Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, V.League 2021 đã phải tạm dừng trong nhiều tháng và chỉ có thể trở lại vào tháng 2/2022 theo đề xuất của VPF. Điều này khiến nhiều CLB rơi vào cảnh khốn đốn vì tổn thất quá lớn về tài chính và chuyên môn.
Ở thời điểm hiện tại, một phương án phù hợp và an toàn để tái khởi động V-League 2021 là điều mà VPF và VFF đang hướng tới. Trong bối cảnh đó, các nhà làm bóng đá Việt Nam có thể nhìn vào “tấm gương” Nhật Bản với cách tổ chức J.League 1 rất thành công giữa thời buổi dịch bệnh.
VFF có thể học hỏi cách thức tổ chức của J.League để tái khởi động V.League 2021
Thực tế Nhật Bản cũng từng khá rối trước đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Cũng giống Việt Nam, J.League từng 4 lần lên lịch đá trở lại nhưng liên tục phải dời lại vì những diễn biến phức tạp của Covid-19.
Dẫu vậy, BTC J.League và JFA đã có phương án xử lý từng bước một khá hợp lý. Họ quyết định sẽ không có đội rớt hạng ở mùa 2020, nâng số đội J.League 1 mùa 2021 lên 20 đội. Điều này giúp các CLB có động lực hơn để cùng áp dụng phương án “bong bóng khép kín”, hoàn thành nốt mùa giải.
J.League 2021 đã trở lại và thi đấu sôi động giữa thời Covid-19
Cụ thể, các đội bóng phải được tiêm ngừa đầy đủ và ăn ở, sinh hoạt, tập luyện, thi đấu theo nguyên tắc 5K và không tiếp xúc với bất kỳ một người ngoài nào. Tại SVĐ, các thành viên thuộc BTC sân, khán giả, truyền thông... đều được phân luồng riêng nhằm tránh mọi tiếp xúc với thành viên CLB.
Bên cạnh đó, bài toán tài chính cũng được J.League và JFA tính đến một cách nghiêm túc với các biện pháp tăng tiền thưởng và nâng cao tư tưởng, xem xét lại tiền phân chia cho các CLB, đảm bảo ngân sách khẩn cấp (trả trước tiền phân chia cho các CLB, nới lỏng cơ chế cấp giấy phép chuyên nghiệp...).
Những biện pháp mà J.League đang áp dụng có thể là định hướng mà VPF và VFF có thể học hỏi, qua đó tái khởi động V.League 2021 một cách an toàn và giải quyết những khó khăn mà các đội bóng gặp phải.