img
Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 1.

Thanh An: Xin một lần nữa chúc mừng anh về giải thưởng danh giá này. Sáu tháng sau khi trở thành người Việt Nam đầu tiên ở lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã được vinh danh trên quy mô toàn thế giới, cảm xúc của anh lúc này là gì?

Ông Nguyễn Văn Thái: Ngay sau Tết nguyên đán 2021, tôi nhận được một cuộc gọi qua WhatsApp thông báo rằng Goldman 2021 chọn vinh danh mình sau một danh sách dài các đề cử trên toàn thế giới. Phải nói lúc đó tôi rất bất ngờ.

Cho đến ngày nhận giải, qua cách BTC chia sẻ, tôi hiểu rằng thực ra thế giới đang ghi nhận nỗ lực của một người Việt Nam có thể vươn lên từ xuất phát điểm rất thấp. Điểm thứ hai, họ nhìn thấy ở tôi cái "THẬT".

Mọi người vẫn thường hay nói rằng KHÔNG TỔ CHỨC NÀO LÀM BẢO TỒN MÀ THẬT NHƯ Save Vietnam’s Wildlife (SVW).

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 2.

Nói về các giải thưởng thì rất lâu rồi, từ năm 2012 tôi đã là 1 trong 40 người trên thế giới được lựa chọn vinh danh trong cuốn sách Wildlife Heroes - Anh hùng bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) xuất bản ở Mỹ. Năm 2016 tôi trở thành người Việt đầu tiên được trao giải Future For Nature - giải thưởng ghi nhận những người trẻ trên thế giới có nhiều đóng góp nhất cho công tác bảo tồn ĐVHD. Năm 2017, trong Hội nghị về Động vật ở Châu Á, tôi lại được vinh danh là Anh hùng Bảo tồn.

Kha khá giải thưởng đấy nhưng chưa bao giờ tôi xuất hiện trên truyền thông. Thời điểm 2016, không một tờ báo nào ở trong nước đăng tải thông tin về người Việt Nam đầu tiên nhận giải Future For Nature. Thời đó tôi chỉ muốn LÀM và LÀM thôi, mọi tờ giấy khen nhận xong đều cất ngay vào ngăn tủ.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 3.

Ảnh: Vườn Quốc gia Pù Mát.

Tuy nhiên, Goldman 2021 lại khá đặc biệt. Mọi năm người nhận giải sẽ được mời sang Mỹ dự lễ trao giải và phát biểu về những đóng góp của mình trước gần 4.000 người. BTC còn bố trí gặp gỡ một số cơ quan chính phủ, các quỹ bảo tồn và nhà tài trợ... nhằm giúp họ có thêm cơ hội kết nối và thúc đẩy các hoạt động họ đang làm. Nhưng năm nay do dịch bệnh nên mọi vinh danh đều online và BTC đã chủ động thuê điều phối truyền thông ở Việt Nam để thông tin rộng rãi về người nhận giải .

Cùng lúc đó, tôi nhận thấy công chúng Việt Nam đang phải nghe, đọc, nhìn quá nhiều thông tin tiêu cực. Trong khi những hành động đẹp tạo dựng niềm tin lại đang quá hiếm hoi. Vô hình trung chúng ta mất niềm tin vào mọi thứ mình bắt gặp. Ngay việc đi chợ mua mớ rau thôi cũng có thể dấy lên niềm nghi ngờ rau an toàn hay không? Người trồng chắc phải phun thuốc, người bán chắc đã ngâm thuốc chứ làm gì có chuyện rau sạch giữa chợ?

Đấy, chỉ cần một mớ rau cũng đủ khiến chúng ta nghi ngờ xã hội.

Chính vì những điều đó nên tôi đã đồng ý với đề nghị của BTC mặc dù năm 2021 là một năm đau buồn với tôi và gia đình. Đầu tháng 5, con trai của tôi vừa mất vì đuối nước…

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 4.

Thanh An: Ôi, rất xin lỗi vì đã vô ý chạm vào nỗi đau của anh...

Anh Nguyễn Văn Thái: Lúc ấy, thậm chí tôi không muốn gặp gỡ bất kỳ ai.

Nhiều ngày liền tôi sống trong trạng thái phải căng hết người ra khi đối diện với truyền thông để chia sẻ về bảo tồn. Có những thời điểm thật khó giữ lòng bình lặng...

Đến bây giờ nhìn lại để nói về cái ĐƯỢC... Có thể là nhiều người đã biết đến công việc tôi đang làm. Nhiều người qua đó thay đổi thói quen sử dụng ĐVHD. Nhiều bạn bè quốc tế, cơ quan quản lý và các đối tác chúc mừng, tự hào về chúng tôi. Điều đó không chỉ mang lại niềm vui, đó còn là động lực để chúng tôi - những người đang làm bảo tồn tự tin tiếp tục công việc của mình. Tôi vẫn tin, ở một nơi nào đó sẽ luôn có những em bé đang nuôi mong ước trở thành một nhà bảo tồn như chú Thái.

Nhưng đi kèm với đó đã xuất hiện vài điều MẤT. Tôi hiểu chuyện này dù ít ngờ đến. Sự thật là vinh dự bảo tồn tôi được vinh danh không hẳn ai cũng vui. Có một SỰ THỜ Ơ rất rõ từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hay cộng đồng.

Tôi đã từng hồn nhiên tin rằng sẽ có sự thay đổi lớn cho bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam khi mà những nỗ lực của tôi và các đồng nghiệp được cộng đồng quốc tế công nhận. Tôi đã hy vọng rất có thể Chính phủ, các địa phương sẽ trân trọng. Rồi doanh nghiệp, rồi các tổ chức ở Việt Nam sẽ tích cực hơn để cùng chúng tôi bảo vệ rừng và bảo tồn ĐVHD. Nhưng không! Nửa năm trời trôi qua vẫn là một sự "LẶNG LẼ" đến kỳ lạ.

Rất có thể niềm tin họ dành cho chúng tôi chưa đủ lớn. Hoặc động lực của chính họ chưa đủ lớn để sẵn sàng làm một việc cụ thể. Nhưng khi rất nhiều sự chưa đủ lớn gộp lại, cho thấy một sự thật rằng vấn đề về môi trường, về động vật hay rừng... vẫn còn ở mức độ rất thấp trong các mối quan tâm của người Việt.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 5.

Thanh An: Có thể là do anh. Do anh nghĩ vấn đề bảo tồn ĐVHD quan trọng và cộng đồng sẽ quan tâm nhiều. Tuy nhiên, anh biết đấy xã hội còn ti tỉ vấn đề để quan tâm hơn kìa!

Anh Nguyễn Văn Thái: Chính xác!

Đứng trước hàng trăm hội nghị, lớp học, lớp tập huấn lần nào tôi cũng hỏi mọi người một câu: "Những người đang sống cạnh các khu rừng, ai trong số các bạn nghĩ rằng rừng là của mình?" - Không một ai nghĩ vậy.

Cũng câu hỏi ấy, tôi mang đi hỏi từ sinh viên, người dân, lãnh đạo địa phương có rừng... Tuyệt nhiên không một cánh tay nào giơ lên xác nhận rằng rừng đó là của họ. Người Việt Nam rất chắc nịch với quan điểm rừng là của nhà nước, của công cộng. Và một khi quan điểm "rừng là của chung" ăn sâu vào tiềm thức cũng là lúc chúng ta mất luôn động lực để giữ gìn. Bởi con người thường chỉ hành động mạnh mẽ nhất khi cái gì đó của mình bị đe dọa.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 6.

Quan điểm này khác rất nhiều với người dân ở những quốc gia tôi đã từng may mắn nhận được học bổng du học. Ở Mỹ, Anh hay Úc, người ta dạy tôi, muốn đánh giá sự văn minh, tiến bộ của một khu vực nào đó hãy nhìn cách con người ở đó đối xử với môi trường.

Những người dân gần rừng các nước đó luôn xác định rừng là của họ. Cho nên mọi sự thay đổi chính sách, kế hoạch về rừng... họ luôn tranh luận ý rất sôi nổi. Họ quyết liệt như người khác phạm vào chính ngôi nhà của mình vậy.

Thanh An: Ồ, anh nói đúng đấy. Chưa bao giờ tôi nghĩ công viên hồ Thành Công (Hà Nội) là của mình.

Anh Nguyễn Văn Thái: Nếu bạn nghĩ là của bạn thì cách bạn sử dụng và bảo vệ công viên đó rất khác. Đầu tiên, bạn không bao giờ xả rác bừa bãi tại chính nơi bạn nghĩ là của mình. Tiếp đến, bạn thêm động lực để cất lên tiếng nói khi nhìn thấy hành động có thể gây tổn hại đến nó.

Tôi thì luôn nghĩ từng công viên, từng dòng sông, từng cánh rừng, từng loài thú... là của mình.

Thanh An: Anh đã làm gì với cách nghĩ từng dòng sông, từng cánh rừng, từng loài thú... là của đất nước và cũng là của anh?

Anh Nguyễn Văn Thái: Hồi ở nước ngoài, sáng nào tôi cũng thức dậy với tâm niệm: "Cố gắng hơn nữa nào, để ngày mai về Việt Nam làm cho thật tốt!" Đặc biệt là hai năm làm Thạc sĩ ở Australia - thời gian có thể gọi là tôi làm vì đồng tiền nhiều nhất.

Hồi ấy tôi nhận được học bổng toàn phần từ Chính phủ Úc. Nếu ăn uống, chi tiêu hợp lý vẫn còn một khoản tiết kiệm gửi về cho gia đình. Nhưng vì Australia cho phép sinh viên nước ngoài làm thêm thoải mái nên tôi kiếm việc còn hơn cả một lao động fulltime. Những dịp Lễ, Tết, nghỉ hè hoặc cuối tuần tôi làm nhiều đến mức khi nhận lương mới biết được trả tận 112 tiếng/tuần. Tức gấp đôi một người bình thường rồi còn gì. Chính tôi cũng không hiểu bằng cách nào hồi đó mình có thể làm việc với công suất kinh dị như vậy!

Câu chuyện xảy đến là gì? Từ chỗ là một đứa trẻ con miền núi sáng đi học chiều đạp xe vẹo cả lưng đến từng nhà, vào từng làng trong xã bán từng miếng thịt, mớ rau giúp gia đình kiếm sống qua ngày. Số tiền tôi kiếm được trong 2 năm ở Úc to hơn tất cả mọi giấc mơ hoang đường nhất tôi từng có lúc bé.

Nhưng cũng chính tại thời điểm có rất nhiều tiền ấy, tôi nhận ra rằng tiền không phải là tất cả. Việc kiếm tiền để đáp ứng nhu cầu cá nhân trở nên quá bình thường. Từ đồng tiền này làm được gì có ý nghĩa cho xã hội mới là điều đáng quý.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 7.

Sau khi tốt nghiệp về nước, tôi dành 2 tháng đi khắp Việt Nam, đến từng trung tâm cứu hộ, từng vườn Quốc gia từ bắc vào nam để gặp gỡ đồng nghiệp và bạn bè. Bởi tôi muốn hiểu Việt Nam hơn sau bau lâu xa cách để từ đó tự mình trả lời được câu hỏi: Đất nước đang cần gì?

Sau chuyến đi dài ngày đó, tôi nhận thấy người Việt chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo trong công tác bảo tồn. Nhiều hoạt động bảo tồn chỉ mang tính dự án, chưa hướng tới tác động dài hạn và bền vững. Giữa tháng 4/2014, tôi quyết định thành lập Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - Save Vietnam’s Wildlife với tầm nhìn tạo môi trường để vai trò lãnh đạo của người Việt được tôi luyện và phát huy. Từ đó hướng đến mục tiêu rất thực tế là thúc đẩy hoạt động bảo tồn ở Việt Nam bền vững.

Quốc tế rất ủng hộ quan điểm này. Họ hiện thực hóa sự ủng hộ đó tích cực đến mức, giống như họ đầu tư niềm tin vào chúng tôi khi đồng ý tài trợ trước cả ngày SVW được cấp phép. Khoảng tiền 49.500 Euro tài trợ cho dự án xây dựng trung tâm giáo dục thú ăn thịt và tê tê cùng công tác cứu hộ và chăm sóc động vật đã về đến tài khoản đúng 7 ngày sau khi SVW nhận được giấy phép hoạt động.

Thanh An: Có vẻ như quốc tế cũng muốn thể hiện trách nhiệm với từng cánh rừng, từng dòng sông hay vùng biển ở Việt Nam hay sao ấy nhỉ?

Anh Nguyễn Văn Thái: Tôi vẫn không bao giờ có thể quên nổi cảm giác ngơ ngác đến sững sờ của mình hồi lên 8 lên 10.

Cỡ những năm 1990, lúc đó tôi là đứa trẻ con đứng bán mía ven đường cho người chở gỗ, chở củi, chở lâm sản từ trong rừng ra. Chẳng hiểu vì sao, ở đâu hiện ra một ông Tây xông xáo làm đủ mọi cách cản trở những người đó. Mặc dù người dân đầy quyết tâm giữ lại bằng được số tài sản họ vừa kiếm được trong ngày. Và anh Tilo Nadler của tôi ấy, trong những ngày đầu tiên mới sang Việt Nam không biết chút xíu tiếng Việt nào nhưng lại biết cách đấu tranh để khiến đám đông nghèo khó ấy quay đầu xe đạp thồ chở đầy củi hoặc gỗ, ùn ùn ngược dốc mang trả lại rừng.

Vào đại học tôi chọn thực tập và làm đề tài tốt nghiệp tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng của Tilo. Lần đầu tiên được quan sát gần hơn những em bé Voọc non bị mất cha mẹ (bị thợ săn bắn chết) đang được các anh chị ở trung tâm chăm sóc, cho bú tận tình. Có những chú Voọc con, tôi vẫn nhớ như in lời mọi người kể, lúc phát hiện ra là đang ôm chặt cứng xác bố mẹ dưới gốc cây. Cảm giác xót xa ngày hôm đó đã thôi thúc tôi trở thành một nhà bảo tồn động vật hoang dã.

Anh Tilo với hành trình hơn 30 năm bảo vệ linh trưởng ở Việt Nam cũng giống như rất nhiều đồng nghiệp nước ngoài khác mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ngày họ sang Việt Nam mới chỉ bước vào tuổi 20 thôi. Họ dành cả 10 năm, thậm chí có người là 20 - 30 năm... tâm huyết và kiên trì chăm sóc, cứu hộ rất nhiều loài ĐVHD ở Việt Nam. Nếu chỉ coi đó là công việc kiếm tiền nuôi sống bản thân thì không đời nào họ sang Việt Nam. Nếu không coi đó là trách nhiệm, là hạnh phúc thì chẳng có lý do nào trên đời này khiến họ chịu đựng sự cô đơn cùng với rất nhiều khó khăn không nói được bằng lời suốt từng ấy năm ở Việt Nam.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 8.

Thanh An: Những hành động cụ thể sau khi SVW được đầu tư niềm tin là gì?

Anh Nguyễn Văn Thái: Chúng tôi không sáng tạo ra một cái gì đó mới toanh theo kiểu từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi chỉ xuất phát từ thực tế ở đâu cũng toàn là bẫy và tiếng súng để tìm ra những giải pháp rất khác nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ rừng.

Sau một thời gian tìm kiếm, chúng tôi nhận thấy VQG Pù Mát là nơi phù hợp cho những điều khác lạ được trở thành hiện thực. Đầu tiên, nơi đây là vùng rừng có giá trị đa dạng sinh học rất cao ở Việt Nam. Tiếp đến, lãnh đạo VQG Pù Mát rất khát khao làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ rừng.

Những buổi làm việc ban đầu để đi đến hợp tác cùng nhau, tất cả chúng tôi đều đã hết sức nghiêm túc cho một câu hỏi cụ thể: "Vườn cần gì để bảo vệ rừng tốt hơn?"

Lãnh đạo vườn cho rằng thiếu trang thiết bị hỗ trợ công việc tuần tra, kiểm soát rừng. Chúng tôi đồng ý bổ sung trang thiết bị.

Cán bộ Kiểm lâm khẳng định thiếu người. Chúng tôi đồng ý thêm người.

Vườn lại nói thêm, cần được nâng cao năng lực.

Lúc này, chúng tôi biết rằng đó chính là lí do để đội Chuyên trách bảo vệ rừng - Anti-poaching ở VQG Pù Mát ra đời.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 9.

Anti-poaching hay còn gọi là Đội chống săn trộm, là nhóm hành động có tổ chức để chống lại nạn săn trộm động vật hoang dã trên thế giới. Nó thường được sử dụng để mô tả một nỗ lực chung chống lại săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Năm 2018, đội Anti-poaching đầu tiên ở Việt Nam với 7 thành viên được thành lập tại Vườn Quốc gia Pù Mát và tăng lên 16 thành viên 1 năm sau đó.

Tất cả họ đều là những thanh niên có tuổi đời từ 20 - 30 tuổi, tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng chuyên về Lâm nghiệp ở Việt Nam. Họ trải qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt từ việc học các kiến thức bảo tồn, ĐVHD, luật, giá trị bảo tồn, những vấn nạn, kỹ năng tuyên truyền cộng đồng hay cả việc đi và học theo những thợ săn, những người có nhiều kinh nghiệm tìm dấu vết vi phạm trong rừng.

Thanh An: Bao nhiêu lâu sau thì Anti-poaching cho thấy kết quả giữ rừng?

Anh Nguyễn Văn Thái: Nói là kết quả của riêng nhóm Anti-paoching sẽ không phản ánh đúng thực chất của mô hình bảo vệ rừng này. Thực tế đó là câu chuyện hợp tác bảo tồn thành công hiếm thấy ở Việt Nam vì tất cả mọi thành viên tham gia đều nỗ lực hết sức vì mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn ứng dụng rất nhiều công nghệ mới vào hoạt động bảo vệ rừng ở Pù Mát. Có lẽ ở Việt Nam, Pù Mát là VQG đầu tiên áp dụng phương pháp đặt bẫy ảnh nhằm thu thập số liệu về rừng một cách trực quan. Ảnh thu về từ hơn 200 chiếc bẫy ảnh cho thấy số lượng ảnh chụp được động vật hoang dã trong rừng tăng lên rất nhiều. Các loài và số cá thể ở mỗi loài đều tăng. Hoạt động vào rừng sắn bắn động vật hoang dã và mọi hành vi tàn phá rừng trái phép đã giảm hơn 80% trong vòng 3 năm qua.

Nghĩa là với bằng chứng khoa học, lần đầu tiên Việt Nam chứng minh được việc bảo vệ rừng mang lại hiệu quả thực sự. Hiệu quả đó chính là sự hồi sinh của các loài động vật trong rừng.

Tính đến hết năm 2021, nhóm đã đồng hành cùng Kiểm lâm ở Pù Mát trong 1.350 đợt tuần tra, với quãng đường đi bộ trong rừng là 58.683km. Phát hiện 710 người vào rừng trái phép, trong đó 325 người bị phạt và lập biên bản. Phát hiện 399 cây gỗ bị chặt, tịch thu 12.868 cái bẫy, 104 khẩu súng, 27 kích điện, 2 cưa xăng, 913 lán trại và hàng trăm kg động vật bị săn bắt.

Không chỉ rừng hồi sinh, đội Anti-poaching đã và đang lan tỏa rất nhiều tác động tích cực khác. Lắm lúc chính anh Cường (Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát) phải thừa nhận anh em Anti-poaching đã giúp thúc đẩy đội Kiểm lâm của Vườn làm việc tốt hơn và thực chất hơn. Trước đây, không có một ông Giám đốc Vườn Quốc gia nào ở Việt Nam dám chắc chắn Kiểm lâm viên của mình đăng ký đi tuần tra rừng 15 ngày thì họ sẽ ở trong rừng trọn vẹn 15 ngày. Không có một phương cách nào giám sát được hành trình của họ suốt 15 ngày đó ngoài nhật ký báo cáo công việc được viết bằng tay. Quyển nhật ký mà ngồi ở nhà viết cũng chẳng ai biết được.

Còn bây giờ, đội Anti-poaching đi tuần tra rừng với Kiểm lâm viên bằng định vị GPS, bằng ứng dụng các phần mềm smart cybertracker và smart planning. Qua đó, dữ liệu hiện trường luôn đòi hỏi phải được thu thập thực chất mỗi giờ, mỗi ngày trong suốt hành trình. Không ai có thể bịa ra dữ liệu bằng phương pháp này.

Sau tất cả, khi ứng dụng công nghệ cho mỗi kiểm lâm, mỗi cán bộ tuyến đầu làm việc tại các khu bảo tồn, các Vườn quốc gia chúng tôi còn gửi gắm khao khát xa hơn rất nhiều. Trong mọi tình huống đấu tranh với săn bắn động vật hoang dã, chúng tôi luôn hy vọng rằng công nghệ sẽ giúp phát hiện và bắt được những kẻ săn trộm trước khi vụ giết động vật xảy ra.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 10.

Thanh An: Để bắt được những tay thợ săn, những kẻ buôn bán động vật hoang dã trước khi vụ giết động vật có thể xảy ra, ngoài công nghệ ra các anh đã tìm hiểu về họ như thế nào?

Anh Nguyễn Văn Thái: Tôi nhìn động vật hoang dã như con người và nhìn con người ở rất nhiều góc cạnh.

Ở góc độ săn bắn và buôn bán trái phép động vật hoang dã thì hành vi ấy của họ rõ ràng xấu, độc ác và vi phạm pháp luật. Nhưng đó mới chỉ là một phần mình nhìn thấy ở người ta. Nhiều vai trò khác trong suốt cuộc đời, họ có thể không xấu. Và khi tìm hiểu về một con người, tôi thường nhìn người ta ở những mặt tích cực nhất.

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 11.

Ông Kính trong một buổi tập huấn báo chí về nạn buôn bán động vật hoang dã và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng.

Bác Kính từng là tay thợ săn lão luyện và nguy hiểm bậc nhất rừng Tây Nghệ An. Tiếng đồn về bác lan xuống cả rừng Quảng Nam rồi sang tận Lào. Mặc dù mới tốt nghiệp lớp 2, hồi trẻ theo bạn bè đi làm gỗ lậu rồi nghiện ma túy nặng. Vì nhìn thấy bạn nghiện bị AIDS, bị chết nhiều quá nên bác bỏ về, nhờ vợ xay 3 yến gạo rồi vác vào rừng ở trong đấy suốt 3 năm để cai nghiện bằng được.

Trở về bản do không thể tìm được việc làm nên ông đi làm lâm tặc.

Ngày bác Kính quyết hoàn lương chính là ngày anh Tuấn và anh Kiên, tức là cả hai ông Phó Giám đốc vườn Quốc gia Pù Mát đến tận nhà và khuyên: "Bác đừng đi chặt gỗ trộm nữa, về nhà đi. Sắp tới có một tổ chức phi chính phủ vào vườn triển khai công việc, họ cần những người hiểu rừng như bác. Lương họ trả bác không giàu nhưng con nhà bác có đủ tiền đi học".

Nỗi đau khó nói nên lời của người Việt đầu tiên đoạt giải Nobel xanh - Ảnh 12.

Chả riêng bác Kính đâu. Làm lâm tặc tưởng giàu có hóa ra không hề. Bác Kính nghèo đến nỗi con cái không đủ tiền đi học trước khi làm cố vấn về kỹ năng rừng cho chúng tôi.

Cuối 2014, bác trở thành thầy giáo đầu tiên dạy đội Anti-poaching cách sống trong rừng rồi kỹ năng tiếp cận, làm việc với những tay thợ săn, lâm tặc manh động giữa rừng. Các bạn trẻ dạy cho bác cách cầm máy ảnh, dùng thiết bị định vị còn bác Kính lại dạy họ cách chọn từng vũng nước có thể uống được, tháo từng chiếc bẫy thú để giải cứu từng con vật trong rừng...

Sau này, bác Kính trở thành trợ thủ đắc lực và tin cậy với chúng tôi đến mức, hoạt động tái thả thú sau cứu hộ về rừng chẳng hạn, chúng tôi không bao giờ để người dân đi cùng. Bởi vì nếu điểm tái thả bị nhiều người biết, rất dễ xảy ra nguy cơ người ta quay lại hoặc báo cho người khác đến bắt trộm. Thế nhưng chúng tôi hoàn toàn yên tâm ở bác Kính. Có những chuyến phải mời bác đi cùng vì chỉ có bác mới biết nơi nào cư trú tốt nhất cho loại động vật này.

Cũng chính bác Kính là người đã chỉ ra cho chúng tôi nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết nguy cơ lớn nhất đối với động vật hoang dã ở Pù Mát. Không hẳn đã làm mấy ông thợ săn đâu. Thợ săn chỉ là phần nổi của vấn nạn. Nguy nhất chính là những kẻ buôn bán và sử dụng sản phẩm động vật hoang dã trái phép. Chỉ cần ông thương lái đánh tiếng con này có giá 5 triệu, con kia có giá 7 triệu, hay lá cây này có giá 500.000 đồng, rễ cây khác có giá 1 triệu đồng. Chẳng lâu đâu, 1 năm thôi loài ấy tuyệt chủng!

Thanh An: Anh được vinh danh Goldman 2021 là bởi vì việc anh làm đã tạo tác động đến rất nhiều người. Vậy cuối cùng thì người Việt Nam cần thay đổi điểm gì để giải quyết được cái gốc của vấn nạn này?

Anh Nguyễn Văn Thái: Việt Nam là đất nước rừng chiếm gần ¾ diện tích lãnh thổ. Và mọi người không hình dung nổi đâu, thứ nổi tiếng bậc nhất khi nhắc đến rừng Việt Nam trên thế giới lại là lâm tặc! Trong các hội nghị hay diễn đàn về bảo tồn, Việt Nam được biết đến như một cường quốc "xuất khẩu" lâm tặc ra Đông Nam Á, sang Đông Á, rồi sang cả rừng ở Châu Phi... Thế giới còn coi Việt Nam là tụ điểm tiêu thụ sản phẩm ĐVHD, người Việt như một đại diện gieo rắc nỗi đau cho muôn loài.

Cá nhân tôi thực tâm mong những gì mình làm được cho thiên nhiên không chỉ khẳng định niềm tin về điều tốt với người Việt Nam mà còn phần nào đó thay đổi cách nhìn của thế giới.

Bạn hỏi tôi nghĩ gì về giải Goldman đúng không?

Ngày nhận giải là tôi đã khẳng định một lập trường chắc chắn rằng người Việt Nam đã và đang thể hiện đầy đủ vai trò lãnh đạo của mình trong công tác bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam. Đã đến lúc người Việt mình bình tĩnh lại chút xíu đi. Cùng với nhau chung tay giải quyết chính các vấn đề của đất nước mình. Mỗi người một hành động, chúng ta sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Bạn sẵn sàng cùng tôi chịu trách nhiệm với các vấn đề bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam chứ?

Thanh An: Tôi sẽ phải suy nghĩ rất nghiêm túc đề nghị của anh. Và hơn tất cả, xin  cảm ơn anh về cuộc trò chuyện đầy cảm xúc tích cực này! 

Thanh An
NVCC
Tuệ Nhật
Theo Trí Thức Trẻ