Từ khi kỷ nguyên Olympic hiện đại bắt đầu với Olympic Athens 1896, đã có 4 lần các kỳ Thế vận hội mùa hè không thể tổ chức đúng theo kế hoạch. Các kỳ Berlins 1916 và Tokyo 1940 là hai kỳ Thế vận hội duy nhất bị hủy hoàn toàn, còn Olympic London 1944 đã bị dời đến năm 1948, tất cả đều do tác động của chiến tranh.
Tuy nhiên bị hoãn tổ chức vì một đại dịch thì Olympic Tokyo 2020 là lần đầu tiên trong lịch sử. Kỳ Thế vận hội này đã trễ một năm do đại dịch Covid-19.
Các VĐV tham gia Olympic Antwerp 1920 (Ảnh: Getty Images)
Dù vậy, Thế vận hội lần thứ 32 không phải là lần đầu tiên một dịch bệnh ảnh hưởng đến giải đấu. Quay ngược thời gian, Olympic 1920 Antwerp (vương quốc Bỉ) được hân hoan chào đón như là biểu tượng của sự hồi phục và hàn gắn sau chiến tranh thế giới thứ 1. Cũng tại đây, biểu tượng 5 vòng tròn đã lần đầu tiên xuất hiện trên lá cờ Olympic.
Thế nhưng chỉ vài tháng trước khi 2626 VĐV từ 29 quốc gia có mặt ở Bỉ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã cày nát châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Từ tháng 2 năm 1918 đến tháng 4 năm 1920, cả thế giới đã ghi nhận 1/3 dân số nhiễm cúm và 20 triệu cho đến 50 triệu người tử vong. Không chỉ là về quy mô, tỉ lệ tử vong và đối tượng bị ảnh hưởng cũng hoàn toàn khác biệt so với Covid-19.
"Thường thì khi đại dịch cúm bùng phát, trẻ em hoặc người cao tuổi sẽ là đối tượng dễ bị tác động nhất. Thế nhưng vào năm 1918, nhóm dân số thanh niên và người trung niên từ 20-30 tuổi ghi nhận số ca tử vong cao đáng ngạc nhiên", giáo sư sử học Jim Harris của đại học bang Ohio (Mỹ) cho biết.
Thời điểm đó, các biện pháp theo dõi dịch bệnh, sự tiến bộ của y học cũng chưa thể bắt kịp tốc độ lây nhiễm và vắc-xin thì hoàn toàn không. "Những biện pháp phòng dịch chủ yếu giai đoạn đó là đeo khẩu trang và giãn cách", giáo sư Harris nói thêm.
Dịch cúm cùng chủng với cúm Tây Ban Nha đã bùng phát tại Nhật Bản trong thời gian tổ chức Thế vận hội mùa đông 1998 tại Nagano (Ảnh: Getty Images)
Các dịch bệnh dường như chọn các kỳ Olympic tổ chức tại Nhật Bản để bùng phát. Thế vận hội mùa đông Nagano 1998 cũng đã chứng kiến hàng loạt VĐV rút lui do bùng phát dịch cúm cùng chủng với cúm Tây Ban Nha tại Nhật Bản, trong đó có một số cái tên tiêu biểu như nhà vô địch trượt băng nghệ thuật thế giới người Đức Tanja Szewczenko. Một số khác thì phải chuyển chỗ ở từ làng VĐV ra các khách sạn.
Cây bút đoạt giải Pulitzer – Kevin Sullivan viết về một số VĐV có khả năng tranh huy chương nhưng đã không thể tranh tài do nhiễm bệnh trong bài đăng trên tờ Washington Post năm 1998:
"Bộ đôi trượt băng nghệ thuật Marie-Claude Savard-Gagnon và Luc Bradet đều rút lui do cúm, riêng Savard-Gagnon không thể hoàn thành bài thi cá nhân của cô ấy. Nhà vô địch Canada an phận kết thúc ở vị trí thứ 16.
VĐV trượt tuyết tốc độ Na-uy Aadne Sondral đã dành huy chương vàng nội dung 1500m, nhưng đã phải từ bỏ nội dung 1000m vì nhiễm cúm, đánh mất cơ hội giành thêm 1 huy chương vàng nữa".
Dịch cúm năm đó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến 8000 phóng viên, nhà báo tác nghiệp, các trường học trên toàn nước Nhật cũng đã phải đóng cửa. Ước tính đã có 900.000 ca mắc bệnh và ghi nhận 20 ca tử vong, trong đó có 17 trẻ em và 3 người cao tuổi.
Trung tâm báo chí Olympic Tokyo 2020 với các biện pháp đảm bảo giãn cách (Ảnh: Getty Images)
Tại Olympic Rio cách đây 4 năm, người ta cũng đã lo ngại về dịch Zika lây lan chủ yếu qua muỗi đốt. Nhưng cuối cùng thì du khách vẫn đổ về đây và kỳ Thế vận hội này vẫn kết thúc thành công tốt đẹp. Nhưng Olympic Tokyo 2020 có lẽ sẽ khác, bởi đại dịch Covid-19 có lẽ sẽ vẫn tiếp tục kéo dài.
Các biến chủng mới xuất hiện khiến hy vọng chấm dứt đại dịch bằng chiến dịch tiêm chủng của các quốc gia dần trở nên mờ nhạt. Số ca nhiễm mới đã tăng gấp 3 chỉ sau vài tuần tại Mỹ do biến chủng Delta, dù hơn 56% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và chính quyền Tokyo đã rất nỗ lực khi đưa ra một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo tối đa an toàn phòng dịch Covid-19 cho Olympic Tokyo 2020. Chính quyền Tokyo đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần 4, có hiệu lực tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận từ 12-22/8, các quán bar sẽ bị cấm hoạt động và các cửa hàng ăn uống sẽ không được phép bán đồ uống có cồn.
Ngoài ra, hầu hết các địa phương tham gia tổ chức Olympic đều đã cấm khán giả đến sân. Ban tổ chức còn ban hành hơn một chục quy tắc cho các đoàn thể thao để đảm bảo an toàn dịch tễ. Lễ khai mạc cũng đã hạn chế lượng VĐV và cán bộ các đoàn thể thao tham gia xuống còn 50-60%.
Trên khán đài, lượng khán giả tối đa cũng chỉ là 950 người (800 người nước ngoài và 150 người Nhật Bản), chủ yếu là các quan chức thể thao và nhân vật chính trị như chủ tịch IOC Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Seiko Hashimoto,...hay Nhật hoàng Naruhito.
Tuy nhiên, nguy cơ Thế vận hội Tokyo trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm vẫn hiện hữu. Ngày 17/7, ca dương tính đầu tiên tại làng VĐV xuất hiện.
Trong ngày 22/7, có thêm 12 ca mắc mới, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại làng VĐV lúc này đã lên đến 87 ca, trung bình mỗi ngày có 17,4 ca dương tính mới. Một số VĐV và đội tuyển đã dọn ra các khách sạn bên ngoài làng VĐV do lo ngại nhiễm bệnh.
HCV Olympic Rio 2016 Simone Biles (thứ 2 từ trái sang) và các đồng đội của tuyển thể dục nghệ thuật Hoa Kỳ đã dọn ra khỏi làng VĐV do lo ngại nhiễm bệnh (Ảnh: Getty Images)
Với hơn 11.000 VĐV từ mọi châu lục, các chuyên gia y tế còn cho rằng, Thế vận hội Tokyo thậm chí có khả năng trở thành nơi tạo ra các biến chủng mới. Tổng thư ký Ủy ban tổ chức, giám đốc điều hành Olympic 2020 - Toshiro Muto nói rằng sẽ triệu tập đàm phán 5 bên một lần nữa để bàn hướng giải quyết những sự cố phát sinh do dịch Covid-19.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, đã có khoảng 185 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới và khoảng 4 triệu ca tử vong. Bác sĩ, giáo sư ngành vi-rút học của đại học Tohoku Hitoshi Oshitani – người góp công đầu trong công tác phòng dịch của Nhật Bản từ những ngày bùng dịch đầu tiên, khẳng định với tờ Times of London:
"Hoàn toàn không thể tổ chức một kỳ Thế vận hội mà không có nguy cơ, với sự bùng phát dịch như hiện nay tại Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới".