1. Năm 2017 ghi nhận một câu chuyện lạ, về một sản phẩm quen của người Việt - hộp cao Sao Vàng. Từng có thời là thứ mọi gia đình Việt đều phải có, thì nay có đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó lòng tìm nổi hộp cao chỉ có giá bán 2.000 đồng này trên đất Việt.
Tuy nhiên, ở nước ngoài thì lại là câu chuyện khác. Người ta rầm rộ kháo nhau mua cao Sao Vàng của Việt Nam, với giá đắt gấp... 80 lần giá bán trong nước, và trên các trang bán hàng online như Amazon hay eBay, tình trạng "cháy hàng" là thường xuyên, dẫu có nguồn hàng từ Việt Nam không thiếu.
Theo suy đoán của nhiều người, sở dĩ mặt hàng được coi là "lạc hậu" ở Việt Nam này hút hàng ở nước ngoài, là bởi ngoài đặc tính nhỏ gọn, dễ mang theo người, nó còn có hiệu quả thực tế và rất trực quan, nên "khách Tây" chẳng hề ngại khi bỏ đến 7 USD ra mua, dẫu cho món hàng ấy ở Việt Nam chỉ có giá chưa đầy 0,1 USD.
Được miễn phí tiền ship, giá cao Sao Vàng được rao là 7,20 USD mỗi hộp.
Nhỏ gọn mà hiệu quả, đấy ắt hẳn cũng là cảm nhận của người Nhật với cầu thủ được mệnh danh là "Messi Thái Lan" Chanathip Songkrasin, bởi bước sang mùa giải 2018, CLB Sapporo Consadole nâng lương cho cầu thủ người Thái chỉ cao có 1m57 này lên đến 1/3 triệu USD/năm, dù cho Chanathip chỉ mới chơi bóng ở đây có nửa mùa.
Cũng đúng thôi, bởi hiệu quả mà tiền đạo người Thái mang lại cho đội bóng Nhật Bản là điều không thể bàn cãi khi giúp Sapporo Consadole từ vị trí ngấp nghé xuống hạng vọt lên xếp thứ 11, cao nhất trong lịch sử của CLB này ở J-League 1.
Điều đáng nói nhất trong thành công của Chanathip Songkrasin là đáng ra cầu thủ này đã sang Nhật năm 2016, nhưng rốt cuộc anh ở lại Thái Lan để "đủ cứng cáp", với lời tư vấn chính xác từ CLB chủ quản.
Chanathip đang có những bước tiến vượt bậc ở Nhật Bản.
Nếu năm 2016 Chanathip sang Nhật, anh sẽ chỉ là một cầu thủ trẻ ở dạng tiềm năng và rất khó tìm được một suất đá chính, nhưng chỉ 1 năm sau, anh đến với Sapporo Consadole trong tư cách nhà vô địch Thái Lan. Thậm chí SCG Muathong United - CLB chủ quản của chân sút này chờ đến giai đoạn 2 của mùa giải mới cho CLB Nhật mượn Chanathip, bởi sợ khí hậu ảnh hưởng đến phong độ của anh.
Thành công của Chanathip Songkrasin hôm nay và cả tương lai, không chỉ cho riêng anh, mà cho cả nền bóng đá Thái Lan đến từ sự kết hợp của một cầu thủ trẻ có tài với một CLB chủ quản có tâm, có tầm. Nó khiến CLB Nhật Bản sẵn sàng "móc hầu bao" tăng lương cho trình độ và cống hiến của Chanathip, như cái cách "khách Tây" đua nhau mua cao Sao Vàng của Việt Nam.
2. Mùa đông đã đến, mùa của những cung đường phượt Tây Bắc, Đông Bắc nhộn nhịp với những phượt thủ lên đường tìm kiếm vẽ đẹp hoang hoải, đầy mộng mị của những biển mây, những cánh đồng tam giác mạch, những hoa đào, hoa ban, hoa mận, những cột mốc, những đỉnh núi mù sương, những thung lũng ngút ngàn nhìn từ trên cao...
Dùng băng vệ sinh lót giày là một trong những kinh nghiệm thú vị của các phượt thủ.
Trên mạng xã hội, giới phượt thủ sẻ chia với nhau rất nhiều kinh nghiệm, trong đó một trong những kinh nghiệm thú vị và buồn cười nhất là lót giày bằng... băng vệ sinh khi thực hiện những tour trekking.
Quả vậy, ngoài việc có lớp keo dính cố định vào lòng giày, băng vệ sinh giúp những phượt thủ êm chân hơn, chống phồng rộp ở những chỗ chân cọ vào giày, và thấm hút rất tốt mồ hôi, giúp khử mùi.
Hóa ra, ngoài cái tác dụng chính chỉ dùng cho phụ nữ của mình, băng vệ sinh còn được dùng cho việc khác, mà công năng của nó cũng tốt chẳng kém và rất được yêu thích.
Nói cho nhanh, cái thông tin Công Phượng được định giá 70 tỷ đồng, người ta chẳng thể tìm được trên bất cứ báo Thái Lan hay CLB nào nước này đề nghị, mà được suy diễn từ cái giá 3 triệu USD mà bầu Đức "vui mồm" nói ra vài năm trước, nhân với tỷ giá ngoại tệ và làm tròn lên, sau khi đại diện của CLB Thái Buriram United "hết lời khen" chân sút con cưng của bầu Đức.
70 tỷ đồng cho Công Phượng rõ ràng là một mức giá hoang tưởng.
Không khó để nhận ra rằng chẳng hề giống với Chanathip sang Nhật để chinh phục một nền bóng đá ở trình độ cao hơn và bước đầu thành công, Công Phượng cũng như Tuấn Anh, Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc theo một con đường hoàn toàn khác, với mục đích khác, và kết quả cũng khác nốt.
Nếu như Chanathip ra sân 16/17 trận giai đoạn 2 mùa giải 2017 của Sapporo Consadole ở J-League 1, thì số lần ra sân của những Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh ở J-League 2 và L-League trong suốt thời gian thi đấu ở đây chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay... của một bàn tay.
Bù lại, ba cầu thủ của HAGL lại tham gia rất nhiều các hoạt động quảng bá, quảng cáo ngoài chuyên môn. Người hâm mộ chẳng lạ gì hình ảnh Công Phượng hay Xuân Trường đóng bộ chỉnh chu, đeo băng "đại sứ" trên đất bạn nhiều hơn ra sân thi đấu.
Những màn trình diễn của Chanathip Songkrasin trên đất Nhật
Hẳn nhiên, những chuyến xuất ngoại của Công Phượng và các đồng đội không đem lại cho bản thân các cầu thủ, cũng như bóng đá Việt Nam nhiều giá trị về mặt chuyên môn, bởi họ đang được sử dụng với "tác dụng phụ" - quảng bá hình ảnh, như cái cách mà các phượt thủ sử dụng băng vệ sinh khi leo núi.
Bóng đá Thái Lan, Chanathip Songkrasin và cả CLB chủ quản SCG Muathong United đang được hưởng lợi từ chính việc không "bán lúa non", và sự tính toán có lý, có tình, có tính toán kỹ càng ấy giúp bóng đá Thái Lan nâng tầm, giúp trình độ chuyên môn, danh tiếng cũng như thu nhập của Chanathip tăng vọt là điều hẳn nhiên.
Còn với Việt Nam, câu hỏi liệu có nên cho cầu thủ xuất ngoại như bầu Đức từng làm với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh hay không, và liệu Công Phượng có xứng đáng với cái giá 3 triệu USD ngày nào bầu Đức "phát giá" hay không, âu hỏi cũng đã là tự trả lời!