PGS.TS Trần Đình Thiên: "Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này"

Lam Thiên - Đỗ Linh |

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, những vinh danh với các doanh nhân và doanh nghiệp kinh tế tư nhân không nên chỉ dừng ở danh hiệu. Hơn ai hết, họ cần được trao cơ hội và niềm tin, để lớn mạnh và giúp Việt Nam trở nên hùng cường.


PGS.TS Trần Đình Thiên: Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này - Ảnh 1.

Trải qua 3 thập niên, khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ nhỏ bé, bị hạn chế, đã phát triển mạnh mẽ và tạo nên động lực phát triển mới cho nền kinh tế, đặc biệt là trong 10 năm gần đây. Nếu tổng kết một cách khái quát những gì kinh tế tư nhân đã làm được, ông sẽ nói gì?

Có ba ý rất cơ bản. Thứ nhất, khu vực tư nhân là cứu tinh của nền kinh tế Việt Nam vào đầu những năm 1980, khi nó bị lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 6 tháng, khu vực vốn bị đè nén phát triển, đang rất yếu này, đã bùng dậy, giúp nền kinh tế khủng hoảng hồi sinh nhanh chóng và trỗi dậy mạnh mẽ. Đó là công lao vô cùng lớn. Nó giúp xác định đường hướng phát triển mới cho kinh tế Việt Nam ở thời kỳ khó khăn nhất: định hướng thị trường.

Thứ hai, sau nhiều năm phát triển ngay cả trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân - mặc dù là "lực lượng cứu tinh" của nền kinh tế - vẫn bị phân biệt đối xử, kỳ thị nặng nề. Khó lớn, chậm lớn, không muốn lớn, nhưng vẫn cứ lớn, trở thành "một động lực phát triển quan trọng" của nền kinh tế. Với sức sống đó, có thể tin giờ đây, kinh tế tư nhân sẽ lại bừng dậy mạnh mẽ, giống như hơn 30 năm trước, sẽ làm được điều kỳ diệu như đã từng làm.

Thứ ba, tương lai của nền kinh tế Việt Namgắn với sự lớn mạnh của lực lượng kinh tế tư nhân. Tôi nhấn mạnh: lực lượng doanh nghiệp tư nhân - chứ không đơn thuần là số lượng đông đảo doanh nghiệp tư nhân. Dù muốn hay không, các doanh nghiệp Việt Nam phải kết thành lực lượng, trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò nền tảng, dưới sự dẫn dắt của các Tập đoàn kinh tế lớn, với sự hỗ trợ và định hướng phát triển của Nhà nước.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này - Ảnh 2.

Dù là động lực mới cho phát triển kinh tế nhưng sau 30 năm, câu chuyện mà nhiều chuyên gia nhắc về kinh tế tư nhân hiện nay lại là vấn đề chất lượng tăng trưởng, khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 96%, còn con số "vừa và lớn" chỉ chiếm tổng cộng hơn 3%. Điều gì đã tạo nên thực trạng này, thưa ông?

Trước hết là vì xuất phát điểm kinh tế của Việt Nam quá thấp.

Một lý do khác là dù thừa nhận sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng chúng ta chưa có những giải thích rõ ràng, đầy đủ về vai trò, vị thế và vị trí chức năng của nó trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong căn nguyên nhận thức, kinh tế tư nhân dường như vẫn được coi, bị đối xử như là lực lượng "tự phát" và "đối lập". Vì thế, trong thực tiễn chính sách, có tình trạng "phân biệt đối xử", "kỳ thị", "con đẻ - con nuôi".

Điều này làm cho môi trường chính sách hay không gian phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước bị co hẹp, trở nên méo mó, không công bằng. Méo mó đến mức chúng ta còn dành sư "ưu ái" hơn hẳn cho khu vực doanh nghiệp nước ngoài, vốn có thế lực mạnh hơn, lại không phải thuộc "thành phần nội lực", là lực lượng được Đảng coi là "đóng vai trò quyết định phát triển".

Với xuất phát điểm chênh lệch, cộng với môi trường chính sách, môi trường kinh doanh không bình đẳng thì sự phát triển khó khăn, trì trệ của khu vực kinh tế tư nhân nội địa là điều không có gì khó hiểu. Thậm chí nó còn là lẽ tất nhiên.

