Phạm Văn Quyến - Cú sút cột điện và 'nạn nhân' của sự cám dỗ

Văn Nhân |

Mấy hôm trước, cộng đồng mạng truyền nhau một clip quay lại cú sút trúng cột điện của Phạm Văn Quyến trong cuộc thách thức với những người bạn...

Quyến “béo” đặt bóng bên ngoài thềm quán và sút bóng trúng ngay cột điện với khoảng cách gần 30m. Tất cả đều thán phục tài năng của Văn Quyến khi cú ra chân quá hoàn hảo trong tình trạng đã có men bia.

Xem xong cip thú vị của Văn Quyến, nhiều người vẫn tay tán thưởng nhưng lại trở về với cảm thấy tiếc nuối cho cầu thủ từng được gọi là thần đồng bóng đá Việt Nam. Tiếc cho một cầu thủ thiên tài lạc lối trong sự ca tụng và sa ngã trong thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp.

Tuổi 16, Văn Quyến đã trở thành Cầu thủ hay nhất giải U16 châu Á khi đưa U16 Việt Nam vào bán bán kết. Hai năm sau, Văn Quyến đã góp mặt ở Tiger Cup 2002 (AFF Cup) cùng ĐTVN. Tất cả cho thấy được tài năng thiên tài của Quyến “béo” so với các cầu thủ cùng trang lứa.

Clip bàn thắng Văn Quyến ghi vào lưới Hàn Quốc năm 2003.

Năm 2003, Văn Quyến chính thức đứng trên đỉnh cao danh vọng của sự nghiệp dù anh mới 19 tuổi. Văn Quyến ghi bàn thắng giúp U23 Việt Nam hạ ĐT Hàn Quốc 1-0 vào ngày 19/10/2003. Một bàn thắng lịch sử đánh dấu cho năm bùng nổ cho thần đồng người xứ Nghệ.

Cùng năm đó, Việt Nam tổ chức SEA Game 22 và Văn Quyến đưa U23 Việt Nam đi đến trận chung kết với Thái Lan. Văn Quyến là người có bàn thắng đẳng cấp gỡ hòa 1-1 trước Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn ngậm ngùi về nhì.

Quyến “béo” chính thức trở thành cái tên được người hâm mộ Việt nam cực kỳ yêu mến. Tuổi 19, Văn Quyến có tất cả mọi thứ, là chủ nhân QBV Việt Nam trẻ nhất lịch sử (năm 2003), là cầu thủ được người hâm mộ khắc cốt ghi tâm nhờ có những pha đi bóng thêu hoa dệt gấm, những bàn thắng đẳng cấp trước những “ông kẹ” Hàn Quốc, Thái Lan…

Trong tự truyện Phút 89 của Lê Công Vinh, Văn Quyến được kể lại với hai từ chính xác nhất miêu tả về tài năng chơi bóng: THIÊN TÀI.

“Vào những ngày đỉnh cao phong độ, có cảm giác không một hậu vệ nào có thể chạm vào anh, không một thủ môn nào đoán được anh sẽ sút vào đâu, không một hệ thống chiến thuật nào có thể vô hiệu hóa anh nổi. Muốn cô lập Văn Quyến những ngày ấy, chỉ có cách chặn đường chuyền, sao cho bóng không đến chân anh mà thôi”, Công Vinh nói về tài năng của Văn Quyến trong tự truyện.

Thế nhưng, tuổi 19 có được ánh hào quang quá lớn đã tác dụng ngược với Văn Quyến. Từ một cậu bé chăn châu sớm vụt sáng nhờ thiên tài chơi bóng, Văn Quyến thiếu sự bao bọc đúng nghĩa, phần lớn chỉ là sự ca tụng ngất trời. Danh tiếng, tài năng đi kèm với tiền bạc - đó là những thứ mà đời cầu thủ ước ao nhưng mặt trái có thể khiến cho sự nghiệp trượt dài.

Tuổi 21, Văn Quyến dính chàm khi tham gia bán độ tại SEA Game năm 2005. Hai năm tù treo và 4 năm treo giò đã khiến cho thần đồng bóng đá Việt Nam chỉ còn chơi bóng trong chính cái bóng của mình.

Văn Quyến thiên tài nhưng rõ ràng thiếu đi một ý thức mang tầm bao quát, đúng hơn là khát vọng thành công cùng bóng đá, đủ sự kiên định để khẳng định chính mình. Vì sao? Năm 2009, Văn Quyến chính thức trở lại với bóng đá đỉnh cao, tức chỉ mới 25 tuổi. Nhưng Văn Quyến tăng cân, thiếu đi sự khao khát trở lại với hình ảnh ngày xưa. Anh chỉ còn được nhắc đến với những khoảnh khắc lóe sáng, còn sự phát triển ổn định là điều xa xỉ.

Phạm Văn Quyến - Cú sút cột điện và nạn nhân của sự cám dỗ - Ảnh 2.

Văn Quyến là bài học cho các cầu thủ trẻ Việt Nam.

Bóng đá cần thiên tài nhưng mỗi ngày đều phải khổ luyện, không tập thì không thể chơi bóng đỉnh cao. Cầu thủ chuyên nghiệp hay ngôi sao đều cần có sự ý thức nhất định về hình ảnh, tránh sa cám dỗ trong thời điểm nổi tiếng nhất.

Văn Quyến là bài học cho các cầu thủ trẻ Việt Nam phải khắc ghi về ranh giới giữa thiên tài và khổ luyện, danh vọng và ý thức gìn giữ. Văn Quyến là số 1 ở vế đầu tiên nhưng bị khuyết ở vế thứ hai. Chính điều này khiến cho anh trở thành nỗi tiếc nuối đến tận hôm nay vẫn còn được nhiều người yêu bóng đá Việt Nam nhắc tên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại