Cuộc đời Inoue không liên quan đến xã hội đen và nghèo khó!
Trong thế giới nơi thị phi đảo lộn, các võ sĩ sống và “hút trend” - gây dựng tên tuổi không chỉ bằng chiến thắng trên sàn đài mà chửi bới xúc phạm đối thủ trên mạng xã hội, gây chiêu trò, liên kết với “xã hội đen” hoặc thật sự nỗ lực vươn lên từ bóng tối và nghèo đói, thì tạo hình của Naoya Inoue có gì đó quá nghiêm túc và “buồn tẻ”.
Ở anh, không hề có sự nghèo đói và những trận “cạch tay đôi” trên đường phố như của Manny Pacquiao; không có cả những trận chiến vì tiền trong các CLB “ngầm” như là của Julio Cesar Chavez - nơi kết cục có thể diễn ra với một vụ đâm dao hay đấu súng; và không có cuộc sống trong đồn điền thu hoạch bông như của Sonny Liston; cũng không có tuổi thơ tại Bronx đầy xã hội đen và bạo lực như của Mike Tyson.
Thậm chí, ở anh cũng chẳng có những câu chuyện hoang đường và thêu dệt, như là truyền thuyết về việc Muhammad Ali ném chiếc huy chương Olympic xuống hồ; Mayweather Jr lớn lên trong nghèo khó (dù là cha anh này buôn ma túy, Mayweather Jr vẫn được người thân dạy dỗ đàng hoàng và từ sớm có một người quản lý rất giàu có). Với nhiều quyền thủ, võ sĩ quyền Anh, vươn khỏi nghèo khó luôn là một câu chuyện dẫn lối truyền cảm hứng.
Ở Inoue, chẳng có thứ gì như vậy cả. Đó không hẳn là lỗi của anh, hay lỗi của cha anh. Đó là lỗi người những người quảng bá, và quản lý của anh nữa. Đôi khi, đó là lỗi của cả nền văn hóa Nhật Bản - mang đậm chất khiêm tốn - trầm lắng kiểu phương Đông. Khi PR đang được rao giảng như là một ngành học riêng biệt, điều đó lại chẳng liên quan chút gì đến Inoue cả.
Hình ảnh không có gì để... quảng bá
Thậm chí, Inoue hiếm khi trả lời phỏng vấn tâm sự về cuộc sống cá nhân, dù điều này cũng là bình thường. Gennady Golovkin, “đại kình địch một thời” của Canelo Alvarez cũng hầu như không chia sẻ chi tiết về cuộc đời mình, nhưng anh thu hút đám đông khán giả của nước ngoài với Big Drama Show khi anh vừa qua tuổi 30 và kiếm cả chục triệu đô từ nó.
Nếu Inoue không có đời tư đặc sắc, người ta chỉ còn cách quảng bá hình ảnh của anh dựa trên năng lực chiến đấu “bá đạo” trên sàn đài. Chỉ nặng hơn 50kg một chút, nhưng mà lực quyền của Inoue là thứ đáng để quảng bá. Đến thời điểm này, anh cũng đã thắng đến 24 trận KO/tổng số 27 trận đấu toàn thắng. Nhưng xây dựng hình ảnh thế nào, phải đi đúng đường.
Đó là điều “Ông bầu lão làng” Bob Arum đã không làm được. Ban đầu, ông này muốn dựng xây hình tượng Người anh hùng Nhật Bản trên đất Mỹ, vì ở Xứ sở Cờ Hoa, hiện có đến 1,6 triệu người Nhật đang sinh sống. Thất bại! Đến thời điểm Covid, “bầu” Arum xoay chuyển, đưa Inoue quay về Nhật Bản. 4 năm trôi qua, anh vẫn chỉ thượng đài ở quê nhà vì các nhãn hàng ở Mỹ không quan tâm đến anh. Và anh vẫn không học tiếng Anh.
“Phiên bản lỗi” của Pacquiao?
“Bầu” Arum từng có tham vọng dựng Inoue lên thành tượng đài, như những gì ông làm với Pacquiao. Nhưng sẽ không có người thứ 2 giống như võ sĩ huyền thoại người Philippines được. Ở Inoue, đa phần các chuyên gia nhìn thấy được những chiến thắng áp đảo kiểu một màu. Anh thắng nhanh, thắng sớm và không hề tạo ra kịch tính với khán giả cần thấy.
Đường đi của Inoue cũng quá suôn sẻ, không “vượt thác, vượt ghềnh” như là của Pacquiao, người nhiều lần đeo đai vô địch thế giới ở nhiều hạng cân khác nhau, nhưng cũng có không ít lần phải chịu thất bại cay đắng, thậm chí gân cổ tranh cãi với đối thủ về việc “bị ăn cắp chiến thắng” ở một số kết quả đáng nghi ngại.
Thậm chí, bộ pháp thi đấu, khả năng ra đòn của Inoue cũng bị đánh giá là kém đẹp mắt, dù anh xuất xứ từ đất nước có nền võ thuật truyền thống đầy màu sắc. Ngược lại, Pacquiao thi đấu rất đẹp mắt và có các động tác cuốn hút. Anh bật hai chân, chuyển hướng tấn công với các góc cắt, né đòn rồi hạ gục đối thủ.
So với "Người hùng" Pacquiao vốn mang đậm chất con người vượt qua mọi khó khăn, chống chọi với nghịch cảnh, Inoue bị đánh giá chỉ là "Rô bốt được lập trình sẵn", không mắc sai lầm và hạ gục đối thủ một cách đầy nhàm chán. Nhiều chuyên gia cũng có đánh giá, các “bại tướng” của Inoue đa phần là vô danh. Ngược lại, nếu anh thua, chắc cũng không có gì to tát?
Chiến thắng gây hứng thú trước Nery, bảo vệ ngôi "Minh chủ"
Sao cũng được, có mấy ai “nhất thống giang hồ” hạng cân của mình, rồi bảo vệ thành công ngôi vị “Minh chủ” như của Inoue hôm thứ Hai rồi? Chuyện đó, không phải ai cũng làm được - ngay cả Pacquiao huyền thoại. Và Inoue đã làm được bằng một chiến thắng kịch tính nhất từ trước đến nay trong sự nghiệp của anh.
Bước vào võ đài dưới nền nhạc “Kill Bill” (do nhà soạn nhạc Nhật Bản, ông Tomoyasu Hotei, viết - cũng chính ông này đánh guitar khi Inoue bước vào sàn đài bên trong Tokyo Dome), thì trận đấu lại khởi đi với bất ngờ khó tin. Inoue bị đấm knock-down ngay ở hiệp 1 bởi một cú móc trái. Đây là lần đầu tiên, Inoue chịu knock-down trong sự nghiệp.
Nery tận dụng thời cơ trong quãng thời gian của hiệp 1, cả hiệp 2 lẫn cả hiệp 3, nhưng không thể tạo ra đột biến hơn nữa. Để rồi, từ hiệp 3 trở đi, Inoue bắt đầu tung ra màn thi đấu “out trình” đối thủ. Không rõ có phải vì đã nhận được tư vấn của “ông bầu” của HLV, Inoue đã có màn thi đấu kết hợp với biểu diễn ngoạn mục.
Đôi khi, anh đưa mặt mình ra, chỉ chỉ vô mặt dụ Nery tung đòn tất công, để rồi nhanh nhẹn tránh né. Đôi khi, anh thoải mái quay lưng bước đi, để hở cả thân người rồi đột nhiên quay ngược người ra đòn “hồi mã quyền” khiến Nery giật bắn. Và cái kết chính là một cú móc phải khiến đối thủ ngã ngửa ra sàn đài, đánh rơi cả miếng bảo vệ răng...
Bị hạ knock-down, đứng dậy, phản kích, biểu diễn và thắng KO đối thủ. Chào mừng Inoue đến với thế giới đánh quyền sôi động và thu hút người xem!
Hình ảnh - video chiến thắng ngoạn mục nhất của Inoue