Khi Thiện Nhân 4 tuổi, lò cò như chú kangaroo bé chơi trước cửa thì tôi nghe tiếng quát của ông hàng xóm, quát cái lối mang công an ra quát doạ trẻ con cho vui miệng mà nhiều đứa trẻ sợ dúm dó hoặc khóc thét mày nghịch tao gọi chú công an vào bắt bây giờ. Tôi chưa kịp lao ra góp ý với bác hàng xóm thì nghe tiếng Thiện Nhân lễ phép nhưng dứt khoát ông gọi công an vào đây thì ông bị bắt đầu tiên vì cái tội vu khống người không có tội.
Tôi dạy các con từ khi chúng còn chưa biết nói là vậy, là luật pháp để bảo vệ mình và với luật pháp con người là bình đẳng. Tất nhiên với trẻ con đâu có thể hiểu được các lý thuyết phức tạp, nhưng trong nhiều tình huống hàng ngày tôi căn theo luật để xử sự, Thiện Nhân và 2 anh mình từ đấy mà ngấm dần.
Một lần, tôi đèo xe máy chở 3 anh em chơi ở Cung thiếu nhi. Vừa lấy xe về thì còi cơ động hú dẹp đường. Nghe tiếng còi hú là xung quanh nháo nhào di chuyển, 3 đứa trẻ cũng giật mình sợ và cũng cuống cuồng. Tôi chỉ thư thả bảo mẹ con mình đang dắt xe sát vỉa hè thế này rồi thì không cần di chuyển đi đâu cả, việc của mình là đội đủ mũ bảo hiểm lên và đi như mọi ngày. Bây giờ vội vàng không đâu chạy xe chưa đội mũ bảo hiểm kịp mới là vi phạm luật và nguy hiểm cho bản thân.
Một đêm thay vì chúc mẹ ngủ ngon, Thiện Nhân tìm mẹ nói thẳng mẹ, ngày mai con nhất định phải đánh cái thằng này. Con nghĩ phải báo trước với mẹ. Tôi hiểu, đôi lúc chúng ta cũng thấy nhất định phải đánh một ai đấy là điều hết sức bình thường nhất là khi con trai tôi đã thẳng thắn như vậy.
Tôi bảo nếu con nhất định phải thế thì phải biết đánh một cách thông minh. Việc quyết đoán để giải quyết tận cùng một vấn đề là đúng, nhưng giải quyết sao để sau đấy không đẻ thêm ra những phức tạp khác khiến mình mất thời gian, công sức để giải quyết tiếp. Thứ nhất, theo luật pháp, trong một cuộc xô xát, người tự vệ sẽ được xét nhẹ tội hơn kẻ tấn công nên con cần phải là người tự vệ. Thứ hai… Thứ ba…
Tôi giải thích cho Thiện Nhân 4 điều và nói còn một số ý khác nữa rất quan trọng, con nên tìm hiểu thêm đi đã, làm gì thì làm đừng để mình bị động vì thiếu hiểu biết rồi kêu thiệt thòi oan ức. Tôi tin rằng, khi con trai tôi tìm hiểu làm sao có thể đánh nhau một cách thông minh, đúng luật thì nó sẽ thừa sức tìm ra giải pháp khác hiệu quả hơn việc phải đánh một ai đấy.
Để yêu cầu một đứa trẻ như Thiện Nhân viết bản kiểm điểm thực sự không đơn giản. Nghịch điện thoại trong giờ ngủ trưa nên Thiện Nhân bị phạt tịch thu và viết kiểm điếm. Thằng bé sẽ đi hỏi về quy định xem trường hợp này hình thức kỷ luật sẽ tịch thu điện thoại trong bao lâu, ngoài ra quy định có ghi là cần viết kiểm điểm hay không.
Khi anh trai của Thiện Nhân bị một người lớn hành hung vô căn cứ, có một cách đòi lại công bằng cho con mà tôi có thể làm là tôi sẽ khiến họ phải trả giá bằng sự ầm ĩ, bằng sự khinh bỉ của xung quanh, bằng những sự trừng phạt của người đời.
Cách này ngắn gọn và đơn giản và họ xứng đáng được nhận. Nhưng như thế các con tôi sẽ thấy cuộc đời thật mong manh, luật pháp ở đâu mà không bảo vệ được chúng. Tôi đã tốn nhiều thời gian để giải quyết từ tốn, bằng việc thu thập chứng cứ, nhân chứng, mời luật sư… Mọi bước tôi đều nói với các con lý do tại sao mẹ làm vậy. Sự việc không mong muốn thì đã xảy ra rồi. Cái tôi cần là hướng dẫn các con cách bình tĩnh giải quyết khi gặp sự cố, cần để các con tôi thấy môi trường chúng sống ngoài gia đình, nhà trường, chúng còn được bảo vệ bởi pháp luật.
Khi một đứa trẻ không thấy sự cần thiết của luật pháp mà chỉ trông chờ vào cách hành xử và sức mạnh cá nhân, thì thế giới quan của chúng sẽ thiếu hụt, cuộc sống của chúng sẽ cảm thấy luôn bất an.
Thiện Nhân không phải do tôi đẻ ra từ bụng. Đó là sự thật và Nhân là người hơn ai hết được quyền biết sự thật đó. Số phận đã là vậy thì đừng né tránh để rồi vì thế mà phức tạp, bi kịch thêm cuộc đời ra.
Mọi khái niệm do con người nghĩ ra thì con người cũng có quyền tạo ra những khái niệm khác. Nhân không được mẹ đẻ ra từ bụng nhưng ai cấm mẹ Mai Anh đẻ Thiện Nhân từ trái tim. Mà trái tim thậm chí còn thơm tho hơn, biết rung động hơn cái bụng – từ bé tôi với Nhân cùng hiểu như thế.
Mỗi tối trước khi đi ngủ lũ trẻ thích nhất bà mẹ này của chúng kêu ca trời ơi, nhiều con quá đi, phải điểm danh nào không mất đứa nào cũng không biết. Rồi tôi lần lượt hô theo năm tuổi của 3 đứa con: Rồng con, Khỉ con, Chó con. Từng đứa hào hứng dạ theo kiểu may quá mẹ không bỏ sót mình.
Khi tôi hỏi tiếp, mà ai đẻ ra các con, chúng sẽ hét lên Mẹ. Chó con Thiện Nhân sẽ hét lên đầy tự hào nhất vì mẹ nó đã sinh ra nó từ trái tim thơm tho, còn 2 anh thì từ cái bụng thôi.
Trẻ con dù bé lắm, dù còn chưa biết nói cũng có thể hiểu được nhiều điều nếu như chúng ta chia sẻ thông tin với chúng thẳng thắn, đúng mực. Bế một thằng bé mất chân như Thiện Nhân rất khó, kẹp nách càng khó hơn vì cái chân mất làm thằng bé lệch đi chỉ chực rơi xuống.
Người mẹ chẳng mấy to lớn vạm vỡ như tôi bế Thiện Nhân tìm tới các bệnh viện, những bữa ăn lệch giờ thất thường để nối các chuyến bay tới nước Ý, nước Mỹ xa xôi để phẫu thuật, càng không dễ dàng. Nhân mà gào khóc, mà quấy nữa thì tôi chỉ có gục.
Vì thế, tôi đặt thằng bé ngồi ngay ngắn trước mặt Thiện Nhân này, mẹ đâu có bị mất chân hay bị sao đâu. Chúng mình đang đi là vì chữa bệnh cho con, nên con còn làm gì để mẹ mệt thêm nữa thì thật không công bằng. Cuộc đời không thể bất công như thế.
Trong suốt cả hành trình dài chữa bệnh, hiếm hoi có lần chỉ một giọt nước mắt lặng lẽ lăn khỏi khoé mắt thằng bé chảy tràn xuống má và một lần thằng bé khóc nức nở, khóc không phải vì mẹ ơi đau quá mà vì mẹ ơi lâu quá. Phẫu thuật lại tiếp phẫu thuật trong cái hành trình không có kết thúc này cảm giác đằng đẵng gây nản còn khủng khiếp hơn cả đau đớn. Thế mà Tết 2020 năm nay Thiện Nhân sẽ lại phải đằng đẵng đương đầu với cuộc đại phẫu mới nơi nước Mỹ xa xôi.
Thằng bé vẫn chịu với những cắt xẻ da thịt bằng cái cách như vậy, cái gì bắt buộc phải trải qua thì chấp nhận cho nó qua đi thật nhanh nhất, bớt đau nhất có thể. Lần đầu tiên bác sĩ bóc từng lớp băng quấn chặt con chim xinh xinh của Thiện Nhân sau ca đại phẫu ở bệnh viện Bologna nước Ý, Thiện Nhân nắm chặt ngón tay cái của mẹ, vã hết mồ hôi vì đau đớn, môi bặm chặt đến bật máu, người căng cứng trên giường bệnh.
Sau này tôi hỏi thằng bé sao con không khóc. Thiện Nhân bảo con đau lắm chứ, nhưng hét lên với giãy thì bác sĩ khó làm, còn đau hơn, không khéo khiến bác sĩ cắt nhầm vào con chim thì mất toi tỷ rưỡi của mẹ.
Nói thế thôi chứ nhìn đúng và nói ra đúng bản chất của một vấn đề thật không hề dễ, ngay cả với người lớn. Tôi dạy con thế, nhưng có lúc tôi cũng mắc sai lầm để đến nỗi con tôi chỉ ra được. Đó là lần mấy mẹ con đóng gói các bưu thiếp và đồ chơi gây quỹ, làm mãi đến muộn mệt rũ mắt chưa xong. Tôi động viên chúng nó đêm đông tối lạnh thế này mẹ con mình được ở trong nhà là tốt lắm rồi. Ngoài đường kia biết bao người còn đang phải kiếm sống. Thiện Nhân thong thả nói thôi thôi, mẹ không cần nói đến các vấn đề giàu nghèo ở đây, mẹ chỉ cần bảo các con ơi cố lên để cùng mau được đi ngủ.
Thế nên tôi không bao giờ cần sợ cái nỗi sợ mà nhiều người lo lắng cho mẹ con tôi, cái nỗi sợ cho hệ quả của sự nổi tiếng sẽ làm thằng bé hư hỏng, kiêu căng.
Thiện Nhân có thể chơi cả ngày với giun dế. Sau trận mưa rào, cả mấy mẹ xuống đất lấy lá xúc giun trên đường, trả chúng về với tổ, để không ai có thể biến chúng thành mồi cho gà chọi hoặc giẫm phải chúng. Nhân hay nhập hội với lũ trẻ đổ dế, nhưng chỉ bắt dế về phụng dưỡng 1 đêm, sáng tinh mơ hôm sau lại trả chúng về với thiên nhiên.
Tôi vẫn đầu têu hay a dua với anh em Thiện Nhân những trò thế này vì thấy tuổi thơ của mình trong đó. Ngày bé tôi khóc khổ khóc sở khi tan học về thấy đám kiến bu quanh con cá vàng đã chết chỉ vì tại tôi dọn bể đã đổ nước quá cao để nó nhảy được ra. Giờ đôi lúc người mẹ này cũng khổ sở lắm vì khi một đứa trẻ hào hứng với thế giới thiên nhiên thì muôn vàn những sự cố xảy ra. Mẹ sẽ bị nhắc nhở vì ông con ra chơi là phi tuốt xuống sân nắng, nhảy lò cò moi giun ở góc trường, chuông báo vào tiết chạy về lớp không kịp, mồ hôi đầm đìa, chân giày nhảy từ vườn vào bẩn hết dọc hành lang lớp. Vậy là vi phạm. Nhưng bù lại lúc khác Nhân lại được cộng điểm thưởng vì tiết dọn vườn các bạn dọn cỏ nhổ nhầm cả cây con, Thiện Nhân lẳng lặng tìm để trồng lại từng cây thảo dược yếu ớt.
Thiện Nhân cũng từng bị cảnh cáo giấu diếm nuôi một con rùa trong ngăn bàn học. Con rùa không rõ lai lịch có thể mang dịch bệnh hay gì đó. Thế là rùa được di lý về nhà, sống đàng hoàng trong cái bể xinh xắn, còn tôi phải giúp Thiện Nhân căn chỉnh các viên sỏi kiếm được ở dưới sân sao cho không cao, không thấp. Cao chút thì rùa sẽ trèo rào mất, thấp quá thì rùa bị ngập nước. Cái bể rùa được ngự chỗm chệ trên đệm tầng 2 của giường, để cuối chân ông con. Tôi khuyên nó lỡ đá phải bể khi ngủ, ướt hết đệm thì sao. Nó bảo con chỉ có một chân thôi, tốn chỗ ít lắm, để bể rùa lọt vào cái khe chỗ chân mất kia là vừa đủ. Và rồi bể rùa của 2 mẹ con được đầu tư thêm đèn chiếu UVB 3.0 giúp rùa hấp thụ vitamin D3 tránh được bệnh về da và xương do thiếu ánh nắng.
Thiên nhiên chất đầy trong lòng nó, trong hơi thở của nó. Có lần, nửa đêm tỉnh dậy, không thấy Thiện Nhân đâu cả, gọi hết hơi từ bực tức điên người đến lo lắng thắt tim vì con vẫn mất tích. Rồi thằng bé tự mò về, lấm lem và ướt. Nó bảo trời mưa, con xuống khám phá mấy chỗ tối tối rồi ngồi ở cái ghế giữa sân ăn gói bim bim ngắm mưa. Lần khác thì điện thoại của tôi bị dội tin của bảo vệ tòa nhà vì Thiện Nhân mò lên tầng cao nhất của tòa nhà, chui qua đường kỹ thuật để ngồi vắt vẻo trên các đường ống tít sân thượng tầng 31 để ngắm trăng sao.
Tôi nói với ông con, mẹ cũng thích vắt vẻo ngắm trời mây, cũng thích thư thái nhìn người khác bé tí và bận rộn dưới mặt đất kia nhưng mẹ không trèo lên mái nhà người khác nữa vì nhà không phải của mẹ. Con và các bạn cũng vậy, trong lúc chờ đến một ngày con xây toà nhà chọc trời của riêng mình thì chỉ có cách trèo lên những chỗ mà người ta cho phép.
-Thiện Nhân được yêu thương không ?
- Có
- Thiện Nhân được yêu thương nhiều không ?
- Có.
(Nếu không có ngàn vạn yêu thương của biết bao người, chắt chíu góp góp cho từng ca mổ, từng con chữ, phép tính thì không có Thiện Nhân của ngày hôm nay.)
Thiện Nhân có bị kỳ thị không, bị người ta gây khó chịu, oan ức không ?
- Có
Nếu cả đám trẻ con cùng nghịch, Thiện Nhân sẽ là đứa bị réo tên quát. Nếu trẻ con khác chỉ bị mắng bình thường thì Nhân sẽ bị kết thêm tội nổi tiếng thế thì phải ngoan hơn, là con nuôi thế thì cần phải giỏi hơn nữa không phụ công mẹ. Trời ạ, trẻ con tinh nghịch cũng là một thứ nhân quyền thông thường nhất, sao cứ khoác cho chúng thêm các ý nghĩa hay trách nhiệm mà ai đó tự cho là lớn lao.
Có cô gái tự tử chỉ vì liên tục bị hỏi bao giờ lấy chồng. Tôi thì cũng rất ghét khi mấy chục năm nay rồi số kilogram của tôi không thay đổi, nhưng người ta cứ hỏi sao ăn gì mà gày yếu đi. Tôi chỉ có thể trả lời đại là ăn nhiều lắm đấy chứ, chỉ có điều ăn nhầm cả thuốc độc.
Thói quen vô duyên, vô ý thức không xa lạ gì với nhiều người, đã thực sự gây phiền toái mỗi ngày cho thằng bé. Từ nhà vào tới thang máy, tới được trường là mỗi ngày Thiện Nhân phải qua bao cửa ải, tự do hít thở đôi khi thằng bé cũng bị làm phiền chứ đừng nói đến tự do nào khác. Hơn 13 năm với mỗi ngày liên tiếp chỉ một nội dung câu hỏi giống nhau từ ông bà già tới đứa bé vài tuổi với nhiều sắc độ chân tình, cộc lốc, xếch mé, tò mò khó chịu tại sao chỉ có một chân?
Thực sự có những ngày chả ai làm gì mình còn thấy khó chịu bực bội muốn hờn cả thế giới nữa là thằng bé cứ liên tục bị làm phiền. Có lần 2 mẹ con đang đi chợ, gặp phải một bà hỏi cái chân mất của Thiện Nhân kèm theo hành động rất vô duyên khiến tôi đang chọn con cá chỉ chực túm đuôi cá đập cho bà ta một phát.
Nhưng Thiện Nhân không như mẹ nó, thằng bé luôn luôn bình thản lặp đi lặp lại trả lời cũng chỉ một nội dung là nó bị tai nạn từ nhỏ. Trả lời cho xong chuyện đồng thời nhẹ nhàng né xa một chút khỏi tầm tay với của người đối diện đề phòng có người hỏi cũng chưa đủ còn với bàn tay vào người Nhân để xác nhận xem có thực một cái chân đã mất hay không.
So với những cơn đau xé thịt da mỗi lần hậu phẫu thì nỗi đau da thịt đều nhanh hay chậm chút sẽ tan đi thì những gì mỗi ngày Nhân phải đương đầu phiền phức và mệt mỏi dai dẳng hơn thật nhiều. Chỉ Thiện Nhân mới có đủ bản lĩnh nằm im chờ mổ, đủ bản lĩnh bình thản trước những soi mói của người đời, bình thản để vẫn sống yêu đời, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu những người chân tình với thằng bé.
Bình thản được vì Thiện Nhân bận lắm, bận tìm ra những viên sỏi vừa đủ không cao không thấp cho con rùa nằm được thảnh thơi, bận về nhà thật nhanh khoe mẹ chiến lợi phẩm của cả buổi chọc, trèo cả hàng xoài nhựa dính đầy vạt áo, bận ôm quả bóng rổ xuống sân tập cho đúng giờ hẹn với đám bạn thân, bận đi trả cứu những con giun đất vô tội trước khi chúng bị giết…
Có một số quy định riêng trong gia đình mà bắt buộc cả con cả mẹ cùng phải tuân thủ. Không nói dối nằm trong top mấy quy định hàng đầu. Nói dối hay trung thực quyết định tư cách hay nhân cách một con người cụ thể ra sao, tôi chưa tìm được cách diễn đạt chính xác nhất cho tôi chứ đừng nói là cho lũ trẻ. Vì vậy tôi chỉ bảo nói dối là não sẽ phải nghĩ, thêm nữa phải rất biết nghĩ mới ra được câu nói dối nào chuẩn nhất. Rồi não lại phải nhớ nữa, nếu không sẽ quên thì lại trước sau không đồng nhất. Tại sao phải mất công thêm việc vào người?
Tôi rất thích câu nói ngay cả một sợi tóc gày guộc cũng để lại bóng râm của mình trên mặt đất. Cứ cho rằng chúng ta nhỏ bé thôi, không nhất thiết để lại trên đời này những điều tốt đẹp, thì ít nhất cũng không được bỏ lại trái đất những gì nguy hại, xấu xí. Và hơn nữa, sự dối trá hay tội lỗi cũng như sợi tóc bé xíu kia sẽ để lại dấu vết để thế nào cũng nhận biết ra.
Khi điền vào tờ giấy khai sinh của Nhân tôi suy nghĩ nhấc lên đặt xuống thay đổi trong não đến mấy lần. Thoạt tiên theo quán tính là không bao giờ nói dối nên mẹ ghi thật nơi con được sinh ra và quan hệ là Con nuôi.
Trong tích tắc tôi thấy tờ khai sinh của thằng bé tốt nhất là cùng quê với anh Thiên Minh, Hải Minh, và dòng quan hệ thì ghi Mẹ đẻ. Thế có vẻ đồng bộ và tốt cho Nhân hơn và phù hợp với tim tôi vì lòng tôi chưa một giây phút nào nghĩ con không phải là Con đẻ.
Rồi trong một tích tắc tôi quyết định tờ khai với quê quán thật tại Núi Thành, Quảng Nam, Đà Nẵng và sự thật con là Con nuôi. Không phải tôi thiếu tế nhị hay kém yêu con trai Thiện Nhân hơn đâu. Tờ khai sinh sẽ theo con lớn lên, cùng con tôi đi nhiều nơi, tôi không thể để nó thành minh chứng cho bất kỳ sự trốn tránh hay yếu đuối nào.
Mỗi tối thứ 7 mẹ con tôi sẽ ăn thật đơn giản, thật nhanh để mỗi người kịp có khoảng thời gian của riêng mình trước khi bữa tiệc thực sự bắt đầu vào 9h tối. Lúc này sẽ là thời gian của các loại đồ uống, đồ nhắm lặt vặt, các loại nhạc theo teen trend mà thế hệ lớn hơn nghe xóc óc vì giai điệu, điên người vì ngôn từ lộn xộn… và là thời gian của các loại nói thật mà không bị ai soi xét. Tôi cũng biết được thêm nhiều bài nhạc hay để tải thêm vào list nhạc của bà Ngoại bọn trẻ, biết được những gì đang xảy ra ở thế giới bọn nhóc 13 – 14 tuổi. Bọn nhóc thì cũng biết được chúng có một bà mẹ chịu chơi đến thế nào.
Anh Minh lớn phóng cái xe đạp lớn. Anh Minh bé đạp cái xe đạp bé. Thiện Nhân ra sức nhấn bàn đạp cái xe đạp tí hon trong công viên. Được một chốc thấy cả ba chàng trai ngồi khóc nức khóc nở. Không phải ba thằng bị ai bắt nạt, mà vì anh Thiện Nhân gặp một anh bẩn thỉu mặc cái áo sơ mi cũn cỡn trong công viên, đang ăn chịu của bác bán tào phớ. Mấy anh em chuyện trò tâm sự là cậu bé lang thang do bố mẹ bỏ nhau, không ai nuôi, đã bốn tháng nay sống trong công viên và xin đồ ăn thừa, ăn chịu, đêm mùa đông Hà Nội rét cắt da thịt vẫn chỉ có mỗi cái áo cộc, nằm co quắp tại góc hiên...
Cậu bé lang thang nói với ba anh em Thiện Nhân: Bây giờ anh thế thôi, nhưng một ngày anh sẽ khác chứ. Lúc đó các em mà muốn mua gì bố mẹ không cho mua hay cần gì cứ bảo anh, anh sẽ mua cho. Anh dự định sẽ để dành tiền để mua một bộ đánh giày để đi kiếm tiền.
Anh em Thiện Nhân thiểu não trình bày với tôi, xin mẹ cho hằng tuần, vào sáng Chủ nhật, đến công viên để chơi với anh, và trình bày với ông ngoại để xin ông quần áo của ông, vì anh ấy tội nghiệp và vì anh ấy là người tốt. Tôi bảo, các con đừng đợi đến Chủ nhật tuần sau như các con đã hẹn, vì như thế là sẽ thêm một tuần nữa anh bị rét khi đêm về. Các con đừng ngại, đừng sợ. Anh có là người xấu cũng không sao, người xấu và người tốt đều sẽ bị đói, sẽ bị rét như nhau.
Thiện Nhân không thích ra đám đông những người xa lạ nhưng mỗi lần rủ Nhân tham gia các hoạt động gây quỹ phẫu thuật cho hơn nghìn bạn nhỏ Nhân sẽ không ngại, không sợ mà đồng ý ngay bởi Nhân hiểu còn nhỏ như Nhân mà giúp đỡ người khác thì nhiều người lớn sẽ cùng giúp hơn, như vậy hàng nghìn bạn nhỏ không may như Nhân từng bị sẽ có thêm cơ hội phẫu thuật, tìm lại những phần mất mát của cơ thể trong hành trình hy vọng được làm một người bình thường.
Các bạn đừng hỏi lại câu hỏi, tại sao người Việt Nam chúng ta gom góp ủng hộ cho quỹ Thiện Nhân & những người bạn mà lại không chỉ mổ cho trẻ em Việt Nam mà cả các em nhỏ Campuchia, Ukraina…
Cũng giống như cậu bé lang thang kia thôi, cũng giống như việc người xấu và người tốt đều sẽ bị đói, sẽ bị rét như nhau kia thôi, trẻ em bị bệnh thì nước nào cũng bị như nhau cả. Cũng giống như các bác sĩ tình nguyện từ Ý, từ Mỹ, từ Nga, từ Belarus sang đây mổ cho những đứa trẻ Việt Nam không phải quốc tịch của họ thôi.
Bệnh tật, bất hạnh có thể đến bất ngờ không chọn giàu nghèo đâu nên cứ hồ sơ bệnh án hay bệnh nhân tìm đến là quỹ đón nhận. Và Thiện Nhân giúp mẹ sắp xếp hồ sơ, dán mã code từng bạn nhỏ, nhìn chăm chú từng tấm hình chụp các vết thương. Bao nhiêu lâu Nhân vẫn chỉ một câu nói lại thêm một em bé nữa giống mình.
Một chiều có bạn lên mạng xã hội đăng mấy dòng tìm mẹ Mai Anh của Thiện Nhân. Nhiều bạn đọc được đã gắn thẻ tên tôi, cả cho các số tài khoản chương trình Thiện Nhân & những người bạn vì tưởng người đó muốn giúp Quỹ. Linh cảm của một người mẹ giúp thấy mùi khét khét của mấy dòng chữ đơn giản này. Bạn ấy tìm tôi để trao đổi việc con bạn đang học lớp 4 bị anh Thiện Nhân lớp 7 đánh, thậm chí miêu tả "anh vung cả nạng vào người".
Linh cảm của một người mẹ cũng giúp tôi không gọi con về khẩn cấp mà chờ tới khi Thiện Nhân từ tốn về nhà như mọi ngày sau khi tan học (con còn tạt qua dãy cây xoài, ghé qua sân bóng rổ). Thiện Nhân kể câu chuyện có một em mặc đồng phục tiểu học nhưng to gấp đôi con. Khi Nhân và mấy cậu bạn đi ngang qua, cậu bé kia chê Nhân một chân và bé thế thì làm sao biết đánh nhau.
Thiện Nhân đi tiếp thì cậu bé chê tiếp nên Nhân cùng bạn quay lại trao đổi thích thì đánh nhau xem ai hơn, nhưng đánh với điều kiện không được mách về nhà trường, bố mẹ. Chưa dứt lời cậu bé kia quăng cặp lao bổ vào làm Nhân ngã dũi dụi, bẹp dí dưới đối thủ to mập. Nhân chống nạng nên ngã tay vẫn nắm chặt nạng, vung nạng lấy sức bật dậy đánh trả.
Thế là hiểu. Tôi nó với con trai để mẹ hẹn nhà kia ra gặp trao đổi sự thật. Còn Thiện Nhân chỉ bảo mẹ đi tắm đi, rồi tìm phim nào hay hay nằm xem cho sướng còn hơn, chẳng cần thiết mất thời gian gặp nhà kia làm gì. Thế đủ hiểu rồi, Thiện Nhân chỉ cần biết nó hành động như một thằng con trai đích thực dám chơi dám chịu đúng theo thoả thuận và chỉ cần mẹ hiểu mình, ai nghĩ gì không quan trọng.
Nếu các bạn hỏi tôi, khi con hư người mẹ phải làm gì. Tôi chỉ phải làm một điều, trong mọi tình huống là ở về phía con mình. Đơn giản thôi, không ở phía con thì không cách nào hiểu con được, không hiểu con thì cách nào dạy dỗ con mình đây.
Mấy mẹ con tôi đều hiểu cái điều, trên đời này không có gì là mãi mãi, bạn bè cũng có thể bỏ nhau, vợ chồng cũng có thể không yêu nhau nữa, thế giới to lớn ngoài kia cũng có thể quay lưng chỉ anh em, mẹ con là không bỏ rơi nhau được. Khó khăn buồn vui anh chị em là người chia sẻ, có những đứa con hư hỏng, tù tội mẹ vẫn là người yêu nó nhất trên đời và còm cõi chắt chiu chăm nuôi. Chỉ có người mẹ là luôn luôn tin tưởng, không bao giờ tắt hy vọng về con mình.
Mỗi ngày mỗi ngày từ bé tới ngay bây giờ tôi đều dặn Thiện Nhân, ai bắt nạt con thì nói ngay với mẹ nhé. Ai mẹ cũng xử hết. Nhân luôn luôn tủm tỉm cười vâng vâng nhưng thằng bé chưa bao giờ mách tôi cả, bởi nó chẳng cần gì hơn ngoài cái việc nó đã biết: Ai làm gì Nhân thì mẹ Mai Anh sẽ xù lông, dứt khoát không tha. Chỉ khi yếu đuối nhất sau một ca phẫu thuật lớn Nhân mới thều thào Mẹ ơi, ai bắt nạt con thì mẹ đánh nhé. Thằng bé tin là tôi luôn bảo vệ nó nên nó yêu tôi lắm, nó thều thào tiếp sau này lớn lên con chăm sóc mẹ nhé.
Nhân, mẹ làm mất chân, mất chim của con đấy, con có giận mẹ không? Cậu bé Thiện Nhân khi đó còn nhỏ xíu đã trả lời con không giận mẹ, mẹ là mẹ của con, mẹ làm gì con cũng được. Thiện Nhân yêu mẹ vô điều kiện thế, tôi cũng phải làm mẹ của 3 anh em Nhân cách nào cho xứng đáng. Cách làm mẹ xứng đáng nhất với 3 cậu con trai này, theo tôi nghĩ, không phải tạo nên những đứa con tài giỏi để tự hào mà được con mình tin tưởng chia sẻ cả những điều tốt-xấu, là khiến con mình hiểu, kể cả thế giới ngoài kia bỏ rơi con, vẫn luôn có mẹ ở đây.
Thằng bé sải nạng lao vọt đi vì muộn học, bất ngờ nó quay ngoắt lại, sải nạng vội vã ngược lại phía tôi có gì mẹ gọi con nhé.
Mỗi sáng trước giờ đi học hay bất cứ mỗi thời khắc nào trong ngày mà 2 mẹ con chia 2 nơi là Thiện Nhân sẽ dặn có gì mẹ gọi con nhé. Mỗi lúc thế thằng bé lại làm tôi mủn lòng vì nó dặn cái cách cần che chở bảo vệ tôi, cần chắc chắn là tôi luôn an toàn. Chọn giữa mẹ và hy sinh bản thân, Thiện Nhân nó sẽ chọn mẹ. Điều này tôi không cần phải trông đợi hay hy vọng, tin tưởng gì mà từ bé tí xíu Nhân nó đã vậy.