Công lao của kinh tế tư nhân trong việc tạo việc làm và mang lại cơ hội cho người lao động là vô cùng to lớn. Đo đếm trực tiếp, có thể nói công lao đó của khu vực tư nhân là lớn nhất, lớn hơn nhiều so với lượng việc làm và thu nhập (trực tiếp) mà khu vực nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài tạo ra. Mà chúng ta biết, việc làm và thu nhập cho người lao động chính là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Thế nhưng, cho đến nay, kinh tế tư nhân vẫn chưa thực sự nhận được những thứ mà họ cần và đáng được nhận, mà cái quan trọng trước hết, có lẽ không phải là những danh xứng, danh hiệu nọ kia mà là một môi trường kinh doanh công bằng, công khai – minh bạch và một hệ thống chính sách không phân biệt đối xử.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này - Ảnh 4.

Gần đây, Chính phủ cũng đã có những vinh danh với các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nhân thuộc khu vực kinh tế này, như tặng huân chương lao động (trường hợp của T&T, Thaco ….). Ông nghĩ sao về những tín hiệu vinh danh này?

Theo tôi, đó là điều đáng mừng. Nhưng phải thấy việc ông Trần Bá Dương, Đỗ Quang Hiển được nhận Huân chương lao động hạng Nhất không phải là điều gì lạ thường. Đó là điều tất nhiên vì công lao đóng góp của họ và doanh nghiệp của họ vào sự phát triển của nền kinh tế và đất nước. Đất nước tặng Huân chương cho họ, nhưng thực ra, cũng chính là họ tặng cho mình.

Những người như ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Trần Bá Dương, bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này: đó là Doanh nhân dân tộc.

Nhân việc này, tôi muốn nói rằng tuy danh hiệu cao quý được trao cho các cá nhân doanh nghiệp, không nên quên rằng doanh nhân, doanh nghiệp Việt muốn lớn mạnh thì không thể đơn độc. Doanh nhân như ông Đỗ Quang Hiển hay Trần Bá Dương hoàn toàn xứng đáng với những danh hiệu được Nhà nước trao tặng. Nhưng tôi chắc là khi nhận danh hiệu đó, chính các vị ấy cũng thấy và cũng muốn có thêm những doanh nhân Việt Nam khác được vinh danh như mình.

Phải hiểu thế nào là doanh nhân dân tộc đây? Đó là những người biết tạo ra công ăn việc làm, chia sẻ với người lao động, tuân thủ luật pháp, luôn có khát vọng vươn lên, khát vọng tạo vị thế, vẽ nên chân dung đất nước ngẩng cao đầu trong thế giới hội nhập.

Với những con người ấy, vinh danh không nên chỉ dừng lại ở trao danh hiệu. Nhà nước cần phải có những khuyến khích vật chất xứng đáng hơn, nhưng không hẳn chỉ là tiền. Cái mà những doanh nhân đích thực mong muốn có lẽ ngoài một môi trường kinh doanh bình đẳng và sự đối xử công bằng, còn được trao cơ hội và niềm tin, cung cấp thêm động lực khuyến khích để họ tiếp tục vươn. Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, họ cần được hưởng cơ chế "khuyến khích người thắng" thay cho cơ chế "chọn sẵn người thắng" (hàm nghĩa "ưu tiên cánh hẩu").

Nhưng với nhiều chuyên gia, lựa chọn ưu đãi khuyến khích của Nhà nước nên giống như việc thả một đàn ngựa trên thảo nguyên, việc cần làm của nài ngựa là phải hỗ trợ những con đầu đàn, chứ không phải những con lẽo đẽo theo sau. Ông nghĩ sao?

Tư duy về phát triển của chúng ta hiện nay cần thay đổi. Cho đến giờ, chúng ta vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển số lượng doanh nghiệp để có được những thành tích - thể hiện ở số doanh nghiệp thành lập mới, số thuế thu được… mà không xét đến cùng là việc đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp mới ra đời dễ luôn đi kèm với số doanh nghiệp đóng cửa cao tương ứng. Đẻ non nhiều, thì chết yểu lắm. Ấy là do chỉ quan tâm đến sinh đẻ mà không chú trọng tới nuôi dưỡng.

Một số nền kinh tế ở châu Á, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, để trở thành "thần kỳ", họ có chiến lược phát triển cơ cấu doanh nghiệp nhiều tầng – Lớn, vừa, nhỏ - liên kết trong chuỗi, hỗ trợ nhưng cũng cạnh tranh nhau. Họ xây dựng được một cấu trúc công nghiệp mạnh, lớn nhanh và cạnh tranh tốt với thế giới là nhờ các doanh nghiệp cố kết với nhau như vậy, nhờ đó, mà thành lực lượng doanh nghiệp của đất nước. Đó cũng là cách xây dựng một nền công nghiệp quốc gia mạnh, nền tảng là công nghiệp hỗ trợ. 

Muốn có một nền công nghiệp tốt, phải có công nghiệp hỗ trợ mạnh, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm chủ lực. Các doanh nghiệp "hỗ trợ’ này liên kết với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế. Đây là lực lượng trụ cột, đóng vai trò dẫn dắt. Đó cũng là cách kiến tạo các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Thiếu các doanh nghiệp lớn làm "trụ cột liên kết" và "dẫn dắt", doanh nghiệp nhỏ và vừa khó lớn, khó cạnh tranh để trưởng thành.

Muốn phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp tư nhân, thì Chính phủ hãy đầu tư và tạo điều kiện cho những con ngựa đầu đàn. Chính con ngựa đầu đàn ấy sẽ biết cách tạo ra áp lực và tạo cơ hội khuyến khích các con ngựa khác trong đàn để trợ giúp lẫn nhau.

Tôi tin là nếu có một chính sách đúng đắn để khuyến khích doanh nghiệp cho những người làm tốt, thay đổi cách tiếp cận, và đẩy mạnh vai trò dẫn dắt của các Tập đoàn lớn để làm trụ cột cho nền kinh tế của đất nước, thì các trụ cột đó sẽ dần dần hình thành một chuỗi doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp nhỏ sẽ có cơ sở để định hướng và làm theo những gì doanh nghiệp lớn đã và đang làm.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này - Ảnh 5.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính phủ từng nói: "Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu". Trong con mắt của ông, năng lực cạnh tranh toàn cầu ở đây phải hiểu là bao gồm những yếu tố gì?

Theo tôi, năng lực để cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ ràng nhất trong việc kết nối sức mạnh của các doanh nghiệp trong chuỗi, ở đó, các doanh nghiệp lớn và vừa cần phải thể hiện được vai trò dẫn dắt, xây dựng năng lực cốt lõi cho chuỗi.

Tôi muốn nhắc đến ví dụ của những doanh nghiệp tư nhân thế giới vì sao họ phát triển nhanh, có sức vươn mạnh, như trường hợp Uber, Grab… Lý do cơ bản là ngoài nguồn lực tài chính vững mạnh, họ còn có năng lực công nghệ hiện đại. Quyền lực của một tập đoàn lớn trong bối cảnh kinh tế quốc tế hiện này không thể chỉ tính tới sức mạnh tài chính hay đất đai, mà trên hết phải là sức mạnh trí tuệ, sức mạnh thông tin. Chính nhờ có năng lực này mà Grab có thể huy động, điều hành, quản trị được hàng ngàn, hàng trăm ngàn chiếc taxi mà không cần thực sự sở hữu một chiếc xe nào.

Chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam cũng phải như vậy. Chúng ta phải tập trung tạo năng lực mới đó, thoát khỏi những khái niệm cũ, để doanh nghiệp thực sự chống chịu và xoay chuyển được trước những rủi ro mang tính toàn cầu.

PGS.TS Trần Đình Thiên: Ông Phạm Nhật Vượng, Đỗ Quang Hiển, Đoàn Nguyên Đức, Trần Bá Dương và bà Thái Hương… đang định hình khái niệm doanh nhân Việt, làm cho nó trở nên rõ ràng hơn và có giá trị đối với đất nước này - Ảnh 7.

Nói như vậy thì ông đặt rất nhiều niềm tin vào công ty công nghệ thay vì các công ty có sức mạnh kiểu truyền thống?

Vẫn phải đặt long tin vào cả hai. Công ty công nghệ cũng phải dựa trên nền tảng tài chính để phát triển. Nhưng ngày nay, không có nền kinh tế "vật thể" truyền thống nào không dựa vào nền tảng số, dù ít hay nhiều. Sức mạnh của công nghệ số khi tích hợp với nền kinh tế thực sẽ làm thay đổi cấu trúc phát triển doanh nghiệp, từ đó thay đổi nền kinh tế.

Để nói về cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới thì chắc chắn có, và thậm chí cần phải coi đó là biểu tượng làm tăng sức mạnh cho quốc gia trên đấu trường thế giới.

Nhưng đi ra ngoài cần phải có năng lực tự lực tự cường, bởi đó là sân chơi khác, luật pháp có nhiều điểm khác. Nếu không tự mình mạnh mẽ, không nắm được luật pháp ở nước ngoài, thì doanh nghiệp Việt dù có tiềm lực đến đâu, ý chí đến đâu cũng sẽ gặp nhiều vấn đề. Nhưng phải nhớ tránh làm tầm thường hoá tầm vóc của chính mình và của quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại