Trong một thời gian dài, FIFA cố gắng khuếch trương ảnh hưởng của World Cup, giải đấu bóng đá lớn nhất thế giới dành cho phái nam, trong khi bỏ qua những người phụ nữ chơi bóng. Đến năm 1970, Liên đoàn bóng đá nữ độc lập châu Âu (FIEFF) có trụ sở tại Turin, Italia đã tự tổ chức giải bóng đá thế giới không chính thức. Giải có 7 đội tham gia và Đan Mạch là nhà vô địch. Từ tiền đề đó, các giải bóng đá dành cho phái nữ vẫn thỉnh thoảng diễn ra, song không được FIFA thừa nhận.
Đến năm 1986, tại Đại hội FIFA lần thứ 45, đại biểu người Na Uy, bà Ellen Wille đã kêu gọi tổ chức này quan tâm nhiều hơn tới bóng đá nữ. Trong sự dè dặt, FIFA đã tổ chức một giải thử nghiệm vào năm 1988 ở Trung Quốc với sự tham gia của 12 đội. Thành công của sự kiện cuối cùng đã thuyết phục FIFA tạo nên một giải đấu toàn cầu vào năm 1991 cũng tại Trung Quốc.
Mặc dù vậy, FIFA vẫn e ngại giải đấu sẽ thất bại, vì vậy không dùng cụm từ “ World Cup ” vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu đang rất có giá trị. Giải ra đời với cái tên rất dài: Giải vô địch bóng đá nữ thế giới - M&Ms Cúp. Tại sao lại là M&Ms? Đơn giản vì Mars, công ty nổi tiếng với kẹo viên nhiều màu, là đơn vị duy nhất tài trợ cho giải đấu.
Tấm vé vào sân ở World Cup 1991, với mặt sau là logo của M&Ms. (Ảnh: Guardian)
Ngoài ra giải đấu chỉ được phát sóng trên một kênh truyền hình cáp. Nghĩa là ngay cả khi biết nó đang diễn ra, nhiều người hâm mộ cũng khó có thể theo dõi tường tận. Còn ở sân vận động, nhằm tạo nên bầu không khí sôi động, nhiều công nhân nhà máy ở Quảng Đông được huy động đến đóng vai cổ động viên.
Sao cũng được. Với các cô gái, việc được chơi ở một giải tầm cỡ FIFA đã vượt quá sự mong đợi. Và họ đến Trung Quốc trong sự vô tư hết sức. Ngày đó các đội ở cùng một khách sạn và có những khi thực đơn không hợp khẩu vị của mọi người. Có một số quốc gia chuẩn bị đồ ăn mang theo, như người Đức có xúc xích và bánh mì đen. Họ ăn và uống bia, theo lời khuyên của HLV Gero Bisanz, rằng nó sẽ giúp ngủ ngon. Bất chợt các nữ cầu thủ Đan Mạch nhìn thấy. Thế là tất cả tham gia, tạo nên một buổi tối vui vẻ.
Hoặc như HLV Anson Dorrance của ĐT Mỹ . Do năm 1998 ở Trung Quốc đã chứng kiến các học trò của mình ăn kẹo trừ bữa, nên lần này ông kêu anh trai làm nghề đầu bếp đi cùng. Khi cả đội hào hứng ăn mỳ ống, Dorrance nhận ra đội Thụy Điển đang gặp vấn đề với đồ ăn Trung Quốc. Ông hào phóng mời các cầu thủ đội này sang ăn chung.
Những hình ảnh về giải đấu năm 1991, khi phần lớn các cầu thủ đều là nghiệp dư. (Ảnh: Getty Images)
Về sau, khi Mỹ đánh bại Na Uy và lên ngôi vô địch, trở về khách sạn họ nhìn thấy dòng chữ “USA Gold” được xếp bằng những chiếc tất vàng của đội Thụy Điển. Cựu hậu vệ Carla Overbeck của Mỹ cho biết, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ấy cô lại nổi da gà vì xúc động.
Nhân nói về đội Mỹ. Thời điểm ấy đội mới được thành lập, tập hợp toàn các cầu thủ nghiệp dư (tương tự các đội khác). Họ thậm chí còn không có trang phục riêng, phải tận dụng và sửa lại lại đồ của đội nam.
Các cầu thủ cũng trải qua 36 tiếng bay với rất nhiều lần quá cảnh để tiết kiệm chi phí (bao gồm hai lần vòng qua đón đội Thụy Điển và Na Uy bay cùng). Họ chỉ được Liên đoàn trả 10 USD mỗi ngày, coi như công tác phí. Giải này cũng không có tiền thưởng. Nó sẽ tiếp tục như vậy đến tận kỳ World Cup nữ thứ 5 (năm 2007).
Bất chấp những khó khăn, các nữ cầu thủ chơi với quyết tâm rất cao. Tại giải đấu năm 1991, FIFA quyết định mỗi trận chỉ kéo dài 80 phút vì lo lắng nữ giới không thể đáp ứng đầy đủ 90 phút. Tuy nhiên điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn với lịch thi đấu rất dày. Hai đội vào chung kết, Mỹ và Na Uy, phải trải qua 6 trận chỉ trong vòng hai tuần lễ.
Hình ảnh lễ khai mạc giải đấu ở Quảng Đông, Trung Quốc, khoảnh khắc đăng quang của ĐT Mỹ và Michelle Akers-Stahl, tiền đạo của ĐT Mỹ giành Chiếc giày Vàng với 10 bàn thắng. (Ảnh: Getty Images)
Ngoài ra, FIFA còn tính sử dụng quả bóng có kích thước nhỏ hơn. May là ý tưởng này đã bị bác bỏ. Các nữ cầu thủ đã chứng minh họ có thể chơi tốt không khác gì phái nam, cùng nhau tạo nên những trận cầu sôi động với đầy ắp bàn thắng. Tại giải đấu năm 1991, có tổng cộng 99 bàn thắng được ghi sau 26 trận, trung bình 3,81 bàn/trận.
Khi kỳ “World Cup” đầu tiên diễn ra trôi chảy, FIFA bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc phát triển bóng đá nữ cũng như tạo nên giải đấu định kỳ, đồng thời chia sẻ cái tên World Cup cho phái nữ.
Sau 32 năm, giải đấu đã có sự phát triển vượt bậc. World Cup nữ trở thành thương hiệu tỷ đô, thu hút các thương hiệu lớn và phủ sóng toàn cầu, với gói bản quyền truyền hình được tách khỏi World Cup nam. Tiền thưởng nhờ đó cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Sau này nhìn lại, đội trưởng ĐT nữ Mỹ năm 1991 April Heinrichs nói rằng World Cup 1991 “giống như một ngòi nổ thầm lặng”, tạo nên sự bùng phát hiện tại.