img
Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 1.
Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 2.

Trao đổi với chúng tôi, BS Ngô Văn Vũ Trọng (Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang) - người trực tiếp theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân tại đây cho biết, tính đến 24/8, Trung tâm hiện đang điều trị cho 110 F0; cách ly theo dõi 178 F1; trong ngày hôm nay qua sàng lọc các ca F1 phát hiện thêm 12 test nhanh mẫu gộp dương tính và vẫn đang đợi kết quả test nhanh RT-PCR.

Từ khi phát hiện ổ dịch đến nay đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong; 4 trường hợp diễn biến nặng đã được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh.

Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 3.

Từ lúc chuyển đổi thành Bệnh viện Dã chiến số 8, Trung tâm công tác xã hội Tiền Giang được tăng cường 7 bác sĩ và 13 điều dưỡng từ Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang và Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho.

Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng vì vậy nhân lực tại chỗ còn mỏng, mỗi ca trực tại Trung tâm hiện chỉ có 1 bác sĩ cùng với 5 điều dưỡng đảm nhiệm công tác theo dõi, chăm sóc cho 110 bệnh nhân, đây là áp lực rất lớn đối với các y, bác sĩ tại đây.

Các bệnh nhân đều là người già, người có vấn đề về tâm lý, phần lớn không thể kiểm soát hành vi của mình. Trong quá trình thăm khám một số người bệnh tỏ ra không hợp tác vì vậy gây khó khăn cho công tác điều trị.

Đa phần bệnh nhân đều là người có tình trạng suy kiệt, nhiều bệnh nền vì vậy hàng ngày các bác sĩ luôn theo sát, thăm hỏi để nắm bắt diễn biến của người bệnh từ đó kịp thời đưa ra các phương án điều trị phù hợp.

"Bệnh nhân năm nay đã ngoài 90 tuổi, huyết áp cao, mặc dù đã chăm sóc và điều trị tận tình nhưng do tuổi cao, sức yếu bệnh nhân diễn biến nhanh. Sáng nay bệnh nhân khó thở nhiều hơn, đo SPO2 (nồng độ oxy trong máu) là 75%, sau khi cho bệnh nhân thở oxy túi đã tăng lên trên 80%, tuy nhiên tiên lượng vẫn nặng, ngay lập tức chúng tôi đã cho chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh để theo dõi và điều trị", BS Trọng thông tin thêm về một ca bệnh vừa được ê-kíp thăm khám.

Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 4.

Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh và Đoàn công tác Bộ Y tế, kể từ khi thành lập Bệnh viện Dã chiến số 8 đã nhanh chóng nhận được hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhằm phân lập bệnh nhân, dự trù trang thiết bị, đánh giá nguy cơ theo quy định của Bộ Y tế, cùng với đó được các bác sĩ tuyến Trung ương hướng dẫn báo hiệu sớm để nhanh chóng chuyển tầng điều trị kịp thời…

Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 5.

Dưới cái nóng oi ả, vừa kịp cởi bỏ bộ đồ bảo hộ sau một ca làm việc, điều dưỡng Đoàn Văn Đạt – Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang lại tiếp tục công việc kiểm đếm những trang thiết bị y tế vừa được chuyển đến như đồ bảo hộ, khẩu trang…

Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết, từ khi nhận công tác chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm, anh không giây phút nào ngơi nghỉ. Hàng ngày ngoài việc theo dõi sức khỏe cho người bệnh, anh và các đồng nghiệp còn đảm nhiệm vai trò "con cháu" trong gia đình, trò chuyện, động viên và an ủi những bệnh nhân lớn tuổi, người khuyết tật phần nào giúp họ ổn định tâm lý trong quãng thời gian điều trị.

"Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối mịt mọi công việc như vệ sinh cá nhân, ăn uống của người bệnh đều do chúng tôi đảm nhận, hoàn cảnh của họ đã rất đáng thương, nay lại nhiễm COVID-19, quả thật chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những mảnh đời như vậy. Đó cũng là động lực để tôi và đồng đội cố gắng hết sức hoàn thành tốt công việc của mình, chăm lo cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh", anh Đạt tâm sự.

