Thế vận hội Tokyo 2020 đáng lẽ đã diễn ra tại Nhật Bản hồi tháng 8 vừa qua nhưng đã phải hoãn thêm 1 năm vì dịch COVID-19. Theo kế hoạch mới, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ 23/7-8/8/2021. Vì việc này, ngân sách tổ chức đã bị “đội” lên con số rất lớn.
Cụ thể, theo tờ Youmiuri Shimbun, ban đầu dự chi cho Olympic Tokyo chỉ 13 tỷ USD nhưng sau khi điều chỉnh, con số mới tăng thêm 15% (khoảng 1,9 tỷ USD). Trên thực tế, chi phí này đã được giảm thiểu tối đa sau khi BTC cắt giảm một loạt hạng mục để đảm bảo tiết kiệm như tinh giản nhân sự, linh vật, biểu ngữ, bữa ăn và thậm chí bỏ cả bắn pháo hoa, chào đón VĐV…
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang đứng trước làn sóng COVID-19 thứ 2 hoặc thứ 3, hiện vẫn còn nhiều mối lo ngại về khả năng Olympic Tokyo 2020 không thể diễn ra đúng kế hoạch. Tuy nhiên, BTC nước chủ nhà Nhật Bản vẫn khẳng định quyết tâm tổ chức thành công Thế vận hội. Được biết, BTC đang lên một loạt phương án phòng dịch COVID-19 với mục tiêu tổ chức Thế vận hội ngay cả khi thế giới chưa sản xuất được vắc-xin.
Mặc dù vậy, kế hoạch này sẽ khiến chi phí tổ chức tăng thêm đáng kể bởi báo cáo mới nhất chưa bao gồm chi phí phòng, chống dịch COVID-19. BTC Tokyo 2020 hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ đứng ra chịu khoản chi này.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng cục TDTT hôm qua nhận định, các thông tin tích cực về vắc-xin phòng dịch COVID-19 có thể thúc đẩy BTC Tokyo 2020 mạnh dạn triển khai công tác tổ chức Thế vận hội hơn. Tại thời điểm tháng 8/2021, các “điểm nóng” về COVID-19 trên thế giới có thể đã được kiểm soát, giúp Thế vận hội có thể được tổ chức. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19, công tác chuẩn bị của nhiều quốc gia sẽ ảnh hưởng, trong đó có cả Việt Nam.
“Tuy nhiên chúng tôi cho rằng Nhật Bản sẽ nỗ lực để tổ chức thành công Thế vận hội bởi nếu huỷ giải, hệ quả sẽ rất lớn. Chúng ta cũng có thể hy vọng từ mùa hè năm 2021, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt”-lãnh đạo Tổng cục TDTT trên cho biết.