…Và không phải ngẫu nhiên mà khi qua cái tuổi ấy thì chẳng có sân chơi U nào nữa hết. Để dễ hiểu, không chỉ tại Việt Nam mà cả bóng đá đỉnh cao, nơi tuổi thọ cầu thủ dài hơn thì khi đã bước qua tuổi 23, các cầu thủ đều đã phát triển tối đa cả về thể chất lẫn kỹ năng để tranh đua sòng phẳng, sự khác biệt về tuổi tác như ở độ tuổi dưới 23 gần như bằng không.
Ngoài ra, phong cách của từng cầu thủ cũng được định hình và chỉ phù hợp với một số sơ đồ và lối chơi nhất định. Vì vậy, mọi các cầu thủ ở độ tuổi này đều cần môi trường ổn định để duy trì phong độ, rộng hơn là trình độ cũng như tích lũy kinh nghiệm, thứ duy nhất còn có thể tăng trưởng.
Trở lại với Công Phượng, theo những thông tin mới nhất, tiền đạo thuộc biên chế HAGL này sắp sửa sang Pháp thử việc. Đây sẽ là quốc gia thứ ba Công Phượng đến chơi bóng sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Dễ nhận thấy, đây đều là những đất nước phát triển, cả về kinh tế lẫn nền bóng đá.
Vì thế, trong mắt không ít người, Công Phượng đang có những trải nghiệm bổ ích và quý báu. Tuy nhiên, nhắc lại câu chuyện ban đầu, Công Phượng đã hết tuổi trải nghiệm. Điều tiền đạo này cần là một môi trường ổn định để thi đấu duy trì thể chất lẫn phong độ. Đông Du hay Tây Du không trao cho tiền đạo này điều đó.
Bằng chứng nhãn tiền từ hai chuyến Đông Du của Công Phượng. Trong năm 2016, Công Phượng khoác áo Mito Hollyhock 5 trận, thi đấu vỏn vẹn 98 phút. Đến khi chuyển sang khoác áo Incheon United, suốt 5 tháng Phượng đá chính 5 trận, vào sân từ ghế dự bị 4 trận, tổng cộng 9 trận và thi đấu 432 phút.
Tổng cộng 530 phút khoác áo các đội bóng nước ngoài đó, Công Phượng tung ra tổng cộng 4 pha dứt điểm, không một lần lập công, dĩ nhiên. Đó không phải là thông số của một chân sút đang bước vào giai đoạn chín muồi của sự nghiệp và được xem là trụ cột của đội tuyển quốc gia.
Đông Du đã vậy, Tây Du liệu có thể kỳ vọng gì hơn ở Công Phượng trong chuyến đi này, nhất là khi đặt lên bàn cân, mọi thứ đều khắc nghiệt hơn. Đơn cử như khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, điều có thể khiến cả những ngôi sao lớn bị cô lập và thui chột chứ đừng nói tới một cầu thủ chân ướt chân ráo từ châu Á sang thử việc.
Không chỉ vậy, sự khác biệt về trình độ lẫn thể chất giữa bóng đá châu Âu, dù chỉ là Ligue 2 với bóng đá châu Á vẫn cực lớn. Công Phượng đã không thể kiếm được chỗ đứng tại Nhật Bản hay Hàn Quốc thì cực khó để tạo dấu ấn trên xứ sở lục lăng. Và vẫn trở lại vấn đề cũ, ở tuổi Công Phượng thì không thể tặc lưỡi: "Ừ thì trải nghiệm!".
Suy cho cùng, Công Phượng vẫn là một tài năng hiếm có của bóng đá Việt Nam. Cước bộ nhanh nhẹn, khả năng giữ thăng bằng hay kỹ năng xử lý bóng của tiền đạo này đều cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên, thứ Công Phượng thiếu lại chính là điều các cầu thủ của Hà Nội FC như Quang Hải, Duy Mạnh hay Văn Hậu đang có. Đó là môi trường ổn định để thi đấu.
Văn Toàn - Công Phượng vắt kiệt sức lực hàng thủ Curacao (Nguồn: VTC)
Trên khía cạnh ĐTQG, một ưu điểm nữa của các cầu thủ Hà Nội FC là họ tạo thành một khối ăn ý do có nhiều thời gian ăn tập. Pha nhấc chân của Quang Hải để Đức Huy đặt lòng tung lưới Curacao và màn ăn mừng "thản nhiên" sau đó là dẫn chứng cho sự đồng bộ mà các cầu thủ Hà Nội có được.
Cần nhấn mạnh thêm, mọi ĐTQG, từ bóng đá đỉnh cao đến bóng đá khu vực đều xem việc sử dụng cầu thủ của một CLB làm nòng cốt là công thức để thành công. Tây Ban Nha giai đoạn thịnh trị 2008-2012 là Barcelona, Đức muôn đời phụ thuộc Bayern Munich còn Italia ưu tiên sử dụng cầu thủ Juventus … là dẫn chứng cụ thể.
Ở đội tuyển Việt Nam hiện tại, rõ ràng sự phụ thuộc vào các cầu thủ Hà Nội FC là không phải bàn cãi. Trong khi đó, Công Phượng với những chuyến đi tất tả khắp nơi dần quen với vai trò "dự bị chiến thuật".