Niềm cảm hứng từ một bộ phim
Nguyễn Trần Duy Nhất sinh ra tại Nha Trang trong một gia đình có truyền thống về võ học. Ông nội của anh, cố võ sư Nguyễn Trần Tiếp là người sáng lập ra môn phái Tấn Gia Quyền nổi tiếng. Cha anh, võ sư Nguyễn Trần Diệu cũng là một tên tuổi đáng chú ý trong thập niên 70, 80.
Cũng vì thế, tình yêu với võ đã ngấm vào máu của Duy Nhất. Anh bắt đầu tập luyện từ năm lên 3. Rồi khi vừa tròn 14, anh thi đấu và đạt được những thành tích rất đáng chú ý. Nhưng thời đó, dù tập khá nhiều môn, Duy Nhất lại không theo Muay. Mọi thứ chỉ bắt đầu khi anh bước vào năm nhất tại trường TDTT TP.HCM.
Khi ấy, thành phố tuyển chọn đội Muay để thi đấu và Duy Nhất quyết định đăng ký vì rất mê những đòn thế được tài tử điện ảnh Tony Jaa thực hiện.
"Lần đầu tiên tôi thấy Muay Thái là tại bộ phim Ong Bak của Tony Jaa. Tôi cảm thấy môn này sao thật tương đồng với những thế võ mà cha và mẹ hay dùng đê thi đấu. Vì thế, tôi quyết định thử sức. Quyết định này được bố mẹ tôi vô cùng ủng hộ".
Bắt đầu từ một bộ phim và phần còn lại thì là lịch sử. Bằng nền tảng sẵn có, Duy Nhất làm quen rất nhanh với môn võ mới để rồi trở thành nhân tố chủ lực của đội tuyển. Năm 2007, Duy Nhất lần đầu tiên vô địch quốc gia và thống trị trong suốt thời gian dài. Giới chuyên gia ôm đầu kinh ngạc còn người hâm mộ thì gọi anh bằng danh xưng "Độc cô cầu bại".
Hai năm sau, anh ẵm luôn chiếc HCB tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á được tổ chức ngay trên đất Thái Lan. Tiếp đà thăng hoa, võ sĩ sinh năm 1989 gây tiếng vang cực lớn khi 7 lần vô địch thế giới, giữ trong tay chiếc đai WMF danh giá.
Cuộc hành trình vẫn chưa dừng lại
Thông kê các danh hiệu của Duy Nhất thì dễ, nhưng mấy ai biết anh đã phải bỏ những gì để chạm tới thành công. Cả sự nghiệp, võ sĩ 31 tuổi gặp phải vô vàn chấn thương khác nhau. Nặng nhất phải kể đến lần bị gãy tay năm 2012 và phải nghỉ một thời gian khá lâu. Những lúc như thế, để trở lại như xưa phải cố gắng hơn thường lệ gấp bội, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Rồi chưa kể những lần phải cắt cân trong thời gian cực ngắn để phù hợp với yêu cầu của giải đấu. Như tại SEA Games 2017, hạng cân 60kg của Duy Nhất không tổ chức tranh tài và rồi anh phải cố gắng xuống trọng lượng chỉ để được thi đấu.
"Trở thành một võ sĩ luôn đòi hỏi sự cố gắng không ngừng nghỉ và bạn phải sẵn sàng đương đầu với thử thách", Duy Nhất thừa nhận.
Lại nhắc đến câu chuyện của SEA Games, một trong những nuối tiếc lớn nhất của võ sĩ 30 tuổi cho đến lúc này. Tham dự đều đặn mỗi khi có cơ hội, thế nhưng, Duy Nhất lại chưa từng có vàng. Lần thì bị nước bạn xử ép, lần thì gặp đối thủ quá mạnh. Và đó cũng là lý do Duy Nhất vẫn tiếp tục cống hiến dù từng nhiều lần đứng trên đỉnh thế giới.
Hơn một lần, anh nói: "Bao giờ giành được HCV SEA Games thì tôi mới thôi". Duy Nhất ít khi hứa hẹn điều gì. Một khi anh đã nói thì chắc chắn sẽ làm được.
Bên cạnh nỗi niềm SEA Games, Duy Nhất vẫn còn một ấp ủ khác, một hoài bão lớn, đó là giúp võ thuật Việt vươn ra tầm thế giới, để bạn bè quốc tế biết tới rộng rãi hơn, mang lại nhiều cơ hội hơn cho võ sĩ nước nhà.