Khi bầu Đức thành “cứu tinh”
Ngày 30.9.2017, CLB Changwon nối dài chuỗi trận kỷ lục không biết mùi chiến thắng ở giải hạng 3 Hàn Quốc lên con số 15: 11 thua và 4 hòa. HLV của CLB này - Park Hang-seo coi như thất bại.
Ngày 11.10.2017, trong ngày HLV Park Hang-seo có mặt ở Hà Nội ra mắt với tư cách là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Changwon không có HLV đã chiến thắng trước Gangneung City. Kết thúc giải hạng 3 mùa 2017, Changwon thắng 5, hòa 8, thua 12; và nếu không chia tay đội sớm để làm HLV trưởng ĐT Việt Nam, có thể ông Park Hang-seo đã bị sa thải.
Ông Park được giới thiệu với gạch đầu dòng đầu tiên với tư cách trợ lý của “Phù thủy” Guus Hiddink ở World Cup 2002, nhưng đó là chuyện của 15 năm trước, còn thì hiện tại, tân thuyền trưởng ĐT Việt Nam đang làm một đội bóng hạng 3 của Hàn Quốc suýt xuống hạng. Tất nhiên, nghi ngờ, thắc mắc là điều không thể tránh khỏi, với một ông thầy mới.
“Lựa chọn số 1 là HLV Nhật Bản nhưng ông này từ chối, nên đến ông Park. Ban đầu, chúng tôi cũng thấy kỳ bởi ông thầy già và có… ngoại hình xấu”. HLV Mai Đức Chung, với tư cách thành viên Hội đồng HLVQG, người lên tạm quyền dẫn dắt ĐTQG đá vòng loại ASIAN Cup 2019 sau khi HLV Hữu Thắng từ chức vì thất bại ở SEA Games 2017, chia sẻ rất thật như thế trên truyền hình sau chức vô địch AFF Cup 2018 của thầy trò HLV Park Hang-seo.
Ông Park không phải lựa chọn hàng đầu của VFF. Theo chia sẻ của người đại diện Lee Dong-jun thì đó là câu chuyện của thời điểm. Vợ HLV Park Hang-seo kết nối để ông có một công việc phù hợp; Lee Dong-jun có thời gian ở Việt Nam, có quan hệ và hiểu thị trường Việt Nam nên gửi hồ sơ xin việc.
Thời điểm đó, sau thất bại của HLV Miura rồi HLV Hữu Thắng, BĐVN khủng hoảng, VFF trong tình cảnh bấn loạn, thế nên nhà môi giới này quyết định “quăng chài” để tìm cơ hội.
Ông Park được chọn bởi VFF, chính xác là bầu Đức với tư cách Phó Chủ tịch VFF. Không phải năm bảy lượt sang Hàn Quốc mời như nhiều người nói, từ thời điểm đặt lên bàn đến lúc chốt thương vụ này chỉ khoảng 1 tuần. Việc bầu Đức cùng PCT Trần Quốc Tuấn, TTK Lê Hoài Anh sang Hàn Quốc thương thảo rồi quyết định, thông báo, mọi thứ âm thầm, mau lẹ và quá bất ngờ.
Mức lương 22.000 USD/tháng cùng với phụ cấp và cả thuế cho HLV trưởng ĐTQG, tính đến hết năm 2018 khoảng 17 tỉ đồng, bầu Đức đứng ra chi trả chứ không phải VFF.
Và đến Việt Nam cùng với Park Hang-seo là một trợ lý khác của HLV Guus Hiddink, HLV Chung Hae-seong với nhiệm vụ “giải cứu” HAGL, với lứa cầu thủ tài năng là sản phẩm đầu tiên mà cũng là duy nhất của Học viện HAGL đào tạo nhưng sau 3 năm ra trường đôn lên đá V.League thì có nguy cơ “chết chìm”:
Cứ rơi rụng dần khi hết tuổi U, những gương mặt tài năng nhất là Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật Bản, Xuân Trường qua Hàn Quốc để “du học” với những bản hợp đồng ầm ỹ, thường xuyên ngồi dự bị nên thui chột và sau 1 năm phải đưa về đá V.League; HAGL có thể mất hết nhất là sau thất bại ở SEA Games 2017; năm 2018 với 2 giải đấu trẻ là giải U.23 Châu Á và ASIAD mà quân HAGL còn đủ tuổi rồi AFF Cup là cơ hội cuối để cứu vãn, thế nên bầu Đức phải hành động.
