Những ngày cuối năm khẩn trương ở tòa soạn, không khí chuẩn bị cho WeChoice khiến mọi người đều bận rộn tất bật. Thời điểm này cũng là lúc các nghệ sĩ chuẩn bị cho các dự án cuối năm của mình, khép lại một năm cũ để chuẩn bị cho những điều mới mẻ cùng bao ý tưởng ấp ủ cho năm mới. Khó khăn lắm tôi mới gặp được Hà Đào - một thành viên điều hành tích cực của Matca. Không theo Matca từ những ngày đầu tiên nhưng lòng nhiệt thành với nhiếp ảnh đã níu chân Hà với Matca suốt gần 2 năm qua.
Trước buổi trò chuyện, những điều tôi biết về Matca chỉ gói gọn trong 2 chữ: Nhiếp ảnh. Đã có nhiều bài báo viết về Matca; những người viết hời hợt thì không khiến khán giả hiểu được, một số khác thì nâng tầm Matca trở thành một thế giới hàn lâm của nghệ thuật nhiếp ảnh. Chẳng bình dân cũng không phải chính thống - Hà Đào không coi Matca là một cộng đồng chính thống hay gì cả, đó đơn thuần chỉ là những con người hoạt động với tinh thần của những nhiếp ảnh. Họ đến với nhiếp ảnh cũng như những nghệ sĩ khác đến với các môn nghệ thuật khác biệt, không chỉ vì tình yêu, mà còn vì đó là công cụ nuôi sống bản thân, khám phá thế giới, và vì đó là những điều họ có thể làm tốt nhất. Nhưng cộng đồng ấy không phải là một khoảng sân chung cư nho nhỏ, tụm năm tụm ba vài nghệ sĩ; nó đã đang chuyển mình để mang đến nhiều điều tích cực, nguồn cảm hứng mới mẻ cho làng nhiếp ảnh Việt Nam.
“Như bản tính siêu rộng của ống kính mắt cá, Matca là một tập thể đang nỗ lực sử dụng góc nhìn cởi mở của mình để tìm kiếm, tập hợp lại các nghệ sĩ và công chúng yêu nhiếp ảnh. Về bản chất, Matca là sân chơi mới để cộng đồng nhiếp ảnh trong nước gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ các dự án, tác phẩm của mình ở các giai đoạn: đã hoàn thiện, đang thực hiện hoặc mới ở dạng ý tưởng” - những lời tự bạch trong Thư ngỏ của Matca. Đến lúc đọc xong, tôi mới hiểu vì sao có cái tên như vậy.
Ngụp lặn trong đống băng ghi âm cuộc trò chuyện với Hà Đào, câu chuyện đưa tôi trở lại thời điểm hơn 2 năm trước khi Matca mới thành lập.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2016 với 3 người khởi xướng ban đầu là Linh Phạm - phóng viên ảnh quốc tế của Getty Image (Mỹ); Mai Nguyên Anh từng làm phóng viên ảnh tự do tại Trung Đông, lấy bằng tại Trung tâm nhiếp ảnh quốc tế (International Center of Photography) New York và Đạt Vũ. Hiện tại, thành viên chủ chốt trong hoạt động điều hành Matca còn có thêm Hà Đào - nhiếp ảnh gia nhận được học bổng tại IPA (Invisible Photographer Asia). Ngay từ ban đầu, Matca được định hình và phát triển với mong muốn trở thành một diễn đàn nhiếp ảnh chuyên nghiệp - một tạp chí trực tuyến chuyên sâu về nhiếp ảnh 100% phi lợi nhuận.
Những câu chuyện được chia sẻ trên Matca là thế giới đa chiều về nghệ thuật nhiếp ảnh, về những con người đứng đằng sau từng khung hình hay đôi điều về các tác phẩm thông qua lời bộc bạch của các tác giả. Có nhiều người nhìn nhận những câu chuyện chia sẻ trên Matca thuộc về một thế giới nhiếp ảnh xa lạ: “Deep” quá, hàn lâm và chuẩn mực, không giống những thứ giản đơn người ta hay biết về chỉnh ảnh, xóa phông hay tạo bokeh xoáy. Có phải Matca cũng như một lăng kính “lọc” những độc giả của làng nhiếp ảnh Việt Nam?
Bọn mình chỉ muốn làm điều tốt nhất trong phạm vi của từng cá nhân, chứ không có ý đồ sâu xa về việc sàng lọc độc giả.
Bên cạnh vẻ đẹp thẩm mỹ, giá trị của tác phẩm nên được đánh giá dựa trên ý đồ và cách tiếp cận vấn đề của tác giả. Ở Matca, bọn mình cố gắng đưa ra một góc nhìn khác - một điều mới mẻ chứ không phải điều khác biệt - để tô màu cho bức tranh tổng thể đa dạng của thế giới nhiếp ảnh. Trong nhiếp ảnh, không nên tồn tại một thang bậc phân biệt. Những con người ở Matca muốn tạo ra một sân chơi nhiếp ảnh cởi mở để cộng đồng biết rằng nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng không chỉ có ABC mà còn là những DEF..XYZ khác. Có nhiều cách tiếp cận nhiếp ảnh, đánh giá một khung hình; xem ảnh của những nhiếp ảnh trẻ khác cũng giúp chúng ta hiểu được những người trẻ đang nghĩ gì hay cuộc sống xung quanh vận động ra sao”, Hà Đào chia sẻ.
Với mỗi con người đứng đằng sau Matca, dự án của họ mang tính phi lợi nhuận và đó là một điều may mắn chứ ko phải thử thách. Matca không phải cộng đồng đầu tiên hay duy nhất về nhiếp ảnh tại Việt Nam. Họ làm ra Matca để phục vụ cho bản thân mình trước; Matca được sinh ra để chia sẻ các dự án độc lập khi mà không phải ai cũng có cơ hội trưng bày những tác phẩm của mình trong các triển lãm, sách ảnh… giúp các nhiếp ảnh gia có nơi để chia sẻ những tác phẩm của mình, đồng thời nhằm giáo dục nhận thức của độc giả. Khi nhận thức độc giả được tăng lên, các nghệ sĩ cũng có cơ hội thể nghiệm khả năng sáng tạo nhiều hơn.
Trên bản đồ nhiếp ảnh Việt Nam, các trang chuyên về nhiếp ảnh không ít nhưng tập trung chủ yếu vào hình thức của một bức ảnh: Những thông số vàng, cách bảo quản máy ảnh, nghệ thuật phơi sáng và vô vàn kỹ thuật khiến một nhiếp ảnh gia tay ngang lảo đảo. Tuy nhiên, hình thức và nội dung phải song hành với nhau chứ không phải cái gì đi trước và đi sau. Không như vài thập kỷ trước đây, việc chụp ảnh giờ không còn là điều quá phức tạp nên giá trị tạo ra không chỉ đơn giản là những bức ảnh đẹp; nó phải là những tầng suy nghĩ đa chiều, nó là công cụ sáng tác, là thứ để thực hiện những mục đích khác nhau và mang đến những ảnh hưởng nhất định cho cộng đồng. Đó là một viễn cảnh tối ưu nhất của nhiếp ảnh, nhưng chính là điều mà Matca đang xây dựng và phát triển.
Có lẽ vì vậy, những tác phẩm ảnh báo chí với chủ đề xã hội thường xuất hiện trên Matca, dù là của những tác giả trẻ hay chính thành viên Matca. Diễn ngôn hình ảnh sẽ giúp truyền tải những thông điệp nhất định từ nghệ thuật nhiếp ảnh tới công chúng. Nhưng làm sao để công chúng đón nhận, để thỏa mãn cả góc nhìn và tâm trí của độc giả, và hiểu được những tầng ý nghĩa đằng sau mỗi bức hình là điều thôi thúc những con người Matca nỗ lực hết mình. Nhìn nhận về vai trò của nhiếp ảnh trong mối tương quan với các vấn phát triển xã hội, Matca chia sẻ.
“Với các nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Nepal, nhiếp ảnh trở thành công cụ đắc lực để bọc trần những hiện tượng xã hội. Việc sử dụng bất cứ phương thức nghệ thuật nào, âm nhạc hay tranh vẽ, cũng là điều đáng trân trọng, miễn là đóng góp nó vào việc thay đổi các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên trong thời thời đại thông tin ngập tràn và người đọc dễ tiếp nhận cái mới mẻ, quên đi những cái cũ, việc có 1 bức ảnh thay đổi được cả thế giới dường như rất khó. Ở Việt nam, mọi người nhắc nhiều tới bộ ảnh The Pink Choice của chị Maika Elan như một tác phẩm mang sức nặng với nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng LGBT. The Pink Choice ra vào thời điểm mà những vấn đề đó thực sự nổi cộm và bộ ảnh xuất hiện làm nhiều người quan tâm tới cộng đồng LGBT hơn. Dù ít hay nhiều thì nó cũng tạo được tiếng vang và có ảnh hưởng nhất định lên tới xã hội”.
2 năm không phải một quãng đường quá dài nhưng Matca cũng đã dần thoát khỏi những bước chập chững ban đầu. Khi được hỏi về dự định tương lai của Matca, Hà nói rằng mọi thứ cứ túc tắc làm thôi. Trong thời điểm thông tin tràn ngập trên mạng xã hội và việc giằng co độc giả không phải điều mà Matca muốn làm. Câu chuyện đi tìm bề rộng có lẽ vẫn sẽ ở đó nhưng họ sẽ đi tìm bề sâu hơn nhiều hơn với nhiếp ảnh.
“Bọn mình đã tổ chức một buổi portfolio review với những chuyên gia nhiếp ảnh giúp đánh giá tác phẩm của những nhiếp ảnh gia trẻ. Đây là một hoạt động đã khá phổ biến ở nước ngoài, dù còn mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên ở Việt Nam thực sự vẫn chưa có và có lẽ Matca là cộng đồng đầu tiên tổ chức buổi đánh giá này. Chúng mình trân trọng mọi tác phẩm được mang tới đây, gửi gắm cho những chuyên gia từ Matca đánh giá vì biết rằng họ có sự tin tưởng lớn vào chuyên môn của mình. Nó tạo ra 1 môi trường an toàn, văn minh để mọi người chia sẻ cởi mở về nhiếp ảnh. Ngoài ra, Matca đã và đang tổ chức thêm nhiều buổi workshop, chia sẻ, các sự kiện để đưa nhiếp ảnh tới gần hơn với mọi người”.
Với cộng đồng nhiếp ảnh Việt Nam, cái tên Matca dần không còn xa lạ. Anh Nguyễn Đình Phong, một nhiếp ảnh gia tự do sống tại Hội An chia sẻ.
“Matca là một sự kiện đặc biệt cho nhiếp ảnh Việt Nam. Trước và sau Matca chưa từng có một nền tảng nào có thể bao quát, giới thiệu và kết nối nhiếp ảnh gia cũng như giới thiệu các tác phẩm, dự án liên quan đến nhiếp ảnh một cách hiệu quả như vậy. Điều anh thích ở Mat là những con người rất trẻ nhưng đã có bản lĩnh, quan điểm về nhiếp ảnh thấu đáo, khách quan. Họ làm việc rất chuyên nghiệp, vô vị lợi, hướng đến lợi ích cho nhiếp ảnh Việt Nam, đa dạng hoá thể loại cũng như phong cách. Đó là một điều rất đáng quý mà không phải người trẻ nào cũng làm được”.
Nói nhiều về Matca và những điều ý nghĩa, tích cực Matca đang thực hiện cho cộng đồng nhiếp ảnh, tôi hỏi Hà Đào xem bạn nghĩ gì về con đường đi của nhiếp ảnh Việt Nam.
“Dễ và khó”.
“Nếu bạn chọn con đường nhiếp ảnh thương mại thì mọi thứ quá rộng mở với vô vàn công việc. Tuy nhiên ngược lại, nếu dấn thân vào lĩnh vực ảnh báo thì đòi hỏi phải có sự đầu tư nhất định khi tại Việt Nam, ngân sách từ các tòa soạn báo cho nhiếp ảnh gia vẫn khá hạn chế, áp lực công việc cũng căng thẳng khi nhiếp ảnh gia phải kiêm thêm nhiều công việc khác. Không như các phóng viên ảnh của National Geographic khi họ có thể toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc chụp ảnh của mình với những chuyến đi thực tế vài tháng được đài thọ toàn bộ, làm nghề ảnh ở Việt Nam đôi khi phải chấp nhận nhiều điều đánh đổi. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn là sự khởi đầu. Còn nhiều mảnh đất màu mỡ để khai thác nhưng các nhiếp ảnh gia Việt Nam còn chưa chạm tới được.
Việc thiếu cơ sở vật chất hay đầu tư thì không chỉ riêng với nhiếp ảnh mà ngành nghệ thuật văn hóa nào ở Việt Nam cũng vậy. Thiếu những chuyên gia về nhiếp ảnh, các giám tuyển hay các triển lãm ảnh chuyên nghiệp có chất lượng là điều dễ thấy trong làng nhiếp ảnh Việt Nam.
Đây là thời điểm mà mình cảm thấy như thể nghệ thuật ở Việt Nam sắp đạt “chín” với các nhóm/dự án độc lập ngày càng nhiều và phát triển. Matca chỉ là một trong những nhân tố đấy với mong muốn giúp đưa tên tuổi Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ nhiếp ảnh thế giới - một nền nhiếp ảnh chạm được nhiều hơn tới cuộc sống và muôn màu xã hội. Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân nhưng khi nhiều con người cùng đứng lên cho một điều tốt đẹp chung, chắc chắn phép màu sẽ tới”.