2 bàn thua đầu tiên của U22 Việt Nam đều đến sau những tình huống ném biên do Pratama Arhan thực hiện. Thầy trò HLV Troussier có lẽ đã lường trước sự nguy hiểm của các pha bóng như vậy. Nhưng U22 Việt Nam không có một phương án phòng ngự hữu hiệu và phải vào lưới nhặt bóng tới 2 lần.
Bàn thua còn lại bắt nguồn từ một đường chuyền bất cẩn tạo điều kiện cho đội bạn phản công trong thời gian bù giờ. Các cầu thủ U22 Việt Nam lui về khá nhanh nhưng lại tổ chức bắt người tương đối lỏng lẻo và để Taufany sút xa thành bàn.
HLV Troussier thừa nhận điểm yếu của U22 Việt Nam.
Trong cuộc họp báo sau trận đấu, HLV Troussier thẳng thắn chỉ ra điểm hạn chế của các học trò: "U22 Việt Nam đã phải nhận hai bàn thua từ những pha ném biên. Đó là những bàn thua không đáng có. Trước trận đấu, đội đã có phân tích và chuẩn bị về đòn đánh này của U22 Indonesia.
Tuy nhiên dù đã bố trí tới 10 cầu thủ trong vòng cấm nhưng vì thiếu kinh nghiệm và thiếu thực chiến nên bàn thua vẫn đến. Những trận trước đó cũng có những bàn thua không đáng có. Những sai lầm cá nhân này cần thời gian để các cầu thủ cải thiện".
Quả thực, lứa U22 Việt Nam dự SEA Games 32 đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tham dự các giải đấu quốc tế vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Và ở đấu trường V.League, họ cũng có rất ít thời gian trải nghiệm.
Tiền đạo Văn Tùng – tay săn bàn số một U22 Việt Nam với 5 pha lập công – là một ví dụ tiêu biểu. Ở độ tuổi cần được thi đấu thường xuyên để hoàn thiện các kỹ năng và phát triển sự nghiệp, Văn Tùng phải làm bạn với băng ghế dự bị.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, chân sút 21 tuổi chỉ có vỏn vẹn 108 phút ra sân tại V.League cho Hà Nội FC. 108 phút ấy lại chia vào 9 trận đấu khác nhau và có tới hơn một nửa số trận Văn Tùng chưa có nổi 10 phút trên sân.
Văn Tùng được ra sân rất ít tại V.League trong 2 mùa giải gần nhất.
Trong khi đó, Fathur Rahman – tiền đạo số một bên phía U22 Indonesia – có tới 2171 phút thi đấu tại Liga 1 (Indonesia) trong 2 mùa giải gần nhất.
Nhiều người hâm mộ nhắc lại quyết định không tưởng của bầu Đức cách đây gần 10 năm khi đưa toàn bộ lứa cầu thủ U19 với những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh… lên đội một HAGL.
Kế hoạch đầy mộng mơ ấy đã không thể đạt được cái đích là tạo dựng nên một thế lực đủ sức tranh chức vô địch V.League. Quyết tâm giành HCV SEA Games cũng 2 lần phải chịu những thất bại cay đắng vào các năm 2015 và 2017.
Nhưng những kinh nghiệm quý giá ở sân chơi chuyên nghiệp đã tạo ra nền tảng để các cầu thủ HAGL góp công lớn trong kỳ tích Thường Châu, mở ra một giai đoạn vô cùng thành công trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Và niềm cảm hứng từ bước đi đầy mạo hiểm của bầu Đức mở ra một giai đoạn mà hàng loạt lò đào tạo khắp cả nước cho ra lò những ngôi sao trẻ đóng vai trò quan trọng trong 2 tấm HCV bóng đá nam SEA Games liên tiếp.
Quyết định mạo hiểm của bầu Đức góp phần mở ra một giai đoạn đặc biệt của bóng đá Việt Nam với hàng loạt ngôi sao trẻ trưởng thành từ các lò đào tạo khác nhau.
Trở lại hiện tại, không dưới một lần HLV Troussier bày tỏ hi vọng các học trò thuộc độ tuổi U22 được tạo cơ hội nhiều hơn tại V.League. Nhưng nhà cầm quân người Pháp hiểu rằng các CLB cũng có cái khó của mình. Họ mang sức ép thành tích và nhiều trường hợp buộc phải lựa chọn những cái tên kỳ cựu thay vì các tài năng trẻ.
Ngay cả ở HAGL – CLB khởi đầu cho cuộc "cách mạng bóng đá trẻ" năm xưa – HLV Kiatisuk cũng chưa thể trao nhiều cơ hội thi đấu cho các cầu thủ U23. Và rồi vấn đề mà HLV Troussier đặt ra hiện giờ vẫn đang là một bài toán khó tìm lời giải.