Trong sự nghiệp mình, tôi đã có 3 lần dẫn đoàn Việt Nam đi Bình Nhưỡng đàm phán thương mại Chính phủ với CHDCND Triều Tiên. Đó là cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 của thế kỷ trước. Những điều mắt thấy, tai nghe tại Triều Tiên đã khiến tôi thực sự bị ấn tượng.
Về văn hoá, người Triều Tiên rất tự hào với các học thuyết, tư tưởng của lãnh đạo Kim Nhật Thành, điều này thể hiện rất rõ tại các công trình tưởng niệm nơi công cộng như tháp Chủ Thể. Họ sở hữu metro, đẹp chỉ kém Matxcova, họ có khách sạn Ryugyong cao nhất thế giới vào thời điểm đó, đạt 330m.
Về công nghiệp nặng, Triều Tiên đã sản xuất được xe vận tải cỡ lớn để phục vụ khai thác khoáng sản. Ngoài ra họ còn làm ra xe tăng, máy kéo, đầu máy xe lửa và chào bán những sản phẩm này với các quốc gia khác...
Nhờ trải nghiệm tại đất nước này, dù chưa đầy đủ, nhưng tôi phần nào lý giải được Triều Tiên. Thứ nhất, đây là một nền văn hóa lâu đời của thế giới, một quốc gia thuần chủng cả về sắc tộc, ngôn ngữ. Triều Tiên cũng luôn đối mặt với việc bị các nước lớn dòm ngó nhưng họ cũng rất kiên cường, kiên quyết bảo vệ lãnh thổ.
Giống như Việt Nam, họ có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc rất cao. Mặt khác, người Triều Tiên cũng thể hiện mình rất độc lập với thế giới. Trong tất cả những công trình mà tôi tham quan, toàn bộ đều là sản phẩm thuần túy của chính họ.
Thứ hai, Triều Tiên sau cách mạng đã thực thi nền kinh tế kế hoạch hóa theo cách của mình. Nếu như Việt Nam chưa bao giờ thành công trong nền kinh tế kế hoạch thì Triều Tiên đã làm được việc đó.
Từ đầu năm 1980, họ đã hoàn thành chương trình công nghiệp hóa nền kinh tế. Trong khi đó Việt Nam đã phải loay hoay trong suốt thời gian dài. Bình Nhưỡng có trong tay một nền công nghiệp cơ khí mạnh, khoa học kỹ thuật cao. Đến thời điểm hiện tại, họ được cho là đã sản xuất thành công vũ khí hạt nhân.
Một đặc điểm nữa là học vấn của người Triều Tiên cao, 99% dân biết chữ, giáo dục là bắt buộc, kéo dài đến hết hết phổ thông. Tất cả những thành tựu này nhiều nước khác đã không làm được.
Tuy nhiên, kinh tế của Triều Tiên rơi vào khủng hoảng khi Liên Xô và chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ. Triều Tiên lúc này rơi vào khó khăn khi mất hết các thị trường xuất khẩu. Trong lúc đó, Mỹ và các nước phương Tây gia tăng trừng phạt, cấm vận. Do luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ với chiến tranh, Triều Tiên đã quân sự hóa xã hội, kinh tế. Đấy là cách họ xử lý trong tình huống không giống ai cả.
Người Mỹ xưa nay trong quan hệ với các nước, đặc biệt những nước bé, họ thiên về áp đặt. Điều này là dễ hiểu khi Mỹ đang chi phối cả thế giới cả về kinh tế, quân sự...Họ cũng có rất nhiều đồng minh.
Do vậy, chính sách thường thấy của Washington là áp đặt, trừng phạt, cấm vận, và thậm chí sẵn sàng áp dụng cả những biện pháp quân sự để lật đổ, thay đổi chính quyền tại các quốc gia chống đối. Trung Đông là một minh chứng.
Nhưng suốt những năm qua, người Triều Tiên chưa bao giờ chịu khuất phục. Ba đời lãnh đạo của dòng họ Kim luôn giữ nguyên tinh thần này.
Ông Kim Jong Un được đánh giá là người thông minh. Ngay trong lần gặp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tiếc những lời khen ngợi với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Trump nhận định Kim là "nhà đàm phán rất thông minh, cứng rắn và đáng tôn trọng", Kim có khả năng thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Triều Tiên.
Về người đứng đầu Bình Nhưỡng, tôi tin là ông Kim hiểu rằng chìa khóa giải quyết "hồ sơ Triều Tiên" nằm trong tay người Mỹ chứ không phải quốc gia hay tổ chức quốc tế nào... Do vậy, để "tháo ngòi", người Triều Tiên phải ngồi với người Mỹ, nhưng phải ngồi ngang hàng, bình đẳng chứ không phải "chiếu dưới" để "cầu xin".
Nhưng Kim cũng ý thức người Mỹ sẽ không "hạ cố" để vào bàn đàm phán. Triều Tiên không là gì với Mỹ nếu xét tương quan về kinh tế, quân sự. Chả có gì đủ mạnh để họ đếm xỉa. Muốn để Mỹ xem xét, có lẽ Bình Nhưỡng phải có vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo. Hình như Kim đã đúng.
Sau những động thái của Triều Tiên về việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, sức nóng trên thế giới đã tăng nhanh cực độ, đẩy vấn đề lên cao trào. Điều này đã buộc người Mỹ phải ra tay tay giải quyết, trực tiếp xử lý. Và như thế, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo hai nước đã hình thành.
Ở đây cũng phải nói đến yếu tố thời cơ. Ông Donald Trump được bầu là Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là thời cơ. Trump có cá tính, thích mạo hiểm, phá cách. Ông ta ghét và không chịu ràng buộc với truyền thống của Washington.
Trump đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán cùng Kim, điều này sẽ không xảy đến với các vị Tổng thống tiền nhiệm vì truyền thống của họ, như đã nói ở trên, là áp đặt. Họ sẽ buộc Kim phải đầu hàng mà không có đối thoại ngang cơ nào.
Tờ The New York Times mới đây dẫn lời ông Trump cho biết ông Obama đã rất gần với việc phát động chiến tranh lớn với Triều Tiên. Ngược lại, Trump cho rằng chỉ những nỗ lực ngoại giao mới giúp tránh khỏi xung đột và hạ nhiệt căng thẳng với quốc gia châu Á sở hữu vũ khí hạt nhân.
Sự thực dụng trong con người của Trump có lẽ đã hiểu rằng nếu không ngồi với Kim sẽ không giải quyết được điều gì cả.
Kim Jong Un cũng tương tự. Tôi nghĩ rằng Kim cũng rất táo bạo theo cách riêng của anh ta và thừa thực dụng. Việc gặp, đối thoại trực tiếp thể hiện rõ điều đó. Nhưng Triều Tiên cũng luôn thể hiện quan điểm phải bình đẳng, cùng tiến, cùng lùi.
Nếu hình dung Trump và Kim là hai đô vật, thì sàn đấu đã bắt đầu mở màn từ tháng 6 năm ngoái, tại Singapore. Đây sẽ là một cuộc trình diễn đầy thú vị, đầy phấn khích cho những người quan sát.
Tôi cho rằng một khi ông Trump đã ngồi vào ghế đàm phán, ông ấy sẽ phải đi từ vòng này đến vòng khác, cho đến khi bộ "hồ sơ" về Triều Tiên được hoàn thành. Đây là một cuộc đấu trí thực sự, chứ không phải là cuộc gặp hữu hảo.
Cái mà người Mỹ mong muốn là một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đổi lại, người Triều Tiên đòi hỏi sự đảm bảo về độc lập, hòa bình, phá tan không khí chiến tranh, bỏ cấm vận để phát triển kinh tế. Bộ "hồ sơ" này rất đồ sộ chứ không phải chỉ đơn giản ký một vài văn bản là xong.
Những vấn đề của Triều Tiên là sự tích tụ của cả quá trình. Vì thế, việc đàm phán sẽ phải xử lý từng khâu, từng đoạn, qua các vòng khác nhau. Mỗi vòng giải quyết được bao nhiêu vấn đề, cái nào trước, cái nào sau, ai thắng ai thua trong từng giai đoạn phụ thuộc vào độ chính xác của các phép tính giữa hai bên.
Chính vì thế mà chưa ai nói được rằng cuộc gặp ở Hà Nội giải quyết được bao nhiêu vấn đề. Ngay cả bản thân những nhà đàm phán đôi khi cũng không lường hết được. Nhưng chúng ta có niềm tin, hi vọng, bởi cả Trump và Kim đều thông minh và đủ thực dụng cần thiết để tháo gỡ "kíp nổ" này.
Sự vấp váp bước đầu ở Singapore hồi tháng 6/2018 có thể xem là bài học, chứng minh rằng mọi chuyện không thể đơn giản như một vài động tác phá dỡ một vài trạm quân sự của Kim hay việc dừng tập trận của Mỹ. Vũ khí nguyên tử vẫn còn đó.
Tại Singapore, người Mỹ tưởng rằng có thể làm từng bước: Giải giáp hạt nhân tại Triều Tiên rồi mới gỡ bỏ cấm vận, nhưng vấn đề vốn nhiều tầng, nhiều rễ hơn thế. Họ yêu cầu sự bình đẳng, có đi có lại, cùng xuống, cùng lên.
Cán cân sẽ nghiêng về phía nào, như tôi nói lúc trước, nó phụ thuộc vào tính toán chính xác đến bao nhiêu của từng bên. Nhưng rốt cuộc, kết thúc phải là cả hai bên cùng thắng, cùng đạt được mục tiêu của mình. Không thể nào có chuyện bên còn, bên mất được. Chỉ là cuộc đấu trí này sẽ kéo dài đến bao lâu, và có những điều khoản ràng buộc gì.