Theo cựu tiền đạo ĐT Việt Nam và CLB Đồng Tháp, không có chuyện HLV quá cố Alfred Riedl ghét Lê Công Vinh, yêu quý Phạm Văn Quyến hay coi anh như con nuôi của ông...
Phóng viên: Alfred Riedl, HLV và cũng là người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ cầu thủ, trong đó có Phan Thanh Bình đã giã biệt cõi trần ở tuổi 70. Có lẽ anh có nhiều cảm xúc hơn cả!?
Phan Thanh Bình: Lúc còn là cầu thủ, tôi có một mối quan hệ tốt đẹp với thầy Alfred Riedl. Nhưng từ lâu, chúng tôi đã không liên lạc với nhau nên khi hay tin thầy mất, cảm giác trong lòng vô cùng hụt hẫng. Thầy Riedl là một người sống tình cảm, tính cách điềm đạm có phong thái nhã nhặn của người Âu, nên không chỉ cầu thủ mà các quan chức cũng quý mến thầy.
Xin lỗi, tôi có cảm giác chủ quan rằng, anh là người được ưu ái hơn so với đồng đội. Có dạo người ta nói anh như “con nuôi” của thầy Riedl, anh biết chứ? mà tôi thấy họ có cái lý. Chuyện là như thế nào, hãy hé lộ một chút thôi nếu có thể, Phan Thanh Bình?
Thực ra cũng không có cái gì đặc biệt. Thời điểm đó, rất ít người biết tiếng Anh. Tôi thì có thể nói chuyện nên hai thầy trò hay tương tác. Thầy Riedl nói cái gì Bình đều nghe hết. Thí dụ trong buổi tập, không có phiên dịch, hoặc người phiên dịch đứng đằng xa, Bình đều hiểu thầy muốn truyền đạt cái gì.
Lúc đó có sự tương tác, nói qua nói lại, thành thử đôi bên đều vui vẻ trong mỗi buổi tập. Còn những anh em khác, nhiều khi ú a, ú ớ chẳng biết nói gì, họ chỉ biết đứng chờ phiên dịch lại. Xong các anh em cầu thủ, đồng đội thấy vậy nên họ nghĩ thầy Riedl ưu ái cho Bình.
Mà ưu ái cũng vui chứ sao, nhưng nên nhớ, ở đây là đá bóng. Với một ông HLV đến từ châu Âu, có thích kiểu gì đi nữa cũng đặt vấn đề chuyên môn lên hàng đầu. Anh nào tốt, anh nào giỏi sẽ được sử dụng, sẽ được xếp vào đá để phục vụ cho thành tích và sự hiệu quả của cả đội và cả chiếc ghế HLV. Bóng đá đơn giản lắm, đội bóng mà đá dở thì ông HLV phải ra đi đầu tiên. Thầy Riedl là người hiểu điều đó nhất.
Và thầy Riedl chọn Phan Thanh Bình vì có phải giai đoạn đó, anh là “gà son” của đội tuyển?
Đó là giai đoạn, Bình chơi tốt, hay ghi bàn trong các trận đấu căng thẳng, thậm chí các trận đấu lớn. Ở thời điểm quan trọng, Bình vẫn thể hiện được nên giúp cho đội bóng và cả bản thân thầy nữa. Tình cảm thầy trò cứ vậy đi lên.
Còn thế nào mọi người tự đánh giá. Bóng đá đôi khi có những câu chuyện rất khó làm hài lòng người khác, dù mình đã cố gắng và đã được thẩm định về chuyên môn. Dù sao thì tôi hạnh phúc với những gì mà mình có được khi được làm học trò của thầy Alfred Riedl.
Tôi nhớ không lầm ở thời điểm đó, Công Vinh không được trọng dụng. Mãi đến sau này, người ta vẫn nói rằng “Vinh như cậu học trò bị HLV Alfred Riedl ruồng rẫy, bỏ rơi”. Phan Thanh Bình nghĩ gì?
Cái đó là nhìn từ góc độ của mọi người và cũng có thể từ cá nhân Công Vinh mà thôi. Cầu thủ mà, có đôi khi không chiếm được suất đá chính nên có người bực tức và nghĩ này, nghĩ kia. Trường hợp tôi, có khi tôi cũng dao động về mặt tinh thần, huống gì người khác.
Mà nói thêm, ở thời điểm đó toàn những anh lớn, những cầu thủ có chuyên môn rất giỏi. Cả đội ngũ ban huấn luyện cũng thế, họ rất giỏi về chuyên môn, giỏi mọi mặt. Mình đá mà không ghi bàn, chẳng mang đến lợi ích gì thì chẳng có ông HLV nào sử dụng mình hết. Điều đó, bất kỳ cầu thủ nào cũng thấy và thấm, chứ không phải riêng tôi.
Khái niệm “thầy ruột” có khi bắt đầu từ chuyện thầy Riedl và trò Thanh Bình…
Tôi không biết nữa, bóng đá mà, có nhiều chuyện được thêu dệt lắm! Mà tôi nhớ, năm 2003 khi HLV Riedl kết thúc hợp đồng, LĐBĐ Việt Nam mới mời HLV Tavares về làm HLV trưởng. Thời điểm đó, Công Vinh có cơ hội đá chính nhiều hơn. Tuy nhiên, khi thầy Riedl quay lại, Bình lại được chọn và trao cơ hội.
Thành ra, anh Công Vinh có thể có suy nghĩ kiểu “thầy ruột” vậy đó, giống như HLV Calisto khoái phong cách của Việt Thắng. Chuyện rất đơn giản, HLV nào cũng có một hình mẫu cầu thủ để phục vụ chiến thuật cho mình. Trên thế giới cũng vậy, có người đi đâu thì “câu” theo học trò mình cần đi đến đó.
Công Vinh viết trong tự truyện nói rằng, thầy Riedl xem tôi như con. Tôi không biết, anh ấy viết như vậy có ý gì không. Tôi cho rằng, điều đó không hay mà thôi kệ họ, mỗi người mỗi quan điểm, ai nghĩ gì thì nghĩ.
Rất nhiều nhà chuyên môn cho rằng, HLV Alfred Riedl rất bảo thủ và ông ấy ít khi lắng nghe ai đó góp ý, chia sẻ vấn đề gì, đặc biệt là vấn đề về chiến thuật. Là người trong cuộc anh thấy thế nào?
Tôi nhớ đó là thời điểm đó có những sự chuyển giao về chiến thuật, HLV Alfred Riedl là người chuộng sơ đồ 4-4-2 đang thịnh hành. Chỉ có một vấn đề, đến năm 2004, ông Tavares chuyển sang chơi 3-4-3, 4-3-3. Phong cách mới, sử dụng đội hình cũ, con người Việt Nam không phù hợp. Tôi nhớ, lúc đó, chúng ta khởi đầu te tua, ông Tavares bỏ đội về nước, giao cho trợ lý thủ môn Nguyễn Văn Khánh làm thuyền trưởng.
Năm 2005, HLV Alfred Riedl quay lại, người ta lại có lý do để so sánh. Thật tình mà nói, HLV nào cũng vậy thôi, họ sử dụng thành công chiến thuật nào thì họ xài cái đó thôi, chứ sao bắt họ phải sử dụng chiến thuật này chiến thuật kia được. Ông Tavares thua tan nát với sơ đồ 4-3-3 chẳng lẽ giờ ông Riedl lại quay về đống đổ nát đó.
Ở đội tuyển có rất nhiều tiền đạo giỏi, nếu công tâm lựa chọn hay là thích thì Phan Thanh Bình sẽ chọn ai làm đối tác trên hàng công?
Bình cảm nhận, chơi với Công Vinh hay Văn Quyến cũng có nét tương đồng giống nhau. Vì cả Vinh và Quyến đều là mẫu tiền đạo để người ta châm bóng cho mình rồi phô diễn. Quyến hay Vinh không phải là dạng cầu thủ đi kiếm bóng.
Khi tự truyện của Công Vinh ra đời, thầy Riedl cũng nhắc vấn đề này. Thầy nói rằng, tôi chọn Thanh Bình vì anh ta hỗ trợ phòng ngự cho đội bóng tốt hơn. Công Vinh và Văn Quyến đều là 2 cầu thủ rất xuất sắc. Nhưng họ đều có một phong cách chơi mà thầy cần những cầu thủ phục vụ cho đội bóng, cho chiến thuật nên có lẽ tôi được chọn.
Nhưng sự thật nữa là HLV Alfred Riedl thích Văn Quyến nhiều hơn Công Vinh. Ở góc nhìn của mình, Bình giải thích như thế nào về câu chuyện này?
Không phải là thích Văn Quyến hay thích Công Vinh. Tôi cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ Quyến sớm khẳng định được tài năng của mình ngay từ khi là một cầu thủ trẻ. Người ta vẫn cọi Văn Quyến là “thần đồng” là vì vậy. Ở thời điểm, Quyến đi lên thì Vinh chưa thể hiện được nhiều. Nhiều người nói với tôi, lúc ấy Vinh đang ở đâu?, anh ấy có gì để các HLV xài. HLV Alfred Riedl sử dụng Quyến là đúng.
Có khi nào Phan Thanh Bình và Lê Công Vinh “xung đột” trong và ngoài sân cỏ không?
Cái nào ra cái đó chứ, bóng đá phải trả lại cho bóng đá. Tôi và Công Vinh vẫn “tám” chuyện với nhau. Chúng tôi vẫn hợp tác ở một đài truyền hình. Lâu lâu có số điện thoại vẫn gọi cho nhau để trao đổi công việc. Tôi rất tôn trọng Công Vinh vì anh ấy đã làm được rất nhiều thứ cho bóng đá Việt Nam.