Có những ngày áp lực khi bệnh nhân trở nặng phải hồi sức cấp cứu rồi chuyển tuyến, anh và đồng nghiệp chỉ biết động viên lẫn nhau, sốc lại tinh thần để tiếp tục dốc hết sức lực tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn. Mỗi lần nhìn thấy nụ cười, sự lạc quan của người bệnh anh cũng như các đồng nghiệp lại cảm thấy đôi chút nhẹ nhõm, có thêm động lực để tiếp tục làm việc.

Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 6.


Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 7.

Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch tại Trung tâm công tác xã hội, Đoàn công tác Bộ Y tế phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến tại đây để trực tiếp điều trị, cách ly cho các đối tượng dễ tổn thương đồng thời huy động nhân sự thuộc Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho và Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang bao gồm các y bác sĩ, điều dưỡng đến hỗ trợ.

Đồng hành cùng các y, bác sĩ tại Trung tâm Công tác xã hội trong những ngày này là BS Phạm Văn Đức, Khoa Hồi Sức - Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành viên tổ điều trị Đoàn công tác Bộ Y tế tại Tiền Giang.


Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 8.

"Sau khi nắm bắt tình hình, chúng tôi nhanh chóng phân khu điều trị F0 và khu cách ly F1 tách biệt hoàn toàn dưới dạng mô hình bệnh viện dã chiến. Trong đó, khu điều trị dành cho F0 đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, các tòa nhà cách xa với khu điều trị F0 được trưng dụng làm khu cách ly dành cho F1, trong đó khu vực F1 có tiếp xúc gần với F0 được lấy mẫu gộp định kỳ 3 ngày/lần" – BS Đức chia sẻ.

Những F0 tại Trung tâm Công tác xã hội vừa là đối tượng dễ tổn thương vừa là những người lớn tuổi, suy kiệt về thể chất, không có khả năng chăm sóc bản thân.

Để các nhân viên y tế tại đây tránh lúng túng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, Đoàn công tác Bộ Y tế đã hướng dẫn, lên kế hoạch, tiến hành phân tầng tại khu F0 bao gồm: F0 không triệu chứng và F0 có bệnh nền, đặc biệt là những người lớn tuổi lão suy để tiện cho việc chăm sóc, điều trị.

Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 9.

Vì là cơ sở mới thành lập, còn nhiều thiếu sót, Đoàn công tác và ban lãnh đạo tại Bệnh viện dã chiến phải thường xuyên trao đổi, thông tin để lên kế hoạch về trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ bảo hộ… phục vụ việc điều trị.

"Chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra về nhân lực, vật lực…xem cơ sở còn thiếu thốn gì để nhanh chóng bổ sung, hỗ trợ. Ngoài ra chúng tôi cũng đề xuất bổ sung thêm nhân lực và kiến nghị địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho các nhân viên y tế trực tiếp phục vụ tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Đến nay đã có 23 nhân viên y tế và 68 đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiêm vaccine", BS Đức chia sẻ.

Hình ảnh những chiến sĩ áo trắng đi từng phòng, kiên nhẫn thăm khám, dặn dò và chia sẻ cùng bệnh nhân - những người yếu thế trong xã hội khiến chúng tôi cảm phục. Không chỉ nỗ lực về mặt điều trị, các y bác sĩ ở đây còn luôn nhẫn nại và thấu hiểu tâm trạng của bệnh nhân có chút đặc biệt so với những F0 mà họ từng tiếp xúc.

Ở bệnh viện dã chiến đặc biệt nhất Tiền Giang - Ảnh 10.

Nhân viên y tế vừa tranh thủ nghỉ ngơi vừa xem phim hoạt hình để "bầu bạn" cùng em bé mồ côi trong khu cách ly