Naomi Osaka và cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc

HUYỀN MAI |

Những chiếc khẩu trang mang thông điệp chống nạn phân biệt chủng tộc trong suốt hành trình tại US Open 2020 khiến Naomi Osaka trở thành nhà vô địch đặc biệt nhất của giải Grand Slam trên đất Mỹ.

Rạng sáng 13/9, tay vợt nguời Nhật Bản Naomi Osaka ngược dòng, đánh bại cựu số 1 thế giới Victoria Azarenka (Belarus) với tỷ số 2-1 (1-6, 6-3, 6-3) sau gần 2 giờ để đăng quang US Open 2020. Đây là chức vô địch US Open thứ hai (lần đầu năm 2018) và danh hiệu Grand Slam thứ ba trong sự nghiệp của tay vợt 22 tuổi.

Hạt giống số 4 cho biết, cô đã buộc phải điều chỉnh suy nghĩ theo hướng tích cực, sau khi nhận thất bại chóng vánh 1-6 chỉ sau 26 phút, rồi bị dẫn trước 3-0 trong set thứ 2, nhưng đã chiến đấu quật cường để giành chiến thắng chung cuộc trước cựu số 1 thế giới. 

“Tôi sẽ rất xấu hổ nếu thua trận này trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, nên tôi đã cố gắng hết sức và không nghĩ về những điều tồi tệ nữa”, Osaka chia sẻ bí quyết lội ngược dòng thành công. 

Đã 25 năm trôi qua kể từ khi một tay vợt nữ thua set đầu tiên trong trận chung kết US Open, nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc. Trước Osaka, Arantxa Sanchez Vicario làm được điều đó khi đánh bại Steffi Graf hồi năm 1994.

Osaka sinh năm 1997 tại Nhật Bản. Mẹ cô là người Nhật, còn cha là người Haiti. Năm 3 tuổi, cả gia đình Osaka chuyển đến Mỹ. Osaka, sinh sống tại California, đến với US Open với mục tiêu trở lại ngôi vương, nhưng quan trọng hơn, cô muốn góp tiếng nói chống phân biệt chủng tộc đang hoành hành ở Mỹ. 

Xuyên suốt hành trình tại US Open 2020, Osaka đã đeo 7 chiếc khẩu trang khác nhau ở mỗi vòng đấu. Điểm đặc biệt là mỗi chiếc khẩu trang đều in tên của một nạn nhân da màu người Mỹ, với thông điệp chống nạn phân biệt chủng tộc. 

Chiếc khẩu trang đầu tiên in tên Breonna Taylor - một phụ nữ da màu bị cảnh sát bắn chết tại Louisville, Kentucky. Tiếp đến là Elijah McClain, Trayvon Martin, Ahmaud Arbery, George Floyd, Philando Castile và cuối cùng là Tamir Rice, một cậu bé da màu 12 tuổi bị cảnh sát hại chết ở Ohio năm 2014.

Tháng trước, Osaka tham gia chiến dịch tẩy chay thi đấu của các VĐV Mỹ để phản đối sự bất công về chủng tộc và lên án các cuộc bạo lực của cảnh sát đối với người da màu ở Mỹ, bằng cách rút lui khỏi trận bán kết Western và Southern Open. HLV Wim Fissette của cô cho biết, chính cuộc đấu tranh này đã giúp Osaka được tiếp thêm năng lượng và tinh thần thi đấu trong các trận đấu.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại