1. Sự bất an đến từ các đội đua của châu Âu và Mỹ
Tính đến chiều 11/3, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 39. Tính riêng đợt bùng phát thứ 2, Việt Nam ghi nhận 22 trường hợp nhiễm bệnh chỉ trong chưa đầy 1 tuần và nguồn lây nhiễm xuất phát từ nước Anh.
Trong khi đó, 9/10 đội đua tại F1 đến từ châu Âu với Alpha Tauri và Ferrari thuộc vùng Lombardy, Italia, tâm dịch của "lục địa già". Đội đua còn lại là Haas đến từ Mỹ cũng không phải nơi an toàn ở thời điểm hiện tại.
Đội đua Ferrari đến từ vùng Lombardy, Italia, sẽ đi qua Australia, Bahrain rồi mới tới Việt Nam. Ảnh: F1.
Tính đến lúc này, khoảng 4.000 người gồm thành viên đội đua, quan khách đã có mặt ở Australia. Về mặt lý thuyết, toàn bộ số người này đã được xử lý dịch tễ (kiểm tra lịch sử đi lại, kiểm tra sức khoẻ,…). Chặng đua tại Melbourne, Australia diễn ra từ ngày 13 – 15/3. Từ đó đến chặng đua ở Hà Nội là hơn 14 ngày và có thể đảm bảo về thời hạn cách ly.
Thế nhưng, số người này sẽ còn phải đi tới Bahrain tham dự chặng đua kế tiếp (20 – 22/3). Bất trắc có thể xảy đến nếu họ tiếp tục di chuyển đến Việt Nam dù xác suất được đánh giá là không cao.
Chưa dừng lại ở đó, tính từ 0h00 ngày 12/3, Việt Nam chính thức không miễn thị thực cho công dân thuộc 8 nước châu Âu, trong đó có Anh và Italia. Khó khăn sẽ lại chất chồng.
2. Số lượng khách du lịch tăng đột biến vượt quá khả năng kiểm soát
Về lực lượng khán giả, phía Hà Nội cho biết có khoảng 100.000 người nước ngoài đăng ký tới Hà Nội trong đợt diễn ra chặng đua F1 (3 – 5/4). Đó là con số đáng mơ ước cho du lịch thủ đô nhưng với việc phòng chống dịch covid-19, con số ấy vượt quá khả năng kiểm soát của những cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội.
Việt Nam cũng chưa dỡ bỏ quy định khuyến nghị dừng các lễ hội, tránh tụ tập đông người. Tổng cục Thể dục Thể thao cũng đưa ra khuyến cáo tương tự với các giải đấu thể thao, dừng các giải chưa tổ chức. Với V.League 2020, khán giả sẽ không được đến sân xem trực tiếp từ nay tới hết tháng 3.
Mới đây, Ban tổ chức F1 đưa ra thông báo sẽ làm tất cả để đảm bảo an toàn cho giải đấu, cho các đội đua, nhân viên và người hâm mộ. Thế nhưng, tình hình thực tế cho thấy đấy không phải một thông báo có thể giúp niềm tin của người hâm mộ tăng cao.
Chặng đua F1 ở Việt Nam vì thế cũng khó tránh việc phải tổ chức không khán giả như ở Bahrain.
Sự kiện F1 tại Việt Nam dự kiến thu hút hàng chục ngàn người nước ngoài tới du lịch và xem thi đấu. Thế nhưng, nỗi bất an từ kiểm dịch Covid-19 có thể khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Ảnh: Tuấn Mark.
3. Sự khác biệt trong phòng chống dịch bệnh của Việt Nam với nhiều nước trên thế giới
Mỗi quốc gia có nền y tế khác nhau. So với các nước tổ chức F1, Việt Nam được nhận định thuộc nhóm thấp nhất. Việc Việt Nam quyết liệt trong chống dịch như hiện tại là cách để nền Y tế tránh đối diện với đại dịch lên tới hàng trăm hay hàng ngàn người.
Thực tế, các nước như Anh, Tây Ban Nha, Mỹ hay Australia có cách kiểm tra, cách ly người nhiễm bệnh khác Việt Nam. Ở đây, việc cách ly 14 ngày được thực hiện ngay lập tức với những người đã tiếp xúc với đối tượng nhiễm bệnh mà chưa cần kiểm tra kỹ càng về các dấu hiệu.
Chính sự khác biệt trong phòng chống dịch nên Chính phủ Việt Nam đã ngừng miễn visa cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và bắt buộc phải khai báo y tế. Đấy sẽ là rào cản với việc thu hút khách du lịch và người hâm mộ.
Việt Nam rất quyết liệt trong cách ly phòng dịch Covid-19, khác nhiều các nước phương Tây.
4. Chặng đua Việt Nam có bị huỷ ngay lần đầu tiên tổ chức hay không?
Đó là câu hỏi khó có thể trả lời thoả đáng trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, việc chặng Thượng Hải (Trung Quốc), ngay sau chặng Hà Nội, đã bị hoãn thì việc có thêm các chặng bị hoãn trong tương lai vì Covid-19 sẽ khiến F1 gặp rất nhiều khó khăn trong sắp xếp được một lịch thi đấu mới.
Thế nhưng, cả phía F1 và Việt Nam vẫn cố gắng tìm ra một quyết định chung tốt đẹp cho cả hai bằng cuộc gặp mặt giữa chuyên gia của giải đấu với lãnh đạo Hà Nội vào chiều 11/3.
Ngày 7/11/2018, Hà Nội cùng đơn vị tổ chức ở Việt Nam ký hợp đồng với F1, tổ chức 1 chặng đua/năm, kéo dài 10 năm. Hợp đồng trị giá 60 triệu USD/năm (khoảng 1380 tỷ đồng).
Theo thông lệ của F1 với các thành phố đăng cai hoặc đơn vị tổ chức, nếu F1 hủy chặng thì họ chịu thiệt về tài chính. Nếu đơn vị tổ chức hoặc thành phố tuyên bố huỷ thì F1 không phải chịu khoản thiệt này.
Thế nhưng, covid-19 là dịch bệnh toàn cầu và là vấn đề lớn bất khả kháng với mỗi quốc gia nên quyết định hai bên ngồi vào bàn thoả thuận sẽ được tính đến để làm hài lòng tất cả.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới các chặng đua F1. Ảnh: Jesuschat.
Chiêm ngưỡng đường đua "nóng" nhất Hà Nội từ trên cao.