Là nhà sáng lập trường "đại học trên mây" FUNiX, kiêm nhiệm chức "ông cố vấn" ở FPT, cựu CEO Nguyễn Thành Nam cho rằng FPT sống được đến nay là nhờ sáng tạo không ngừng, nhưng không phải theo kiểu Facebook.
Anh làm gì trong khoảng thời gian sau khi rời ghế CEO
FPT và trước khi đến với FUNiX?
Thời gian ấy tôi làm hai việc, trong đó một việc có kế hoạch từ trước, một việc không.
Việc có kế hoạch là xây dựng văn phòng trên Hòa Lạc. Khi thôi chức CEO ở FPT, tôi nhận nhiệm vụ làm trưởng ban xây dựng cho FPT Software. Tôi gọi đó là xây nhà.
Việc không nằm trong kế hoạch là sang châu Phi, theo lời mời của đại sứ quán Nigeria. Chuyến đi châu Phi một phần là để mở mang, trải nghiệm thực sự (ra nước ngoài mà), phần khác là để xây dựng một công trình của FPT tại đây. Đây là dự án khá lớn, nên lần đi ấy cũng lâu, kéo dài từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2012 mới kết thúc (thất bại).
Về nước, tôi được đại học FPT nhận để tìm hiểu việc dạy học vì trước giờ chưa từng đứng lớp. Sau đó tôi khởi xướng dự án FUNiX.
Vai trò thực sự của anh ở FUNiX là gì?
Đó là một dự án, có thành viên và có quản trị. Tôi là người đề ra nên giờ "phải" quản trị dự án này.
Từng làm CEO của một công ty, giờ chuyển sang làm quản trị một dự án về giáo dục, anh có thấy khác nhiều không?
Khác rất xa. Cho tới nay, FUNiX vẫn là một dự án rất nhỏ, chỉ có mười mấy người. Nó giống như FPT ban đầu, chỉ có hơn chục người, đóng quân ở 224 Đội cấn, hay như FPT Software ban đầu, chỉ có 12-13 đứa ở Láng Hạ. FUNiX với chúng tôi bây giờ tương tự như thế.
Anh có gặp khó khăn gì không khi trước đó ở Việt Nam hầu
như chưa có công ty nào thành lập trường đại học kiểu đó?
Thực ra Việt Nam có Topica làm giáo dục online từ năm 2007. Thế giới cũng có rất nhiều trường tương tự, thậm chí ở Mỹ có trường còn thành lập từ năm 1986. Điều đó có nghĩa là trên thế giới, rất nhiều người trước FPT tin rằng Internet là một môi trường giáo dục tốt. Sự khác nhau chỉ ở mô hình, thời điểm thực hiện.
Theo tôi, bây giờ là thời điểm thích hợp làm đại học
online. Thứ nhất, Internet ngày nay đã phổ cập. Thứ hai, những công cụ giao tiếp
qua mạng hiện rất tốt về mặt hình ảnh, âm thanh dù ở đường truyền tốc độ thấp.
Nó hỗ trợ việc học trực tuyến rất hiệu quả, với một chi phí rẻ.
Việc dạy học vốn phụ thuộc vào thầy giáo, không phải vào trường. So sánh một cách hình ảnh, trường đại học xưa giống như một đoàn văn công, còn thầy cô là những ngôi sao của đoàn. Nếu ngôi sao muốn biểu diễn, họ sẽ phải thông qua đoàn. Nhưng càng ngày, ngôi sao càng có quyền quyết định hơn, họ có quyền làm việc độc lập, và giờ đây có thể tự ký hợp đồng mà không cần thông qua đoàn nữa.
Tương tự, trước đây, một giáo sư đại học phải thuộc một trường nào đó thì mới oách, nhưng giờ đây không cần trường. Đó là một cuộc cách mạng trong giảng dạy bởi các giáo sư sẽ đưa bài giảng về mức độ cá nhân hóa. Cùng khung nội dung, học viên sẽ thấy khác khi nghe giảng của thầy A hay thầy B…, chứ không quan trọng đó là thầy của trường nào.
Khi tôi thành lập FUNiX, tôi đã nói chuyện với Topica rất nhiều, thậm chí sang tận Mỹ để xem, học hỏi các trường online phát triển trước đó. Nhìn sâu vào giáo dục, cách dạy một thầy một trò đã được lịch sử chứng minh là tốt nhất, áp dụng từ thời Khổng Tử, Aristotle…. Ngày nay, công nghệ tạo nên cơ hội cho chúng tôi làm được điều đó.
Tất cả những ai muốn học đều là đối tượng của FUNiX.
Tôi quan niệm, trong giáo dục, sự học quan trọng hơn sự dạy. Nếu có nhu cầu muốn
học, thì bạn có thể học từ bất kỳ ai. Tôi cũng không gọi FUNiX là ngôi trường,
mà gọi là "The FUNiX way", tức một cách học kiểu FUNiX.
Dành nhiều tâm huyết đến vậy cho một dự án về giáo dục, mục tiêu của anh là gì?
Câu hỏi này chẳng khác gì câu "Anh Nam ăn để làm gì?". Tôi làm vì phải làm.
Tôi nghĩ, trong cuộc sống cần sáng tạo, công việc thì luôn phải sáng tạo. Đi làm cũng là để kiếm tiền, nhưng cái chính là bởi nếu không lao động, con người sẽ thoái hóa. Vậy nên tôi muốn làm cái gì đó mới trước hết là cho chính bản thân mình.
Người ta nói "cờ ngoài bài trong", người ở trong không đôi khi không nhìn ra lời giải, tôi có lợi thế tham gia giáo dục muộn nên tôi có thể thấy nước đi đó sáng. Còn có sáng thật hay không thì phải đợi thời gian!
Làm cố vấn sáng tạo ở FPT, anh có thực quyền không?
Không. Ở trường đại học, tôi bận túi bụi còn làm được gì nữa. Hơn nữa, cố vấn thì làm gì có quyền. Cố vấn tức là người ta hỏi thì trả lời. Mà với tôi, chuyện quyền cũng không quan trọng.
Nhiều sếp FPT trước là nhân viên của anh, nếu anh cố vấn mà họ không nghe thì anh có bực mình?
Sao phải bực! Trước mình còn trẻ, mình là bố trẻ con. Giờ mình già rồi phải dựa vào chúng nó chứ, có gì phải bực mình.
Dù là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, nhưng FPT bị nhiều người đánh giá chỉ còn muốn kiếm tiền giỏi hơn chứ không còn khát vọng trở thành một điều gì đó như Facebook, Google. Với vai trò là cố vấn sáng tạo của tập đoàn, anh nghĩ sao về điều này?
FPT là công ty dịch vụ công nghệ. Nhiều người nói FPT không giống như Facebook. Đúng, điều đó là hiển nhiên và chẳng có gì là xấu. FPT đã đủ trưởng thành để không viển vông bắt chước Facebook.
Chúng ta đang hiểu sai về sáng tạo. Pha một cốc cà phê cho ngon, thậm chí pha cho đúng chất cà phê thực đã là sự sáng tạo, nhưng ít người để ý tới điều đó.
Mọi người chỉ để ý tới những thứ hào nhoáng, quan tâm tới những công ty kiểu Mỹ, kiểu Silicon Valley, loanh quanh chỉ Facebook, Google. Thực ra, thế giới chỉ có một hai công ty như vậy, nhưng đó không phải giới hạn hay tiêu chuẩn của sáng tạo.
Sáng tạo có ở mọi lúc mọi nơi. Một con người đang sống phải sáng tạo hàng ngày. Một tổ chức đã phát triển chắc chắn phải có sáng tạo. Nghịch lý giờ đây là những công ty startup hầu như không tạo ra giá trị gì thì được tung hô, còn người cuốc đất, trồng cây, xây đường, xây nhà… thì bị hạ xuống, coi như công nhân chân tay.
Vậy FPT liệu đã quá to để sáng tạo mang tính đột phá?
Có những lĩnh vực rất khó có sáng tạo đột phá, chỉ cần mỗi ngày tốt hơn một chút đã là rất tốt. Ví dụ như mảng hạ tầng viễn thông. Nhưng có những lĩnh vực có khả năng đột phá tốt, ví dụ như giáo dục, đó là điều đại học FPT và FUNix đang làm. Tôi nghĩ, 10-15 năm nữa, những trường nào không làm giáo dục online sẽ là trường kém, lạc hậu, trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Những thay đổi lớn lao mà các trường đại học FPT đang làm có thể cả người ở trong lẫn ở ngoài khó nhận thấy. Trong trường đại học FPT, chúng tôi có dạy những thứ gọi là Personal Development, tức là những môn học để phát triển bản thân, như học đánh nhạc cụ dân tộc, cũng là điều khiến nhiều sinh viên phải đặt câu hỏi: "Vì sao làm lập trình lại phải học đàn?"
Nhưng rõ ràng, trong thời đại toàn cầu hóa, khi giao lưu với thế giới, cái yếu kém có thể thông cảm được là không hiểu văn hóa của nước bạn, còn cái xấu hổ nhất là không hiểu văn hóa của chính mình.
Sau những câu chuyện về kỹ thuật, khi đi ăn uống giao lưu, người Việt có thể hát 10 bài dân ca không? Có thể lôi đàn bầu ra đánh bài "The Blue Danube" khiến bạn bè quốc tế sẽ phải ồ lên hay không? FPT đang làm việc đó, FUNiX cũng vậy.
FPT tiến ra nước ngoài bằng cách đầu tư vào bán hàng ở
các nước phát triển hàng đầu thế giới về công nghệ. Trong khi đó, một công ty
nhà nước khác lại đi từ những thị trường gần như kém phát triển nhất thế giới.
Kết quả là lợi nhuận công ty kia còn cao hơn doanh thu FPT (2 tỷ USD). Vậy chiến
lược của FPT có phải là sai?
Đối với người làm kinh doanh, chỗ nào có cơ hội thì nhảy vào, không quan trọng phân biệt nước giàu nước nghèo, châu Âu hay châu Phi. Vì sao các doanh nghiệp nước ngoài giờ nhảy nhiều vào Việt Nam kinh doanh? Vì cơ hội ở Việt Nam có, có vấn đề để doanh nghiệp giải quyết.
Tất nhiên, đi đâu kiếm được nhiều cơ hội là bài toán mà doanh nghiệp phải tự tính lấy, tự lựa chọn dựa trên lợi thế của mình.
Điều quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm thị trường không nằm ở chuyện "đi đâu?" mà là chuyện "ai sẽ đi?". Như việc người nông dân làm ra quả vải, khi tính toán bán hàng thì có người tặc lưỡi: "Thôi, sang Tàu là nhanh nhất". Những người ấy khi nghe chuyện bán sang Mỹ, họ sẽ bảo cái đó vừa khó, vừa không phải việc của mình. Vậy nên chỉ những anh giỏi nhất mới sang Mỹ, và đạt được thành công.
FPT giờ khác gì so với thời anh còn làm ở đó?
Tôi không quan tâm lắm đến chuyện ấy. Tôi thích tập trung vào việc mình làm.
Sau khi nhân viên hát chế giục anh Bình về hưu, hôm sau anh lại viết bài trên trang cá nhân nói về chuyện "FPT không còn Trương Gia Bình". Anh có mục tiêu gì khi viết như vậy?
Hát một bài đâu cần phải có mục tiêu!
FPT từng nhiều lần viết nhạc chế về anh Trương Gia Bình rồi. Bài đầu tiên là "Gia Bình đánh Tây", hát vào năm 1992.
Thời ấy, FPT có giáo sư Nguyễn Văn Đạo, thầy của anh Bình, là "bà đỡ" của FPT và sau này là người thành lập nên trường đại học FPT. Khi nghe chúng tôi hát bài "Gia Bình đánh Tây", giáo sư có nói với anh Bình rằng: "Người ta phải phải yêu sếp lắm mới chế được bài hát".
Ngày nay cũng thế. Ở FPT mà được chế lời thì cũng chỉ có vài người, đều là những nhân vật truyền cảm hứng. Như xưa tôi có nói anh em chế cho tôi một bài, nhưng người ta nói: "Anh không đủ tạo cảm hứng". Người ngoài nhìn việc ấy thấy nặng nề, nhưng bên trong không ai nghĩ điều đó nặng nề cả.
Thực ra, chuyện hát nhạc chế với FPT cần được hiểu nôm na như thế này. Văn hóa STCo và lãnh đạo quản lý của FPT thì giống như Hollywood và Nhà Trắng. Hai mặt này vốn chẳng liên quan gì đến nhau cả. Chúng ta cứ xem phim Hollywood mà suy ra là Nhà Trắng
đang nghĩ thế. Nhưng thực tế, Nhà Trắng đâu có nghĩ như Hollywood.
Ở FPT luôn có những người mang đậm tính nghệ sĩ, nói thứ họ thích, và có những người lãnh đạo thỉnh thoảng đi xem, thỉnh thoảng không, cũng chẳng quan tâm, chẳng phản đối. Lại còn có người hỏi lãnh đạo FPT có tức không? Khả năng lớn là chính lãnh đạo cũng không biết vụ ấy.