Nhiều chiến lược của VFF không thể thực hiện

Công Tuấn |

Sau bốn năm triển khai Chiến lược bóng đá Việt Nam đến năm 2020, có quá nhiều mục tiêu của VFF bất thành và thậm chí còn chưa thành lập cả các bộ phận thực hiện.

Gần ba tháng sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT phối hợp với VFF mới tổ chức Hội nghị sơ kết bốn năm triển khai “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội vào hôm nay, 19-12.

Cần biết chiến lược này đã trình Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2013 nhưng sau bốn năm thực hiện, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có mục tiêu nào hoàn tất, khi cái đích chỉ còn hai năm nữa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói rõ bóng đá luôn là quan tâm số một của công chúng yêu thể thao. Tuy nhiên, thời gian gần đây giới hâm mộ quay lưng với bóng đá xuất phát từ đâu?

Những hiện tượng diễn ra còn phổ biến của bóng đá Việt Nam là hoạt động quản lý, điều hành còn nhiều tồn tại, từ phát triển bóng đá phong trào đến chuyên nghiệp; đến công tác đào tạo, huấn luyện, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cầu thủ chưa coi trọng đúng mức. Những biểu hiện tiêu cực như đánh bạc, dàn xếp tỉ số, hành vi bạo lực, thiếu văn hóa trong thi đấu vẫn còn xảy ra…

Nhiều chiến lược của VFF không thể thực hiện - Ảnh 1.

Bóng đá Việt Nam được kỳ vọng nhiều trong chiến lược phát triển nhưng khả năng thực hiện thì vẫn để lỗ hổng rất lớn. Ảnh: HUY PHẠM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vào việc phải làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không mặn mà với bóng đá là vì sân bãi không tốt, trình độ cầu thủ chưa cao hay vì bóng đá chưa thực sự lành mạnh như dư luận phản ánh? Phó Thủ tướng yêu cầu cần đưa ra giải pháp, phương thuốc điều trị đúng, xử lý tận gốc những vấn đề liên quan đến cầu thủ, trọng tài, doanh nghiệp đầu tư, công tác tổ chức. Việc quản lý, điều hành hoạt động bóng đá phải làm theo đúng quy định pháp luật, tôn trọng vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và thông lệ quốc tế.

Từ những bất cập và yếu kém của nền bóng đá trong nước dễ hiểu những mục tiêu của các đội tuyển quốc gia gần như phá sản. Chẳng hạn, chiến lược đưa ra mục tiêu cụ thể đối với đội tuyển quốc gia nam và U-23 Việt Nam là phải vô địch Đông Nam Á từ một đến hai lần, nghĩa là phải đăng quang cả AFF Cup 2019 và SEA Games 2020. Thêm cái đích vào nhóm 15 quốc gia có nền bóng đá hàng đầu châu Á như những nhiệm vụ bất khả thi. Bởi hiện tại đội tuyển nam xếp hạng 125 thế giới, đứng thứ 25 châu Á thì hai năm nữa lột xác vào tốp 15 chỉ mong chờ vào phép màu.

VFF suốt thời gian qua bận rộn với những sự vụ chạy theo thành tích đã thiếu sâu sát hoặc không thực hiện các chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2013 đến nay, các đội tuyển Việt Nam đã trải qua năm đời HLV từ nội đến ngoại nhưng không một lần vô địch Đông Nam Á.

Trong năm 2017, có đến sáu đội tuyển trẻ và tuyển nữ quốc gia đoạt vé tham dự các vòng chung kết châu lục là những tín hiệu vui, còn lại đều buồn.

Những dự án "treo" của VFF

Trưởng ban Chiến lược Phạm Ngọc Viễn cho biết ông đã từng nhiều lần đề xuất triển khai các dự án vẫn không thấy VFF phản hồi. Có ba dự án quan trọng là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bóng đá 2016-2020; mục tiêu tốp 10 châu Á; phát triển bóng đá học đường không có bộ phận thực hiện. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rất rõ Hội nghị sơ kết chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 phải tìm ra bất cập, nguyên nhân, phân tích nghiêm túc và quy trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân. Những trì trệ, yếu kém này do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan? Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu? Cơ cấu tổ chức và hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên hay chưa...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại