Sau nhiều ồn ào về 10 Phó trưởng đoàn, mới nhất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có công văn gửi Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) yêu cầu rà soát lại cơ cấu đoàn TTVN đi SEA Games 29.
Không biết việc rà soát lại sẽ dẫn tới kết quả cuối cùng nào. Nhưng trước đó, trả lời truyền thông, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn từng nói nếu cắt, vẫn có thể giảm 2 Phó trưởng đoàn, song công việc dồn lên vai những người khác sẽ nhiều hơn hẳn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Đức Phấn nói thêm:
"Cán bộ đi rất áp lực và vất vả, chứ không sung sướng gì. Mong NHM chia sẻ chứ cán bộ đâu được thêm gì, tiêu chuẩn nào đâu. Thậm chí tôi là trưởng đoàn cũng phải nhường những gì tốt nhất cho HLV, VĐV".
Đặc điểm SEA Games là luôn có rất nhiều môn thi đấu, ở nhiều địa điểm khác nhau nên cần nhiều người theo dõi, quản lý. Bản thân một người theo dõi vài môn thi đấu cũng đã gặp vất vả, đấy là chưa kể các VĐV không thi đấu cũng có lịch tập luyện.
"Tùy thuộc địa điểm, giờ đấu khác nhau nhưng VĐV không đấu thì cũng phải tập, không được nghỉ. Thường 8h, 8h30 chúng tôi ăn sáng xong thì ra khỏi nhà. Có hôm 23h mới về đến phòng nghỉ còn thường 21h là bắt đầu họp. Nhưng có hôm lịch thi đấu quá muộn nên về muộn. Công việc là cứ lang thang chỉ đạo các đội, vất vả chứ không làm theo giờ giấc như ở nhà".
Đoàn TTVN đi dự SEA Games 28 tại Singapore.
Trong danh sách thực tế đoàn TTVN đăng ký với BTC SEA Games chỉ có 1 Trưởng đoàn và 2 Phó trưởng đoàn theo quy định. Thực tế việc thông báo thêm 8 Phó trưởng đoàn khác trước NHM và truyền thông nhà chỉ để làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ.
Mọi điều kiện của các thành viên trong đoàn TTVN ở SEA Games tới đều như nhau, tiêu chuẩn 50 USD/ngày do BTC đặt ra.
"Có 3 đơn vị quan trọng với TTVN là Hà Nội, Tp.HCM và quân đội. Họ đóng góp nhiều VĐV cho đoàn và có thành tích cao. Số lượng huy chương tập trung ở đây là chính.
Các anh ấy đi, ngoài nhiệm vụ chung của đoàn thì còn xem xét toàn bộ các VĐV, khi về thì chia sẻ lại, làm động lực cho VĐV trẻ học tập lớp đàn anh. Rồi khi thi đấu có lãnh đạo đơn vị tới động viên, thưởng cho VĐV của họ nữa. Tôi rất cần những Phó trưởng đoàn như vậy.
Những cán bộ Tổng cục, Vụ trưởng, Giám đốc trung tâm... quản lý công tác giáo dục tư tưởng, ăn nghỉ, tất cả mọi thứ đều là họ quản lý, công tác phục vụ, chăm lo cho HLV, VĐV như thế nào. Rồi đánh giá thành tích VĐV hàng năm đều là họ làm.
Các đồng chí Vụ trưởng cùng đi thì mỗi người 1 mảng. Hai đồng chí Vụ trưởng chuyên môn thì đã phụ trách chuyên môn của 2 vụ. Bên tài chính thì lo vấn đề tiền bạc cho đoàn, mỗi người một nhiệm vụ. Việc đi chỉ tăng thêm trách nhiệm chứ chẳng có lợi ích gì thêm với họ cả.
Từ họp kỹ thuật, tập luyện thi đấu là họ phải kiểm soát. 21h – 21h30 là tôi họp tất cả lại để chuẩn bị cho ngày hôm sau, thì tất cả các công việc của Phó đoàn phải được báo cáo. Tất cả các vấn đề đột xuất ở môn thi, cụm thi đấu của họ đều phải được thông báo để điều chỉnh. Chứ mình tôi không thể kiểm soát được bao nhiêu con người như thế" – ông Phấn chia sẻ tiếp.
Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 29, Trần Đức Phấn (giữa, ảnh: Minh Khánh).
Đến thời điểm này, những tranh cãi về 10 Phó trưởng đoàn của đoàn TTVN ở SEA Games 29 đã lên tới cao trào nhất, và Bộ VHTTDL cũng đã ra công văn như đề cập ở đầu bài, để tái cơ cấu thành phần đoàn.
Theo một số nguồn tin, việc thành phần đoàn TTVN bị NHM, giới truyền thông chỉ trích về vấn đề có nhiều Phó đoàn phần nào ảnh hưởng tới tâm lý một bộ phận VĐV, vì cảm giác "đầu chưa xuôi" không biết "đuôi có lọt"?
Mong rằng sau khi rà soát để tái cơ cấu lại đoàn TTVN, mọi thứ sẽ thuận lợi, để thể thao Việt Nam hướng tới SEA Games, chinh phục các HCV tại Đại hội Thể thao ĐNÁ 2017.