Họ là những tiểu thương, cửu vạn ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP Huế), nơi chỉ nhộn nhịp khi ngày mới vừa sang cho đến rạng sáng. Thế nên, những khung giờ 23h hay 2h sáng được xem là "giờ vàng" để họ vừa làm việc, vừa xem bóng đá.
Quên đi mệt mỏi
Hai giờ sáng, khi trái bóng "Beau Jeu" vừa bắt đầu lăn trên sân cỏ báo hiệu một trận đấu hấp dẫn mang tính sống còn giữa hai đội tuyển Croatia và Bồ Đào Nha cũng là lúc chợ Phú Hậu bắt đầu phiên chợ như những ngày thường lệ.
Là khu chợ có số lượng buôn bán và trao đổi hàng hóa rộng lớn và tương đối lớn trên địa bàn thành phố nên tại đây thu hút rất đông các chuyến xe vận chuyển hàng hóa, thực phẩm trong cả nước cũng như tiểu thương và công nhân cửu vạn lao động.
Công việc của những tiểu thương chợ Phú Hậu chủ yếu diễn ra vào ban đêm.
Vẫn là những chuyến xe ba gác với các chuyến hàng nhỏ lẻ và cảnh mua bán trả giá hàng hóa như thường lệ, nhưng những ngày gần đây, người đến chợ có thể chứng kiến thêm một điều thú vị mới lạ.
Đó là cảnh các ông chồng chờ vợ đi chợ, các anh công nhân cửu vạn hay cô tiểu thương vừa tranh thủ giải lao sau những chuyến hàng tấp nập đang đưa mắt dõi theo các trận đấu bóng đá trên màn hình ti vi ở các quán nước ven đường.
Cảnh họp chợ vẫn bình thường như mọi ngày bỗng trở nên thú vị hơn bởi tiếng hò reo của nhiều người sau tình huống đánh đầu vọt xà của trung vệ Pepe ở phút thứ 25. Ai nấy đều tiếc nuối sau một tình huống ghi bàn bị bõ lỡ.
Những anh cửu vạn đang kéo xe hàng đôi lúc ngang qua các màn hình ti vi vẫn tranh thủ dừng lại ít phút xem bóng rồi lại tiếp tục với công việc của mình. Dường như, bóng đá đang làm cho những con người ở đây với đi phần nào sự mệt mỏi của công việc tay chân.
"Những chuyến hàng thường kéo dài đến sáng nên mỗi lần rảnh tay anh em lại tranh thủ chợp mắt lấy sức, nhưng cứ nghe khi nào gần đến giờ vào trận là mọi người ai nấy đều háo hức làm nhanh để xong việc còn ra xem bóng đá", anh Nguyễn Văn Huy (34 tuổi) một cửu vạn ở chợ Phú Hậu chia sẻ.
Đồng nghiệp của anh Huy, anh Trương Văn Tuấn mới vừa bốc hàng xuống xe liền chạy đôn chạy đáo sà vào quán café bên cạnh đó, mới kịp lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, anh Tuấn hét như mừng: "Vào rồi. Bồ Đào Nha vào rồi".
Phút tranh thủ xem Euro giữa giờ làm việc.
Hỏi chuyện thì mới biết, người đàn ông đã ngoài 30 này có tình yêu đặc biệt với đất nước của Ronaldo, Nani, Quaresma. "Tôi mê bóng đá từ nhỏ và cũng rất muốn theo nghiệp bóng banh nhưng gia đình nghèo khó, chạy ăn từng bữa nên đành gác lại.
Thế nhưng tôi vẫn theo dõi sát sao bóng đá Việt Nam. Dù cho có những thăng trầm nhưng tình yêu của tôi không thay đổi. Có một tật lạ là những ai có cống hiến cho bóng đá Việt Nam là tôi say mê điên cuồng người đó.
Ông Calisto là thần tượng mới, tượng đài trong tim tôi. Tôi yêu ông cũng như yêu Việt Nam, từ đó tình yêu truyền sang cả Bồ Đào Nha", anh Tuấn thật thà.
Bóng đá không "biên giới"
Chị Phan Thị Vui (43 tuổi), một tiểu thương buôn bán rau củ phì cười khi được hỏi dự đoán kết quả trận đấu: "Croatia hay Bồ Đào Nha thắng tôi đều vui cả. Cứ ghi bàn ầm ầm là vui lắm rồi.
Bởi dù sao có những trận đêm khuya thế này khiến nhịp độ làm việc của các anh chị em càng hăng say, thời gian trôi nhanh hơn. Dù ở bên trời Âu nhưng quả là bóng đá có sức hút kỳ diệu. Thứ trò chơi vi diệu này xuyên cả biên giới chú à".
Đang mải dán mắt vào màn hình để xem những phút cuối cùng thì một tiếng vọng ở đằng xa vang lên: "Xe tới rồi, làm việc thôi anh em". Tức tốc, anh Huy, anh Tuấn cùng "đồng nghiệp" bật dậy. Vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại màn hình như kiểu tiễn biệt người yêu đi bộ đội.
Quay lại với công việc khi hàng về.
Một chuyến hàng nữa lại đến, những con người nơi đây lại tiếp tục với công việc mưu sinh thường ngày của mình. Tuy không thể theo dõi chứng kiến tới giây phút cuối cùng, nhưng ai nấy đều có nở nụ cười vui vẻ, những lời bàn tán rôm rả về trận đấu lại tiếp tục vang lên trong lúc làm việc.
Bóng đá là vậy, không phân biệt tuổi tác, giới tính, công việc. Bất cứ ai niềm yêu thích với trái bóng tròn đều có thể dành thời gian cho đam mê của mình dù ở bất cứ nơi đâu.
Những đôi tay cần cù lại tiếp tục lao động để kiếm miếng cơm manh áo, nhưng với họ, mỗi trận đấu, bàn thắng là một sự giải trí, khích lệ tinh thần không hề nhỏ giúp những con người trong khu chợ đêm quên đi phần nào sự buồn ngủ trong những lần thức trắng đêm lao động.