Ông Đức một tay tác động để cho HLV Miura nghỉ, dựng HLV Hữu Thắng lên và thất bại. Xâu chuỗi lại, quá nhiều dữ liệu để có thể dẫn đến suy đoán về một chiến dịch giải cứu lứa “đám trẻ nhà bầu Đức”.
Thế nên mới có HLV Park Hang-seo, và câu chuyện kỳ lạ để mở ra một trang mới cho BĐVN, với một năm toàn lễ hội từ chức Á quân U.23 Châu Á, hạng Tư ASIAD 18 rồi kết thúc bằng chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 2, sau 10 năm chờ đợi.
Khi HLV Park Hang-seo thành người hùng và một biểu tượng
“Ngồi hút cigar, uống rượu vang và xếp lịch”, dân trong nghề miêu tả như thế về vị thế của Lee Dong-jun những ngày hậu AFF Cup 2018. Tay cò vô danh hôm nào, thất bại trong thương vụ đưa Xuân Trường sang K.League và “mừng như bắt được vàng” nhờ thiết kế được thương vụ đưa HLV Park Hang-seo tới Việt Nam, giờ là VIP.
Để gặp gỡ phải xếp lịch, muốn book PR, làm sự kiện phải xếp hàng và tính trung bình thì cái giá cho mỗi quảng cáo liên quan đến hình ảnh HLV Park Hang-seo phải là 150.000 USD.
Thế mới có chuyện tiếp thị tiếc ông Park lớn tuổi nói không với công nghệ, không dùng mạng xã hội và nếu ông có Facebook, chắc chắn sẽ kỷ lục về like, share với tương tác. Giờ thì chỉ cần “Ngài ngủ gật” post cái ảnh chân dung với chai… dầu gội đầu quảng cáo cũng kiếm bộn tiền.
U.23 Châu Á, ASIAD rồi AFF Cup 2018 - HLV Park Hang-seo làm được quá nhiều cho BĐVN chỉ trong 1 năm. Ông thầy này như có “cây đũa thần” và có thể đánh thức cả nền bóng đá để qua một trang mới, với một vị thế mới. Những gì làm được, ông xứng đáng là “người hùng”. Thậm chí, ở khía cạnh giải cứu niềm tin cho bóng đá Việt, có thể coi ông Park là một “cứu tinh”.
Không chỉ ở Việt Nam và BĐVN, ông thầy lớn tuổi đại diện cho một thế hệ cũ tưởng như hết thời cả về tư duy lẫn cách làm, phong cách, giờ nổi tiếng nhất Hàn Quốc và thậm chí, từ một hiện tượng thì ông phần nào đó như “biểu tượng quốc gia” ở khía cạnh quảng bá văn hóa, con người, đất nước Hàn Quốc.
Lần đầu tiên, bản quyền của AFF Cup bán được cho một quốc gia bên ngoài Đông Nam Á. Nhờ HLV Park Hang-seo của ĐT Việt Nam, Đài Truyền hình SBS mua bản quyền phát các trận đấu. Những kỷ lục lần lượt được xác lập: Trận chung kết lượt đi giữa Việt Nam và Malaysia trên đài SBS, rating trung bình là 18,1%, có thời điểm lên tới 25,3%, kỷ lục đối với một chương trình thể thao tại Hàn Quốc.
Chung kết lượt về tổng rating trên 2 hệ thống của đài SBS (terrestrial TV và cable TV) là 21,9% và để so sánh thì có thể lấy thông số này để đối chiếu: Trận đấu gần nhất của Hàn Quốc gặp Australia tháng 11.2018, rating là 12,6%.
Ước tính, trên 10 triệu người dân Hàn Quốc theo dõi trận đấu trên sân Mỹ Đình, kỷ lục gần 10 năm mới có đối với một chương trình thể thao. Bởi sức hút lớn, SBS quyết định tạm hoãn lịch chiếu phim để phát sóng trận đấu đăng quang của thầy trò HLV Park Hang-seo.
Nếu như sau VCK U.23 Châu Á, trở về Hàn Quốc ông Park được săn đón như một ngôi sao bởi truyền thông, thì sau ASIAD 18, ông là VIP thực sự. Hồi tháng 9.2018, Đại học Hanyang trao tặng giải thưởng Thành tựu cho HLV Park Hang-seo. Và khi chưa cùng ĐT Việt Nam đăng quang, ông là một trong những niềm tự hào với việc nằm trong danh sách “Nhân vật của năm” do Hội Nhà báo Hàn Quốc công bố hôm 13.12.
Tranh của hoạ sĩ Trần Thế Vinh.
Nhưng vẫn chỉ muốn là Park Hang - … “son” của BĐVN
Trả lời nhà báo Jeong Daweo của Sports Seoul, trước thềm ASIAD 2018 HLV Park Hang-seo đã đùa vui: “Bạn hãy thử đến Việt Nam để biết tôi nổi tiếng cỡ nào…”.
Nổi tiếng với việc xuất hiện hình ảnh ở khắp nơi, với hơn 10 hợp đồng quảng cáo lớn và được CĐV treo ảnh, in hình khắp mọi nơi. Thế nhưng ông Park lại nhẹ nhàng với những trải nghiệm và chỉ muốn được tập trung làm việc, làm tốt như hạnh phúc hiện tại: “Tôi rất cảm kích vì được yêu mến. Nhưng sự nổi tiếng rất mong manh như khói, có thể tan biến bất kỳ lúc nào. Đó là điều tôi đã trải qua năm 2002”.
Sau World Cup 2002 với tư cách trợ lý số 1 của “Phù thủy” Guus Hiddink và Hàn Quốc thành “Đệ tứ anh hào”, ông Park đã là người hùng ở Hàn Quốc. Thời điểm đó, ông là ngôi sao với hàng trăm đơn đặt hàng quảng cáo, đóng phim, tham gia sự kiện, talk show…
Thế nên với những gì làm được, nhận được trên cương vị HLV ĐT Việt Nam, ông bình thản đón nhận. Và sau trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 Việt Nam đăng quang với lễ hội bóng đá trên khắp cả nước, trong buổi phỏng vấn riêng với báo chí Hàn Quốc như mô tả là “luôn nhàm chán như mọi khi”, ông thầy này khẳng định mình không phải anh hùng, chỉ là một HLV bình thường.
Bình thường nên ông từ chối hết mọi cuộc giao lưu, hạn chế xuất hiện và ngay sau chung kết bay vào Quảng Nam dự một sự kiện của đối tác Tập đoàn HAGL tổ chức để gặp, cảm ơn bầu Đức. Nghỉ ngơi có 2 ngày, ông lại cùng các học trò tập trung chuẩn bị cho chiến dịch mới mang tên ASIAN Cup 2019, trọng trách lẫn tham vọng còn lớn hơn.
U.23 Châu Á, ASIAD rồi AFF Cup 2018 - HLV Park Hang-seo làm được quá nhiều cho BĐVN chỉ trong 1 năm. Ông thầy này như có “cây đũa thần” và có thể đánh thức cả nền bóng đá để qua một trang mới, với một vị thế mới.
Những "thông số" của Park Hang-seo
“Hồ sơ án phạt”
Trận chung kết lượt về, các trợ lý phải thay nhau can ngăn, kéo ông Park về chỗ khi liên tục tỏ thái độ phản ứng trọng tài và bị nhắc nhở, có nguy cơ bị đuổi lên khán đài. Trước đó, trận hòa 0-0 trên sân Myanmar, do bất bình với cách gây áp lực với trọng tài để phạt thẻ Công Phượng của HLV Antoine Hey và bảo vệ học trò, ông chạy lại cãi nhau tay đôi với đồng nghiệp, sau trận từ chối bắt tay.
Phản ứng dữ dội, đó là đặc trưng có thể coi là hạn chế của ông thầy này, vì khi dẫn dắt các đội bóng ở K.League, HLV Park Hang-seo có hẳn một tập hồ sơ toàn án phạt vì thói quen phản ứng trọng tài.