Từ bé xíu tới giờ khi đã 13 tuổi, mỗi khi trở giời là Thiện Nhân cũng bị "lĩnh đạn". Đơn giản là, sinh ra với tỷ lệ thương tật 75%, Nhân có khác gì một chú thương binh bé đâu. Trái gió trở trời là đêm Nhân vật vã vì chỗ xương cụt gây nhức mỏi như giòi bò bò trong xương. Mỗi đêm đau như vậy là chú thương binh nhỏ úp gối vào mặt, cắn gối chịu đau để cố không phát ra tiếng rên rỉ sợ mẹ mất ngủ.
Tính thằng bé này là vậy, từ khi bé tí tới giờ nó sợ nhất trên đời này điều gì làm mẹ nó mệt, mẹ nó buồn, mẹ nó thất vọng. Cả đêm vật vã thế mà sáng ra Nhân vẫn đòi đi học vì Nhân muốn mình mạnh mẽ và không muốn mình khác với các bạn.
Nhớ ca mổ gần đây nhất của Thiện Nhân tại Viện Nhi trung ương. Đêm đầu tiên, sau khi từ phòng hậu phẫu về mẹ ngồi bó gối trông Nhân, 2 mẹ con chia nhau cùng đổi đầu đuôi chung 1 cái giường đơn với 2 mẹ con nhà khác:
Mẹ nằm ở chỗ chân con đây này (vì Nhân chỉ có 1 chân nên trong lúc 4 người /1 giường thì lại tạo ra được khoảng trống thừa bé bé cho mẹ). Mẹ nằm ngủ đi, không phải ngồi trông con đâu, con không sao đâu, nếu mà con đau con sẽ gọi mẹ dậy.
Vậy là tôi nằm cuốn gối chui vào chỗ lý ra là chỗ cái chân phải bị mất của ông con, thiếp đi ngủ say luôn vì cũng thấm mệt. Rồi trong cơn ngủ say nghe thoáng tiếng ú ớ nên mẹ choàng dậy. Ông con Thiện Nhân đang cắn chặt môi ghìm tiếng ú ớ phát ra, gồng căng mình trên giường, mồ hôi túa khắp người.
Sao thế con?
- Con đau quá. (lúc này là lúc thuốc giảm đau trong ca mổ tan dần hết nên là lúc đau nhất của mỗi cuộc phẫu thuật)
- Sao đau không gọi mẹ để mẹ tìm bác sĩ ??? Tôi xót con gắt tiếng lên.
- Vì con muốn để cho mẹ ngủ
Ngay từ bé, sau cuộc phẫu thuật Nhân đã thều thào à con bảo này, lớn lên con chăm sóc mẹ nhé. Trong mọi hoàn cảnh Nhân đều chăm chăm bảo vệ mẹ không muốn tẹo nào mẹ bị mệt, bị buồn, bị thất vọng về Nhân. Thiện Nhân bảo lớn lên sau này chăm sóc mẹ, nuôi mẹ, nhưng lắm khi Nhân nghịch ngợm, mải chơi không chăm chú học. Bà ngoại nhắc nhở phải lo học thôi chứ nghịch thế sao sau đòi nuôi được mẹ, Thiện Nhân dứt khoát Bà không cần lo đâu ạ, cháu đã nói nuôi mẹ cháu là cháu sẽ nuôi mẹ.
Mọi người vẫn hỏi tôi, chăm sóc một đứa bé thiếu hụt các phần trên cơ thể, phải phẫu thuật nhiều như Thiện Nhân chắc chắn vất vả lắm. Vất vả thật không sai, cái sai ở đây là khác với hình dung, người mẹ của đứa trẻ này không phải vất vả dỗ cho con nín khóc, dỗ cho con cố gắng chịu đựng những cơn đau, mà phải đau đáu đến nghẹn lòng canh chừng ông con đừng cố kìm nén lại giọt nước mắt, đừng cố ôm nỗi đau cắt xẻ da thịt một mình chỉ vì một cái lý do Con muốn để cho mẹ ngủ.
Thiện Nhân hét ré lên, quàng tay đòi gạt vòi nước sang nấc lạnh nhất. Nó khi đấy còn quá nhỏ, tôi phải ôm trong lòng nên mỗi mùa đông giá rét về, sau khi tắm cho Thiện Nhân ra là tôi run tím tái. Nhưng Nhân thì không thế. Đến bây giờ cũng vậy, Thiện Nhân bốn mùa chỉ tắm nước lạnh, mặc áo cộc, và thích nhất là đi chân đất lội mưa.
Nhiều những buổi sáng Thiện Nhân cứ nán lại chờ tôi cùng ra khỏi nhà, chỉ đi cùng nhau được một đoạn đường ngắn ngủi thôi nhưng có muôn vàn điều xảy ra trên quãng đường đó. Nhân xọc chiếc dép tông xỏ ngón hoặc chiếc giày xịn màu hồng chói, hoặc chỉ chân đất. Nó không thích đi giày màu đen dù đó là quy định đồng phục. Điều này khiến nó liên tục bị trừ điểm văn minh.
Tôi bảo nếu con vẫn muốn học trường này thì đến cổng trường cần thay giày, nếu không mẹ sẽ giúp con tìm ngôi trường nào có thể đi chân đất. Còn nếu con đủ giỏi để sau này có thể tạo dựng được một ngôi trường như con mơ ước để cho những cô bé cậu bé có chung ước mơ, sở thích đi chân đất và giày hồng giống con thì thật tuyệt.
Một đêm tôi cuốn kín cái khăn len to trong thang máy. Đêm đông mưa và lạnh. Ngại lắm nhưng phải mò đi mua phở khuya vì mấy ông con tuổi ăn tuổi lớn ăn sớm giờ kêu đói thèm ăn phở nóng.
Đang co ro thì một cô áo choàng dạ ấm áp hỏi thăm: Hôm qua mưa lạnh thế em thấy cháu Thiện Nhân phong phanh có cái áo cộc tay, em hỏi cháu mẹ Mai Anh đi vắng nên không có ai nhắc à sao mặc ít áo thế ốm bây giờ?
Khổ thật, mấy ai biết là từ bé tí tới giờ là thằng bé không bao giờ tắm nước nóng. Mùa đông giá lạnh dội nước ấm là ông la hét như phải bỏng. Áo thì chỉ cộc tay. Đi ô tô thì mở cửa sổ há mồm hóng từng cơn gió lạnh cho mát mà bé tới giờ không ho hen xổ mũi viêm họng... bao giờ.
Tôi kêu với Nhân: Con chỉ được cái làm ảnh hưởng uy tín gia đình, con cứ ăn mặc vậy người ta tưởng mẹ này không chăm sóc con cái. Nhân cười toét giờ này làm gì có người mẹ nào rét thế vẫn đi mua phở cho con mình.
Một đứa bé vừa mới chào đời đã bị bỏ lại đơn độc trên núi, bị thú ăn mất nhiều phần cơ thể. Một đứa bé ấy bị kiến và côn trùng bu kín trong khi máu đã dần khô. Một đứa bé với bản năng sinh tồn mãnh liệt đã sống sót sau 72 giờ bất hạnh và đau đớn đến tột cùng như vậy thì không lý do gì phải bắt nó co ro chỉ vì mùa đông. Tôi không lý do gì để rập khuôn những quy chuẩn và định giá thông thường áp lên con trai Thiện Nhân. Và dù nếu có muốn áp đặt thì cũng không ai có thể làm được chỉ vì một lý do đơn giản, chúng ta chưa từng phải chịu đựng gì như thằng bé.
9:30 tối. Một đứa trẻ ngoan giờ này chắc đã sạch sẽ thơm tho, cuốn trong chăn ấm.
Thiện Nhân bé bỏng của tôi vừa chào mẹ, ôm quả bóng rổ, lạch cạch tiếng nạng rõ to dọc hành lang vắng toe vội vã xuống sân bóng.
Năng lượng sống của Thiện Nhân nhiều lắm. Sáng tinh mơ đã bật dậy, chỉ cần 5 phút là tinh tươm sẵn sàng lên đường. Tối muộn mà Nhân vẫn còn đang dư thừa sức khoẻ. Tôi cho Nhân quần quật, hồ hởi chơi bóng rổ một mình trong đêm còn hơn là nhốt Nhân trong bốn bức tường.
Rất nhiều những đêm trở giời, thằng bé sẽ vật vã không ngủ được. Lúc bé tí tẹo thì nó úp mặt cắn gối chịu đau, lớn chút thì nó xuống sân đi bộ ngó nghiêng trời đất. Thiện Nhân có sợ ma thì thằng bé cũng lọ mọ đi tìm xem ma ở đâu, sợ bóng tối thì nó mò vào mấy góc tối tối trong khu chung cư để khám phá. Tôi chỉ bảo con rằng nếu mẹ biết con đi hướng nào, chơi ở đâu, thì khi khẩn cấp ví dụ như con bị bắt cóc, mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian tìm mông lung để cứu con nhanh nhất.
Tôi nghĩ, thằng bé cần chịu đựng và trải nghiệm cuộc đời theo cách riêng hợp với tính cách của nó, nhất là khi tính cách đấy sinh ra bởi một số phận không hề yên lành. Một đứa bé đã có thể bình thản trước đau đớn, mất mát tột cùng, trước soi mói thậm chí cả kỳ thị để tươi cười hưởng thụ cuộc sống thì đương nhiên sẽ có nhiều những điều chúng ta cho là quan trọng thì với thằng bé lại trở nên quá đỗi bình thường; có những điều chúng ta cho là đơn giản thì Thiện Nhân lại khó có thể chấp nhận được.
Nửa đêm, thằng bé sẽ về từ sân bóng rổ trong tình trạng bẩn lấm lem nhưng năng lượng vẫn còn nguyên như đầu sáng. Nó sẽ tắm gội thơm tho, sấy xịt tóc, chuẩn bị bộ quần áo đồng phục, balo ngăn nắp. Nó sẽ hôn mẹ nó từ tốn, kiểm tra xem mẹ cần nhờ gì không cứ như ngày còn dài, đêm còn lâu mới tới, rồi mới đi ngủ. Nếu đêm tôi ho ho nó sẽ loạng quạng bật dậy mò tới giường đập đập bàn tay còn bé bỏng vào lưng tôi rồi lại mơ mơ màng màng quay đi ngủ.
Sáng sớm mai nó sẽ chả nhớ ra nổi đêm qua nó đã tỉnh dậy làm gì giữa đêm đâu vì nó vội vội lắm. Chỉ có 5 phút thôi là Nhân nó sẽ kịp cả vuốt tí gel lên mái tóc bồng bềnh mà lao khỏi nhà bắt đầu cho một ngày dài dư thừa năng lượng.