Lời dẫn: ĐT Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ dưới chính sách trẻ hóa đội hình của HLV Troussier. Những ngôi sao thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam mới ngày nào còn liên tục chinh chiến, gặt hái thành công với HLV Park Hang-seo thì nay người chấn thương, người ngồi nhà, người ngồi ghế dự bị và chỉ một số nhỏ thi đấu cho vị tướng mới.
Chuyện gì đã xảy ra với thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam?
Khi còn làm trợ lý cho ông Park ở đội tuyển Việt Nam, HLV Lee Young-jin đã từng nhấn mạnh: "Việc xuất ngoại chơi bóng là vấn đề quan trọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam và thế hệ các cầu thủ trẻ. Tôi hy vọng các cầu thủ sẽ luôn có tinh thần phấn đấu, không chỉ cho sự phát triển của bản thân mà cho cả nền bóng đá Việt Nam".
Theo vị phó tướng người Hàn Quốc, một khi bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ từng xuất ngoại, hẳn nhiên sẽ tạo vị thế, nâng tầm chất lượng ở ĐTQG, giúp đội tuyển gặt hái những thành tích mới ở đấu trường châu lục.
Thế nhưng, khi nhiều ngôi sao của bóng đá Việt Nam quyết định vượt qua "vùng an toàn" để tìm đến những thử thách mới, lớn hơn rất nhiều ở nước ngoài, họ rốt cuộc đều chưa thể hiện thực hoá giấc mơ của mình.
"TRÁI ĐẮNG" CỦA KỶ LỤC GIA CÔNG PHƯỢNG
Trường hợp xuất ngoại nhiều nhất, đang nắm giữ kỷ lục của bóng đá Việt Nam là tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Có lẽ nếu dùng một từ để nói về kết quả những chuyến xuất ngoại của tiền đạo xứ Nghệ, đó sẽ là "thất bại".
Năm 2023, Công Phượng quyết định gia nhập đội bóng Yokohama FC ở giải J.League (Nhật Bản). Sau tuyên bố đầy lạc quan rằng muốn đá 25 trận, ghi tối thiểu 5 bàn thì kết quả là cựu chân sút của HAGL đã thất bại toàn tập. Anh hầu như không được đăng ký ở các trận đấu của Yokohama FC tại giải hạng cao nhất của Nhật Bản. Tính ra, Công Phượng vẫn chưa được đá phút nào trong suốt cả mùa ở J.League, chỉ ra sân vài phút ở đấu trường phụ là J.League Cup và tất nhiên là anh chưa thể ghi bàn. Chứng kiến thực tại đầy phũ phàng đó, một vị chuyên gia bóng đá thậm chí đặt ra câu hỏi rằng, không biết Công Phượng có còn đam mê với bóng đá nữa hay không!
Cách đây không lâu, Công Phượng được gia hạn hợp đồng ở Yokohama FC sau khi đội bóng này bị xuống hạng. Đây hoàn toàn chẳng phải "tin vui" với người hâm mộ mà thậm chí ngược lại. CĐV có lý khi cho rằng Công Phượng ở lại vì vấn đề tài chính nhiều hơn là chuyên môn. Ngoài chuyện tiền lương thì việc Công Phượng tiếp tục ở lại Nhật Bản còn có thể liên quan đến chuyện kinh doanh của bản thân và gia đình cầu thủ này.
Trước Yokohama FC, Công Phượng từng 3 lần xuất ngoại, gia nhập các đội bóng Mito HollyHock (J.League 2), Incheon United (K.League 1, Hàn Quốc) và thậm chí "vươn tới trời Âu" ở Sint-Truiden (Bỉ). Thế nhưng, tất cả đều chung một kết quả. Anh gần như không được trọng dụng.
Hệ quả sau nhiều lần xuất ngoại không thành công về mặt chuyên môn đó là Công Phượng dần giảm vai trò, thậm chí đánh mất hoàn toàn vị trí ở ĐTQG. Mới đây nhất, anh bị HLV Troussier gạch tên khỏi danh sách triệu tập ĐTQG thi đấu tại vòng loại thứ hai World Cup 2026 và Asian Cup 2023.
Ở độ tuổi không còn trẻ trung nữa, việc Công Phượng lấy lại phong độ, mơ toả sáng trong màu áo ĐTQG, quả thực là rất khó nếu anh vẫn "mài đũng quần" ở CLB trong suốt thời gian qua.
THAM VỌNG VƯƠN TẦM TRỜI ÂU VÀ SỰ THẬT PHŨ PHÀNG
Quang Hải và Văn Hậu – bộ đôi công thần dưới thời HLV Park, cũng từng phải "nếm trái đắng" khi xuất ngoại sang lục địa già.
Đầu năm 2023, Quang Hải quyết định rời Hà Nội FC để gia nhập Pau FC – đội bóng thuộc hạng hai tại Pháp. Với nhiều người, đó thực sự là một quyết định dũng cảm của tiền vệ người Đông Anh. Cầu thủ này muốn thử thách ở một môi trường mới, đẳng cấp hơn rất nhiều bất chấp hạn chế lớn của mình về mặt thể hình và thể trạng.
Ban đầu, đây được xem là quyết định đúng đắn của Quang Hải, bởi lẽ giới mộ điệu tin tưởng anh có thể cạnh tranh vị trí ở một giải hạng 2 châu Âu. Thực tế, tiền vệ 26 tuổi này đã được đá chính 2 trong 3 trận đầu tiên cho Pau FC ở Ligue 2 khi mùa giải mới bắt đầu.
Tuy nhiên, "tuần trăng mật" của Quang Hải cũng mau chóng kết thúc. Những màn trình diễn của Quang Hải không thể thuyết phục được HLV Pau FC, Didier Tholot. Anh dần làm quen với băng ghế dự bị và không được đăng ký thi đấu. Trong một số lần hiếm hoi được vào sân sau đấy, tiền đạo sinh năm 1997 cũng gần như không để lại được dấu ấn gì.
Giống như Công Phượng, việc thi đấu quá ít khiến Quang Hải dần đánh mất phong độ. Hệ quả là vai trò, tầm ảnh hưởng của anh ở ĐTQG cũng giảm sút nghiêm trọng. Minh chứng là việc Quang Hải đã chơi dưới mức kỳ vọng khi trở về thi đấu tại AFF Cup 2022.
Sau giải đấu đó, Quang Hải trở lại Pau và dần bị HLV Didier Tholot loại khỏi kế hoạch phát triển đội bóng. Đến đầu tháng 6/2023, ngôi sao sinh năm 1997 quyết định chấm dứt hợp đồng trước 1 năm với Pau FC sau quãng thời gian đầy thất vọng.
Với Văn Hậu – hành trình "vươn trời Âu" của anh thậm chí còn tệ hơn cả Quang Hải.
Văn Hậu gia nhập SC Heerenveen (Hà Lan) vào tháng 9-2019. Với thể hình tương đối tốt, hậu vệ sinh năm 1999 được kỳ vọng sẽ có cơ hội thể hiện năng lực cũng như phát triển chuyên môn trong môi trường bóng đá châu Âu.
Tuy nhiên, môi trường châu Âu không dễ chinh phục đến thế. Hậu vệ người Thái Bình chỉ được vào sân bốn phút cho đội một tại Cup quốc gia Hà Lan và chủ yếu đá cho đội trẻ SC Heerenveen. Sau khoảng gần 1 năm, anh rời đội bóng Hà Lan để trở về nước mà gần như không đạt được sự tiến bộ nào về mặt chuyên môn chứ chưa muốn nói là tụt lùi về phong độ.
Sau khi kết thúc hành trình xuất ngoại, Văn Hậu nhiều lần gặp phải chấn thương và ở hai giải đấu gần nhất của ĐTQG là vòng loại World Cup 2026 và Asian Cup, anh bị gạch tên vì lý do bất khả kháng. Nhiều người cho rằng, lý do Văn Hậu chấn thương nhiều sau khi xuất ngoại là bởi định hướng thời ở SC Heerenveen. Khi đó Văn Hậu được cho phát triển mạnh mẽ phần thân trên để tăng khả năng va chạm. Điều đó có thể khiến đôi chân bị quá tải do nâng đỡ phần cơ thể nặng hơn dẫn tới dễ chấn thương.
Trước đó, hai ngôi sao của HAGL là Xuân Trường và Tuấn Anh cũng lần lượt xuất ngoại sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi Xuân Trường đầu quân cho Incheon United tại giải VĐQG của Hàn Quốc thì Tuấn Anh cập bến Yokohama FC tại J-League 2. Tuy nhiên, bộ đôi này cũng chỉ được thi đấu rất ít, không tạo được dấu ấn nào thực sự đáng kể ở những môi trường bóng đá khắc nghiệt tại châu Á.
Cho đến nay, Tuấn Anh vẫn được thi đấu thường xuyên trong màu áo ĐTQG thời HLV Troussier còn Xuân Trường thì dường như trở thành cái tên đã bị lãng quên.
Văn Toàn có lẽ "khôn ngoan" hơn đồng đội cũ Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh khi chỉ chọn một đội bóng có trình độ trung bình tại K.League 3 là Seoul E-Land. Lựa chọn đó giúp Văn Toàn thu được một số kết quả nhất định đó là đá 9 trận cho đội 1 của CLB. Tuy nhiên, dấu ấn mà anh để lại vẫn khá khiêm tốn khi không ghi được bàn thắng nào trước khi trở về nước gia nhập CLB Nam Định, hòng giữ chỗ trên ĐT Việt Nam.
GIẤC MƠ ĐAU ĐÁU VÀ MỐI LO CHO TUYỂN VIỆT NAM
Trong suốt khoảng hơn 6 năm qua, giấc mơ "vươn ra biển lớn" dường như chưa lúc nào vơi đối với cầu thủ Việt Nam. Phải khẳng định rằng đó là những khát khao chính đáng.
Hoàng Đức trong một lần chia sẻ với truyền thông cũng từng khẳng định: "Văn Toàn, Công Phượng, Quang Hải lần lượt ra nước ngoài chơi bóng. Tôi nghĩ cầu thủ Việt Nam cần sẵn sàng, tự tin hướng ra môi trường lớn hơn. Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng xuất ngoại".
Tuy nhiên, giữa mong ước và sự thật vẫn còn khoảng cách khá lớn. Những trường hợp của Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu… đã cho thấy một thực tế là cầu thủ Việt Nam chưa đủ sức để tìm chỗ đứng tại những giải vô địch hàng đầu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Bỉ, Pháp, Hà Lan.
Ngoài những yếu tố chuyên môn như thể hình, thể lực, tốc độ, tư duy… thì khác biệt về văn hóa, về môi trường, về lối sống… cũng là rảo cản không dễ vượt qua mỗi khi các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại sang những nền bóng đá hàng đầu châu Á hoặc châu Âu.
Việc ra nước ngoài thi đấu không thành công phần nào đó đã gây nên những hiệu ứng ngược, với việc các cầu thủ thui chột phong độ khi trở lại Việt Nam sau thời gian dự bị quá dài. Điều này có thể là thứ rất nguy hiểm, kìm hãm tham vọng vươn ra biển lớn của một số cầu thủ trẻ đang khoác áo ĐTQG. Liệu họ có bi quan, thiếu tự tin hay không khi nhìn vào "tấm gương" của những đàn anh?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương mới đây đã cho rằng: "Ngay với lứa cầu thủ trẻ hiện nay, vừa trải qua vòng loại World Cup 2026 theo tôi cũng khó để tìm đến những giải đấu có tính chất cạnh tranh cao như các đàn anh đã và đang lựa chọn". Những khó khăn này không hoàn toàn xuất phát từ chuyên môn, kỹ năng chơi bóng mà còn cả ở khía cạnh tâm lý.
Đình Bắc, Khuất Văn Khang, hay bất cứ một cầu thủ trẻ nào vừa thi đấu ở Asian Cup, liệu cái tên nào sẽ dũng cảm xuất ngoại sang một nền bóng đá tiên tiến trong tương lai?
Tất nhiên, trong tương lai, bóng đá Việt Nam vẫn cần những cầu thủ dám bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá giới hạn bản thân ở những môi trường bóng đá phát triển hơn. Cầu thủ Việt Nam vẫn luôn đau đáu với giấc mơ xuất ngoại và nếu xét ở góc độ tích cực, Công Phượng, Quang Hải, Văn Hậu… dù không thành công, họ vẫn đang mang theo sứ mệnh quan trọng đó là mở đường cho bóng đá Việt Nam dù phải trả giá!