá. Càng tăng giá, thương lái Việt Nam càng ra sức qua nước ngoài xếp hàng mua xách về. Bán có lời nhiều khiến các người bán càng thổi iPhone hot lên, người mua theo hiệu ứng đám đông mà mua theo.
Năm nay iPhone làm 4G nhưng năm sau nó phải làm 5G. Bởi vì nếu không có 5G, Apple sẽ quay lại tình trạng của iPhone đời đầu không có 3G. Lúc đó rất nhiều người sẽ không mua. Bây giờ Android đang thay đổi để bớt mang tiếng là rác, trở nên hoàn thiện hơn. Còn với iOS là phải thay đổi hoặc không là chết. Năm sau và năm tới nữa sẽ là quãng thời gian cực kỳ quan trọng đối với Apple bởi nếu không cẩn thận sẽ trở thành một Nokia thứ hai. Càng lớn thì sụp càng nhanh!