Triệu chứng IED - Chứng bệnh nổi điên bất thường
“Thỉnh thoảng, ông ấy có cách thể hiện rất buồn cười và ngộ nghĩnh. Nhưng đôi khi, ông ấy đột nhiên giống một gã điên”. Nói về cách biểu hiện và những phản ứng theo kiểu mất kiểm soát cảm xúc, nhiều nhà báo Hàn Quốc theo chân HLV Park Hang-seo sang Việt Nam so sánh ông với tiền đạo Suarez.
Họ cho rằng ông Park mắc chứng bệnh nổi điên bất thường. Đó là lý do ông hay bị phạt do phản ứng thái quá, khi cho rằng bị xử ép khi dẫn dắt các CLB vừa và nhỏ. Tuy nhiên, do lớn tuổi và khi sang môi trường mới là BĐVN, dù có tranh cãi nhưng ông Park đã hòa nhã, tích cực hơn rất nhiều.
Cấm truyền thông nhưng lại cởi mở
Ông Park cấm tiệt các trợ lý tiếp xúc với giới truyền thông và ở BHL thì không một thành viên nào được trao đổi, chia sẻ với báo chí. Đó là lý do dù rất được việc, hỗ trợ nhiều khi mới sang Việt Nam nhưng sau nhiều lần lên báo phát ngôn rồi viết sách, tự truyện, trợ lý ngôn ngữ Anh Khoa không tiếp tục đồng hành ở AFF Cup 2018.
Hầu hết các buổi tập, ông Park đều chỉ cho báo chí tác nghiệp 15 phút rồi đóng cửa. Tuy nhiên, nhiều lần khi điều phối viên ngăn cản thì ông Park lại chủ động yêu cầu để phóng viên Việt Nam phỏng vấn, trao đổi.
“Cánh tay phải” là “người Hàn Quốc trầm lặng”
Khi làm HLV ĐT Việt Nam, yêu cầu đầu tiên của ông Park là kéo theo trợ lý Lee Yong-jin, “cạ cứng” từ thời còn chơi bóng đến khi làm công tác huấn luyện. Với ĐTQG Hàn Quốc, ông Park chỉ có vài lần được gọi trong khi Lee Yong-jin từng dự 2 kỳ World Cup, 51 lần khoác áo ĐTQG. Tuy nhiên, ông Lee luôn tôn trọng và nể phục “đại ca” Park.
Nghiêm khắc và tình cảm
Trong tập luyện, ông Park nghiêm túc đến hà khắc. Tuy nhiên, bên ngoài sân thì ông luôn biết cách gây bất ngờ cho các học trò bởi những trò nghịch ngợm như chọc ghẹo chấn thương Văn Toàn khi xuất cảnh khỏi Kuala Lumpur, ném đồ vào Văn Hậu khi đang ngủ gật ở phòng cách ly sân bay Bacolod.
Buổi tối ở đội, ông thường xuyên mát-xa, đắp mặt nạ dưỡng da kiểu Hàn Quốc cho các học trò. Ông luôn dành sự quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất của các cầu thủ trẻ, thường xuyên vào phòng để có những cuộc nói chuyện riêng với cầu thủ và đưa ra cam kết như lời hứa.
“Nguyên tắc của Park”
Ông Park có 3 nguyên tắc: Thứ nhất, không có bất kỳ ai hay cái gì được nhận đặc cách, trừ bất khả kháng. Thứ hai, bên cạnh nghiêm khắc, tính kỷ luật thì là sự bao dung, độ lượng dành cho nhau trong công việc lẫn cuộc sống. Thứ ba, đó là sự tin tưởng nhau tối đa khi trong một tập thể.
Cầu thị để lắng nghe
Ông Park là người tiếp nhận đề xuất của GĐKT Jurgen Gede, trao cơ hội cho Phan Văn Đức sau màn trình diễn ở giải U.21 QG 2017. Văn Đức trước đó chưa một lần khoác áo đội tuyển trẻ, sau giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên, cầu thủ của SLNA được tập trung phút cuối và trở thành quân bài tẩy ở VCK U.23 Châu Á rồi sau đó đóng vai chính, tỏa sáng ở ASIAD 18, AFF Cup 2018.