Nỗi day dứt mang tên Januzaj và bí quyết ẩn sau cột mốc lịch sử 4000 của Man United

Nam Khánh |

Nicky Butt có một cách giải thích rất độc đáo về vai trò của học viện Manchester United, khi đề cập đến chủ đề làm thế nào để biến một cầu thủ trẻ thành một ngôi sao thực thụ.

“Có thể nói, chuyện này giống như khi anh lần đầu tiên được gặp người mà mình sẽ dành phần còn lại của cuộc đời để ở bên người đó vậy, yếu tố đầu tiên khiến anh bị thu hút chắc chắn sẽ là ngoại hình,” Butt, người đã có 13 năm gắn bó với Man United trong tư cách là một cầu thủ (chơi 387 trận) và giờ đây đang là giám đốc phát triển của câu lạc bộ này, trả lời phỏng vấn với ESPN.

“Sau đó, anh sẽ bắt đầu tìm hiểu về con người của người đó, anh ‘sa vào lưới tình’ và cuối cùng là kết hôn. Khi anh gặp một cầu thủ trẻ, điều đầu tiên anh nhìn thấy ở cậu ta là tài năng. Nhưng đó không phải là tất cả, cũng giống như trong một mối quan hệ vậy. Thứ anh nhìn thấy đầu tiên là tài năng, nhưng sau đó, yếu tố quan trọng nhất chính là tính cách.”

“Đã có hàng ngàn cầu thủ đến với câu lạc bộ này, rất nhiều người trong số họ tài năng hơn tôi gấp nhiều lần, nhưng tôi đã đạt được đến cái đích mà mình mong muốn vì một lý do hoàn toàn khác. Không chỉ là tài năng – mà phải là nhiều hơn thế.”

Học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Manchester United đã đạt được một cột mốc vô cùng đáng nhớ vào ngày Chủ Nhật tuần trước. Cuộc tiếp đón Everton trên sân nhà Old Trafford vào cuối tuần trước chính là cột mốc đánh dấu trận đấu thứ 4000 liên tiếp mà đội hình của họ có sự góp mặt của ít nhất một cầu thủ trẻ xuất thân từ học viện.

Đó là một cuộc hành trình đã kéo dài hơn 80 năm, tính từ ngày 30 tháng 10 năm 1937, khi Toim Manley và Jackie Wassall góp mặt trong trận thua 0-1 của Man United trước Everton. Trong khi đó, Everton cũng chính là đội có thành tích tốt thứ hai ở Premier League về khía cạnh này với hơn 1.000 trận trong suốt 20 năm và đã chấm dứt vào tháng 8 vừa qua.

Nỗi day dứt mang tên Januzaj và bí quyết ẩn sau cột mốc lịch sử 4000 của Man United - Ảnh 1.

Cuộc đối đầu với Everton hồi cuối tuần đã đánh dấu một cột mốc vô cùng trọng đại trong công tác đào tạo và phát triển cầu thủ trẻ của Manchester United.

Chuỗi hành trình kéo dài không ngừng nghỉ này là một niềm tự hào to lớn của Man United, đến mức nó đã trở thành một phần trong cuộc trò chuyện của Ed Woodward với các nhà đầu tư vào đầu tháng 11. Tuyên bố mà ông đưa ra về sứ mệnh là “Giành lấy các danh hiệu, chơi bóng đá tấn công và tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ.”

Phần cuối cùng của tuyên bố đó chính là một trong những lý do đã giúp Ole Gunnar Solskjaer được chọn trở thành người thay thế cho Jose Mourinho trên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng, nhưng nhìn rộng hơn, thì những cầu thủ trẻ do câu lạc bộ này sản xuất ra chính là một phần cực kì quan trọng trong lịch sử của họ.

Vào năm 1968 – 10 năm đã trôi qua sau khi thảm họa hàng không Munich cướp đi sinh mạng của 8 thành viên thuộc “Busby Babes” – Manchester United đã trở thành câu lạc bộ Anh đầu tiên giành được chức vô địch European Cup với một đội hình gồm 8 cầu thủ trẻ, mà 7 trong số đó chính là những chàng trai được đôn lên từ chính học viện của họ.

“Dây chuyền sản xuất” này đã được phục hồi dưới thời Sir Alex Ferguson vào những năm 1990.

Khi Man United giành chức vô địch Champions League vào năm 1999, họ đã đánh bại Bayern Munich trong trận chung kết bằng một đội hình bao gồm 4 cậu học viên được đôn lên đội 1 từ lứa “thế hệ 92” của lò đào tạo trẻ: David Beckham, Butt, Ryan Giggs và Gary Neville. Đáng lẽ ra đã có thêm một cái tên nữa góp mặt trong sách này, nếu Paul Scholes không bị treo giò.

Chung kết Champions League 1998/99: Man United 2-1 Bayern Munich

Hiện tại, “lô hàng” mới nhất đã được bổ sung vào đội một để “tiếp nối truyền thống” chính là những cái tên Marcus Rashford, Jesse Lingard, Scott McTominay, Mason Greenwood và Brandon Williams.

Mỗi người trong số họ đều đang đi theo bước chân của những bậc tiền nhân đã trải qua cùng một cuộc hành trình với mình như Duncan Edwards, George Best, Mark Hughes, Giggs và Beckham, và điều đó đã được thể hiện trong những kỷ lục của đội bóng.

5 cầu thủ ra sân nhiều nhất trong lịch sử của Manchester United – Giggs, Sir Bobby Charlton, Scholes, Bill Foukes và Neville – đều là những học viên tốt nghiệp từ học viện của họ. Ở mùa giải này, có đến 32 trong tổng số 35 bàn thắng của Manchester United là được ghi hoặc kiến tạo bởi một cầu thủ xuất thân từ đội trẻ.

HOẠT ĐỘNG CỦA HỌC VIỆN

Man United có thể đăng ký các cầu thủ ở cấp độ U-9 theo quy định của Premier League. Khi lứa này đạt đến tuổi 16, một nhóm những cái tên ưu tú nhất sẽ được chọn ra để nhận học bổng và tiếp tục được tập luyện ở Carrington mỗi ngày.

Man United đã thiết lập một mối liên kết với trường Ashton-on-Mersey ở Sale, nằm cách Old Trafford khoảng 5 dặm, để đảm bảo rằng các cầu thủ trẻ sẽ có một nền tảng giáo dục thật sự đi cùng với bóng đá, và trong độ tuổi từ 16 đến 18, họ sẽ phải dành ít nhất một ngày mỗi tuần để học tại trường học.

Trong những ngày khác, các giáo viên sẽ tổ chức các buổi học ngay tại Carrington. Buổi sáng thứ Hai sau khi Rashford ghi 2 bàn thắng đầu tiên của mình ở Premier League vào lưới Arsenal hồi tháng 2/2016, anh có thể đang chơi đùa trong bể bơi tại phòng chung của trường cấp 3.

Việc dạy học của họ không chỉ là về bóng đá, đồng thời, Man United có cả một phi hành gia và một nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust để nói chuyện với các cầu thủ trẻ.

Các cựu ngôi sao của đội một cũng là những vị khách thường xuyên ghé thăm để chia sẻ lại về những kỷ niệm của bản thân họ - Roy Kean chính là người đã xuất hiện ở mùa giải này – và kể về những dấu ấn của sự thành công đang hiện hữu ở khắp mọi nơi trong tòa nhà học viện tại Carrington.

Khắp các hành lang đều được bao phủ bởi những bức tranh tường của Rashford, Lingard, Giggs và Scholes, trong khi đó, ở tầng trên chính là những chiếc áo đấu ở trên tường với tên và số của Edwards, Hughes và Beckham.

Trên các bảng thông báo ở một số phòng thay đồ chính là những lời khuyên được viết bởi Gary Neville, trong đó, điều số ba là: “Hãy luôn nhớ tại sao bạn bắt đầu chơi bóng. Bạn yêu nó vì sự hấp dẫn của nó, chứ không phải vì nó là một phương tiện có thể giúp bạn kiếm được tiền, danh tiếng, gái gú hoặc xe xịn.”

Nỗi day dứt mang tên Januzaj và bí quyết ẩn sau cột mốc lịch sử 4000 của Man United - Ảnh 3.

Bất chấp việc có đủ tiền để mang về bất kì ngôi sao nào mà mình muốn, mục tiêu hàng đầu của Man United vẫn luôn là tự “sản xuất” ra những ngôi sao và duy trì truyền thống đầy tự hào của câu lạc bộ về công tác đào tạo cầu thủ trẻ.

Mục tiêu hàng đầu của Man United là giúp các cầu thủ trẻ có thể phát huy được hết tiềm năng của mình, cho dù là sau đó họ có lên chơi ở đội một của Man United, ở một câu lạc bộ khác, hay chuyển sang làm một công việc khác.

Họ có đủ nguồn lực để mua hầu hết bất cứ cầu thủ nào mà mình muốn, nhưng rõ ràng việc đào tạo thành công ra một ngôi sao có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của đội bóng từ một cái tên vô danh luôn là nhiệm vụ hàng đầu.

“Chuyện này rất khó, thật sự là rất khó đấy,” Nick Cox, người vừa đảm nhận chức vụ giám đốc học viện vào mùa hè, khẳng định. “Nó cũng tương đương với việc đoạt huy chương vàng Olympic hay đặt chân lên mặt trăng vậy.

Chúng tôi phải thực tế với các cậu nhóc của mình. Chúng tôi muốn tất cả bọn trẻ đều có ước mơ. Chúng tôi muốn tất cả chúng đều có khát vọng, nhưng sẽ chỉ có một vài cái tên nhất định có được đặc quyền bước qua vạch vôi ở Old Trafford với tư cách một cầu thủ homegrown mà thôi.”

“THỨ GIỮ BẠN Ở ĐÂY CHÍNH LÀ TÍNH CÁCH VÀ SỰ TẬN TÂM.”

Butt thừa nhận rằng, không phải lúc nào công việc này cũng diễn ra theo đúng kế hoạch, ngay cả đối với những cậu bé tài năng nhất.

“Đối với tôi, nỗi thất vọng lớn nhất tại câu lạc bộ này chính là Adnan Januzaj,” Cựu tiền vệ người Anh bộc bạch. “Tôi không nghĩ là mình từng được nhìn thấy một cầu thủ trẻ nào, có lẽ là kể từ thời của Ryan Giggs, giỏi như Adnan cả. Cậu ấy thật phi thường. Theo quan điểm của tôi, đáng lẽ cậu ấy đã phải trở thành một siêu sao.

Hiện tại, cậu ấy vẫn đang thi đấu chuyên nghiệp [trong màu áo Real Sociedad tại Tây Ban Nha] và sẽ có một sự nghiệp tốt. Tôi chắc chắn cậu ấy đang là một triệu phú và sẽ không phải lo nghĩ về chuyện ‘cơm áo gạo tiền’ khi đi ngủ. Nhưng cậu ấy đáng lẽ phải trở thành một siêu sao mới phải.”

“Rốt cuộc, tài năng đưa bạn đi qua cánh cổng của nơi đây, nhưng thứ giữ bạn ở lại là tính cách và sự tận tâm.”

Butt đã đề cập đến hai trong số những tài năng gần nhất tốt nghiệp từ học viện là McTominay và Williams, như những tấm gương sáng nên được noi theo.

“Với Scott và Brandon, đó là nhờ vào tính cách,” Ông nói thêm. “Bạn có thể có cá tính đi đôi với tài năng, và không có tài năng nhưng lại có tính cách tốt. Đó là cái tinh thần ‘không bao giờ nói bỏ cuộc’, một ý chí, khát khao mãnh liệt luôn hướng đến những chiến thắng. Cả hai chàng trai đó đều là những cầu thủ tài năng, nhưng thứ đưa họ đến được với vị trí hiện tại chính là nhờ vào thái độ.”

Nỗi day dứt mang tên Januzaj và bí quyết ẩn sau cột mốc lịch sử 4000 của Man United - Ảnh 4.

Để đạt được thành công, chỉ tài năng là chưa đủ, còn phải nhờ đến cá tính và sự tận tâm.

Không chỉ vậy, câu chuyện không chỉ dừng lại ở những cầu thủ được đào tạo bởi học viện. Kieran McKenna đã từng là một huấn luyện viên của đội U18 trước khi được đưa lên ban huấn luyện của đội một bởi Jose Mourinho và sau đó tiếp tục được Solskjaer giữ lại. Neil Wood, cựu đội trưởng đội dự bị của Man United, hiện tại đang là huấn luyện viên trưởng của đội U23.

Neil Ryan, con trai của Jimmy Ryan - một cựu thành viên của “Busby Babes” và từng là trợ lý của Ferguson - đã được đưa từ chức vụ là một huấn luyện viên của đội U11 lên làm huấn luyện viên trưởng của đội U18.

“Đối với tôi, và đối với cha tôi, được đóng góp cho đội bóng này là một điều rất đặc biệt,” Ryan Jr tâm sự. “Khá đặc biệt khi được trưởng thành và giáo dục tại đây. Tôi đã rất may mắn khi được gặp Sir Matt Busby từ nhiều năm về trước, khi còn bé. Mọi thứ đều nằm trong máu của bạn, và điều đó đã giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi.

Ngoài ra, nó còn hỗ trợ tôi rất nhiều khi tôi nói chuyện với các cầu thủ và gia đình họ, cũng như lúc kể về lịch sử đặc biệt của câu lạc bộ này. Một trong những lứa cầu thủ đầu tiên mà tôi trực tiếp huấn luyện chính là lứa của Jesse Lingard.

Dạy cho bọn trẻ về lịch sử vĩ đại của Busby Babes chính là một phần quan trọng trong công việc của tôi. Chúng tôi đã đạt được rất nhiều thành công với những cầu thủ trẻ mà chúng tôi đã đưa lên đội một.”

“Làm việc với nhiều lứa cầu thủ trẻ theo cách thức của riêng mình sẽ giúp bạn thu về được những kinh nghiệm quý giá. Không chỉ ở trên sân cỏ, mà còn là trong cuộc sống bên ngoài nữa. Chỉ riêng những lúc khi bạn được ngồi cùng bàn với Sir Alex và trò chuyện cùng ông ấy thôi cũng đã là những khoảng khắc vô giá mà bạn sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời rồi.”

Manchester United không hề giấu giếm tham vọng mang về đội bóng những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhưng mục tiêu số một của họ sẽ luôn là bổ sung lực lượng bằng chính những sản phẩm do mình tự sản xuất ra, cũng như niềm hy vọng về việc tự đào tạo ra một vài siêu sao của riêng mình.

“Đó là một truyền thống mà chúng tôi vô cùng tự hào, và việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ cũng đã nằm sâu trong ADN của chúng tôi,” Solskjaer khẳng định. “Tôi thích tạo cơ hội cho những chàng trai trẻ, họ sẽ luôn khiến bạn bất ngờ và ấn tượng mạnh khi bạn trao cho họ cơ hội. Chắc chắn con số sẽ là nhiều hơn 4.000 trận đấu. Chúng tôi có một học viện tuyệt vời và đó là niềm tự hào của chúng tôi.”


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại