Đình Trọng nghỉ hết năm 2020 sau khi phải phẫu thuật lần thứ 3 (Video: Ted Trần)
Giá như Đình Trọng chậm lại
Giữa tháng 6/2019, Trần Đình Trọng gặp chấn thương trong trận Hà Nội FC làm khách trước HAGL ở V.League. Anh được chẩn đoán đứt bán phần dây chằng chéo trước và dập dây chằng bên mác đầu gối trái.
Ngày 24/6, anh có mặt ở Singapore làm thủ tục nhập viện. Ngày 25/6, Đình Trọng được phẫu thuật thành công trước khi trở lại Việt Nam một tuần sau đó. Trước đó, anh phải bỏ lỡ Asian Cup 2019 để làm phẫu thuật xương bàn chân tại Hàn Quốc.
Đình Trọng chấn thương nặng từ tháng 6/2019 (Ảnh: Hiếu Lương)
Sau khi về Việt Nam, trung vệ sinh năm 1997 được sắp xếp đến Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF (Hưng Yên) tập luyện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Choi Ju-young, người đứng đầu bộ phận y tế của PVF khi ấy và là bạn thân của HLV Park Hang-seo. Mục tiêu là giúp Đình Trọng đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho kịp dự SEA Games 2019 và VCK U23 châu Á 2020.
Ngày 4/1/2020, Đình Trọng đi chụp MRI với bác sĩ Choi Ju-young ở Thái Lan. Anh chưa có thể trạng tốt nhất nhưng vẫn được HLV Park Hang-seo điền tên vào danh sách 23 cầu thủ dự VCK U23 châu Á. Ngày 10/1, Đình Trọng vào sân ở phút 54 trận U23 Việt Nam hòa U23 UAE, đánh dấu trận đấu chính thức đầu tiên sau 6 tháng, 14 ngày kể từ khi phẫu thuật.
U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng, Đình Trọng trở lại tập luyện với Hà Nội FC. Đến ngày 20/2, anh thi đấu 45 phút trận giao hữu giữa Hà Nội FC và CLB Viettel trước mùa giải mới. Đình Trọng vẫn cảm thấy đau ở đầu gối trái và được cho nghỉ ngơi.
Tập hồi phục không hiệu quả, đến ngày 8/3, nhân việc Duy Mạnh sang Singapore phẫu thuật nối dây chằng, Đình Trọng cũng được Hà Nội FC sắp xếp cho đi cùng để đi tái khám với cái đầu gối tràn dịch.
Bác sĩ ở bệnh viện Singapore cảm thấy không hài lòng khi Đình Trọng đã quay trở lại thi đấu quá sớm. Với kế hoạch ban đầu, Trọng cần ít nhất 9 tháng mới hồi phục hoàn toàn chấn thương. Thời điểm anh thi đấu cho U23 Việt Nam còn cách cột mốc ấy rất xa khiến đầu gối không có được sự ổn định. Hậu quả là anh bị viêm sụn chêm ngoài và giãn dây chằng bên mác cấp độ 1.
Giá như bình tĩnh tập hồi phục, Đình Trọng đã không phải mất thêm 9 tháng chữa trị và tập hồi phục chấn thương đầu gối (Ảnh: Tiến Tuấn - Hiếu Lương)
Ngày 27/4, Đình Trọng trở lại PVF tập hồi phục, lần này dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Việt Nam và Pháp.
Ngày 21/5, chuyên gia Nguyễn Trọng Hương của PVF cho biết Đình Trọng dự kiến cần 3 tháng tập hồi phục mới có thể trở lại thi đấu. Tuy nhiên, sụn chêm của Đình Trọng gặp vấn đề phức tạp hơn dự kiến khiến anh phải lên bàn mổ làm tiểu phẫu vào đầu tháng 8.
Tối 1/9, thông tin trên mới được tiết lộ. Một thông tin khác gây sốc hơn khi Đình Trọng phải nghỉ thi đấu hết năm 2020. Từ "giá như" lại được dịp xuất hiện.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trần Đình Trọng từng nói: "Sau nhiều lần gặp phải chấn thương không đáng có, quay trở lại sớm để rồi tái phát, tôi đã rút ra nhiều bài học".
Đây được xem là lời tự nhận lỗi của trung vệ 23 tuổi khi vội vàng quay trở lại sân cỏ. Lỡ từ Asian Cup đến SEA Games 2019, Đình Trọng không muốn mất nốt VCK U23 châu Á 2020. Sự khao khát tạo nên động lực muốn ra sân cống hiến. Cuối cùng, U23 Việt Nam về nước sớm còn Đình Trọng mất cả năm 2020 để điều trị chấn thương.
Đây không thể là một câu chuyện bình thường, cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên cầu thủ. Bài học không chỉ dành cho Đình Trọng mà còn dành cho HLV Park Hang-seo, người quyết định đưa Đình Trọng đến Thái Lan thi đấu.
Việc bác sĩ Choi Ju-young phải đưa Đình Trọng đi chụp MRI chỉ 5 ngày trước khi U23 Việt Nam thi đấu trận đầu tiên cho thấy HLV Park Hang-seo vẫn trông chờ vào sự góp mặt của trung vệ sinh năm 1997. Nó cũng ngầm thể hiện rằng Đình Trọng chưa đạt thể trạng tốt nhất. Cuối cùng, thầy Park vẫn quyết định đánh cược để giờ đây có thể kết luận, đó là một màn đánh cược thất bại hoàn toàn cả ở khía cạnh tập thể lẫn cá nhân.
Còn đối với Hà Nội FC, sự việc này cũng chỉ ra tiếng nói yếu ớt từ phía CLB chủ quản của cầu thủ Việt Nam trước ĐTQG và U23.
HLV Chu Đình Nghiêm từng bóng gió nói về việc nếu được quyết định ông sẽ không để Đình Trọng tham dự VCK U23 châu Á 2020. "Tôi lo cho Đình Trọng vì cậu ấy rất nóng vội", HLV trưởng Hà Nội FC nói vào ngày 8/1/2020.
Ông nói tiếp: "Chấn thương dây chằng đầu gối sau khi mổ nối lại cần thời gian ổn định, nhưng tôi thấy Đình Trọng nóng vội. Khi trở lại tập trung với đội, cậu ấy chưa được 100%. Đó là điều tôi lo ngại nhất. Chắc chắn khi Đình Trọng trở lại CLB tôi sẽ không nóng vội, phải tìm thời điểm thích hợp để sử dụng".
Sử dụng Đình Trọng ở VCK U23 châu Á 2020 là quyết định có phần vội vàng và mạo hiểm của HLV Park Hang-seo (Ảnh: Hiếu Lương)
Sự lo lắng của HLV Chu Đình Nghiêm khi ấy dường như bị chìm nghỉm trước những quyết định của HLV Park Hang-seo. Nếu ở châu Âu, đó sẽ là một cuộc tranh đấu vì suy cho cùng cầu thủ vẫn là "tài sản" của CLB. Họ thậm chí có thể kiện và đòi Liên đoàn bồi thường với những đôi chân có giá hàng chục triệu USD. Thế nhưng, bóng đá Việt Nam là một thực thể khác biệt mà ở đó, CLB lép vế hoàn toàn trước hào quang đội tuyển quốc gia.
Không phải CLB, ĐTQG mới là nơi nâng tầm tên tuổi và giá trị của các cầu thủ. Thế nên những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường,… và cả chính Đình Trọng mới có hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng tiền quảng cáo, tiền thưởng sau thành công tại VCK U23 châu Á 2018 thay vì trong màu áo HAGL, Hà Nội FC hay bất cứ CLB Việt Nam nào khác.
Từ vị thế ấy, các CLB Việt Nam nhìn chung đều hỗ trợ tối đa cho các đội tuyển quốc gia trong việc có được nhân sự tốt nhất. Ngay cả Đoàn Văn Hậu khi đã khoác áo SC Heerenveen ở Hà Lan cũng phải có thêm một điều khoản được trở về thi đấu SEA Games 2019, một sân chơi ở dưới đẳng cấp của hậu vệ sinh năm 1999 nhưng vì "mục tiêu chung", anh vẫn phải đến Philippines.
Trở lại với Trần Đình Trọng, anh chắc chắn đã quá thấm thía về cái giá của sự vội vàng. Thay vì 9 tháng, anh cần gấp đôi thời gian như vậy mới có thể hồi phục chấn thương. Xin nhấn mạnh là "có thể" cho đến lúc này.
Đội tuyển Việt Nam có thể thở phào khi Đình Trọng vắng mặt cũng không sao vì các giải đấu đã hoãn hết sang năm 2021 vì dịch bệnh. Hà Nội FC thì khác, giá như có Đình Trọng, họ có lẽ đã bớt vất vả trong 11 vòng đấu đã qua của V.League.
Đình Trọng không thể "nghịch đảo thời gian" để sửa chữa lỗi sai như những gì diễn ra trong bộ phim đình đám "Tenet". Quá khứ là bài học kinh nghiệm cho hiện tại, tương lai và chấn thương của Đình Trọng là bài học cho cả một nền bóng đá về cái giá phải trả cho sự vội vàng, sức ép thành tích mà đánh cược vào "đôi chân" – cần câu cơm của cầu thủ bóng đá.