Nếu bạn vẫn còn căm ghét VAR, hãy nhớ lại những scandal rúng động World Cup này

Nam Khánh |

Trong một vài trường hợp, VAR có thể gây khó chịu. Nhưng nhờ có VAR, rất nhiều bất công trong bóng đá sẽ được xóa bỏ.

1. Vào ngày 17/8, các cổ động viên của Spurs đã hát vang khắp khán đài sân Etihad một bài hát được sáng tác một cách ngẫu hứng, khi bàn thắng có thể giúp Manchester City giành trọn 3 điểm vào những phút cuối bị trọng tài từ chối.

Nhưng nếu các cổ động viên của Spurs xem VAR là một phép màu, một “vị thần” xứng đáng được sùng kính, thì cũng có nhiều người khác cho rằng, nó chẳng khác gì một sản phẩm của Ác Qủy cả. Daniel Murphy, một chuyên gia bóng đá Anh đã viết rằng: “Nó phá hỏng cái kết hoàn hảo nhất của một trận đấu tuyệt vời.”

Lời bình luận trên cũng giống với ý kiến của huấn luyện viên trưởng của Wolves, Nuno Espírito Santos, khi đội bóng của ông lâm vào hoàn cảnh tương tự Man City trong cuộc đối đầu Leicester, với lập luận rằng, hành động trì hoãn việc đưa ra quyết định cuối cùng để chờ kiểm tra VAR là “phá hoại bầu không khí, khiến các cầu thủ phải ăn mừng một bàn thắng không được công nhận”.

Đã xuất hiện nhiều cuộc bàn luận về việc VAR đang phá hoại bầu không khí, giết chết cảm xúc của bóng đá và khiến các bàn thắng chỉ còn là một khoảnh khắc tạm thời, bởi vì việc họ có được ăn mừng hay không sẽ phụ thuộc vào những xem xét, phân tích các thông tin đến từ bên ngoài sân.

Nếu bạn vẫn còn căm ghét VAR, hãy nhớ lại những scandal rúng động World Cup này - Ảnh 1.

Có rất nhiều người mang tư tưởng cực kì ghét VAR, Gabriel Jesus là một trong số đó

2. Tuy nhiên, vào lúc này, tất cả mọi người cần phải bình tĩnh. Hãy tự hỏi bản thân và nhớ lại rằng, tại sao chúng ta lại có VAR. Nó đã xuất hiện sau nhiều năm trời những sai lầm nghiêm trọng của các trọng tài được phơi bày trong các video quay chậm trên TV.

Hãy nhớ lại trận lượt về của vòng play-off vòng loại World Cup giữa Pháp và Ireland tại Stade de France vào năm 2009. Trong hiệp phụ, Thierry Henry đã dùng lòng bàn tay để khống chế bóng sau một cú đá phạt, trước khi chuyền ngang sang cho William Gallas ghi bàn thắng quyết định, khiến Ireland phải tạm biệt giấc mơ World Cup trong sự tức tưởi.

Nếu bạn vẫn còn căm ghét VAR, hãy nhớ lại những scandal rúng động World Cup này - Ảnh 2.

Bàn tay của Henry đưa Pháp vào VCK World Cup

Hành vi đó trái với tinh thần của bóng đá, cả thế giới đều sẽ đồng ý với quan điểm này – ngoại trừ những cổ động viên của đội tuyển Pháp đang ăn mừng trong sự phấn khích tột cùng.

Các cầu thủ Ireland đã chạy theo trọng tài một cách vô vọng để thuyết phục ông “thay đổi quyết định” của mình. Họ sẽ không hề suy nghĩ: “Ồ, liệu điều đó có ‘phá hoại bầu không khí’ của trận đấu không nhỉ?” Họ cũng chắc chắn không hề lo lắng về việc mình có thể giết chết đi cảm xúc hân hoan của các cổ động viên đội nhà.

Một ví dụ khác, nổi tiếng hơn: Kì World Cup 2002 được đồng tổ chức bởi Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hãy nhớ rằng World Cup chính là đỉnh cao của bóng đá, một giải đấu được theo dõi bởi hàng tỷ người trên thế giới, một đấu trường thể hiện những gì tốt đẹp nhất, tinh hoa nhất mà mọi cầu thủ và trọng tài đều khao khát được tham gia, và là một hình mẫu cho phần còn lại của thế giới bóng đá.

Tại kì World Cup năm đó, Hàn Quốc, với sự cổ vũ cuồng nhiệt từ các cổ động viên của họ, đã đối đầu với Tây Ban Nha trong trận tứ kết. Một thất bại là cái kết rất hợp lý cho Hàn Quốc trước một đối thủ đáng sợ như vậy.

Thế nhưng, trên thực tế, họ đã giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu, bởi vì cả 3 bàn thắng mà Tây Ban Nha ghi được – hợp lệ một cách rõ ràng – đều đã bị từ chối công nhận.

Nếu bạn vẫn còn căm ghét VAR, hãy nhớ lại những scandal rúng động World Cup này - Ảnh 3.

Tây Ban Nha thất vọng sau khi thua đau Hàn Quốc

Bàn đầu tiên đã bị trọng tài Gamal Ghandour từ chối vì những lý do rất mơ hồ, bàn thứ hai là vì một tình huống bắt việt vị hoàn toàn sai lầm và bàn thứ ba là vì quả bóng – rõ ràng vẫn đang ở trong sân - bị cho là đã lăn qua khỏi đường biên ngang trước khi được tạt vào trong cho Fernando Morientes đánh đầu. Đã có rất nhiều quyết định chống lại Tây Ban Nha trong trận đấu đó, một scandal thật sự.

Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trong trận đấu với Tây Ban Nha vẫn còn chưa gây tranh cãi bằng trận đấu trước đó của Hàn Quốc, khi họ đối đầu với Italia tại vòng knock-out.

Chỉ sau 3 phút bóng lăn, trọng tài người Ecuardo, Byron Moreno, đã cho Hàn Quốc được hưởng một quả penalty, sau khi Seol Ki-hyeon ngã xuống vòng cấm vì một nguyên nhân bí ẩn. May mắn thay, Gianluigi Buffon đã cản phá được pha phạt đền này.

Moreno đã tiếp tục đưa ra những quyết định không thể hiểu nổi, tất cả chúng đều có lợi cho Hàn Quốc. Paolo Maldini đã bị sút mạnh vào đầu, còn Alessanro Del Piero thì bị đánh vào mặt bằng khuỷu tay, nhưng không hề có một thẻ phạt nào được rút ra cho sự thô bạo của Hàn Quốc.

Sau đó, Francesco Totti đã bị đuổi khỏi sân với việc phải nhận thẻ vàng thứ hai, vì lỗi ăn vạ, dù cho rõ ràng là anh đã bị vấp ngã. Và trong hiệp phụ, Damiano Tommasi đã bị từ chối một bàn thắng hoàn toàn hợp lệ vì bị cho là đã việt vị.

Nếu bạn vẫn còn căm ghét VAR, hãy nhớ lại những scandal rúng động World Cup này - Ảnh 4.

Trọng tài Moreno đã thiên vị Hàn Quốc trong trận đấu với Italia tại World Cup 2002.

Trong cả hai trận đấu trên, các cổ động viên Hàn Quốc đều đã được tận hưởng niềm vui sướng ngất ngây nhờ những quyết định thiên vị của trọng tài.

Vậy, liệu việc vạch trần những quyết định sai lầm nghiêm trọng kia và buộc các trọng tài điều hành những trận đấu đó phải thay đổi lại chúng có phải là “giết chết cảm xúc của bóng đá”, là “phá hoại bầu không khí của trận đấu”?

Tạm gác sự thất vọng của các cầu thủ Tây Ban Nha và Italia – những người đã đổ bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt để được đặt chân đến đấu trường này – sang một bên, và nghĩ về sự hả hê, sung sướng của những cổ động viên người Hàn Quốc. Rõ ràng việc ngăn chặn những thứ cảm xúc sai lệch đó mới chính là “tinh thần của bóng đá.”

Vâng, VAR có lẽ đã gây ra một số gián đoạn trong các trận đấu và nên được vận hành nhanh hơn; Vâng, có lẽ “luật dùng tay chơi bóng mới” là nghiêm khắc quá mức và cần phải được điều chỉnh lại một chút. Nhưng sẽ thật ngu ngốc nếu đánh đồng những vấn đề riêng biệt này với các chỉ trích và yêu cầu liên quan đến vấn đề cảm xúc của các cổ động viên.

Phần lớn các bàn thắng được ghi trong mùa giải này và màn ăn mừng đi kèm với chúng đã không bị phá hủy bởi VAR.

Và trong khi thật không may cho các fan của Man City khi niềm vui sướng của họ đã bị “giết chết” một cách thô lỗ, thì hãy dành một chút thời gian để nghĩ đến niềm vui và sự nhẹ nhõm mà các cổ động viên Spurs đã được tận hưởng. Họ hoàn toàn xứng đáng với cái cảm xúc đó.

Có kẻ vui sướng thì sẽ có kẻ phải thất vọng. Có kẻ hát hò ca ngợi VAR, thì cũng có kẻ phải gào to “VAR thật khốn kiếp”. Chẳng phải đó cũng chính là “tinh thần của bóng đá” sao?


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại