Những người tính toán hành trình phục hồi cho tiền đạo Nguyễn Xuân Son

Hà Minh |

GS.TS. Trần Trung Dũng, Giám đốc chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình - Cơ xương khớp (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) –người trực tiếp phẫu thuật cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son cho biết yêu cầu phục hồi là thách thức lớn nhất trong điều trị. Trong hành trình phục hồi cho tuyển thủ quốc gia còn có sự đồng hành của thạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Kĩ thuật viên trưởng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình & Y học Thể thao.

Các bác sĩ phải tính toán bài toán tổng thể từ phẫu thuật, trị liệu, dinh dưỡng và tập luyện, mục tiêu để sau thời gian liền xương vẫn duy trì sức cơ, kiểm soát cân nặng, tập động tác khó phù hợp với môn bóng đá.

“Kĩ thuật đóng đinh kín là phương pháp này sẽ không mở chỗ gãy, bảo toàn nguyên vẹn từ các cơ cho đến màng xương. Bác sĩ chỉ đóng 1 đinh xuyên qua chỗ gãy đó và cố định lại đinh nằm trong ống tủy. Chúng tôi phải tính toán tỉ mỉ từng con vít. Với người bình thường không cần tính toán kĩ như thế vẫn đảm bảo quá trình vận động, sinh hoạt bình thường. Nhưng với cầu thủ Nguyễn Xuân Son , bắt vít phải đảm bảo hoàn hảo, không bị nhô ra dù 1mm, đảm bảo đến khi xương liền bạn có thể tập trở lại sẽ không ảnh hưởng. Vì nếu vít nhô ra chỉ 1mm, khi thực hiện động tác đỡ bóng cũng khiến cầu thủ bị đau. Do đó chúng tôi phải tính toán từng con vít, đo đạc cẩn trọng trên máy tính", GS Dũng lí giải.

GS.TS Trần Trung Dũng thực hiện ca mổ cho cầu thủ Nguyễn Xuân Son

Ông đồng thời cho biết: "Đối với các chấn thương liên quan đến khớp và dây chằng, sự phục hồi đôi khi có thể dựa vào yếu tố may mắn. Tuy nhiên, với trường hợp gãy xương của Xuân Son, chỉ cần quá trình liền xương tốt và phục hồi đúng cách, khả năng trở lại với 100% phong độ là hoàn toàn có thể".

"Ca phẫu thuật cho nam cầu thủ Xuân Son được thực hiện ngay trong vòng 24 giờ sau chấn thương và đã thành công tốt đẹp, nhưng anh ấy có thể trạng người Châu Mỹ nên có thể nhanh chóng tăng cân, do đó làm sao duy trì cân nặng là vấn đề quan trọng. Phẫu thuật thành công chỉ là 1/10 mà chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn. Để vận động viên duy trì và quay lại thể trạng là quan trọng nhất thì mỗi giai đoạn phục hồi, trị liệu phải tính toán kĩ, không điều chỉnh sẽ tạo áp lực lên chấn thương", GS.TS Trần Trung Dũng chia sẻ.

Xuân Son phục hồi tốt sau phẫu thuật

Theo GS. Dũng, đối với một vận động viên như Xuân Son, yêu cầu phục hồi là rất cao. Sau phẫu thuật, xương gãy cần được liền tốt, nhưng sức cơ, sức bền và phản xạ của anh cũng phải được phục hồi ở mức cao nhất để có thể trở lại thi đấu với cường độ cao. Đây là một thách thức lớn mà đội ngũ y tế đã lên kế hoạch kĩ lưỡng để giải quyết.

GS Trần Trung Dũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội; Trưởng phân môn Chấn thương chỉnh hình, Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội.

GS Trần Trung Dũng được phong học hàm Giáo sư năm 2020, Phó Giáo sư năm 2015. Ông đã tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc.

Trong suốt hơn 20 năm làm việc, GS Trần Trung Dũng đã thực hiện thành công hơn 1000 ca thay khớp háng, hơn 500 ca thay khớp gối, gần 10.000 ca nội soi khớp gối, hơn 500 ca nội soi khớp vai, gần 100 ca thay thế khớp vai, khớp khuỷu và các khớp nhỏ khác, hơn 1000 ca phẫu thuật nội soi và mổ ít xâm lấn điều trị hội chứng ống cổ tay; và hơn 200 ca phẫu thuật bảo tồn chi thể trong các trường hợp ung thư xương và phần mềm với các kỹ thuật thay thế khác nhau.

Là “thế hệ vàng” đặt nền móng cho ngành ngoại khoa cơ xương khớp tại Việt Nam, ông cũng đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học được giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao và tham gia biên soạn sách, trong đó có 3 cuốn sách giáo khoa, 4 cuốn sách tham khảo và chủ biên 3 cuốn sách tham khảo. Bên cạnh đó, ông cũng là thành viên của các tổ chức: Hội Chấn thương chỉnh hình Mỹ; Hội Nội soi khớp Bắc Mỹ; Hội Phẫu thuật khớp gối, nội soi khớp và y học thể thao châu Á Thái Bình Dương; Hội Chấn thương chỉnh hình châu Á Thái Bình Dương; Hội Phẫu thuật khớp gối, nội soi khớp và y học thể thao thế giới (ISAKOS); Uỷ viên Ban chấp hành Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam.

Người khiến nhiều tuyển thủ quốc gia rơi lệ

Đằng sau những màn tái xuất sân cỏ đầy cảm xúc của các tuyển thủ quốc gia là sự cống hiến âm thầm của ThS. Nguyễn Quyết Thắng – Kĩ thuật viên trưởng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình & Y học Thể thao (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec).

Không ít cầu thủ còn đùa rằng ThS Thắng chính là người khiến họ phải "rơi lệ" trên sân tập, nhưng tất cả đều biết đó là những giọt nước mắt của quyết tâm và nỗ lực.

Thạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng tập phục hồi cho cầu thủ Xuân Son

Với 8 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực phục hồi chức năng và chấn thương thể thao, ThS Quyết Thắng là người "kĩ sư chính" lên kế hoạch điều trị phục hồi chức năng cá thể hóa, đảm bảo từng bài tập được thiết kế chính xác và đồng hành cùng các vận động viên trong từng giai đoạn hồi phục .

Xuân Son là cầu thủ đang điều trị chấn thương tại Vinmec, hiện được ThS. Thắng trực tiếp hướng dẫn trong quá trình tập luyện phục hồi kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học. Chỉ một ngày sau ca mổ, Son đã bắt đầu chương trình tập luyện với những bài tập nhẹ nhàng như chống nạng tập đi, cử động chân để lấy lại sự linh hoạt.

Thạc sĩ Thắng hướng dẫn Xuân Son tập tạ ngay trên giường bệnh

Từng cử động nhỏ nhất của Son đều được theo dõi tỉ mỉ, từ cách đặt chân đến tư thế giữ thăng bằng, nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Sự tỉ mỉ và chuyên nghiệp này không chỉ giúp hạn chế tối đa rủi ro mà còn tạo nền tảng vững chắc cho hành trình trở lại sân cỏ của Son.

Sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chia quá trình điều trị thành nhiều giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn liền xương, thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Trong thời gian này, chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo xương gãy được cố định tốt và liền tự nhiên mà không gặp biến chứng.

“Đồng thời, chúng tôi phải duy trì sức cơ và kiểm soát cân nặng cho Son, vì khi giảm vận động, cơ thể dễ tăng cân nếu chế độ dinh dưỡng không được điều chỉnh phù hợp. Sau khi xương liền, anh ấy sẽ bước vào giai đoạn tập luyện phục hồi, bao gồm tăng cường sức cơ, cải thiện phản xạ khớp, và tập luyện chuyên môn cao. Giai đoạn này kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Đây là giai đoạn yêu cầu khắt khe nhất, với cường độ tập luyện lên tới 6-8 tiếng mỗi ngày để đưa cơ thể trở lại trạng thái thi đấu đỉnh cao”, Th.S Thắng nói.

Thạc sĩ Thắng cùng đồng nghiệp bàn cách tốt nhất để tiền đạo số 12 sớm trở lại phong độ để thi đấu đỉnh cao

Theo đánh giá của các chuyên gia y học thể thao với trường hợp của Xuân Son, khi vẫn còn đinh nội tủy bên trong xương chày, khả năng tái chấn thương, tức gãy lại xương là rất thấp bởi độ cứng của đinh rất lớn. Nhưng những chấn thương khác vẫn có thể xảy ra do bóng đá là môn thể thao đối kháng, không ai có thể tiên đoán trước những chấn thương mà các cầu thủ có thể gặp phải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại