Từ 2009 đến nay, Juventus đã đón 14 cầu thủ dưới dạng hợp đồng chuyển nhượng tự do. Tất cả đều tự nguyện kết thúc giao kèo với CLB cũ theo dạng đáo hạn, chấp nhận không được một đồng lót tay hay đền bù nào để tới với thành Turin.
Đó là Fabio Cannavaro (2009); Luca Toni, Andrea Barzagli, Andrea Pirlo (2011); Paul Pogba (2012); Fernando Llorente (2013), Kingsley Coman, Patrick Evra (2014); Sami Khedira (2015); Dani Alves, Mehdi Benatia (2016); Emre Can (2018); Aaron Ramsey, Adrien Rabiot (2019).
Ảnh: Bleacher.
Trong số những cái tên trên, có người từng giành Quả bóng Vàng, có người là nhà vô địch thế giới, vô địch Champions League, vô địch ở khắp các quốc gia Châu Âu,...
Vì sao khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, thậm chí nhận được những lời mời gọi có sức hấp dẫn về kinh tế, họ vẫn coi Juventus như điểm đến lý tưởng?
Đầu tiên là đòn tâm lý. Những đội bóng từng dính dáng nhiều đến Mafia như Juve rất giỏi trong chuyện này. Còn nhớ trường hợp của Andrea Pirlo, sau khi giành nhiều vinh quang với AC Milan và bắt đầu già đi, Pirlo lập tức bị đội chủ sân San Siro cho vào danh sách cần thải loại.
Milan nghĩ Pirlo là người thừa nhưng Juve thì không như vậy. Họ đón người nghệ sĩ của Azzurri một cách trịnh trọng, thuyết phục Pirlo đi theo dạng chuyển nhượng tự do để không đọng lại bất cứ vết xước nào với Milan như chuyện đòi đền bù hợp đồng. Pirlo đến sân Allianz, anh nâng tầm Juve và vô địch Serie A 4 năm liên tiếp, thậm chí còn vào tới chung kết Champions League.
Trong khoảng thời gian đó, khi Juve đang thăng hoa, Milan ngụp lặn và còn vướng vào sự giàu có ảo tưởng với Chủ tịch Yonghong Li người Trung Quốc. Đến tận lúc này, đội bóng áo sọc đỏ-đen vẫn không thể tìm nổi một nhạc trưởng đúng nghĩa để kết nối lối chơi.
Người nghệ sĩ thành Turin. Ảnh: Getty.
Với những cầu thủ giỏi kiểu Pirlo, Juve có cách tiếp cận riêng. Với những tài năng trẻ bị ruồng bỏ vì chuyện cá nhân, "Bà đầm già" cũng rất nhạy. Tính đến lúc này, lịch sử bóng đá thế giới chưa từng ghi nhận thương vụ nào lời hơn bản hợp đồng 105 triệu euro khi Pogba từ Juve về lại Manchester United năm 2016.
Pogba khi ấy đang là cầu thủ trẻ của lò đào tạo Man United. Nhưng xui xẻo cho tiền vệ người Pháp, anh lỡ có xích mích với đấng tối cao ở sân Old Trafford là Sir Alex Ferguson. Pogba bị thải loại ngay lập tức và ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do. Và thế là Juventus vồ lấy, nâng tầm tiền vệ này và biến anh thành bản hợp đồng đắt nhất lịch sử năm 2016.
Cái hay của Juve, như lời Pogba chia sẻ khi đến đây là việc họ đã tiếp cận với Pogba từ trước khi anh chia tay M.U. Juve cho thấy sự chân thành với một người tưởng chừng chỉ còn là hàng thải loại. Đến khi nhà vô địch thế giới rời M.U, nhiều CLB đã tiếp cận nhưng đều chậm chân hơn Juve.
Pogba quá hay khi đá cho Juventus. Ảnh: Getty.
Với những bản hợp đồng gần nhất như Ramsey hay Rabiot, Juventus cho họ thấy được sự quan trọng trong đội hình và lối chơi từ mùa tới. Khi đón về những nhân tố này, "Bà đầm già" công bố luôn kế hoạch sử dụng ra sao, chiến dịch nào cần xuất hiện, tập trung đánh vào các mục tiêu nào.
Cả Ramsey và Rabiot không thiếu đội nhòm ngó nhưng vẫn chọn Juve bởi họ cảm nhận được ngay từ đầu tầm quan trọng của bản thân nếu đến sân Allianz chơi bóng, thay vì tâm lý của một cầu thủ giá miễn phí trên các phiên chợ.
Ramsey và màn ra mắt đậm chất Ý. Ảnh: Getty.
Nhưng trên tất cả, "Bà đầm già" dù không có thực lực tài chính mạnh nhưng vẫn có sức hút lớn, đó là bởi bề dày thành tích và sự vĩ đại của đội bóng. Đến với Juve, các ngôi sao được yên tâm về mặt danh hiệu. Cùng với đó, tính cạnh tranh ở đấu trường lớn nhất là Champions League cũng sáng lên khi Juventus liên tiếp đi sâu trong những năm gần đây.
Với sự tăng cường Ronaldo và sắp tới là De Ligt, một sắc đen-trắng hùng mạnh đang được dự báo sẽ càn quét mọi mặt trận trong mùa tới.