Nóng chuyện trọng tài, từ V-League đến Premier League

Thanh Hải |

Dù có hay không có VAR, trọng tài vẫn là tâm điểm của sự chú ý, tạo nên các tranh cãi không hồi kết. Không chỉ V-League, đến Premier League cũng đau đầu với các phán quyết của những vị “Vua áo đen”.

Chủ đề trọng tài tiếp tục nóng ở V-League 2022. Ở vòng 15 mới đây, HLV Bae Ji-won của Viettel bức xúc với công tác trọng tài khi cho rằng “trọng tài đưa ra nhiều quyết định không đúng khiến cầu thủ ức chế, gây ảnh hưởng lớn đến kết quả của trận đấu” sau thất bại trước Bình Dương, còn HLV Chun Jae-ho của Hà Nội FC ám chỉ đội nhà “bị trọng tài xử ép” ở trận thua Bình Định.

Những tranh cãi liên quan đến trọng tài không có dấu hiệu thuyên giảm, vì vậy sau vụ trọng tài Ngô Duy Lân mắc sai sót ở trận Hà Nội - HAGL, Trưởng Ban trọng tài VFF, ông Dương Văn Hiền một lần nữa nhắc tới việc áp dụng công nghệ VAR để hỗ trợ trọng tài, nhằm mang tới những trận đấu công bằng hơn.

Nóng chuyện trọng tài, từ V-League đến Premier League - Ảnh 1.

HLV Bae Ji-won của Viettel cho rằng trọng tài Trần Ngọc Nhớ đưa ra nhiều quyết định sai. Ảnh: KH

Nhưng VAR có thực sự hữu ích trong việc giảm thiểu sự căng thẳng? Ngay ở Premier League, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, trọng tài cũng chưa bao giờ làm hài lòng tất cả. Và công nghệ VAR không làm mọi thứ tốt lên. Mới đây sau thất bại 1-3 trước MU, phía Arsenal kịch liệt lên án trọng tài Paul Tierney vì tước bàn thắng của Gabriel Martinelli. Sau khi tham khảo VAR, Tierney quyết định Martin Odegaard đã phạm lỗi với Christian Eriksen trong pha tranh chấp từ trước đó.

Theo cựu HLV Tony Pulis, VAR không có lỗi. Vấn đề nằm ở chính các trọng tài, những người đưa ra quyết định cuối cùng. Họ cần chuyên môn tốt, đảm bảo sự công tâm và kiên định với phán quyết của mình, đồng thời tránh lạm dụng VAR. Nhưng vì trọng tài cũng là con người, rất khó chắc chắn họ sẽ không đưa ra các quyết định cảm tính.

HLV Mikel Arteta nhận định đây là “pha va chạm có thể bỏ qua” còn Odegaard mỉa mai Eriksen “quá yếu đuối”. Từ phía các chuyên gia, sự việc này cũng gây chia rẽ. Trong khi cựu tiền đạo Hasselbaink cho rằng Arsenal bị “tước oan một bàn thắng hợp lệ”, thì Roy Keane quả quyết đó là “tình huống phạm lỗi”.

Không chỉ trận đấu giữa MU và Arsenal, vòng 6 Premier League là thảm họa thực sự với công nghệ VAR. Sự căng thẳng cũng như mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức Ban trọng tài của giải đấu phải đánh giá lại, sau đó thừa nhận đã có 2 sai lầm từ công nghệ VAR.

Trận West Ham và Chelsea, trọng tài Andy Madley bẻ còi sau khi thảm khảo VAR, từ chối bàn thắng của đội chủ nhà khi cho rằng Jarrod Bowen phạm lỗi với thủ môn Edouard Mendy trước đó. Cũng với lý do tương tự, xem lại màn hình, trọng tài Michael Salisbury đã tước bàn thắng của Newcastle ở trận hòa 0-0 với Crystal Palace.

“Can thiệp tối thiểu, mang lại lợi ích tối đa” là dòng quảng cáo khi công nghệ VAR được đưa vào bóng đá. Nhưng cho đến nay, có vẻ nó đang đi ngược tiêu chí. Vốn là công nghệ hỗ trợ, nhưng VAR đang khiến các trọng tài trở nên phụ thuộc, sau đó hoài nghi quyết định của chính mình khi được khuyến nghị xem lại tình huống.

Mùa 2021/22, tổng cộng có tới 120 lần VAR can thiệp vào các tình huống trên sân, dẫn đến 47 bàn thắng, tước đi 43 quả khác, tạo ra 38 quả phạt đền, từ chối 9 quả. Nhìn vào con số thống kê, những lần bẻ còi của trọng tài đang trở nên phổ biến. Rất hiếm những trọng tài như Michael Oliver, người bỏ ngoài tai lời khuyên nên tham khảo VAR, cương quyết với nhận định của bản thân khi cho Nottingham Forest hưởng phạt đền trong trận gặp Bournemouth. Nhưng vào lần khác, chuyện ngược lại đã xảy ra. Đó là khi trọng tài kỳ cựu Mike Dean, nay chuyển sang phụ trách phòng VAR, cách đây không lâu thừa nhận sai lầm vì không khuyên trọng tài chính xem xét tình huống kéo tóc của Cristian Romero (Tottenham) với Marc Cucurella (Chelsea).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại