Nhật Bản, Hàn Quốc đua nhau tạo kỳ tích: Phép màu của tinh thần chiến binh

Hồng Nam |

Nhật Bản và Hàn Quốc đã giương cao ngọn cờ bóng đá châu Á khi cùng ngược dòng ngoạn mục ở lượt đấu cuối để giành vé vào vòng 1/8 World Cup 2022.

Cách đây 4 năm, dòng người hâm mộ Nhật Bản đổ về sân Kazan Arena để theo dõi trận đấu giữa đội nhà và Bỉ ở vòng 1/8 World Cup 2022. Một lá cờ khổ lớn in hình Shinji Kagawa cùng dòng chữ "Brave" (can đảm) được phất cao.

Trước trận gặp Bỉ vài ngày, đội tuyển Nhật Bản để lại hình ảnh không đẹp. Ở trận gặp Ba Lan, dù bị dẫn 1 bàn, nhưng Nhật Bản vẫn đá bóng ma trong khoảng 10 phút cuối. Đội bóng của HLV Akira Nishino cố tình câu giờ để chỉ thua 0-1, tỷ số vừa đủ giúp Nhật Bản vượt qua Senegal - đội cũng đang thua Colombia ở trận còn lại.

Nhật Bản, Hàn Quốc đua nhau tạo kỳ tích: Phép màu của tinh thần chiến binh - Ảnh 1.

Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha và Đức ở bảng tử thần.

Sau cùng, Nhật Bản lách khe cửa hẹp để lọt vào vòng 1/8 nhờ tiêu chí fair-play, dường như không phù hợp với một đội tuyển sẵn sàng "phản bóng đá" để đi tiếp. HLV Nishino cùng học trò bị báo giới chỉ trích sau trận đấu này, bởi dù có kết quả tốt, nhưng Nhật Bản đã không chơi với tinh thần "can đảm" vốn dĩ như dòng chữ trên màu cờ của Kagawa.

Với Nhật Bản hay Hàn Quốc, thắng ở World Cup dĩ nhiên quý giá, trong bối cảnh 20 năm rồi các đại diện châu Á không vượt quá vòng 1/8 . Nhưng thắng theo cách can đảm, tận hiến và thể hiện hình ảnh quốc gia ở đấu trường thế giới mới là mục tiêu tối thượng.

Trong ngày lá cờ can đảm bay cao ở Kazan Arena, Nhật Bản đã thua ngược với tỷ số 2-3 trước Bỉ. Dẫn 2 bàn, nhưng đội bóng của Nishino không lùi về mà tiếp tục tràn lên. "Chúng tôi không có tư tưởng phòng ngự ", Nishino nói. Nhật Bản thua vì thiếu toan tính, cũng như cách Hàn Quốc đã thua Mexico, Thụy Điển ở vòng bảng.

Sự can đảm đã được thể hiện, nhưng can đảm chỉ thực sự có ý nghĩa, nếu đặt trong sự toan tính, biết mình biết người và nhẫn nại chờ thời để tạo nên cuộc lật đổ.

4 năm sau ngày vấp ngã tại Kazan, các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc một lần nữa đổ gục xuống sân và bật khóc. Nhưng lần này, những giọt nước mắt rơi trên thảm cỏ Qatar mang màu hạnh phúc.

Nhật Bản, Hàn Quốc đua nhau tạo kỳ tích: Phép màu của tinh thần chiến binh - Ảnh 2.

Son Heung-min bật khóc khi Hàn Quốc đánh bại Bồ Đào Nha.

Nhật Bản và Hàn Quốc đều đối diện áp lực phải thắng ở lượt hạ màn. Ở bảng E, Nhật Bản cần 3 điểm để chắc chắn đi tiếp, bởi, nếu hòa hoặc thua Tây Ban Nha, Ritsu Doan cùng đồng đội sẽ bị Đức vượt mặt. Ở bảng H, Hàn Quốc thậm chí không có quyền tự quyết khi phải thắng Bồ Đào Nha và chờ đợi kết quả có lợi từ trận Ghana gặp Uruguay.

Số phận còn thử thách hai đại diện châu Á với những bàn thua sớm, bị đẩy vào thế phải dồn lên và đối diện rủi ro bị phản công. Dù vậy, không giống 4 năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc không còn là những kẻ can đảm nhưng có phần ngây thơ trước những "cáo già" châu Âu.

Nhật Bản kiên trì phòng ngự trước Tây Ban Nha, để rồi trừng phạt đối thủ bằng hai đòn kết liễu sắc bén của Ritsu Doan và Ao Tanaka. Đội bóng của HLV Hajime Moriyasu về cơ bản vẫn chơi phòng ngự, lối đá từng khiến ông bị chỉ trích là "bảo thủ", trái ngược với tinh thần cống hiến đặc trưng của Nhật Bản.

Nhưng ở World Cup, chính sự bảo thủ và có phần cố chấp của Moriyasu đã giúp Nhật Bản vượt qua cửa hẹp. Ritsu Doan cùng đồng đội không vội vã vùng lên khi thủng lưới, mà nhẫn nại giữ cự ly đội hình, đợi cơn hưng phấn của đối thủ trôi qua, rồi mới từng bước gây áp lực. Đá được như thế khi áp lực bủa vây không phải chuyện đơn giản.

Hàn Quốc cũng thắng Bồ Đào Nha bằng sự kiên trì. Tỷ số 1-1 không đủ để thầy trò Paulo Bento đi tiếp khi ở trận còn lại Uruguay đang dẫn Ghana 2-0.

Nhưng, đại diện châu Á vẫn chơi giằng co, bền bỉ chờ thời cơ và khoảnh khắc Son Heung-min chọc khe cho Hwang Hee-chan dứt điểm ấn định tỷ số 2-1 là bài tấn công Hàn Quốc đã đợi cả hiệp 2 để tung ra, khi Bồ Đào Nha dâng cao để lộ sơ hở.

Nhật Bản, Hàn Quốc đua nhau tạo kỳ tích: Phép màu của tinh thần chiến binh - Ảnh 3.

Hwang Hee-chan ghi bàn ấn định chiến thắng cho Hàn Quốc.

Trong buổi tối Nhật Bản hạ gục Tây Ban Nha, hàng nghìn người hâm mộ Nhật Bản đã xúc động tràn về ngã tư Shibuya của Tokyo để ăn mừng. Hơn cả một chiến thắng, họ được chứng kiến tinh thần thi đấu rực lửa của đội nhà.

" Tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng chân thành của mình đối với nỗ lực tinh thần của đội. Cả đất nước đang phấn khích. Các cầu thủ đã cho chúng tôi can đảm và năng lượng ", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh. Từ "can đảm" một lần nữa được nhắc lại.

Biệt danh của Nhật Bản là "Samurai áo xanh", còn Hàn Quốc là "Những chiến binh Taeguk". Bản chất của hai biệt danh đều mang tính chiến đấu - thứ tinh thần người Hàn và Nhật luôn chờ đợi ở World Cup. Đối đầu với những nền bóng đá hùng mạnh, chơi bóng là chưa đủ. Họ phải chiến đấu.

Tuy nhiên, trái tim nóng phải đi cùng cái đầu lạnh. Sức chiến đấu và lòng tự tôn của Nhật Bản, Hàn Quốc đã được đặt vào khuôn khổ kỷ luật để phát huy tối đa sức mạnh.

Nhật Bản, Hàn Quốc đua nhau tạo kỳ tích: Phép màu của tinh thần chiến binh - Ảnh 5.

Người hâm mộ Nhật Bản đổ ra đường ăn mừng.

" Trong bóng đá có những trận đấu buộc phải thắng, nhưng không có trận nào gọi là buộc phải thua cả. Nhật Bản luôn can đảm và tự tin ", thủ quân Maya Yoshida của Nhật Bản chia sẻ.

Sau trận thắng Bồ Đào Nha 2-1, lá cờ Hàn Quốc với dòng chữ "không có gì là không thể" bay cao kiêu hãnh ở sân Education City. Cũng giống lá cờ "can đảm" của Nhật Bản 4 năm trước, nhưng lần này, cái kết của hai đội tuyển châu Á ở World Cup 2022 có thể đáng nhớ hơn.

Hai thập kỷ trôi qua kể từ khi Hàn Quốc tạo nên kỳ tích World Cup lần đầu tiên năm 2002, các đại diện châu Á thường dự giải với tâm thế lót đường. Nhưng khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh quay trở lại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thực sự biến danh dự quốc gia thành nguồn xung lực để vượt qua giới hạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại